Bài Giảng của ÐTC Bênêđitô XVI

trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá

với các bạn trẻ

tại Quảng Trường Thánh Phêrô

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cử hành Chúa Nhật Lễ Lá và Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXI với các bạn trẻ tại Quảng Trường Thánh Phêrô ở Roma.

(Radio Veritas Asia 10/04/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Lúc 9 giờ 30 phút sáng Chúa Nhật Lễ Lá, mùng 9 tháng 4 năm 2006, tại quảng trường thánh Phêrô ở Roma, Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI đã chủ sự việc cử hành long trọng Phụng Vụ Chúa Nhật Lễ Lá. Trước hết, ÐTC đã làm phép Lá và cử hành nghi thức kiệu lá để kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu long trọng tiến vào Thành Giêrusalem. Tham dự cuộc cử hành này có thật đông các bạn trẻ Roma và các bạn trẻ đến từ những giáo phận khác tại Italia và từ nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là nhóm bạn trẻ đến từ thành phố Colonia bên Ðức, và từ thành phố Sydney ,Úc Châu, để rồi sau Thánh Lễ, họ lãnh nhận Thánh Giá Ngày Quốc Tế Giới Trẻ từ các bạn trẻ Colonia, Ðức Quốc, nơi đã cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XX hồi tháng 8 năm 2005. Vào năm 2008, ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ được cử hành cách long trọng tại Sydney, Úc Châu. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm nay (2006) là ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXI, được cử hành cấp địa phương, tại các giáo phận trên thế giới, theo chủ đề: "Lời Chúa là đèn soi bước con đi, là ánh sáng chiếu soi con trên đường!" (TV 118, 105).

Trong thánh lễ, liền sau Bài Thương Khó trích từ Phúc âm theo thánh Marcô, ÐTC đã ngỏ lời cách đặc biệt với các bạn trẻ như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Từ hai mươi năm qua, nhờ Ðức Gioan Phaolô II, Chúa Nhật Lễ Lá đã trở thành một cách đặc biệt ngày của giới trẻ - ngày mà các bạn trẻ trên khắp thế giới đến gặp Chúa Kitô, vừa muốn đồng hành với Chúa tại các thành phố của họ, tại quê hương đất nước của họ, ngõ hầu Chúa được hiện diện giữa họ và có thể thiết lập hòa bình của Người trên thế giới. Nếu chúng ta muốn đến gặp Chúa Giêsu và sau đó cùng bước đi với Người trên con đường Người muốn, thì chúng ta cần phải hỏi: Con đường mà Chúa muốn hướng dẫn chúng ta đi là con đường nào? Chúng ta đang chờ đợi điều gì từ Chúa? Và Chúa chờ đợi điều gì từ nơi chúng ta?

Ðể hiểu điều đã xảy ra trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá và để biết điều xảy ra đó có ý nghĩa gì, không những vào lúc đó, mà còn cho mọi thời đại, thì ta cần lưu ý đặc biệt đến một chi tiết, và là chi tiết chìa khóa giúp các môn đệ ngày xưa hiểu được biến cố, khi các ngài, sau biến cố Chúa Phục Sinh, nhìn lại những ngày đầy rúng động vừa trải qua với một cái nhìn mới.

Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem ngồi trên lưng một con lừa con; đây là con vật thông dụng của người dân thôn quê, và là con lừa không thuộc về Chúa, nhưng được Chúa mượn dùng trong dịp này. Chúa không đến trên chiếc xe lộng lẫy của hoàng gia, cũng không cỡi ngựa như những bậc quyền quý thế gian, nhưng trên lưng con lừa được người ta cho mượn. Thánh sử Gioan kể lại cho chúng ta biết rằng lúc đầu các môn đệ không hiểu gì về biến cố này. Chỉ sau biến cố Chúa Phục Sinh, các ngài hiểu rằng khi làm như vậy, Chúa Giêsu đã làm trọn những lời các tiên tri đã loan báo trước; các môn đệ hiểu rằng hành động của Chúa phát xuất từ Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được nên trọn. Thánh Gioan cho biết rằng các tông đồ nhớ lại sách tiên tri Zaccaria có đoạn viết như sau: "Hỡi thiếu nữ Sion, đừng sợ! Nầy đây, Vua của ngươi ngự đến ngồi trên lưng lừa" (Gn 12,15; x. Zaccaria 9,9). Ðể hiểu lời tiên tri và như thế hiểu hành động của Chúa Giêsu, chúng ta cần lắng nghe những lời tiếp sau của tiên tri Zaccaria: "Ngài sẽ làm cho biến mất những chiến xa khỏi Ephrain; ngài sẽ cất đi những ngựa chiến khỏi Giêrusalem; cung tiển chiến tranh sẽ được bẻ gãy; ngài sẽ loan báo hòa bình cho muôn dân. Quyền thống trị của ngài sẽ trải rộng từ biển nầy đến biển kia, và từ con sông cho đến tận cùng trái đất" (Zaccaria 9,10). Với những lời trên, tiên tri Zaccaria quả quyết ba đặc điểm về vị Vua sắp đến.

Trước hết tiên tri Zaccaria nói rằng vị Vua tương lai sẽ là Vua của những kẻ nghèo hèn, là một người nghèo hèn giữa bao người nghèo và để phục vụ cho người nghèo. Trong trường hợp này, sự nghèo hèn được hiểu theo nghĩa của những "anawim" , những người nghèo của Thiên Chúa, những tâm hồn tin tưởng và khiêm tốn mà chúng ta gặp thấy quanh Chúa Giêsu, - trong viễn tượng của mối Phúc Thật thứ nhất của bài giảng trên núi. Một người có thể nghèo trên bình diện vật chất, nhưng lại có tâm hồn đầy những lo toan muốn có những của cải vật chất và quyền hành phát sinh từ sự giàu sang. Chính sự kiện người đó sống trong ham muốn và keo kiệt như vậy, chứng minh rằng trong thâm tâm, người đó thuộc về số những kẻ giàu có. Người đó muốn đảo ngược lại việc phân phối những của cải, sao cho chính mình đạt được tình trạng của những kẻ giàu có trước. Nhưng sự khó nghèo theo nghĩa của Chúa Giêsu - theo nghĩa của những tiên tri - giả thiết phải có trước hết sự tự do nội tâm, một nội tâm đã được giải thoát khỏi mọi tham lam của cải và khỏi mọi say mê quyền hành. Ðây là một thực tại cao hơn việc đơn thuần phân chia của cải theo cách khác; việc phân chia của cải theo cách khác, vẫn còn dừng lại trong lãnh vực vật chất, và làm cho con tim trở nên chay cứng hơn. Vậy, trước hết mọi sự, cần phải có sự thanh luyện con tim, mà nhờ đó con người xem việc có của cải như là một trách nhiệm, như là một trách vụ đối với kẻ khác, vừa đặt mình trước nhan Thiên Chúa và để cho Chúa Kitô hướng dẫn; Chúa Kitô, Ðấng giàu có, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta" (x. 2Co 8,9). Sự tự do nội tâm là điều kiện để vượt qua sự tham nhũng và keo kiệt; đây là những gì đang tàn phá thế giới. Sự tự do như thế chỉ có thể gặp được, nếu Thiên Chúa là sự giàu có của chúng ta; sự tự do như thế chỉ có thể gặp được trong việc kiên trì thực hiện những từ bỏ hằng ngày, trong đó sự tự do được phát tiển như là sự tự do đích thực. Trong Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta chúc tụng Vị Vua đến chỉ cho chúng ta biết con đường tiến đến cùng đích, là Chúa Giêsu. Chúng ta khẩn xin Chúa đem chúng ta theo với ngài trên con đường ngài đi.

Nơi đặc điểm thứ hai, tiên tri Zaccaria chỉ cho chúng ta biết rằng Vị Vua tương lai sẽ là Vua Hòa Bình: ngài làm cho biến mất những chiến xa và chiến mã; ngài sẽ bẻ gãy những cung tiển và tuyên bố hòa bình. Vị Vua tương lai này được cụ thể hóa trong dung mạo Chúa Giêsu, qua dấu chỉ Thập Giá. Thập Giá là cây cung bị bẻ gãy; theo một nghĩa nào đó, thập giá là như "chiếc cầu vòng" mới và đích thực, nối liền trời và đất, bắt lên chiếc cầu qua các vực thẳm, và giữa các đại lục. Vũ khí mới, mà Chúa Giêsu đặt vào đôi tay chúng ta, là Thập giá, dấu chỉ cho sự hòa giải, tha thứ, và là dấu chỉ cho tình yêu mạnh hơn sự chết. Mỗi lần chúng ta làm dấu Thánh Giá, chúng ta cần nhớ rằng mình không nên đối lại sự bất công bằng một bất công khác, không nên đối lại bạo lực bằng một bạo lực khác; chúng ta cần nhớ rằng chúng ta có thể thắng sự dữ chỉ bằng sự thiện, và không bao giờ dùng sự dữ để trả thù sự dữ.

Ðặc điểm thứ ba mà tiên tri Zaccaria muốn nói đến là lời loan báo trước cho đặc tính phổ quát của Nước Chúa. Tiên Tri Zaccaria nói rằng vương quốc của nhà Vua hòa bình trải dài từ biển này sang biển kia... cho đến tận cùng trái đất". Lời hứa xưa ban Ðất hứa cho Tổ Phụ Abraham và cho các tổ phụ, đến đây được thay thế bởi một viễn quan mới: Nước của vị Vua thiên sai không còn là một quốc gia cố định, được tách rời ra khỏi những quốc gia khác, và do đó không thể nào tránh được việc có lập trường đối nghịch với những quốc gia khác. Vương quốc của vị Vua hòa bình là toàn thể trái đất, là toàn thế giới. Vượt qua mọi giới hạn, Vị Vua Thiên Sai sẽ tạo ra sự hiệp nhất giữa những nền văn hóa khác biệt nhau. Nhìn sâu vào lịch sử kéo dài từ tiên tri Zaccaria đến Chúa Giêsu, chúng ta nhìn thấy trong Lời Tiên Tri này như đang xuất hiện từ xa xa một "mạng lưới" những cọäng đồng thánh thể bao trọn cả trái đất, -- một mạng lưới những cộng đoàn kết thành "Vương Quốc Hòa Bình" của Chúa Giêsu, từ biển này đến biển kia, cho đến tận cùng trái đất. Vị Vua Hòa Bình này đến trong tất cả mọi nền văn hóa và tại khắp nơi trên thế giới, bất cứ ở đâu, trong những căn lều cùng khổ, tại những miền quê nghèo, cũng như trong những ngôi nhà thờ chính tòa lộng lẫy. Khắp mọi nơi, Ngài vẫn là Ngài, là Ðấng Duy Nhất; và như thế, tất cả những ai quy tựu lại trong cầu nguyện, trong sự hiệp thông với Ngài, thì cũng được hiệp nhất với nhau trong một thân thể duy nhất. Chúa Kitô ngự trị bằng việc làm cho chính Ngài trở nên bánh nuôi sống chúng ta và hiến dâng chính mình Ngài cho chúng ta. Chính bằng cách này mà Vị Vua tương lai xây dựng Vương Quốc của Ngài.

Liên kết giữa Chúa Giêsu và Vị Vua Thiên Sai, trở nên thật rõ ràng trong một lời kinh thánh cựu ước khác nữa; lời kinh thánh này đặc điểm giải thích phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá và nói lên bầu khí riêng biệt của ngày này, đó là lời dân chúng tung hô Chúa Giêsu như sau: "Hosanna, Chúc Tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến" (Mc 11,9; TV 117 (118) câu 25 tt). Lời tung hô này là thành phần của nghi thức cử hành Lễ Lều của người do thái, trong đó các tín hữu cầm những nhành lá đi vòng quanh bàn thờ. Giờ đây, -- trong biến cố Chúa cỡi lừa tiến vào thành Giêrusalem, -- dân chúng cầm các nhành lá hoan hô Chúa Giêsu, mà họ nhìn nhận như là "Ðấng ngự đến nhân danh Chúa". Cách nói "Ðấng ngự đến nhân danh Chúa", từ lâu, đã trở thành lời nói về Ðấng Thiên Sai. Nơi Chúa Giêsu, dân chúng nhìn thấy Ðấng thật sự đến nhân danh Chúa, và là Ðấng mang sự hiện diện của Thiên Chúa đến giữa họ. Lời tung hô nói lên niềm hy vọng của dân Israel, lời tung hô Chúa Giêsu khi Chúa tiến vào thành Giêrusalem, quả thật đã trở thành, -- trong giáo hội, -- (trở thành) lời tung hô Ðấng, trong bí tích Thánh Thể, đến gặp chúng ta trong cách thức mới. Với lời tung hô "Hosanna!", chúng ta chào Ðấng, bằng thân thể và bằng máu mình, đã mang vinh quang của Thiên Chúa đến trên trần gian. Chúng ta chào Ðấng đã ngự đến, nhưng vẫn còn luôn là Ðấng sẽ phải đến trong tương lai. Chúng ta chào Ðấng, -- trong bí tích Thánh Thể, -- luôn ngự đến với chúng ta nhân danh Chúa, vừa liên kết mọi nơi trên thế giới lại, trong hòa bình của Thiên Chúa. Kinh nghiệm về đặc tính phổ quát này kết thành phần thiết yếu của bí tích Thánh Thể. Vì Chúa ngự đến, chúng ta hãy bước ra khỏi những tinh thần riêng biệt loại trừ, và hãy bước vào trong cộng đoàn to lớn của tất cả những ai cử hành bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy bước vào trong Vương Quốc Hòa Bình của Chúa, và một cách nào đó, trong Chúa, chúng ta hãy chào tất cả anh chị em chúng ta, những kẻ mà Chúa ngự đến để phục vụ cho, vừa nhắm thiết lập một Vương Quốc hòa bình giữa một thế giới đang bị phân rẽ.

Tất cả ba đặc điểm trên, như được tiên tri Zaccaria loan báo - sự nghèo cùng, hòa bình và tính cách phổ quát-đều đuợc tóm lại trong dấu Thánh Giá. Vì thế, thật là có lý, việc Thánh Giá trở thành trung tâm của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Ðã có một thời --- và hiện nay chưa hoàn toàn kết thúc --- trong đó người ta chối từ kitô giáo, bởi vì người ta chối từ Thập Giá. Người ta cho rằng Thập Giá nói đến hy sinh; rằng Thập giá là dấu chỉ cho việc chối bỏ sự sống. Còn phần chúng ta, thì chúng ta lại muốn một cuộc sống trọn đầy, không bị giới hạn, không phải từ bỏ. Chúng ta muốn sống, chúng ta không muốn gì khác hơn là sống. Chúng ta không chấp nhận mình bị giới hạn bởi những mệnh lệnh và những điều cấm đoán. Chúng ta muốn sự phong phú và sự trọn đầy. Người ta đã từng nói và hiện vẫn còn nói như thế. Tất cả những lời trên xem ra có sức thuyết phục và hấp dẫn; đây là ngôn ngữ của con rắn nói với chúng ta rằng: "Ðừng lo sợ! Hãy an tâm ăn hết mọi cây trái trong vườn! Tuy nhiên, Chúa Nhật lễ lá nói với chúng ta rằng lời thưa "Vâng" đích thực, là chính Thập Giá; và rằng Thập Giá là cây thật sự ban cho chúng ta sự sống. Chúng ta không gặp được sự sống bằng cách chiếm giữ sự sống, nhưng bằng cách cho đi sự sống. Tình Yêu là cho đi chính mình; chính vì thế mà tình yêu là con đường của sự sống đích thật, được biểu tượng bởi Thập Giá. Ngày hôm nay, Thập Giá, trung tâm của ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã được tổ chức tại Colonia, giờ được trao cho phái đoàn khác, để bắt đầu cuộc hành trình đến Sydney, Úc Châu, nơi mà vào năm 2008 giới trẻ thế giới sẽ quy tụ lại với nhau lần nữa quanh Chúa Kitô, để cùng với Chúa xây dựng vương quốc hòa bình. Từ Colonia đến Sydney, đây là một cuộc hành trình qua các đại lục và các nền văn hóa, một cuộc hành trình xuyên qua một thế giới bị rạn nứt và bị bạo lực hành khổ! Ðây là cuộc hành trình được diễn tả bằng biểu tượng "đi từ biển này đến biển khác, từ con sông này cho đến tận cùng trái đất". Ðây là cuộc hành trình của Ðấng, trong dấu chỉ của Thập Giá, ban cho chúng ta sự bình an, và biến đổi chúng ta thành những kẻ mang đi khắp nơi sự hòa giải và bình an của Chúa.

Tôi cám ơn các bạn trẻ, những kẻ mà giờ đây sẽ mang Thập Giá này qua các nẻo đường thế giới; trong Thập Giá này, chúng ta có thể chạm đến mầu nhiệm Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, ngõ hầu Chúa cũng đồng thời chạm đến chúng ta và mở rộng con tim chúng ta ra, để rồi, nhờ sống theo Thập Giá Chúa, chúng ta trở thành những sứ giả của tình yêu và hòa bình của Người. Amen.

Quý vị và các bạn thân mến,

Vừa rồi là bài giảng của Ðức Thánh Cha, trong thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá vừa qua, tại quảng trường thánh Phêrô. Sau thánh lễ, là nghi thức phái đoàn các bạn trẻ Ðức, do Ðức Hồng Y Meisner, Tổng Giám Mục Colonia, hướng dẫn, trao Thánh Giá Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cho phái đoàn 70 bạn trẻ đến từ Sydney, Úc Châu, do Ðức Hồng Y George Pell hướng dẫn. Theo chương trình, thì trước hết Thánh Giá Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ được rước qua các quốc gia Phi Châu, từ bây giờ cho đến tháng 2 năm 2007.

Tháng 2 năm 2007, Thánh Giá sẽ đến Châu Ðại Dương, rồi đến 28 giáo phận tại Úc Châu, cho đến ngày 15 tháng 7 năm 2008, thì sẽ được rước đến Sydney, Úc Châu, địa điểm cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ XXII, từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008, với ước lượng sẽ có một triệu bạn trẻ tham dự biến cố này. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page