Ai là thủ phạm
mưu sát Trần Thị Hồng Thắm
cô dâu Việt Nam tại Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Ai là thủ phạm mưu sát Trần Thị Hồng Thắm, cô dâu Việt Nam tại Ðài Loan.
(Tin
Ðài Loan 7/04/2006) - Sáng ngày 7 tháng 4 năm 2006, Ủy Ban điều tra thuộc Bộ Tư Pháp Ðài Loan cho biết
rằng, sau khi giải phẫu và xét nghiệm các bộ phận Gan, Phổi,
Ruột và Bao tử trên thi thể của cô Trần Thị Hồng Thắm,
các bác sĩ Pháp Y đã phát hiện có chất độc trên cơ thể
của cô. Chất độc này không màu sắc không mùi vị, có
tác hại rất nhanh, không phải là
loại chất độc hóa học, và là một trong những loại hiếm
ở Ðài Loan, người dân thường ở Ðài Loan không dễ gì
có được những chất độc này.
Ủy Ban điều tra vụ án đầu độc cô dâu Việt Nam để lấy tiền Bảo Hiểm, trả lời cho các ký giả, sau khi đã có được kết quả xét nghiệm trên thi thể của cô Trần Thị Hồng Thắm. |
Theo báo cáo của ủy viên điều tra, kết quả xét nghiệm đã rõ ràng cho thấy có chất độc trên cơ thể của cô Trần Thị Hồng Thắm, nhưng nguyên nhân làm cho cô bị độc thì đang được ủy ban điều tra nghiên cứu. Vụ án này vẫn đang được theo dõi đặc biệt.
Ðược biết, sau cái chết của Hồng Thắm vào ngày 17 tháng 3 năm 2006, dư luận tại Ðài Loan và Việt Nam bắt đầu xôn xao khi Ủy Ban Ðiều Tra tình nghi nhân viên đường sắt Lý Song Toàn, cũng là chồng của cô, là nghi phạm âm mưu mua cho cô loại bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm du lịch ở hạng đền bù cao nhất; rồi cùng với các đồng phạm khác lập kế hoạch phá hoại đường sắt làm cho lật tàu xe lửa gây nên cái chết của Hồng Thắm để được hưởng tiền bảo hiểm. Nguyên nhân làm cho xe lửa trật đường ray cũng là những điều được ủy ban điều tra để ý, vì có nhiều chứng cớ được phát hiện cho thấy là có người cố ý phá hoại chứ không phải là tai nạn bình thường.
9 giờ 46 phút ngày 17 tháng 3 năm 2006, chuyến xe lửa Cự Quang trên đường nam tiến, đến đoạn đường ở huyện Bình Ðông (phía nam Ðài Loan) thì xảy ra sự cố trật đường ray làm ba toa bị lật khiến một người chết và hai người khác bị thương. Nạn nhân tử vong ở đây là cô dâu Việt Nam Trần Thị Hồng Thắm.
Sau khi xe lửa bị lật, Hồng Thắm là người tự mình bò từ trong toa xe lửa bị lật trèo ra ngoài, rồi bò lên triền dốc bờ đường xe lửa và ngồi trên đường ray chờ các nhân viên cấp cứu tới. Khi các nhân viên cứu hộ và các bác sĩ đến bên cô, họ nhận thấy Hồng Thắm không có vết thương nào bên ngoài và cô vẫn bình thường. Nhưng khi người ta đang khiêng cô trên băng ca để đưa tới xe cấp cứu đi bệnh viện khám nghiệm, thì mặt cô bắt đầu biến sắc và tái xanh. Khoảng không đầy 3 tiếng đồng hồ sau thì cô lại chết tại bệnh viện trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Cảnh sát đặt nghi vấn và bắt đầu điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô dâu Việt Nam này.
Theo
điều tra của cảnh sát được báo Liên Hiệp số ra ngày 23
tháng 3 năm 2006 cho biết đối tượng của nghi án này được
quy về Lý Song Toàn, bởi có rất nhiều nghi vấn chung quanh
nhân vật này.
Hình của hai vợ chồng Lý Song Toàn (bên trái) và người vợ thứ hai Phạm Thị Kiều Nga (bên phải). |
Trước hết về cách mà Lý Song Toàn mua bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm du lịch cho vợ. Theo điều tra cho thấy, lần trước đó, vào ngày 21 tháng 6 năm 2005, ngành đường sắt gặp sự cố trật đường ray tương tự cũng trên đoạn đường này thuộc Huyện Bình Ðông. Sự cố trật đường ray lần đó không dẫn đến tử vong nào ngoài mười mấy trường hợp bị thương. Ðiều trùng hợp là trong lần xảy ra sự cố đó, Lý Song Toàn cũng mua bảo hiểm du lịch cho Hồng Thắm ở mức đền bù cao nhất là 20 triệu Ðài tệ (khoảng 625,000 USD) và cả hai vợ chồng đều có mặt trong chuyến xe lửa đó.
Một lần nữa, cũng sự cố trật đường ray, vào ngày 17 tháng 3 năm 2006, hai vợ chồng Lý Song Toàn cũng có mặt trên chuyến xe lửa này. Lần này anh ta không chỉ mua bảo hiểm du lịch mà còn mua cả bảo hiểm nhân thọ cho vợ với giá trị đền bù lên đến 36 triệu Ðài tệ (khoảng 1,125,000 USD). Vì thế cảnh sát đặt nghi vấn có phải anh ta chủ mưu đưa vợ vào đường chết để ẵm trọn số tiền bảo hiểm khổng lồ.
Việc cảnh sát nghi vấn dựa trên nhiều cơ sở. Bởi anh ta là nhân viên đường sắt nắm rất rõ lịch trình hoạt động của tàu. Trước khi xảy ra sự cố, anh ta dẫn Thắm, vốn đang ở toa số 5, đến toa số 7 là toa không có hành khách, và lập tức một mình anh ta trở lại chỗ cũ ở toa số 5. Kết quả là toa số 7 cùng với hai toa khác phía sau bị lật, dẫn đến cái chết của Hồng Thắm. Toa số 5 của anh thì an toàn.
Ðiều tra về tình trạng gia đình, cảnh sát còn cho biết, Lý Song Toàn có đến ba đời vợ mà hai người vợ sau đều là cô dâu Việt Nam. Trước đây sáu năm, Lý Song Toàn sau khi lị dị với người vợ thứ nhất là người Ðài Loan, thì về Việt Nam cưới cô vợ thứ hai là Phạm Thị Kiều Nga. Sau đó, Lý Song Toàn mua bảo hiểm nhân thọ cho cô dâu Việt Nam (Phạm Thị Kiều Nga) này và không lâu sau đó, cô dâu này bị chết vì bị rắn độc cắn tại nhà. Kết quả anh ta được hưởng 4 triệu đài tệ (khoảng 125,000 USD) tiền bảo hiểm bồi thường. Sau khi cô vợ thứ hai chết, Lý Song Toàn lại về Việt Nam cưới cô vợ thứ ba là Trần Thị Hồng Thắm.
Vì
vụ án này có rất nhiều nghi vấn, bởi vậy cảnh sát quyết định khám
nghiệm tử thi của Hồng Thắm để làm rõ nguyên nhân cái
chết. Thật bất ngờ, sau khi các Bác Sĩ Pháp Y bắt đầu
khám nghiệm tử thi vào buổi chiều ngày 22 tháng
3 năm 2006, thì sáng
sớm hôm sau (ngày 23 tháng 3 năm 2006), Lý Song Toàn, đã treo cổ tự
vẫn trên cây, cách nhà anh ta khoảng 500 mét. Tuy Lý Song Toàn
đã tự vẫn chết, nhưng anh ruột của anh ta, Lý Thái An, vẫn đang bị cảnh
sát theo dõi điều tra và đã ra lệnh cấm anh không được
xuất ngoại rời khỏi Ðài Loan trong thời gian này.
Hình của hai vợ chồng Lý Song Toàn (bên trái) và người vợ thứ ba Trần Thị Hồng Thắm (bên phải). |
Trần Thị Hồng Thắm, năm nay 37 tuổi, trên đường đi từ nhà tới Phi Trường Cao Hùng (Kao-hsiung) bằng chuyến xe lửa định mệnh này, để chuẩn bị đáp chuyến bay về Việt Nam thăm cha mẹ và thân nhân ở Việt Nam. Có lẽ cô không ngờ rằng, mạng sống của cô hình như đã trở thành một món hàng cho chồng của cô kiếm lợi lộc qua việc mua bảo hiểm nhân thọ cho cô và chỉ với mục đích chờ lãnh tiền bồi thường của bảo hiểm. Trước đó, cô có gọi điện thoại về cho cha mẹ của cô ở Việt Nam. Mẹ của cô cũng không hiểu Bảo Hiểm là cái gì, chỉ thấy con gái của mình có vẽ vui mừng khi gọi điện thoại về báo tin, thì bà cũng cứ tưởng là cái gì tốt lành cho con, rồi cũng vui với con gái, chứ bà đâu biết cú điện thoại báo tin đó là cú điện thoại cuối cùng gia đình cô còn nghe được những tiếng thân thương của cô con gái.
Sau khi Hồng Thắm qua đời, truyền hình Ðài Loan chiếu lại cảnh Mẹ của cô khóc thảm thiết khi hay tin con gái đã qua đời ở Ðài Loan. Qua điện thoại, mẹ của Hồng Thắm ở Việt Nam nói với các ký giả rằng: "Con gái tôi nó khờ lắm, nó gọi điện thoại về cho tôi rồi mừng rỡ báo tin rằng chồng nó có mua bảo hiểm cả triệu đô la mỹ cho nó. Mà tôi cũng có biết bảo hiểm là cái gì đâu, thấy con tôi nó mừng thì tôi cũng cứ tưởng là cái gì tốt lành cho nó rồi tôi cũng mừng với nó. Chứ tôi đâu có ngờ con tôi nay đã chết rồi, nó không còn về thăm tôi được nữa."
(Joseph Trương)