Bài giảng của ÐTC Beneđitô XVI

trong Thánh Lễ Ðồng Tế

với 15 vị tân Hồng Y

tại quảng trường Thánh Phêrô

sáng thứ Bảy 25 tháng 3 năm 2006

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI trong Thánh Lễ Ðồng Tế với 15 vị tân Hồng Y tại quảng trường Thánh Phêrô, Roma, sáng thứ Bảy 25 tháng 3 năm 2006.

(Radio Veritas Asia 26/03/2006) - Quý Vị và các bạn thân mến. Lúc 10 giờ 30 phút sáng thứ Bảy, ngày 25 tháng 3 năm 2006, đúng ngày lễ Truyền Tin, ÐTC Bênêđitô XVI đã chủ tế Thánh Lễ Ðồng Tế với quý tân Hồng Y, tại quảng trường thánh Phêrô. Trong thánh lễ, ÐTC đã trao nhẫn cho mỗi vị tân hồng y, như là dấu chỉ của phẩm vị, của sự chăm sóc mục vụ và của sự hiệp thông vững chắc hơn với ngai tòa của thánh Phêrô.

Sau bài phúc âm, ÐTC đã giải thích ý nghĩa của biến cố Truyền Tin và áp dụng vào trường hợp cụ thể của việc tôn phong 15 vị tân hồng y. ÐTC đã nói như sau:

 

Thưa quý Ðức Hồng Y, quý Ðức Thượng Phụ,

Chư Huynh đáng kính trong hàng giám mục và anh em trong hàng linh mục,

Anh chị em thân mến,

Lý do lớn để tôi vui mừng là được chủ sự Thánh Lễ Ðồng Tế này với quý tân hồng y, tiếp sau Công Nghị Hồng Y công khai vào ngày hôm qua (24/03/2006); và tôi xem đây như là Chúa Quan Phòng an bài cho việc Cử Hành này được diễn ra trong ngày lễ trọng kính Biến Cố Truyền Tin và cho quảng trường hôm nay có ánh mặt trời soi chiếu. Thật vậy, chúng ta nhìn nhận những khởi đầu của Giáo Hội trong biến cố Con Thiên Chúa nhập thể. Tất cả đều đến từ biến cố Nhập Thể này. Mọi thể hiện của Giáo Hội trong lịch sử và mọi cơ chế của Giáo Hội đều phải quy chiếu về Nguồn Mạch nguyên thủy này. Tất cả đều phải quy chiếu về Chúa Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Chính Ngài là Ðấng mà chúng ta luôn cử hành: Ngài là Emmanuel, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng- ta; qua Ngài ý định cứu rỗi của Thiên Chúa Cha được thực hiện. Tuy nhiên, Nguồn Mạch Thần Thiêng tuôn chảy ra qua một trung gian đặc biệt, là Ðức Trinh Nữ Maria. Và chính hôm nay --- ngày Lễ Truyền Tin --- chúng ta chiêm ngắm khía cạnh này của Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Về khía cạnh này, bằng một hình ảnh có ý nghĩa, Thánh Bernarđô so sánh Mẹ Maria như là "con kênh dẫn nước" (x. bài giảng của thánh nhân De Nativitate B.V.Mariae: PL 183, 437-448). Cử hành biến cố Con Thiên Chúa nhập thể, chúng ta không thể nào không tôn vinh Mẹ Maria. Lời loan báo của sứ thần hướng về Mẹ; và Mẹ đã đón nhận những lời đó; Khi từ nội tâm sâu xa, Mẹ đáp lại: "Này tôi đây,... xin hãy thực hiện nơi tôi theo như lời ngài truyền" (Luca 1,38), thì Ngôi Lời hằng hữu bắt đầu hiện hữu như là một con người trong dòng thời gian.

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, luôn luôn còn đó sự kinh ngạc trước Mầu Nhiệm không thể diễn tả được. Thánh Augustinô tưởng tượng mình ngỏ lời với Sứ Thần trong biến cố Truyền Tin và đã hỏi sứ thần như sau: "Thưa Sứ Thần, xin hãy nói cho tôi biết tại sao đã xảy ra như thế nơi Mẹ Maria?" Câu trả lời được tích chứa trong những lời chào của sứ thần như sau: "Avê, xin kính chào, hỡi Ðấng đầy ân sủng" (x. Sermo 291,6). Thật vậy, khi bước vào nhà Mẹ Maria, sứ thần đã không gọi Mẹ bằng tên gọi thông thường của Mẹ là "Maria", nhưng gọi Mẹ bằng tên gọi thần thiêng, dường như thể Thiên Chúa từ muôn thuở đã nhìn thấy Mẹ và gọi Mẹ là "Ðấng đầy ơn phước", là "Ân sủng sung mãn vẹn toàn"; và "Ân sủng" ở đây không có nghĩa nào khác hơn là "tình yêu của Thiên Chúa; như thế, cuối cùng, chúng ta có thể chuyển dịch cụm từ "Ðấng đầy ơn phước" như là "Ðấng được Thiên Chúa yêu thương" (x.Luca 1,28). Giáo Phụ Origênê đã lưu ý rằng không bao giờ một danh gọi như vậy được dùng, để gọi một phàm nhân, và rằng trong suốt Kinh Thánh không còn có danh gọi nào giống như vậy nữa (x. In Lucam 6,7). Ðây là một danh gọi được diễn tả theo thể "thụ động", nhưng đặc tính "được nhận lãnh" của Mẹ Maria, Ðấng từ muôn thuở và mãi mãi tương lai luôn là "Ðấng được Thiên Chúa yêu thương", --- (đặc tính được lãnh nhận này") luôn có kéo theo sự tự do chấp nhận của Mẹ, luôn có kéo theo lời Mẹ đích thân và đặc biệt đáp trả. Ðó là trong việc "đượcThiên Chúa yêu thương", trong việc lãnh nhận hồng ân của Thiên Chúa, Mẹ Maria có thái độ tích cực trọn vẹn, bởi vì với một thái độ sẵn sàng, Mẹï Maria đã đón nhận dòng tình yêu của Thiên Chúa, được đổ tràn nơi Mẹ. Như thế, trên bình diện này, Mẹ Maria là môn đệ trọn hảo của Con của Mẹ, một người Con thể hiện trọn vẹn sự tự do của mình trong việc vâng phục Thiên Chúa Cha; và như thế Người Con này thể hiện sự tự do, bằng việc vâng phục. Trong bài đọc thứ hai của Thánh Lễ hôm nay --- (tức lễ Truyền Tin hôm thứ Bảy 25/03/2006) --- chúng ta đã lắng nghe trang kinh thánh tuyệt vời, trong đó tác giả của Thư Do Thái giải thích thánh vịnh 39 theo ánh sáng của việc nhập thể của Chúa Kitô. "Khi bước vào trong thế gian... Chúa Kitô nói: Này đây , Lạy Cha, Con đến để chu toàn thánh ý Cha" (Thư Do Thái 10, 5-7). Chúng ta đứng trước mầu nhiệm của hai lời thưa: "Xin Vâng, này con đây!" Ðó là lời thưa của Con Thiên Chúa và lời thưa của Mẹ Maria; hai lời thưa vâng này vang vọng đáp ứng lẫn nhau: lời xin vâng này vọng lại lời xin vâng kia, và kết thành lời thưa "Amen" duy nhất chấp nhận ý định tình yêu của Thiên Chúa Cha. Chúng ta kinh ngặc trước mầu nhiệm của hai lời thưa "XinVâng" này; và với tấm lòng tràn đầy tri ân, chúng ta cúi mình tôn thờ.

Thưa quý Chư Huynh, thật là một ân huệ cao cả biết là chừng nào cho chúng ta, khi được cử hành lễ phong tước vị hồng y đầy ý nghĩa này, trong chính Lễ trọng Truyền Tin! Chúng ta có thể múc lấy từ Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể, biết bao ánh sáng cho cuộc sống chúng ta như là những thừa tác viên của Giáo Hội. Và một cách đặc biệt, thưa quý chư huynh tân hồng y thân mến, chư huynh có thể nhận được biết bao sự nâng đỡ cho sứ mạng của chư huynh, sứ mạng tham dự vào "thượng nghị viện" nổi bật của người kế vị Thánh Phêrô! Sự trùng hợp đầy quan phòng này giúp chúng ta nhìn biến cố phong tước vị hồng y --- một biến cố làm nổi bật một cách đặc biệt "nguyên tắc tông đồ phêrô" của giáo hội --- (giúp chúng ta nhìn biến cố này) theo ánh sáng của một nguyên tắc khác nữa, đó là "nguyên tắc thánh mẫu maria", một nguyên tắc còn có tính cách đặc biệt hơn và căn bản hơn. Tầm quan trọng của "nguyên tắc thánh mẫu maria" trong giáo hội, đã được làm sáng tỏ một cách đặc biệt, sau Công Ðồng Vaticanô II, do bởi vị tiền nhiệm đáng mến của tôi, Ðức Gioan Phaolô II, đúng theo khẩu hiệu của ngài là "Totus Tuus" , Trọn cả Con Thuộc Về Mẹ. Trong mẫu gương đạo đức của ngài và trong thừa tác vụ không mệt mỏi, Ðức Gioan Phaolô II đã làm sáng tỏ trước mắt mọi người sự hiện diện của Mẹ Maria như là Mẹ và là Nữ Vương của Giáo Hội. Hơn bao giờ hết, sự hiện diện hiền mẫu của Mẹ đã được chính Ðức Gioan Phaolô II ý thức ghi nhận trong biến cố mưu sát ngài vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, tại quảng trường thánh Phêrô này. Ðể ghi nhớ biến cố bi thảm này, Ðức Gioan Phaolô II đã muốn gắn Bức Ảnh Ðức Nữ Ðồng Trinh bằng đá quý nhiều màu, nơi Bức Tường của Ðiện Tông Tòa nhìn xuống quảng trường Thánh Phêrô, để Mẹ đồng hành với những giây phút cao điểm quan trọng cũng như với những chuỗi biến cố thông thường của triều giáo hoàng dài lâu của ngài, một triều giáo hoàng đã bước vào giai đoạn kết thúc, cách đây một năm, một kết thúc trong đau thương, nhưng được hòa với sự khởi thắng, một biến cố Vượt qua thật sự. Hơn mọi bức ảnh nào khác, Ảnh Mẹ Maria trong biến cố Truyền Tin làm cho chúng ta nhìn thấy rõ ràng như thế nào tất cả mọi sự trong giáo hội đều trở về với biến cố Truyền Tin, trở về với mầu nhiệm Mẹ Maria đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa; trong sự đón nhận này, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người đã được đóng dấu ấn ký kết một cách trọn hảo. Tất cả trong giáo hội, --- mọi cơ chế và mọi thừa tác vụ, kể cả thừa tác vụ của thánh Phêrô và của những đấng kế vị Thánh Phêrô, --- (tất cả) đều được bao gồm dưới áo choàng của Ðức Nữ Ðồng Trinh, trong khoảng rộng đầy tràn ân sủng của lời thưa "Vâng" của Mẹ Maria chấp nhận thánh ý Thiên Chúa. Tự nhiên, mối dây liên kết với Mẹ Maria có một âm vang thân tình mạnh mẽ trong mỗi người chúng ta, nhưng, trước hết, mối dây liên kết này có giá trị khách quan của nó. Giữa Mẹ Maria và Giáo Hội, thật vậy, có một sự hài hòa mà Công Ðồng Vaticanô II đã nhấn mạnh cách mạnh mẽ, bằng quyết định đúng đặt phần nói về Ðức Nữ Ðồng Trinh vào đoạn kết của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, Ánh Sáng Muôn Dân.

Về chủ đề tương quan giữa nguyên tắc tông đồ phêrô và nguyên tắc thánh mẫu maria, chúng ta có thể gặp lại đề tài này trong biểu tượng chiếc nhẫn mà Tôi sắp trao cho quý chư huynh tân hồng y. Chiếc nhẫn luôn là dấu chỉ của sự kết ước. Tất cả chư huynh đã lãnh nhận một chiếc nhẫn vào ngày chư huynh thụ phong giám mục, như là biểu hiện cho sự trung thành và sự dấn thân gìn giữ Giáo Hội, vị hôn thê của Chúa Kitô. Chiếc nhẫn mà hôm nay Tôi trao cho chư huynh, như là biểu hiện riêng cho phẩm vị hồng y, (chiếc nhẫn này) muốn xác nhận và củng cố sự dấn thân trước đây của chư huynh, vừa nhắc lại một lần nữa hồng ân kết ước và nhắc chư huynh nhớ rằng trước hết mọi sự chư huynh được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, để chu toàn sứ mạng của chư huynh, như là những vị phu quân của giáo hội. Ước gì việc lãnh nhận chiếc nhẫn hồng y này trở nên như là việc chư huynh lặp lại lời thưa "Vâng", lặp lại lời đáp trả "Nầy Tôi Ðây sẵn sàng vâng phục" đối với Chúa Giêsu, Ðấng đã chọn và thiết lập chư huynh, và đối với giáo hội mà chư huynh đã được mời gọi phục vụ, với tâm hồn tràn đầy tình yêu kết ước. Hai chiều kích của Giáo Hội, -- chiều kích tông đồ Phêrô và chiều kích thánh mẫu Maria -- gặp nhau trong điều làm nên sự thành toàn của cả hai chiều kích, nghĩa là trong giá trị cuối cùng của tình yêu bác ái; tình yêu bác ái này là ơn đoàn sủng cao cả nhất, là "nhân đức tốt nhất, trổi vượt hơn mọi nhân đức khác", như thánh Phaolô tông đồ đã viết trong thư thứ I Côrintô. (I Co 12, 31 và I Co 13,13).

Mọi sự đều qua đi trong thế gian này. Trong cõi đời đời, chỉ Tình Yêu tồn tại. Vì thế, thưa chư huynh, nhân thời thuận tiện của Mùa Chay, chúng ta hãy nhất quyết kiểm điểm lại đời sống, sao cho mọi điều mọi sự trong đời sống cá nhân chúng ta, cũng như trong sinh hoạt của Giáo Hội mà chúng ta được dấn thân vào, -- (sao cho tất cả mọi điều mọi sự) đều được thúc đẩy bởi tình yêu bác ái và hướng về tình yêu bác ái này. Mầu Nhiệm Truyền Tin mà hôm nay chúng ta cử hành, cũng soi sáng hướng dẫn chúng ta trong dấn thân này. Thật vậy, hành động đầu tiên mà Mẹ Maria chu toàn sau khi đã chấp nhận lời sứ thần truyền, là mau mắn đến nhà người bà con, là bà Elisabeth, để trợ giúp (x. Luca 1,39). Việc làm đó của Ðức Nữ Ðồng Trinh là một sáng kiến của tình yêu bác ái đích thật, khiêm tốn và can đảm, một sáng kiến được thôi thúc bởi đức tin vào Lời Chúa và bởi sức thúc đẩy nội tâm của Chúa Thánh Thần. Ai sống yêu thương, thì người đó quên mình và đặt mình phục vụ cho người lân cận. Ðó là hình ảnh và kiểu mẫu của Giáo Hội. Mọi cộng đồng giáo hội, giống như Mẹ của Chúa Kitô, đều được mời gọi đón nhận, với sự sẵn sàng hoàn toàn, (đón nhận) Mầu Nhiệm Thiên Chúa ngự đến ở giữa cộng đoàn và thúc đẩy tiến bước trên những con đường của tình thương. Ðây là con đường mà tôi đã muốn mở ra cho triều giáo hoàng của tôi, vừa mời gọi tất cả, qua thông điệp đầu tiên, hãy xây dựng giáo hội trong tình bác ái, một giáo hội như là "cộng đoàn của tình thương" (x. phần II của thông điệp Deus Caritas Est). Trong việc theo đuổi mục tiêu vừa nói, thưa chư huynh hồng y đáng kính, sự gần gũi của chư huynh, --- gần gũi trên bình diện thiêng liêng cũng như gần gũi thật sự bên cạnh -- là sự nâng đỡ và khích lệ lớn lao cho Tôi. Vì thế, tôi xin cám ơn quý chư huynh, và Tôi mời gọi tất cả, --- quý anh em linh mục, quý thầy phó tế, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân, --- hãy hiệp ý với Tôi trong lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, xin cho hồng y đoàn được luôn nhiệt thành hơn trong tình thương bác ái mục vụ, để giúp cho toàn thể giáo hội có sức chiếu tỏa, trong thế giới, tình yêu Chúa Kitô, để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh. Amen.

 

Quý vị và các bạn thân mến, Vừa rồi là bản dịch tiếng Việt nguyên văn bài giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI trong Thánh Lễ Ðồng Tế tại quảng trường Thánh Phêrô, Roma, sáng thứ Bảy 25 tháng 3 năm 2006, đúng ngày lễ Truyền Tin. Trong Thánh Lễ này, như đã nói, ÐTC đã trao nhẫn hồng y cho các vị Tân Hồng Y.

Chúng tôi sẽ còn tiếp tục nói về biến cố này trong các chương trình Tin Tức và Thời Sự lần sau. Mong quý vị và các bạn sẽ đón nghe.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page