Bài Giảng Lễ Tro
của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc
Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài Giảng Lễ Tro
Năm 2006
Anh chị em thân mến,
Dựa vào Lời Chúa và Phụng Vụ, tôi xin chia sẻ với anh chị em một vài tâm tình thực tế mà Giáo Hội muốn cho chúng ta có trong ngày lễ tro là cánh cửa đưa chúng ta vào Mùa Chay thánh.
Trước hết Lễ tro dạy cho chúng ta một tâm tình rất cơ bản của đời sống kitô giáo, bước đầu của đời sống đạo, đó là thái độ khiêm tốn nhận ra thân phận yếu đuối tội lỗi của chúng ta, nhận ra những bóng tối, những tiêu cực trong cuộc sống của mình. Ðiều này rất cần thiết cho ta được ơn tha tội, vì nếu ta không nhận mình là kẻ có tội, thì Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta. Thánh Gioan đã viết trong 1 Ga 1:8-8: Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.
Chúa Giêsu đã nhiều lần nói rằng chỉ có người bệnh mới cần thầy thuốc, còn người mạnh khoẻ thì không cần bác sĩ. Nói chung chung, chúng ta thường là những con người rất kiêu ngạo, ít khi nhìn thấy mình có tội, chỉ nhìn thấy tội lỗi của người khác, và luôn miệng chỉ trích họ. Chúng ta hãy ghi nhớ thật kỹ lời của Chúa Giêsu: đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán.
Nhưng nếu chúng ta nhận ra mình là kẻ có tội, tự nhiên chúng ta sẽ có lòng ăn năn sám hối. Ðó là tâm tình thứ hai rất quan trọng của Mùa Chay. Lời Chúa trong sách tiên tri Giôel dạy chúng ta hãy xé lòng lòng chứ đừng xé áo, nghĩa là hãy sám hối ở bên trong chứ không phải chỉ bên ngoài. Chúng ta phải thực sự hối hận trong lòng vì đã làm những điều xấu, những điều có hại cho người khác. Trong chúng ta, có những người, dù đã làm nhiều điều xấu, vẫn tỉnh bơ, không mảy may xúc động, vì lòng người ấy đã ra chai đá mất rồi!
Có lẽ chúng ta cũng có đôi chút kinh nghiệm về sự sám hối; sự hoán cải hay sám hối có nhiều cấp bậc. Lắm khi, sự hối hận của chúng ta có thể rất hời hợt và chóng qua, hối hận đó, nhưng rồi sẽ quên ngay, và vì thế không có ảnh hưởng gì trên cuộc sống thực tế. Nhưng cũng có trường hợp rất sâu sắc và kéo dài suốt cả cuộc đời, như thánh Agustino chẳng hạn, ngài thường ngỏ lời với Chúa: lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn! Ðó là hối hận vì tình yêu, là ăn năn tội cách trọn. Nếu có lòng sám hối ăn năn như thế, chắc chắn chúng ta sẽ được tha
Tâm tình thứ ba là tâm tình thú nhận: chúng ta thú nhận tội lỗi trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em. Chúng ta có thể thú nhận chung với tất cả cộng đoàn trong những phần thống hối của Phụng Vụ. Nhưng cũng cần thiết phải thú nhận riêng với Chúa trong Toà giải tội, nơi mà linh mục, dù là con người yếu đuối, đã được Thiên Chúa tuyển chọn để đại diện cho Chúa Kitô mà ban ơn tha tội, giao hoà tội nhân với Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô trong thư II Corintô. Có những điều thật là bí mật và thâm sâu mà chúng ta không nói với ai cả, nhưng chỉ có Chúa và cha giải tội mới nhìn thấy hay nghe được những điều bí mật nhất trong lòng chúng ta.
Có khi phải thú nhận với cả những người thân yêu và xin họ tha lỗi. Xin lỗi người khác là một hành vi khiêm nhường, có thể mang lại bình an, sự hoà giải giữa đôi bên, mang lại niềm vui cho nhiều người. Chúng ta hãy tập thói quen xin lỗi, mỗi lần chúng ta làm mất lòng hay xúc phạm đến tha nhân, dù người ấy là người nhỏ bé nhất. Con cái xin lỗi cha mẹ đã đành, nhưng cha mẹ cũng nên khiêm nhường xin lỗi con cái, khi đã lở nóng nảy hay làm gương xấu; vợ chồng xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau.
Tâm tình cuối cùng và quan trọng không kém ba tâm tình ở trên, đó là thái độ quyết tâm sửa đổi đời sống, là sự dốc lòng chừa cải, nhất quyết dứt khoát với tội lỗi. Quyết tâm càng mạnh mẽ thì càng ảnh hưởng tới cuộc sống thực tế. Phần đông chúng ta là những thân phận yếu đuối, nên sự dốc quyết của chúng ta có tác dụng điều chỉnh từ từ cho tới khi có sự thay đổi dứt khoát và toàn bộ.
Dù không thể thay đổi cuộc sống một cách nhanh chóng và tức khắc, vì con người cũ nơi chúng ta rất mạnh mẽ và thường sống rất dai, do sự đồng loã và xúi giục của ma quỷ, thế gian và xác thịt, sự dốc lòng chừa của chúng ta phải thực tình, hết lòng và cương quyết. Chúng ta không được dốc lòng chừa cách lơ mơ, lờ mờ, không có gì rõ rệt và chắc chắn, vì như vậy là đồng nghĩa với không dốc lòng, không quyết tâm. Thực sự chỉ có Chúa mới biết rõ cõi lòng chúng ta, vậy chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa Cha trong thẳm sâu tâm hồn, xin Chúa Cha ban Thánh Thần để Ngài củng cố sự dốc lòng của chúng ta.
Mỹ Tho, ngày 1 tháng 3 năm 2006
Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc