Tường thuật Thánh Lễ Giỗ một năm

Ðức Gioan Phaolô II qua đời,

hôm chiều thứ Hai mùng 3/04/2006

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật Thánh Lễ Giỗ một năm Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, hôm chiều thứ Hai mùng 3 tháng 4 năm 2006, tại Quảng truờng thánh Phêrô, Roma.

(Radio Veritas Asia 4/04/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Lúc 5 giờ 30 phút chiều thứ Hai, ngày 3 tháng 4 năm 2006, trước khoảng 30,000 tín hữu hiện diện, ÐTC Bênêđitô XVI đã chủ tế Thánh Lễ đồng tế, để cầu nguyện cho Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong số các vị đồng tế với Ðức Thánh Cha, người ta lưu ý đến Ðức Hồng Y Camillo Ruini, tổng đại diện Ðức Thánh Cha cai quản giáo phận Roma, và Ðức Tân Hồng Y Stanislaw Dziwisz, vị đã là thư ký riêng của Ðức Gioan Phaolô II trong suốt cuộc đời, và nay là Tổng Giám Mục Cracovia. Ðức Tân Hồng Y vừa từ Cracovia đến Rôma, sau khi đã chủ sự buổi lễ cầu nguyện cho Ðức Gioan Phaolô II tại Cracovia, BaLan, hôm tối Chúa Nhật mùng 2 tháng 4 năm 2006. Tham dự thánh lễ còn có ngọai giao đoàn cạnh Toà thánh và nhiều nhân vật chính trị tại Italia, như Ông Marcello Pera, chủ tịch Thượng Viện Italia, và Ông Ferdinando Casini, chủ tịch Hạ Viện Italia.

Sau Phúc âm, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã giảng như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày này, thật là sống động trong giáo hội và trên thế giới, việc tưởng niệm Người Tôi Tớ Chúa, Ðức Gioan Phaolô II, nhân dịp lễ Giỗ Giáp Năm ngài qua đời. Vøới buổi canh thức lần chuỗi vào tối Chúa Nhật mùng 2 tháng 3 (năm 2006), chúng ta đã sống lại giây phút chính xác, trong đó, cách đây một năm, Ðức Gioan Phaolô II ra đi; và hôm nay, chúng ta họp nhau tại chính quảng trường Thánh Phêrô này, để dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho linh hồn được chọn của ngài. Tôi chân thành chào quý Hồng Y, quý Giám Mục, quý Linh Mục, tu sĩ nam nữ và nhiều khách hành hương từ khắp nơi tới đây, nhất là từ BaLan, để chứng tỏ lòng mộ mến và biết ơn sâu xa đối với Ðức Gioan Phaolô II. Chúng ta muốn cầu nguyện cho vị Giáo Hoàng thân yêu, theo sự gợi sánh của Lời Chúa mà chúng ta vừa lắng nghe.

Trong bài đọc thứ nhất, trích từ sách Khôn Ngoan, chúng ta đã được nhắc nhớ lại đâu là vận mệnh cuối cùng của những người công chính: một vận mệnh hạnh phúc tràn đầy, phần thưởng vô cùng cho những đau khổ và những thử thách đã gặp phải trong suốt cuộc sống. Tác giả Sách Khôn Ngoan đã quả quyết như sau: "Thiên Chúa đã thử thách các ngài và đã nhận thấy các ngài xứng đáng; Thiên Chúa đã thử luyện các ngài như vàng trong lò lửa và đã vui lòng đón nhận các ngài như lễ vật hiến tế" (3, 5-6). Cụm từ "lễ vật hiến tế" nhắc đến hy lễ trong đó lễ vật được "thiêu rụi" hoàn toàn, được cháy tan trong lửa; đó là dấu chỉ của sự dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Cách nói kinh thánh này làm cho chúng ta nghĩ đến sứ mạng của Ðức Gioan Phaolô II, Ðấng đã hiến dâng cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội trọn cuộc đời và đã sống chiều kích hy tế của chức tư tế một cách đặc biệt trong việc cử hành Thánh Thể. Trong số những lời khẩn cầu được ngài yêu thích, thì có lời khẩn xin được trích từ "Kinh Cầu Chúa Giêsu Kitô Linh Mục và Lễ Vật", mà ngài đã muốn đưa vào phần cuối của tập sách "Hồng Ân và Mầu Nhiệm", được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm linh mục (x. các trang 113-116). Lời khẩn xin đó như sau: " Lạy Chúa Giêsu, Ðấng Trung Gian đã muốn nộp mình cho Thiên Chúa như là lễ vật và hy tế, xin thương xót chúng con". Biết bao lần ngài đã lặp đi lặp lại lời khẩn xin này! Lời khẩn xin biểu lộ đặc tính tư tế sâu xa của trọn cả cuộc đời ngài. Ngài đã không bao giờ dấu kín nguyện ước của mình muốn mỗi ngày một hơn trở thành như một với Chúa Kitô linh mục, qua hy tế thánh thể, nguồn mạch cho sự dấn thân tông đồ không biết mỏi mệt.

Nơi nền tảng của sự dâng hiến hoàn toàn chính mình này, dĩ nhiên có đức tin. Trong bài đọc thứ hai mà chúng ta vừa nghe, thánh Phêrô dùng hình ảnh về vàng được thử trong lửa, và áp dụng vào trường hợp đức tin (x. 1 Phero 1,7). Thật vậy, trong những khó khăn của cuộc sống, thì chính phẩm chất của đức tin nơi mỗi người được thử luyện và kiểm chứng theo ba bình diện: sự vững chắc, sự tinh tuyền và sự ăn khớp với cuộc sống. Quả thật, đức cố giáo hoàng, đấng mà Thiên Chúa đã ban cho nhiều tài năng nhân bản và thiêng liêng, qua lò lửa thử luyện của những mệt nhọc tông đồ và bệnh tật, ngài đã luôn xuất hiện mạnh hơn, như là "đá tảng" vững chắc trong đức tin. Ai đã được dịp hiện diện gần bên cạnh ngài, thì đã có thể như là "được sờ vào" Ðức Tin của ngài, một đức tin chân thành và vững vàng, một đức tin không những gây ấn tượng nơi những cộng tác viên gần gủi mà còn có ảnh hưởng tốt, trong suốt triều giáo hoàng dài lâu của ngài, trong toàn thể giáo hội, mỗi ngày một nhiều hơn cho đến khi đạt được chóp đỉnh trong những ngày tháng cuối cùng của đời ngài. Một đức tin có xác tín, mạnh mẽ và đích thực, tự do khỏi mọi lo sợ và thoả hiệp, một đức tin làm rung động con tim của biết bao người, nhờ qua nhiều cuộc hành hương tông đồ mọi nơi trên thế giới, nhất là nhờ qua cuộc hành hương cuối cùng, là chính cơn hấp hối và qua đời của ngài.

Trang Phúc Âm đã được công bố, giúp chúng ta hiểu được khía cạnh khác nữa của nhân cách nhân bản và đạo đức của Ðức Gioan Phaolô II. Chúng ta có thể nói rằng ngài, người kế vị thánh tông đồ Phêrô, đã đặc biệt noi gương thánh tông đồ Gioan, người môn đệ được Chúa yêu thương, và đã đứng dưới chân thập giá bên cạnh Mẹ Maria, trong giờ phút Ðấng cứu thế bị bỏ rơi và giết chết. Tác giả phúc âm theo thánh Gioan đã kể lại như sau: "Nhìn thấy có hai vị đứng gần bên, Chúa Giêsu trao phó người này cho người kia, bằng những lời như sau: "Hỡi Bà, đây là con bà!" và "Ðây là Mẹ con!" (Gn 19, 26-27). Ðức Gioan Phaolô II đặc biệt thích những lời trên của Chúa lúc đang hấp hối. Như vị thánh sử tông đồ đã làm, Ðức Gioan Phaolô II cũng muốn nhận Mẹ Maria về nhà mình. Phúc âm theo thánh Gioan, chương 19 câu 27 đã ghi lại như sau: "và kể từ giây phút đó, môn đệ đưa Mẹ về nhà mình" (Gn 19,27). Cụm từ " đưa Mẹ về nhà mình" có thật nhiều ý nghĩa; cụm từ này nói lên quyết định của tông đồ Gioan để cho Mẹ Maria tham dự vào cuộc sống của mình, đến độ cảm nghiệm được rằng ai mở cửa tâm hồn đón nhận Mẹ Maria, thì người đó được Mẹ đón nhận và thuộc về Mẹ. Khẩu hiệu sống được ghi vào huy hiệu giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, --- Totus Tuus, Trọn cả con thuộc về Mẹ, --- tóm gọn thật hay kinh nghiệm thiêng liêng và huyền bí này, trong một cuộc sống hoàn toàn hướng về Chúa Kitô nhờ qua Mẹ Maria: "ad Jesum per Mariam", có nghĩa là: "đến với Chúa Giêsu nhờ qua Mẹ Maria".

Anh chị em thân mến, chiều nay, tư tưởng chúng ta cảm động hướng về giây phút vị Giáo Hoàng yêu quý của chúng ta qua đời, nhưng đồng thời con tim chúng ta dường như bị thôi thúc nhìn lên phía trước. Chúng ta cảm thấy như vang lên trong tâm hồn chúng ta những lời mời gọi lặp đi lặp lại của ngài: đừng sợ hãy tiến tới trên con đường sống trung thành với Phúc âm, để trở thành những anh hùng và nhân chứng của Chúa Kitô trong ngàn năm thứ ba. Chúng ta nhớ lại những khích lệ không ngừng của ngài hãy quảng đại cộng tác vào công cuộc thực hiện một nhân lọai sống công bằng hơn và liên đới hơn; hãy trở thành những kẻ họat động cho hoà bình và là những kẻ xây dựng niềm hy vọng. Uớc chi cái nhìn của chúng ta luôn gắn chặt vào Chúa Kitô, "Ðấng là duy nhất , hôm qua, hôm nay và mãi mãi" (Dt 13,8), và là Ðấng huớng dẫn giáo hội cách cương quyết. Chúng ta đã tin vào tình thuơng của Chúa; và cuộc gặp gỡ với Chúa "mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và như thế một huớng tiến quyết định" (x. Thiên Chúa là Tình Yêu, 1). Anh chị em thân mến, Uớc gì sức mạnh của Thánh Thần của Chúa Giêsu là nguồn mạch bình an và niềm vui cho tất cả mọi người, cũng như đã là nguồn mạch bình an và niềm vui cho Ðức Gioan Phaolô II. Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội, giúp chúng ta trở nên, trong mọi hoàn cảnh, giống như ngài, trở nên những tông đồ không mệt mõi của Con Mẹ, và trở nên những vị ngôn sứ rao giảng tình thuơng nhân từ của Chúa. Amen.

 

Quý vị và các bạn thân mến. Vừa rồi là Bài Giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong thánh lễ cầu nguyện cho Ðức Gioan Phaolô II, được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào chiều thứ Hai, ngày 3 tháng 4 năm 2006. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page