Những Gợi Ý Suy Niệm Tuần Phòng
cho Ðức Thánh Cha
và các cộng sự viên của Ngài
vào sáng thứ Ba mùng 7/03/2006
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những Gợi Ý cho ngày thứ hai của Tuần Phòng dành cho ÐTC và những cộng sự viên của ngài tại giáo triều Roma vào ngày thứ Ba, mùng 7 tháng 3 năm 2006.
Tin Vatican (Zenit 7/03/2006) - Trong hai bài Gợi Ý Suy Niệm vào sáng thứ Ba, mùng 7 tháng 3 năm 2006, -- ngày thứ hai của Tuần Phòng -- Ðức Hồng Y Marco Cè đã nhắc lại việc Chúa Giêsu kêu gọi Mười Hai Tông Ðồ, những con người nghèo hèn tội lỗi theo Chúa.
Theo Ðức Hồng Y, việc Chúa kêu gọi các môn đệ có tích chứa những yếu tố đặc biệt của việc kêu gọi mọi người kitô sống theo Chúa. Những yếu tố đó là: sự hoán cải tận căn, sự từ bỏ, và sáng kiến hoàn toàn của Chúa.
Về sự hoán cải, Ðức Hồng Y Marco Cè nhấn mạnh rằng "hoán cải không chỉ đơn thuần là thay đổi đời sống trên bình diện luân lý, nhưng là việc "định hướng lại cuộc sống mình" theo chính Chúa Giêsu. Ðây là một sự cởi mở hoàn toàn đời sống mình đón nhận Chúa Kitô, là trao dâng chính mình cho Chúa.
Ðức Hồng Y cũng lưu ý thêm rằng việc Chúa Giêsu đến gọi Phêrô và các môn đệ khác, là một việc làm hoàn toàn ngược lại với thói quen của dân do thái thời Chúa Giêsu. Các vị Rabbi, giáo trưởng do thái, không có thói quen đi tìm đồ đệ. Việc Chúa đi tìm và kêu gọi môn đệ theo Chúa là một việc làm hoàn toàn mới. Khi kêu gọi môn đệ, Chúa Giêsu không đàn áp, nhưng giải thoát các môn đệ, và khơi dậy một sự đáp trả trọn vẹn cho lời mời theo Chúa.
Khung cảnh kinh thánh cho những suy niệm trong bài gợi ý thứ hai vào sáng ngày thứ Ba, mùng 7 tháng 3 năm 2006, là làng các ngư phủ tại Capharnaum và căn nhà của Phêrô, nơi Chúa Giêsu chữa lành người bị bại liệt nằm trên chõng, nhờ bốn người khiên mở mái nhà thả xuống truớc mặt Chúa. Ðức Hồng Y chú ý nhấn mạnh đến tình liên đới của bốn người khiêng chõng giúp anh bi bại liệt, và dùng đó như là hình ảnh cho ơn gọi của những ai đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa trong Giáo Hội. Ðức Hồng Y đã nói như sau: "Ðôi khi chúng ta nghĩ rằng vai trò của chúng ta trong giáo hội là hết sức khác với vai trò mà chúng ta đã mơ ước khi chúng ta được thụ phong linh mục... Có thể xảy ra là tuổi tác và bệnh tật không cho phép chúng ta dấn thân tích cực trong cộng việc mục vụ... nhưng lúc đó, chúng ta hãy nghĩ đến sự hiệp thông liên kết chúng ta tất cả mọi thành phần trong giáo hội và làm cho chúng ta trở thành những kẻ "vác chõng" đưa những anh chị em mình đến nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Công việc chúng ta làm có được ý nghĩa của nó, cả khi công việc đó được thực hiện trong âm thầm, hoặc tạo ra cho ta rất ít tâm tình mãn nguyện. Chúng ta phải đương đầu với sự mệt mỏi kiệt sức và cả những khó khăn của hoàn cảnh... Trong những hoàn cảnh như thế, sự tự do nội tâm cần được mở rộng thêm, khi sự yếu đuối trở nên sức mạnh cho những ai hoạt động trong lãnh vực khó khăn của việc rao giảng Tin Mừng."
(Ðặng Thế Dũng)