Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI
giải thích về ý nghĩa của Tam Nhật Thánh
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI giải thích về ý nghĩa của Tam Nhật Thánh.
Tin Vatican (Vat 12/04/2006) - Lúc 10 giờ 30 phút sáng thứ Tư, ngày 12 tháng 4 năm 2006, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã tiếp kiến chung khoảng 20 ngàn tín hữu, tại quảng trường Thánh Phêrô, Roma, và đã mời gọi mọi người hãy dấn thân xây dựng một thế giới công bằng hơn.
Cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ngày 12 tháng 4 năm 2006, là cuộc tiếp kiến chung thứ 46 của Ðức Bênêđitô XVI, kể từ khi được chọn lên kế vị thánh Phêrô tại ngai tòa Roma, cách đây gần trọn một năm. Và tổng cộng con số tín hữu được Ðức Thánh Cha tiếp kiến trong vòng một năm qua, đã vượt qua con số 1 triệu người. Tưởng cũng nên nhắc lại đây rằng Ðức Bênêđitô XVI đã được chọn lên kế vị thánh Phêrô tại ngai tòa Roma ngày 19 tháng 4 năm 2005.
Vì là cuộc tiếp kiến chung trong ngày thứ Tư Tuần Thánh, nên Ðức Thánh Cha đã nhắc đến ý nghĩa của Tam Nhật Thánh (tức Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh). ÐTC đã nói như sau: "Chiều mai, tức chiều thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta bắt đầu Tam Nhật Thánh, cao điểm của toàn năm Phụng Vụ. Qua những nghi thức thánh, chúng ta sống lại cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại của Chúa chúng ta, vừa khơi dậy ước muốn theo Chúa Giêsu cách gần gũi hơn. Thứ Năm Tuần Thánh tưởng niệm việc Chúa Kitô trao ban hoàn toàn chính mình cho nhân loại trong bí tích Thánh Thể. Qua việc rửa chân, chúng ta nhớ lại mệnh lệnh mới của Chúa hãy yêu thương nhau. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta lắng nghe bài tường thuật về cuộc Thương Khó và chiêm ngắm Chúa Kitô trên thập giá. Ðây là tình yêu được thể hiện trong hình thức tận cùng nhất của nó: Thiên Chúa trao ban chính Ngài, để nâng chúng ta lên và cứu rỗi chúng ta. Trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh, giáo hội được kết hiệp với Mẹ Maria, cầu nguyện bên cạnh mộ của Con Thiên Chúa, đang yên nghỉ sau khi đã hoàn tất công việc cứu rỗi. Rồi, trong nghi thức long trọng Vọng Phục Sinh, niềm vui của Kinh Vinh Danh và của lời Ca Mừng Alleluia phát xuất từ các tâm hồn của toàn thể cộng đoàn kitô, bởi vì Chúa Kitô đã sống lại và đã chiến thắng sự chết."
ÐTC đã quả quyết rằng những cử hành của Tam Nhật Thánh hướng đến Lễ Phục Sinh, cho chúng ta xác tín rằng sự dữ không nói được lời cuối cùng, không nắm quyền quyết định cuối cùng. Với xác tín mạnh mẽ như thế, chúng ta có thể dấn thân làm việc một cách can đảm hơn và hăng say hơn, ngõ hầu một thế giới công bằng hơn được khai sinh. Ý thức mình là những kẻ tội lỗi, và với lòng tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, chúng ta hãy để cho Chúa Kitô giải hòa chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể nếm hưởng nhiều hơn niềm vui mà sự Phục Sinh của Chúa mang đến cho chúng ta. Ðức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu hãy đến với bí tích Hòa Giải, để cử hành lễ Phục Sinh cách hữu ích hơn. ÐTC đã nói như sau: "Anh chị em thân mến, để cử hành lễ Phục Sinh một cách hữu ích hơn, Giáo Hội xin các tín hữu trong những ngày này hãy đến với bí tích Giải Tội; đây như thể là một cái chết và sống lại cho mỗi tín hữu chúng ta. Trong cộng đoàn kitô ngày xưa, vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, có nghi thức hòa giải do Ðức Giám Mục chủ sự. Chắc rằng những hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi, nhưng chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh bằng việc đi xưng tội là một thực hành tốt cần được duy trì, bởi vì việc thực hành này cho chúng ta khả thể bắt đầu lại đời sống mình và thật sự nếm hưởng lại niềm vui của Ðấng Phục Sinh và lãnh nhận lại sự tha thứ mà Ðấng Phục Sinh mang đến cho chúng ta... Sự tha thứ mà Chúa Kitô ban cho chúng ta trong bí tích Hòa Giải, là nguồn mạch cho sự bình an nội tâm và sự yên lành bên ngoài, và biến chúng ta thành những tông đồ của hòa bình trong một thế giới mà trong đó buồn thay vẫn còn có những chia rẽ, những đau khổ và những thảm cảnh của sự bất công, hận thù và bạo lực, những thảm cảnh của sự bất lực để hòa giải với nhau và để bắt đầu lại bằng một sự tha thứ chân thành. Chúng ta biết rõ rằng sự dữ không có được lời cuối cùng, bởi vì kẻ chiến thắng là Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh; và chiến thắng của Chúa được thể hiện với sức mạnh của tình thương nhân từ. Sự Phục Sinh của Chúa làm cho chúng ta xác tín rằng: mặc cho mọi sự tối tăm có mặt trong thế giới, sự dữ không có lời cuối cùng. Ðược nâng đỡ bởi niềm xác tín này, chúng ta có thể dấn thân một cách can đảm hơn và hăng say hơn, ngõ hầu một thế giới công bằng hơn được khai sinh."
Vì ngày 16 tháng 4 là sinh nhật của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, nên khi Ðức Thánh chào chúc bằng tiếng Anh, thì có nhóm tín hữu cất hát bài "Chúc Mừng Sinh Nhật" (Happy Birthday to you!) làm cho bầu khí vui hẳn lên. Buổi tiếp kiến đã kết thúc lúc 12 giờ 15 phút trưa.
(Ðặng Thế Dũng)