Vài Lời Tâm Tình của Ðức Thánh Cha
vào lúc kết thúc Tuần Phòng
Mùa Chay 2006
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Vài Lời Tâm Tình của Ðức Thánh Cha vào lúc kết thúc Tuần Phòng Mùa Chay 2006.
Tin Vatican (Vat 11/03/2006) - Lúc 9 giờ sáng thứ Bảy, 11 tháng 3 năm 2006, Tuần Phòng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI và các Cộng Sự Viên của ngài kết thúc với giờ Kinh Sáng, sau khi Ðức Hồng Y Marco Cè chia sẻ những gợi ý suy niệm cuối cùng. Lúc kết thúc, ÐTC đã ngỏ vài lời tâm tình với mọi người hiện diện như sau:
Thưa Ðức Hồng Y, Anh em thân mến,
Kết thúc những ngày ân sủng vừa qua, thật là tốt đẹp và cần thiết để Ðức Giáo Hoàng nói lên lời cám ơn. Trước hết là cám ơn Chúa, Ðấng đã ban cho chúng ta thời gian để thở trên bình diện thể lý và thiêng liêng. Và thưa Ðức Hồng Y, xin cám ơn ngài vì đã hướng dẫn chúng tôi lần theo thánh sử Marcô, trên con đường cùng với Chúa Giêsu tiến lên Giêrusalem.
Ngay từ đầu, ngài đã giúp chúng tôi hiểu được tính cách giáo hội sâu xa của "dấu chỉ tuần phòng" này (sacramentum exercitii). Ngài đã giúp chúng tôi hiểu rằng đây không phải là một cuộc cấm phòng cho riêng cá nhân. Với "dấu chỉ tuần phòng", chúng ta thực hiện tình liên đới với Giáo Hội, trong "dấu chỉ chung", và như thế chúng ta đáp lại trách nhiệm chủ chăn của mình. Chúng ta không thể mang đến cho thế giới Tin Vui, là chính Chúa Kitô, nếu chúng ta không là chính mình trong sự hiệp nhất sâu xa với Chúa Kitô, nếu chúng ta không đích thân biết Chúa một cách sâu xa, nếu chúng ta không sống nhờ Lời Chúa.
Cùng với đặc tính giáo sĩ và giáo hội của những ngày Cấm Phòng vừa qua, Ðức Hồng Y cũng đã chỉ cho chúng tôi thấy đặc tính kitô học nữa. Ngài đã làm cho chúng tôi chú ý đến Vị Thầy nội tâm; ngài đã giúp chúng tôi lắng nghe Vị Thầy này ngỏ lời với chúng ta và trong chúng ta. Ngài đã giúp chúng tôi biết đáp trả, biết thưa chuyện với Chúa, vừa lắng nghe Lời Chúa. Ngài đã hướng dẫn chúng tôi trên con đường "dự tòng" -- con đường học theo Chúa -- là chính phúc âm theo thánh Marcô, trong một hành trình chung, cùng với các môn đệ Chúa tiến lên Giêrusalem; và ngài đã làm cho chúng tôi xác tín lại rằng trong con thuyền chúng tôi - mặc cho tất cả những giông bảo của lịch sử - có Chúa Kitô hiện diện. Ngài đã chỉ lại cho chúng tôi nhìn thấy trên dung mạo đau khổ của Chúa Kitô, trên gương mặt có đội mũ gai, (nhìn thấy) vinh quang của Ðấng Phục sinh. Thưa Ðức Hồng Y, chính đây là lý do để chúng tôi cảm tạ ngài; chúng tôi có thể hành trình cùng với Chúa Kitô và các môn đệ Chúa đến lễ Phục Sinh, với sức mạnh mới và niềm vui mới.
Trong tất cả những ngày cấm phòng vừa qua, tôi đã nhìn vào Bức Tranh diễn tả biến cố Truyền Tin cho Mẹ Maria. Ðiều đã thu hút tôi là điều sau đây: tổng lãnh thiên thần Gabriel cầm nơi tay cuộn giấy tròn, mà tôi nghĩ là biểu tượng cho Kinh Thánh, cho Lời Chúa. Và Mẹ Maria trong tư thế quỳ gối phía bên trong cuộn giấy. Mẹ Maria ở phía trong cuộn giấy, nghĩa là trọn cả cuộc đời Mẹ sống trong Lời Chúa. Mẹ như được thấm nhuần bởi Lời Chúa. Như thế trọn cả suy nghĩ, ý chí và hành động của Mẹ được thấm nhuần và được huấn luyện bởi Lời Chúa. Nhờ sống kết hiệp với Lời Chúa, mà Mẹ có thể trở thành "nơi cư ngụ mới" của Lời Chúa trong thế giới.
Thưa Ðức Hồng Y, một cách âm thầm, vào lúc cuối cùng, với những gợi ý trên, ngài đã hướng dẫn chúng tôi trên con đường thánh mẫu. Con đường thánh mẫu này mời gọi chúng ta nhập vào trong Lời Chúa, đặt đời sống chúng ta vào bên trong Lời Chúa và như thế để cho hữu thể chúng ta được thấm nhuần bởi Lời Chúa, ngõ hầu chúng ta có thể là những chứng nhân của Lời Chúa đầy sức sống, chứng nhân của chính Chúa Kitô trong thời đại chúng ta. Như thế, với sự can đảm mới, với niềm vui mới, chúng ta hãy tiến về lễ Phục Sinh, tiến về việc cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một cử hành luôn có điều vượt hơn việc cử hành hoặc vượt hơn một nghi thức: đó là cử hành sự Hiện Diện của Chúa và cử hành Ðấng là Sự Thật. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta tiến bước theo Chúa và như thế trở thành những hướng dẫn viên và là mục tử của đoàn chiên được trao phó cho chúng ta.
Thưa Ðức Hồng Y, tôi xin cám ơn ngài. Anh em thân mến, tôi xin cám ơn anh em.
Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là những lời tâm tình Ðức Thánh Cha nói lên lúc kết thúc Tuần Phòng vào sáng thứ Bảy 11 tháng 3 năm 2006.
Trở lại ngày thứ Sáu, mùng 10 tháng 3 năm 2006, ngày cuối cùng trước khi kết thúc Tuần phòng, chúng ta theo dõi Ðức Hồng Y Marco Cè gợi ý suy niệm về Lời Cầu Nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani, về cái chết của Chúa trên đồi Calvario, và về sự Phục Sinh của Chúa.
Về kinh nghiệm Chúa trải qua trong vườn Giếtsêmani, Ðức Hồng Y Marco Cè đã giải thích như sau: "Cơn hấp hối tại vườn Giếtsêmani cho phép chúng ta bước vào bên trong mầu nhiệm Thương Khó, để hiểu được tâm điểm của mầu nhiệm. Và tâm điểm đó như sau: Chúa tự nguyện hiến thân chịu chết... Những đặc điểm của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani là sự đau khổ tột độ của Chúa trên bình diệm tâm lý, là sự cơ đơn hoàn toàn của Chúa Giêsu, là sự sụp đổ hoàn toàn công việc của Chúa, nhuưg đồng thời là sự vâng phục tận căn và hoàn toàn của Chúa theo thánh ý của Thiên Chúa Cha... Chúa Giêsu xin Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng cuộc Thương Khó, nhưng đồng thời Chúa chấp nhận không điều kiện quyết định của Thiên Chúa Cha... Không có lời cầu nguyện nào khác mang tính cách con người hơn, và đau khổ hơn lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu..Nhưng đồng thời cũngkhông có sự phó thác con thảo nào vượt hơn sự phó thác này của Chúa... Cái chết của Chúa Giêsu vì tình yêu đã thực hiện trọn vẹn chương trình cứu rỗi Thiên Chúa Cha đã định từ thuở đời đời.
Ðức Hồng Y Marco Cè lưu ý rằng viên sĩ quan Roma có mặt tại chỗ nhìn thấy cách Chúa chịu chết trên thập giá, đã thốt lên như sau: Quả Thật, Ngài là Con Thiên Chúa. Trong lời tuyên xưng đức tin của Viên Sĩ Quan Roma, chúng ta có thể nhìn thấy trước ánh sáng Phục Sinh chiếu toả.
Tiếp đó, trong bài gợi ý suy niệm thứ hai, vào sáng thứ Sáu, mùng 10 tháng 3 năm 2006, Ðức Hồng Y trình bày những suy nghĩ của ngài về sự kinh ngạc của các người nữ khi đối diện ngôi mộ trống. Các người nữ được chàng thanh niên loan báo tin Chúa đã sống lại, và cho biết rằng Chúa Phục Sinh đang chờ gặp các môn đệ ngài ở Galilê. Ðức Hồng Y nhận định như sau: " Kết luận như thế của Phúc âm theo Thánh Marco chắc chắn làm chúng ta kinh ngạc. Việc sai các môn đệ trở lại Galilê, nơi Tin Mừng đã được loan báo, dường như muốn quy chiếu về một sự bắt đầu mới, sự bắt đầu của Giáo Hội, một giáo hội có bổn phận hướng dẫn mầu nhiệm Chúa Giêsu đến sự hoàn thành viên mãn trong thời gian. Nơi trang Phúc âm này, chúng ta thấy được "hành động đức tin" biến chúng ta thành người kitô. Tin Mừng thật sự là Tin Mừng kể từ giây phút này: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Tin Mừng, do bởi chính sự kiện Ðấng đã chịu đóng đinh chết, không nằm lại trong mồ, mà đã chỗi dậy, đã sống lại. Ðấng mà mọi người đã coi như là một thất bại, thì quả thật Ngài là Con Thiên Chúa, như Ngài đã nói trước. Toàn bộ Phúc Âm theo Thánh Marco được hiểu từ biến cố Chúa Phục Sinh... Sự dữ cùng với cái chết, dấu ấn của sự dữ, cả hai đã bị đánh bại. Hai ngàn năm sau, mọi người kitô cần sống lại nơi chính mình kinh nghiệm mà các người nữ đã trải qua, khi đứng trước ngôi mộ trống... Nếu đức tin vào sự phục sinh của Ðấng chịu đóng đinh chết mà bị che mờ đi, thì niềm hy vọng của chúng ta sẽ bị sụp đổ ngay tức khắc. Sự dữ có lẽ sẽ còn là ông chủ của lịch sử và chúng ta phải sống trong thất vọng."
(Ðặng Thế Dũng)