Mừng Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện

100 tuổi (13.3.1906 - 13.3.2006)

một vài suy nghĩ về tuổi già

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Mừng Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện 100 tuổi (13.3.1906 - 13-3-2006), một vài suy nghĩ về tuổi già.

Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, vị giám mục cao niên nhất thế giới, tròn 100 tuổi vào ngày 13-3-2006. Nhân dịp này Ðức Cha Tri Bửu Thiên, giám mục phó giáo phận Cần Thơ cùng với Cha Triêm, Cha Be và Cha Tần đã tới thành phố Nice bên Pháp nơi Ðức Cha Cố cư ngụ để chúc mừng thượng thọ của Ngài. Người viết xin được đóng góp ít nhận xét thô thiển về tuổi già, xin qúi vị xem các bài viết trước đây: "Vị giám mục cao niên nhất thế giới: Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, sắp tròn 100 tuổi!" (24-01-2006) và "Thư Mục Vụ Giáo Phận Vĩnh Long" (02-02-2006). Ðức Cha Thiên hiện đang giảng phòng cho các cha ở Huế, sau đó sẽ sang Paris (France) cùng với Cha Triêm, cha Be, cha Tần để mừng thượng thọ 100 tuổi của Ðức Cha Nguyễn Văn Thiện, cựu Giám Mục Vĩnh Long.

Giám Mục Antôn Nguyễn văn Thiện (sinh ngày 13.3.1906)


Ðức Cha Antôn Nguyễn văn Thiện ngồi trên chiếc xe lăn, chụp hình chung với các quan khách, trong ngày mừng thượng thọ 100 tuổi tại Nice, Pháp.


Theo phong tục Việt Nam, nặng về tôn ti trật tự, những người có tuổi thường được kính trọng qua cách xưng hô, chào hỏi, bộ điệu khi nói chuyện, cách sắp xếp chỗ ngồi, v.v. Sự kính trọng này được thể hiện trong đời sống hằng ngày, và một cách rõ nét hơn trong các tiệc tùng, lễ lạy, nhất là vào dịp Tết, khi chúng ta chúc thọ, chúc tuổi ông bà, cha mẹ và bậc trưởng thượng.

Ngày Tết đã qua, nhưng người viết xin được nói lên một vài suy nghĩ về tuổi già đáng kính, về thân phận và ảnh hưởng của giới cao niên trong xã hội thời nay, ít ra là tại Hoa Kỳ.

Tuổi nào là tuổi thọ?

Ở Việt Nam trước đây, người 50 tuổi đã được gọi là "cụ," vì tuổi thọ trung bình không cao. Vào thời xa xưa hơn nữa thì người được 40 tuổi đã được họ hàng, làng nước kính trọng như ông lão, bà lão! Một số vua nhà Trần khi được 40 tuổi đã nhường ngôi cho con cái để nghỉ ngơi. Nếu tính theo tiêu chuẩn này thì nhiều gia đình ngày nay, từ cha mẹ đến con cái, kể cả các cháu, đều đã lên hàng lão! Ở Mỹ người ta không gọi nhau bằng cụ, nhưng khi ai đến tuổi 40 thì bị coi là đã bắt đầu xuống dốc (over the hill).

Tôi còn nhớ là vào thập niên 1960 và 1970 ở Việt Nam, những thanh niên thiếu nữ, chưa đến tuổi làm cụ, chỉ mới khoảng ngoài hai mươi, đã tỏ ra khá chững chạc, nhất là những ai được tôi luyện trong quân ngũ và chiến trường. Còn những ai trẻ măng nhưng đã tỏ ra quá đạo mạo thì bị chế nhạo là ông cụ non hoặc bà cụ non.

Theo âm lịch của Á Ðông, thay vì đếm thế kỷ (100 năm) thì người ta đếm "nguyên" (60 năm). Mỗi nguyên là một chu kỳ tròn đầy, vì cứ 60 năm thì tên của năm âm lịch lại được lập lại. Thí dụ như năm nay, 2006, là năm Bính Tuất, 12 năm nữa cũng là năm Tuất, nhưng phải đến năm 2066 mới có một năm Bính Tuất nữa.

Ðối với người Trung Hoa, cuộc sống sau 60 năm được coi như cuộc sống mới, được cho thêm (bonus). Ai sống được 60 năm thì được coi là hạ thọ, 70 là trung thọ, 80 là thượng thọ. Tuy nhiên sống đến 70 đã là hiếm ("Nhân sinh thất thập cổ lai hy"). Chẳng biết dân Do Thái với các dân Á Ðông có trao đổi văn hóa với nhau hay không, vậy mà Kinh Thánh Cựu Ước cũng có câu gần giống như vậy: "Tính tuổi thọ, trong ngoài 70" (Thánh vịnh 90:10). Bây giờ, sống trên 80 tuổi không phải là hy hữu nữa, kể cả tại Việt Nam, nhờ ở những tiến bộ của y khoa.

Muốn trẻ mãi không già

Không cần nói thì chúng ta cũng biết, xã hội thời nay chuộng những người trẻ, vì sự trẻ trung thường được gắn liền với sự đẹp đẽ, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, với sự sống sung mãn. Những hình ảnh này họ thấy thường xuyên trong những quảng cáo, nơi những người mẫu, những tài tử điện ảnh hoặc thể tháo gia. Những người mẫu ở tuổi trên 25 đã bị coi là già, những cầu thủ ngoài 30 thì phần lớn đã về hưu.

Người ta sợ bị coi là xế chiều, vì nghĩ rằng già thì không còn hấp dẫn, trở nên suy yếu, chậm chạp hơn. Người ta thích trẻ mãi không già dù biết rằng, trừ phi chết trẻ, ai cũng đi qua bốn chặng: sinh, lão, bệnh, tử. Họ sung sướng khi được khen là trẻ, được gọi là "cô" thay vì "bà" - dù rằng tuổi đã quá xa nửa chừng xuân, và bực bội khi có ai vô tình hoặc cố ý nói lên sự thay hình đổi dạng của họ theo luật tự nhiên và theo thời gian.

Vì vậy mà người ta tốn bao nhiêu tiền để làm cho mình trẻ trung đẹp đẽ hơn, từ việc trang điểm, làm tóc nhuộm tóc, giải phẫu thẩm mỹ, cho đến kiêng cữ khi ăn uống, tập thể dục chơi thể thao, v.v. Khoảng 50 triệu người ở Mỹ thường xuyên theo chương trình kiêng ăn và xuống cân, chi phí khoảng 32 tỉ đô-la hằng năm.

Riêng về mục ăn uống kiêng cữ, có lẽ không ai nhạy bén bằng dân Mỹ, kiêng cữ đủ thứ: chất béo, chất mặn, đường, carbohydrate, bột ngọt (MSG), v.v. Vậy mà tỷ lệ phì nộn trong dân chúng, kể cả trẻ em, ngày càng gia tăng. Hiện nay có tới 64.5% người Mỹ từ 20 tuổi trở lên có trọng lượng "quá tải," và 30.5% bị phì nộn. Họ kiêng ăn mà ít vận động, thường di chuyển bằng bốn bánh xe thay vì hai chân, cho nên vẫn lên cân. Một số chuyên gia y khoa lo ngại là thế hệ trẻ phì nộn hiện nay rất có nguy cơ chết trước cha mẹ chúng.

Tuổi thọ gia tăng, người già đông đảo

Người ta chuộng sự trẻ trung, sợ bị già lão, nhưng xã hội thì càng ngày càng già hơn. Ngày nay người ta sống lâu hơn trước, mà các cặp vợ chồng lại sinh con ít hơn, cho nên tỉ lệ người già càng ngày càng cao. Vì vậy, thời nay ai qua đời ở tuổi 60 thì được coi là còn "trẻ," 70 thì không mấy ai ngạc nhiên, 80 hoặc 90 trở lên thì mới nghĩ là thọ, 100 tuổi thì mới là "cổ lai hy."

Riêng ở Mỹ thì trong những năm gần đây số người cao niên (từ 65 tuổi trở lên) tiếp tục gia tăng. Tuổi thọ trung bình ở Mỹ là 77 tuổi ở cuối thế kỷ XX, so với 49 tuổi vào năm 1901. Theo thống kê năm 2000, số người già nói chung tại Hoa Kỳ là 35 triệu trên dân số 281 triệu, trong đó:

18.5 triệu cụ thuộc cỡ tuổi 65-74

12.3 triệu cụ thuộc cỡ tuổi 75-84

4.2 triệu cụ thuộc cỡ tuổi 85 trở lên (tỉ lệ gia tăng nhanh nhất).

Cũng theo thống kê này, 25% số người trên 65 tuổi sống một mình, so với 10% sống một mình trong dân Mỹ nói chung. Trước đây, các cụ thường sống ở các nhà dưỡng lão gọi là "nursing home" khi sức khoẻ đi xuống đến mức độ không còn tự lo cho mình được, để được chăm sóc chu đáo về y tế. Từ năm 1990 đến nay, con số các cụ sống ở loại nhà này đã giảm xuống, nhưng con số các cụ ở loại nhà "assisted living facility" lại gia tăng gần gấp đôi. Loại nhà này dành cho các cụ lớn tuổi mà còn tương đối khoẻ mạnh, không cần lệ thuộc nhiều về y tế, nhưng được hưởng những dịch vụ cần thiết để cuộc sống được tiện nghi hơn, thí dụ như có nhà thuốc tây, phòng hớt tóc uốn tóc, phòng tập thể dục tại chỗ. Trong những nhà loại này có nhiều cụ 90 tuổi mà vẫn còn đi lại và sinh hoạt khá bình thường. Cách đây vài năm, một số nhà dưỡng lão gọi là "nursing homes" ở Mỹ bị mang tiếng là bê bối vì không chăm sóc các cụ cho đúng mức, có khi còn làm khổ một số cụ.

Nét đáng yêu của đồng nội

Những hệ quả của tuổi thọ kéo dài

Tuổi thọ gia tăng như vậy và con số những người già cũng gia tăng tất nhiên là mang lại những hệ quả cho cá nhân, gia đình và xã hội. Sau đây là một số điều mà chúng ta có thể nhận ra.

1) Các cụ sống lâu hơn có nghĩa là sau khi về hưu, các cụ có dư nhiều thời giờ hơn trong nhiều năm chứ không như trước đây, khi về hưu có nghĩa là chỉ còn sống được một ít năm nữa. Bên cạnh việc đọc sách, khiêu vũ, tập thể dục, làm vườn, trồng bông, đi nhà thờ, lần chuỗi, v.v., có những cụ bắt đầu học hỏi, tìm hiểu về điện toán, internet, e-mail, chụp hình, tập chơi một nhạc cụ, v.v.

2) Một số cụ tuy có dư giờ để tiêu khiển nhưng thấy buồn vì cuộc sống quá thụ động và rảnh rỗi, cho nên đi xin việc làm vài tiếng mỗi ngày, dù không cần thêm tiền. Có những cụ về hưu, để lại thương vụ cho con cái, nhưng rồi sau đó buồn quá, lại xin đi làm việc cho con mình! Ðiều này xảy ra kể cả khi họ còn người phối ngẫu bên cạnh, vì nói chuyện hoài rồi cũng chán, mà chẳng lẽ lại cứ ngồi nhìn nhau! Rốt cuộc cũng phải kiếm gì làm để tránh cảnh "ngồi buồn thơ thẩn đi ra, đụng phải cột nhà thơ thẩn đi vô."

3) Rất nhiều cụ cảm thấy cô đơn, nhất là những người chỉ còn một thân một mình, hoặc sống trong nhà mà con cháu không thông cảm, hoặc chúng quá bận rộn không có giờ hỏi han. Những người phải sống trong nhà dưỡng lão thì càng mang nặng nỗi cô đơn, mong có người nói chuyện hoặc có người nghe chuyện của mình. Nhiều khi các linh mục đến thăm các cụ, chỉ cần ngồi nghe các cụ nói chuyện một hồi là các cụ cảm thấy an ủi khôn lường, cám ơn không ngớt.

4) Cụ nào không còn lái xe được và phải ở nơi mà phương tiện di chuyển công cộng không thuận tiện thì thấy mình như bị giam lỏng, bó chân bó cẳng. Một số người đã đến tuổi ngoài 80 mà vẫn tiếp tục lái xe, tuy chỉ dám ra đường vào lúc trời còn sáng và chỉ lái ở đường nhỏ. Khi bắt buộc phải ra xa lộ, các cụ lái xe với tốc độ quá chậm, khiến nhiều kẻ sốt ruột vượt lên để qua mặt. Vào năm 2003, cụ Russell Weller ở tuổi 86 đã lái xe Buick LeSabre đâm sầm vào một khu chợ trái cây đông người ở Santa Monica, California, gây thiệt mạng cho 9 người và thương tích cho trên 54 người. Cụ nói rằng mình có ý đạp thắng nhưng có lẽ đạp lộn vào chân ga!

5) Già lão hơn thì nói chung tỉ lệ bị bệnh tật và thương tích cũng cao hơn. Theo một thống kê ở Hoa Kỳ thì vào năm 1996, chi tiêu y tế trung bình hằng năm cho các cụ gia tăng rõ rệt theo tuổi:

Tuổi 65-69: Trung bình $5,864

Tuổi 75-79: Trung bình $9,414

Tuổi 85 trở lên: Trung bình $16,465

Tuy nhiều người sống thọ khiến những chi phí về y tế gia tăng, mà số người đi làm và đóng thuế cho xã hội lại giảm đi về tỷ lệ, nhưng các chính trị gia sợ đụng chạm đến giới già vì các cụ chăm chỉ đi bầu cử, nếu không được phiếu của các cụ là có thể bị mất ghế dân cử như chơi. Ðằng khác, khoa lão học (gerontology) sẽ phải cố gắng nhiều hơn để nghiên cứu những khó khăn của giới già ngày càng đông đảo.

6) Ở Hoa Kỳ có một từ ngữ ngộ nghĩnh, nhưng diễn tả những thử thách của thời đại mới: "Thế hệ mắc kẹt" (sandwich generation), nghĩa là "mắc kẹt" với trách nhiệm dành cho những thế hệ già hoặc trẻ hơn mình. Trước đây, họ chỉ "mắc kẹt" với nghĩa vụ dành cho 2 thế hệ: cha mẹ và con cái. Thời nay họ có trách nhiệm với 3 thế hệ:

- Những người khoảng trên dưới 60 tuổi có nghĩa vụ chăm lo cho bố mẹ già, đồng thời phải chăm sóc con cái, và có khi cả các cháu nội hoặc ngoại.

- Nếu họ ở tuổi trên dưới 40, thì họ có trách nhiệm chăm lo cho con cái, cộng thêm cả hai thế hệ trước đó là cha mẹ và ông bà.

Hiện nay có hơn 25% các gia đình tại Hoa Kỳ có trách nhiệm một cách nào đó đối với việc chăm sóc cha mẹ hoặc ông bà ở tuổi cao niên, không phải chỉ trong ít năm mà nhiều năm, vì các cụ sống lâu hơn trước.

Những giá trị và cống hiến của tuổi già

Tình mẫu tử

Xem ra thì tuổi thọ gia tăng trong những thập niên gần đây đã và đang mang lại nhiều phiền toái cho cá nhân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên tuổi già vẫn có giá trị và hữu ích nếu chúng ta có một cái nhìn rộng hơn.

1) Người già là người sống lâu, thấy nhiều nghe nhiều, đi qua nhiều thời đại và thay đổi, thường là người có nhiều kinh nghiệm và khôn ngoan. Một số cụ không được học nhiều từ sách vở nhưng sự hiểu biết từ kinh nghiệm sống rất đáng cho những thế hệ sau học hỏi.

Người ta kể rằng khi nước Nga còn sống dưới chế độ phong kiến, dân chúng rất oán than một vị Nga hoàng. Nhưng ngày kia, một ông trung niên kinh ngạc khi nghe một bà cụ quỳ gối ở nhà thờ mà cầu nguyện cho Nga hoàng sống lâu. Khi ông ta thắc mắc thì bà cụ nói: "Già này sống đã lâu, thấy rằng càng những ông vua về sau thì càng tệ hơn những ông vua trước. Vì vậy, chúng ta phải cầu xin để Nga hoàng này sống lâu cho dân không bị khốn khổ thêm nữa."

Ngay trong xã hội kỹ thuật tân tiến hôm nay, người ta chuộng những gì là mới mẻ tân kỳ, nhưng những thành tựu hiện đại cũng phải dựa trên những khám phá của bao nhiêu thế hệ trước. Hoặc có khi kỹ thuật tiến bộ hơn nhưng người ta lại chuộng những kiểu mẫu thẩm mỹ của mấy chục năm về trước, thí dụ như các xe hơi gần đây ở Mỹ được mô phỏng theo những kiểu xe thời thập niên 1960, hoặc nhiều kiến trúc, mốt ăn mặc bây giờ bắt chước những kiểu mẫu thời xưa.

2) Người già là một thế hệ không thể thiếu, một mắt xích trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa, luân lý, đức tin cho các thế hệ trẻ. Có thể là một số những gì các cụ truyền lại đã trở thành cổ hủ, không còn thích hợp với thời đại hôm nay, nhưng bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều điều mà con cháu có thể hấp thụ từ giới cao niên.

Người già có thể truyền đạt những giá trị quý giá cho các thế hệ trẻ ngay cả khi các cụ mang bệnh tật, chịu đựng những đau khổ của tuổi già. Nhiều người Mỹ thời nay không dám cho con cái đến thăm ông bà của chúng khi các cụ bị bệnh tật, sợ rằng chúng phải thấy cảnh đau khổ mà kinh hãi. Thật ra trong thế giới hôm nay, qua các phương tiện truyền thông, trẻ con còn thấy nhiều cảnh tượng kinh hoàng hơn. Lại nữa, con người ta không thể nào tránh khỏi những tiếp cận với đau khổ. Ðằng khác, những hình ảnh người già bệnh tật có thể có tác dụng giúp con người, kể cả trẻ con, hiểu thêm về thực tế cuộc đời, về sự chịu đựng can trường, về phẩm giá con người khi khoẻ mạnh cũng như lúc bệnh tật.

Hình ảnh Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II già yếu, bệnh tật trong những năm cuối đời mà vẫn can đảm thi hành sứ mạng, nhất là trong những ngày cuối cùng không còn nói được, đã là một cách rao giảng thầm lặng mà mãnh liệt về phẩm giá của mọi người dù già yếu, bệnh tật; về sức mạnh của niềm tin và tinh thần trong mọi tình huống, v.v. Vào năm 1999, năm dành cho giới cao niên, ngài đã viết một tông thư cảm động gởi cho người già, chia sẻ cảm nghiệm bản thân, lòng quý mến và những khích lệ cho các cụ ở "mùa thu của cuộc đời."

3) Ði lễ ở nhiều nhà thờ Mỹ thời nay, chúng ta thấy người già chiếm đa số trong các Thánh Lễ. Trong các cộng đoàn tín hữu Việt Nam, chúng ta thấy giới trẻ còn xuất hiện khá đông ở các nhà thờ và các sinh hoạt theo tuổi, bên cạnh các cụ ông cụ bà và giới trung niên. Ðó là hình ảnh tuyệt vời của dân Thiên Chúa, bao gồm mọi lứa tuổi, mọi thế hệ. Tuy nhiên, trong tương lai, liệu những xứ đạo hoặc cộng đoàn Việt Nam ở Hoa Kỳ và hải ngoại còn sự tham gia đông đảo của giới trẻ?

Quan tâm hiện nay của Giáo Hội Hoa Kỳ là làm sao để truyền đạt lòng tin cho thế hệ trẻ, để chúng tiếp tục di sản đức tin của cha ông. Trước đây, người ta nhận thấy là giới trẻ Mỹ thường bỏ nhà thờ sau khi lãnh bí tích Thêm Sức (vì vậy có người chua chát gọi là "sacrament of departure" hay là "bí tích rời nhà thờ," "bí tích tốt nghiệp"), nhưng sau đó họ sẽ trở lại nhà thờ để làm lễ cưới, và cuối cùng thì đi lễ đều đặn khi con cái của họ được rửa tội và đến tuổi học giáo lý. Hiện nay một số trong giới lãnh đạo Giáo Hội Hoa Kỳ lo ngại là thế hệ trẻ hiện tại sẽ bỏ nhà thờ luôn chứ không vòng trở lại, giống như điều đã và đang xảy ra ở nhiều nước bên Âu Châu là một đời họ đến nhà thờ ba lần: lễ rửa tội, lễ cưới, và lễ an táng.

Tuy nhiên giới già vẫn có thể có ảnh hưởng tốt đến giới trẻ qua đời sống đức tin của mình. Theo những nghiên cứu gần đây, có một bất ngờ lý thú là nhiều bạn trẻ người Mỹ còn sống đức tin Công Giáo là nhờ ở ông bà nội ngoại. Sinh trưởng trong những gia đình đổ vỡ vì ly dị, hoặc trong những gia đình mà cha mẹ thuộc vào thế hệ coi thường tôn giáo, họ thiếu mất sự giáo dục đức tin từ cha mẹ ruột, nhưng lại học được nhiều từ ông bà, và nhờ đó đã tiếp tục trưởng thành trong đức tin.

Vì vậy, chúng ta chớ coi thường lòng tin của các cụ già. Còn các cụ, xin hãy tiếp tục siêng năng đi lễ, đọc kinh cầu nguyện cho con cháu. Khi có dịp, các cụ có thể khéo léo nhắc nhở con cháu đi lễ và nhất là sống đạo theo Lời Chúa. Nhưng trên hết, các cụ hãy tỏ ra niềm vui của người đón nhận Tin Mừng, hãy làm chứng về niềm hy vọng của người tin vào Chúa Phục Sinh, hãy tỏ ra đức bác ái của người tin kính Thiên Chúa Tình Yêu, vì "lời nói lung lay, gương bày lôi kéo." Những lời thúc bách con cháu đi lễ không có tác dụng tốt cho bằng thái độ vui vẻ khi đi lễ, lối sống yêu thương của người biết và tin Chúa.

4) Tất cả những gì là trẻ trung hoặc gắn liền với nó như sức khoẻ, sắc đẹp rồi cũng có ngày qua đi, như lời Kinh Thánh nói: "Tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả" (Giảng viên 11:10). Nói như vậy không có nghiã là chúng ta nên bi quan. Trái lại, chỉ có nghĩa là hãy biết sống thực tế, sống theo sự thật về mình, không chạy theo ảo tưởng là mình có thể trẻ mãi không già. Người theo tinh thần thực tế như vậy thì không sợ tuổi già, vì tuổi già cũng có vẻ đẹp và giá trị của tuổi già, vì mỗi con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, vẫn có phẩm giá dù là trẻ hay già.

Có một thời tôi nghĩ rằng các cụ già cổ hủ, lẩm cẩm, lỗi thời. Nhưng khi chính tôi cũng càng ngày càng... già hơn, và được tiếp xúc với nhiều cụ già ở các nhà thờ, nhà dưỡng lão, bệnh viện, tôi bắt đầu nhận ra những cái hay cái đẹp của các cụ già. Tôi nhận ra sự khôn ngoan kinh nghiệm của các cụ, niềm tin không phai nhòa mà ngày càng thêm son sắt nơi các cụ, sự nhẫn nại và can đảm chịu đựng trong sự già yếu bệnh tật. Có thể các cụ chậm chạp, nói năng thều thào, chỉ biết đọc kinh lần hạt, nhưng những giá trị nói trên được biểu lộ rõ nét. Có lúc tôi thầm nghĩ rằng không biết khi mình già như các cụ, mình có còn được như các cụ hay không?

5) Sau hết, lòng kính trọng người già đặc biệt cần thiết cho liên hệ gia đình, nhất là gia đình với nhiều thế hệ già trẻ của Việt Nam. Nếu các thế hệ trẻ là niềm vui cho người già thì ngược lại các thế hệ cao niên cũng là một nguồn ân phúc cho con cháu. Cả già lẫn trẻ bổ túc cho nhau và làm cho đời sống gia đình thêm phong phú, gắn bó. Tất nhiên là có những bất đồng và xung khắc giữa các thế hệ, nhưng chúng ta không nên để mất những gì là quý báu của mỗi thế hệ. Sự tôn trọng và hiếu thảo dành cho người già và sự thông cảm rộng lượng với tuổi trẻ sẽ mang lại lợi ích cho đôi bên.

Hằng năm, cứ vào dịp lễ Thánh Gia, hay là lễ kính gia đình của Thánh Giuse, Ðức Maria và Chúa Giêsu, chúng ta được nghe những bài đọc tuyệt vời từ Kinh Thánh về đạo hiếu đối với cha mẹ, đặc biệt là Huấn Ca chương 3. Trong dịp lễ Mồng Hai Tết, chúng ta lại được nghe bài trích sách Huấn Ca chương 44 ca ngợi thế hệ cha ông và di sản của các ngài, và thư gởi tín hữu Êphêxô chương 6 nói về sự tôn kính cha mẹ. Tất cả được tóm gọn lại trong điều răn thứ tư là "Hãy thảo kính cha mẹ." Tiếc rằng nhiều người chỉ thấm thía điều răn này và những lời dạy về đạo hiếu khi chính họ có con cái mà cha mẹ của họ thì đã khuất núi.

Kết luận

Nét phong sương của tháng ngày

Ðể thay lời kết luận, sau đây là một câu chuyện có tính khôi hài nhưng diễn tả một xã hội có tôn ti trật tự theo tinh thần "kính lão đắc thọ," không dung thứ sự bất kính đối với người cao niên.

Một ngày kia, trong một xóm lao động, người ta chợt thấy một ông già khoảng 65 tuổi ngồi mếu máo ở cửa nhà. Thấy vậy, một anh thanh niên lấy làm ngạc nhiên lại gần mà hỏi: "Thưa ông, làm sao mà ông ngồi khóc như vậy?"

Ông già chưa kịp trả lời thì ở trong nhà có một tiếng nói vọng ra: "Tao vừa đánh đòn nó, vì nó dám hỗn với ông nội của nó."

Anh thanh niên nghe vậy thì nhìn vào nhà. Anh thấy cảnh tượng một ông cụ khoảng 85 tuổi nét mặt còn đang giận dữ, dưới chân có một cây roi mây. Ông cụ này đang ngồi bên giường của một ông lão ở tuổi trên 100, phe phẩy quạt mát cho ông lão.

Thì ra đây là ông nội và ông bố của ông già 65 tuổi!

 

Lm. Bùi Tiếng

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page