Những Gợi Ý Suy Niệm Tuần Phòng

cho Ðức Thánh Cha

và các cộng sự viên của Ngài

vào sáng thứ Năm mùng 9/03/2006

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài Gợi Ý Suy Niệm Tuần Phòng dành cho Ðức Thánh Cha và những cộng sự viên của ngài trong ngày thứ Năm, mùng 9 tháng 3 năm 2006.

Tin Vatican (Zenit 9/03/2006) - Sáng hôm nay thứ Bảy, ngày 11 tháng 3 năm 2006, -- theo giờ Roma -- Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI và các cộng sự viên của ngài tại giáo triều Roma kết thúc Tuần Phòng Hằng Năm vào đầu Mùa Chay. Nhưng trong bản tin này, kính mời quý vị và các bạn theo dõi những gợi ý suy niệm đã được Ðức Hồng Y Marco Cè trình bày sáng thứ Năm, ngày 9 tháng 3 năm 2006, ngày thứ tư của Tuần Phòng.

Nội dung chính của các bài gợi ý suy niệm xoay quanh ba biến cố được kể trong Phúc âm theo thánh Marco; đó là biến cố Chúa Biến Hình, biến cố Chúa chữa lành đứa trẻ bị kinh phong, và biến cố Chúa chữa cho anh mù thành Giêricô được sáng mắt.

Theo Ðức Hồng Y, biến cố Biến Hình mạc khải cho chúng ta biết "sự hiệp nhất nội tại giữa thập giá và vinh quang". Nhưng các môn đệ Chúa lúc đó đã không hiểu được điều này. Trên núi Tabor, căn cước vinh quang của Chúa và mối tương quang giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha, được thể hiện. Ðây là một báo trước cho sự Phục Sinh. Sự hiện diện của Môisen và Elia cho ta thấy rằng nơi Chúa Giêsu tất cả những lời hứa của Cựu Ước, đều được nên trọn. Dân chúng lúc đó đang mong đợi một Ðấng Thiên Sai quyền năng và đầy vinh quang, để giải thoát dân Israel khỏi sự thống trị của đế quốc Roma. Phần Chúa Giêsu, thì Ngài cho thấy chương trình của Thiên Chúa Cha hoàn toàn khác.

Trong biến cố chữa lành đứa trẻ bị kinh phong, Ðức Hồng Y lưu ý rằng các môn đệ của Chúa Giêsu không thể giải cứu đứa trẻ khỏi sự dữ đang hành hạ nó, và rằng Chúa Giêsu đã hành động để đáp lại đức tin của người cha đứa trẻ. Như thế, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy tin tưởng hoàn toàn vào lòng nhân từ vô cùng của Ngài. Chúa giải thích cho các môn đệ, đang chiều theo ảnh hưởng của quan niệm trần tục về Ðấng Thiên Sai, rằng sự dữ chỉ có thể được khử trừ nhờ lời cầu nguyện mà thôi, và như thế Chúa xác nhận cho sức mạnh tối thượng của hành động Thiên Chúa.

Giải thích biến cố Chúa chữa cho anh mù thành Giêricô được sáng mắt, Ðức Hồng Y Marco Cè cũng lưu ý rằng Ðức Tin là yếu tố quyết định để anh mù được Chúa chữa lành đôi mắt. Ðức Tin đến từ sự lắng nghe. Anh mù đã nghe biết Chúa đến, và ước muốn sâu xa nhất của anh là được nhìn thấy Chúa. Ðây là một bài học quan trọng nhất cho ngày hôm nay. Theo Ðức Hồng Y, đức tin trước hết không phải chỉ là sự thông tin để biết; đức tin là trao phó cho đi chính mình, là sự thông hiệp với Chúa Giêsu, Ðấng trao ban chính Ngài cho chúng ta. Và Ðức Hồng Y kết luận như sau: "Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn chữa lành sự mù quáng của chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta sự thật, chỉ thứ sự thật làm cho chúng ta được tự do đích thực, vừa đồng thời chúng ta hãy xin Chúa ban cho sức mạnh để cụ thể hoá đức tin trong đời sống, vừa bước theo Chúa trên con đường dẫn đến Giêrusalem, với niềm xác tín rằng vinh quang đã có mặt sẵn nơi thập giá... "Tình yêu của Thiên Chúa Cha và lòng nhân từ của Chúa Giêsu, đó là những bảo đảm an toàn cho chúng ta."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page