Bài giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

trong Công Nghị Hồng Y ngày 24/03/2006

để phong tước hồng y cho 15 vị Tân Hồng Y

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong Công Nghị Hồng Y công khai tại quảng trường thánh Phêrô, vào sáng thứ Sáu 24 tháng 3 năm 2006, để phong tước vị hồng y cho 15 vị Tân Hồng Y.

(Radio Veritas Asia 25/03/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Lúc 10 giờ 30 phút sáng thứ Sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2006, ÐTC Bênêđitô XVI đã chủ sự Công Nghị Hồng Y công khai tại quảng trường thánh Phêrô ở Roma, để phong tước hồng y cho 15 vị tân hồng y, theo như danh sách đã được ngài công bố vào lễ kính Tòa Thánh Phêrô, ngày 22 tháng 2 năm 2006. Công Nghị Hồng Y đã được lồng vào trong buổi Cử Hành Phụng Vụ Lời Chúa. Trước hết ÐTC đọc công thức thiết lập và công bố cách long trọng danh tánh của 15 vị tân hồng y. Tiếp đến, Ðức Tân Hồng Y William Joseph Levada, Tổng trưởng bộ Giáo Lý Ðức Tin, đã đại diện cho 15 vị tân hồng y nói lên tâm tình biết ơn đối với Ðức Thánh Cha, và cam kết sống trung thành vô điều kiện đối với Chúa Kitô, trung thành với Dân Chúa, đối tượng của công việc tông đồ cũng như của việc phục vụ mục vụ đã được trao phó cho. Ðức Tân Hồng Y William Joseph Levada đã giải thích thêm như sau: "Thưa Ðức Thánh Cha, tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô và đối với giáo hội, lòng trung thành đối với con người đang hết sức khao khát sự thật, chúng con muốn đặt (tình yêu và lòng trung thành này) vào đôi tay Ðức Thánh Cha; cùng chung với nhau, chúng con xin hứa trung thành không giới hạn, không dè giữ, một lòng trung thành không bận tâm lo lắng cho chính bản thân, như màu áo đỏ không ngừng nhắc nhở và cảnh tỉnh chúng con."

Kế đến là bài phúc âm, và sau bài phúc âm, Ðức Thánh Cha đã giảng khuyên như sau:

 

"Thưa Quý Ðức Hồng Y, quý Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ, quý giám mục,

thưa quý vị quan khách,

anh chị em thân mến,

Vào ngày áp Lễ Trọng Truyền Tin, bầu khí ăn năn đền tội của Mùa Chay nhường chỗ cho một cuộc lễ mừng: thật vậy, ngày hôm nay (24/03/2006), hồng y đoàn có thêm 15 tân thành viên. Và thưa quý anh em thân mến, mà tôi vui mừng thăng tước hồng y, tôi xin chào anh em với hết lòng chân thành. Tôi xin cám ơn Ðức Hồng Y William Joseph Levada, vì những tư tưởng và những tâm tình, mà ngài vừa nhân danh tất cả để nói lên cho tôi. Tôi cũng vui mừng chào quý đức hồng y khác nữa, xin chào quý đức Thượng Phụ giáo chủ đáng kính, quý giám mục và linh mục, qúy tu sĩ nam nữ và biết bao anh chị em giáo dân, nhất là những người thân đang tựu họp nơi đây để cùng đồng hành với quý tân hồng y trong lời cầu nguyện và trong niềm vui kitô. Với tâm tình tri ân đặc biệt, Tôi đón nhận sự hiện diện của quý vị thẩm quyền chính phủ và dân sự, đại diện cho nhiều quốc gia và tổ chức khác nhau. Công Nghị Hồng Y công khai là một biến cố nói lên cách hùng hồn bản chất phổ quát của giáo hội được phổ biến khắp mọi nơi trên thế giới, để rao giảng cho tất cả mọi người biết Tin Mừng của Chúa Kitô Ðấng Cứu Thế. Ðức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành chín lần Công Nghị Hồng Y công khai, và như thế đã góp phần một cách quyết định vào việc canh tân hồng y đoàn, đúng theo những định hướng mà Công Ðồng Vaticanô II và Ðức Phaolô VI đã đề ra. Dù quả thật trong dòng các thế kỷ, nhiều điều liên quan đến hồng y đoàn đã được thay đổi, nhưng cũng có những điều không thay đổi; đó là yếu tính và bản chất thiết yếu của cơ quan giáo hội quan trọng này. Những gốc rễ cổ xưa, sự phát triển trong dòng lịch sử và thành phần kết thành hồng y đoàn hiện nay, tất cả các yếu tố này đã làm cho hồng y đoàn trở thành như là một "thượng nghị viện" có sứ mạng cộng tác với người kế vị Thánh Phêrô trong việc chu toàn những trách vụ liên quan đến thừa tác vụ tông tòa phổ quát của ngài.

Lời Chúa vừa được công bố đưa chúng ta ngược dòng thời gian. Cùng với Thánh Sử Marcô, chúng ta trở về với chính khởi nguồn của giáo hội, và một cách đặc biệt, trở về với khởi nguồn của thừa tác vụ phêrô. Với đôi mắt của con tim, chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô; và việc chúng ta đang làm là hoàn toàn hướng về Chúa và để chúc tụng và tôn vinh Chúa. Chúa đã nói với chúng ta những lời làm cho chúng ta nhớ lại định nghĩa về Ðức Giáo Hoàng Roma, một định nghĩa được thánh Grêgôriô Cả ưa thích, như sau: "Ðức Giáo Hoàng Roma là "Servus Servôrum Dêi", là người tôi tớ của những tôi tớ của Thiên Chúa. Thật vậy, khi giải thích cho Mười Hai Tông Ðồ biết rằng quyền hành của các ngài cần được thi hành một cách khác biệt với cách của những "thủ lãnh các quốc gia", Chúa Giêsu tóm kết cách thức thi hành quyền hành trong cách thức công việc phục vụ, với những lời như sau: "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì hãy là kẻ phục vụ anh em; và ai muốn làm kẻ lớn nhất trong anh em, thì hãy là người tôi tớ của tất cả" (Marcô 10, 43-44). Thái độ sẵn sàng hoàn toàn và quảng đại trong việc phục vụ kẻ khác là dấu chỉ riêng biệt của những ai được đặt định vào vị thế có quyền, bởi vì đã xảy ra như thế cho Chúa Giêsu, Ðấng không đến để "được phục vụ, nhưng là để phục vụ và trao hiến mạng sống mình để chuộc lại muôn người" (Mc 10,45). Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu Kitô đã mặc lấy thân phận người tôi tớ. Ðây là điều được diễn tả cách kỳ diệu nơi bài thánh ca chúc tụng Chúa Kitô, được ghi lại nơi thơ Philipphê, chương 2, các câu 6 và 7.

Như thế Chúa Giêsu là người tôi tớ của những tôi tớ của Thiên Chúa. Bước theo Chúa Giêsu và trong sự kết hiệp với Chúa, là các Tông Ðồ; và một cách đặc biệt trong số các Tông Ðồ, là Thánh Phêrô, người đã được Chúa trao cho trách nhiệm hướng dẫn đoàn chiên của Chúa. Trách vụ của Ðức Giáo Hoàng là làm cho mình trước hết trở thành người tôi tớ của tất cả mọi người. Chứng tá của một thái độ như vừa nói trên, được ta nhìn thấy rõ ràng nơi bài đọc thứ nhất của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, nhắc lại cho chúng ta những lời huấn đức của Thánh Phêrô cho các vị "trưởng lão" của cộng đoàn (xem thư 1 Phêrô 5,1). Ðây là một huấn đức được thực hiện với quyền hành được trao cho Phêrô, vì thành nhân đã là người làm chứng cho những đau khổ của Chúa Kitô, Ðấng chăn chiên nhân lành. Người ta hiểu rằng những lời huấn dụ của thánh Phêrô là những lời đến từ kinh nghiệm của chính cá nhân ngài trong việc phục vụ cho đoàn chiên Chúa; nhưng còn hơn thế nữa, đó là những lời được xây dựng trên kinh nghiệm trực tiếp về thái độ sống của Chúa Giêsu, về cách thức phục vụ của Chúa là phục vụ cho đến việc hy sinh chính mình trong việc tự hạ cho đến chết và chết trên trên thập giá, với lòng tín thác vào một mình Thiên Chúa Cha, là Ðấng đã tôn vinh ngài vào lúc thuận tiện. Thánh Phêrô, cũng như thánh Phaolô, đã được Chúa Kitô "chiếm hữu" một cách thật sâu xa (x. Phil 3,12); và như thánh Phaolô, Thánh Phêrô có thể khuyến khích các "trưởng lão" với uy tín trọn vẹn của mình, bởi vì không còn là "ngài sống nữa, nhưng chính Chúa Kitô sống trong ngài" (Gal 2,20)

Ðúng vậy, thưa anh em đáng kính và thân mến, tất cả những gì được Thủ Lãnh Các Tông Ðồ quả quyết, đều được áp dụng đặc biệt cho những ai được mời gọi lãnh nhận tước vị hồng y. Thánh Phêrô đã viết như sau: "Tôi khuyến khích tất cả những vị trưởng lão nơi anh em, với tư cách là trưởng lão trong số các trưởng lão, là người làm chứng cho những đau khổ của Chúa Kitô và là kẻ tham dự vào vinh quang sẽ được thể hiện" (1 Pherô 5,1). Ðây là những lời --- mà trong cấu trúc thiết yếu của chúng --- nhắc lại mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm hiện diện một cách đặc biệt trong tâm hồn chúng ta trong mùa chay này. Thánh Phêrô hướng những lời đó về chính mình, vì ngài kể mình "như là một trong số các trưởng lão"; như thế, thánh nhân làm cho chúng ta hiểu rằng vị trưởng lão trong Giáo Hội, do theo kinh nghiệm chồng chất qua các năm tháng và nhờ những thử thách đã gặp phải và vượt qua, -- (rằng vị trưởng lão đó) cần phải đặc biệt "hòa hiệp" với sức năng động sâu xa của mầu nhiệm Vượt Qua. Biết bao lần, thưa các chư huynh vừa lãnh nhận phẩm vị hồng y, (biết bao lần ) chư huynh đã gặp thấy trong những lời khuyến khích trên lý do để suy niệm và được khích lệ để tiến bước theo chân Chúa chịu đóng đinh và đã sống lại. Những lời trên sẽ được xác định trong điều mà trách nhiệm mới của chư huynh sẽ đòi hỏi nơi chư huynh. Ðược liên kết chặt chẽ hơn với người kế vị Thánh Phêrô, chư huynh sẽ được mời gọi cộng tác với ngài trong việc chu toàn trách vụ phục vụ giáo hội, và điều này có nghĩa là chư huynh sẽ tham dự nhiều hơn vào mầu nhiệm Thập Giá, trong việc chia sẽ những đau khổ của Chúa Kitô. Và tất cả chúng ta đây đều thật sự là những chứng nhân cho những đau khổ của Chúa Kitô trong thời hiện nay, trong thế giới cũng như trong giáo hội; và chính như thế, chúng ta được tham dự vào vinh quang của Chúa. Ðiều này sẽ làm cho chư huynh được múc lấy một cách tràn đầy hơn nơi nguồn mạch ân sủng và sau đó phân phát những hoa trái của ân sủng đó quanh chư huynh một cách hữu hiệu hơn.

Thưa chư huynh đáng kính và thân mến, tôi muốn tóm kết ý nghĩa của ơn gọi mới của chư huynh, trong lời mà tôi đã đặt vào trung tâm của thông điệp đầu tiên của tôi; đó là lời: Caritas, Tình Yêu. Lời nầy hòa hợp rất tốt với màu áo của tước vị hồng y. Ước gì phẩm phục đỏ mà chư huynh mang lấy, luôn là dấu thể hiện tình yêu của Chúa Kitô, vừa khuyến khích chư huynh say mê yêu thương Chúa Kitô, để phục vụ giáo hội và nhân loại.

Giờ đây chư huynh có thêm một lý do nữa để làm sống lại những tâm tình đã thôi thúc Con Thiên Chúa làm người, đến việc đổ máu mình ra, để đền bù những tội lỗi của toàn thể nhân loại. Thưa chư huynh đáng kính và thân mến, tôi tin tưởng nơi chư huynh, nơi toàn thể hồng y đoàn mà giờ đây chư huynh được tham dự vào, để rao giảng cho thế gian biết rằng Thiên Chúa là Tình Yêu; và để rao giảng nhất là bằng chứng tá của sự hiệp thông chân thành giữa những người kitô. Chúa Giêsu đã phán: "Do bởi dấu tình yêu này, tất cả mọi người sẽ biết rằng anh em là môn đệ của Ta, nếu anh em yêu thương nhau" (Gn 13,35).

Thưa chư huynh đáng kính và thân mến, tôi tin tưởng vào chư huynh để làm cho nguyên tắc Tình Yêu Bác Ái có thể chiếu tỏa và thành công làm sinh động giáo hội ở mọi cấp bặc, nơi mọi cộng đoàn và mọi dòng tu, trong mọi sáng kiến thiêng liêng, tông đồ và linh hoạt xã hội.

Tôi tin tưởng nơi chư huynh để làm sao cho cố gắng chung của chúng ta nhìn về Con Tim bị đâm thâu qua của Chúa Kitô, làm cho an toàn hơn và mau lẹ hơn con đường tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn những người kitô.

Tôi tin tưởng vào chư huynh, ngõ hầu, --- nhờ vào việc chú ý nhìn nhận giá trị của những kẻ bé nhỏ, những người nghèo, --- giáo hội có thể cống hiến cho thế giới một cách cương quyết lời rao giảng và thách thức xây dựng nền văn minh của tình thương. Tôi mong muốn nhìn thấy tất cả những điều vừa nói trên được biểu trưng nơi màu đỏ chư huynh mang lấy. Ước gì màu đỏ thật sự là biểu tượng cho tình yêu kitô nồng nhiệt chiều tỏa từ cuộc sống của chư huynh.

Tôi xin phó thác trong tay hiền mẫu của Mẹ Maria, Người Nữ Ðồng Trinh làng Nazareth, mà từ nơi Mẹ, Con Thiên Chúa đã nhận lấy Máu để rồi lại đổ ra từ trên thập giá, như là bằng chứng cuối cùng của tình yêu.

Trong Mầu Nhiệm Truyền Tin, --- mà chúng ta sắp cử hành ---, được mạc khải cho chúng ta biết rằng nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người và đến cư ngụ giữa chúng ta. Nhờ lời khẩn cầu của Mẹ Maria, nguyện xin Thánh Thần của sự Thật và Tình Yêu đổ xuống tràn đầy trên quý Tân Hồng Y và trên tất cả chúng ta đây, ngõ hầu được trở nên giống Chúa Kitô nhiều hơn, chúng ta có thể hiến thân không mệt mỏi cho công việc xây dựng giáo hội và phổ biến Tin Mừng trên thế giới.

 

Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là bản dịch tiếng Việt trọn cả bài giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong Công Nghị Hồng Y công khai tại quảng trường thánh Phêrô, vào sáng thứ Sáu 24 tháng 3 năm 2006, để phong tước vị hồng y cho 15 vị Tân Hồng Y.

Sau bài giảng của ÐTC, các vị Tân Hồng Y tuyên xưng đức tin trước cộng đồng dân chúa, và thề hứa trung thành và vâng phục đức thánh cha. Sau đó, từng vị tân hồng y tiến lên quỳ gối trước mặt ÐTC, để nhận Mũ Hồng Y, Văn Thư Bổ Nhiệm và Tên của Một Nhà Thờ ở Roma làm Nhà Thờ Hiệu Tòa Hồng Y của mình.

Chúng tôi sẽ còn nói tiếp về biến cố này trong những giờ phát thanh lần sau, mong quý vị và các bạn sẽ theo dõi.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page