Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI
công bố danh sách 15 vị Tân Hồng Y
và triệu tập Công Nghị Hồng Y
vào ngày 24 tháng 3 năm 2006
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI công bố danh sách 15 vị Tân Hồng Y và triệu tập Công Nghị Hồng Y vào ngày 24 tháng 3 năm 2006.
(Radio Veritas Asia 23/02/2006) - Sáng thứ Tư, ngày 22 tháng 2 năm 2006, truớc khi kết thúc buổi tiếp kiến chung tại Ðại Thính Ðường Phaolô VI, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã công bố danh sách 15 vị tân Hồng Y sẽ được phong tước trong Công Nghị Hồng Y sẽ được ngài triệu tập vào ngày 24 tháng 3 năm 2006.
Trước khi đọc danh sách 15 vị tân Hồng Y, Ðức Thánh Cha đã nói như sau:
Ngày lễ kính Toà Thánh Phêrô là ngày đặc biệt thích hợp để loan báo rằng vào ngày 24 tháng 3 (năm 2006), Cha sẽ triệu tập Công Nghị Hồng Y, trong đó Cha sẽ đặt thêm những thành viên mới cho Hồng Y Ðoàn. Loan báo này được liên kết cách thích hợp với Lễ Kính Toà Thánh Phêrô, bởi vì các vị Hồng Y có trách vụ nâng đỡ và trợ giúp người kế vị Thánh Phêrô, trong việc chu toàn trách vụ tông đồ đã được trao phó cho, để phục vụ Giáo Hội. Không phải là điều ngẫu nhiên, trong các văn kiện cổ xưa của giáo hội, các vị Giáo Hoàng đã xác định Hồng Y Ðoàn như là "phần thân thể chúng tôi" (pars corporis nostri) (x. F.X. Wernz,Jus Decretalium II, n.459). Thật vậy các vị Hồng Y kết thành quanh Ðức Giáo Hoàng một thứ "Thượng Nghị Viện" mà ngài nhờ đến trong việc chu toàn những trách vụ có liên hệ với thừa tác vụ của ngài như là "nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của sự hiệp nhất đức tin và hiệp thông" (x. Lumen Gentium, 18).
Với việc lập thêm những vị tân Hồng Y, tôi muốn làm trọn con số 120 thành viên cử tri của Hồng Y Ðoàn, đã được quyết định bởi Ðức Phaolô VI đáng ghi nhớ (x. AAS 65,1973, trg 163). Sau đây là danh sách các vị tân hồng y:
1. Ðức Tổng Giám Mục William Joseph Levada, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin, Hoa Kỳ.
2. Ðức Tổng Giám Mục Franc Rodé, dòng Lazarist, Tổng trưởng Bộ đặc trách Ðời Tận Hiến và các Hiệp Hội Tông Ðồ, người Sloveni.
3. Ðức Tổng Giám Mục Agostino Vallini, Trưởng Toà Án Tối Cao của Tông Toà, người Italia.
4. Ðức Tổng Giám Mục Jorge Liberato Urosa Savino, Tổng Giám Mục Caracas, ngươì Venezuela.
5. Ðức Tổng Giám Mục Gaudencio B. Rosales, Tổng Giám Mục Manila, Philuậttân.
6. Ðức Tổng Giám Mục Jean Pierre Ricard, Tổng Giám Mục Bordeaux, ngưới Pháp.
7. Ðức Tổng Giám Mục Antonio Canizares, Llovera, Tổng Giám Mục Toledo, người Tây Ban Nha.
8. Ðức Tổng Giám Mục Nicolas Cheong-Jin-Suk, Tổng Giám Mục Seoul, Nam Hàn.
9. Ðức Tổng Giám Mục Sean Patrick O'Malley, o.f.m. cap., Tổng Giám Mục Boston, Hoa Kỳ.
10. Ðức Tổng Giám Mục Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, BaLan, nguyên thư ký của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong vòng 40 năm.
11.Ðức Tổng Giám Mục Carlo Caffara, Tổng Giám Mục Bologna, người Italia.
12. Ðức Cha Joseph Trần Nhật Quân (Zen Ze-Kiun), dòng Don Bosco, giám mục Hồng Kong, người Trung Hoa.
Ngoài ra, tôi đã quyết định nâng lên phẩm tước Hồng Y ba vị giáo sĩ trên 80 tuổi, dựa trên những việc phục vụ mà các ngài đã chu toàn cho giáo hội, với lòng trung thành nêu gương và sự tận tụy đáng phục. Ba vị đó là:
1. Ðức Tổng Giám Mục Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, Giáo Sĩ Trưởng Ðền Thánh Phaolô Ngọai Thành;
2. Ðức Tổng Giám Mục Peter Poreku Dery, Cựu Tổng Giám Mục Tamale, bên nước Ghana, Phi Châu;
3. Linh Mục Albert Vanhoye, dòng Tên, người Pháp, cựu Viện Trưởng Học Viện Kinh Thánh và cựu Tổng Thư Ký Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh.
Trong tổng số các vị Tân Hồng Y, được phản chiếu đặc tính phổ quát của Giáo Hội; các ngài đến từ nhiều nơi trên thế giới và thi hành những công tác khác nhau trong việc phục vụ Dân Chúa. Tôi xin anh chị em dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện đặc biệt cho các ngài; xin Thiên Chúa ban cho các ngài những ơn cần thiết để quảng đại chu toàn sứ mạng.
Như tôi đã nói ngay từ đầu, ngày 24 tháng 3 (năm 2006) sắp đến, Tôi sẽ mở Công Nghị Hồng Y; và ngày kế tiếp, tức ngày 25 tháng 3 (năm 2006), đúng ngày lễ trọng Truyền Tin, Tôi sẽ vui mừng chủ tế thánh lễ đồng tế trọng thể với các Tân Hồng Y. Nhân dịp này, Tôi cũng có ý định mở cuộc họp với quý vị hồng y đi để cùng nhau suy tư và cầu nguyện trong ngày 23 tháng 3 (năm 2006).
Như vậy, đọc qua những lời trên của Ðức Thánh Cha, chúng ta có thể lưu ý hai điểm sau đây:
- Thứ Nhất, về Công Nghị Hồng Y: tuy ngày Họp Công Nghị Hồng Y để trao mũ hồng y, là ngày 24 tháng 3 năm 2006, nhưng ÐTC mời tất cả quý Hồng Y về họp với ngài trong ngày 23 tháng 3 năm 2006, để cùng suy tư và cầu nguyện chung với nhau. Ðây là chi tiết mới mà trước đây các Công Nghị Phong Tước Hồng Y không có. Ngày 25 tháng 3 năm 2006, Lễ Trọng Truyền Tin, ÐTC chủ tế Thánh Lễ đồng tế với quý Tân Hồng Y.
- Thứ Hai, nhìn vào con số quốc tịch của các vị tân hồng y, chúng ta ghi nhận rằng 15 vị tân hồng y thuộc về bốn Ðại Lục: Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, và Châu Á. Lần này, không có vị tân hồng y nào đến từ Châu Ðại Dương. Từ Châu Á, chúng ta có ba Vị Tân Hồng Y, đến từ Manila, Hồng Kông, và Seoul. Xét theo quốc tịch, thì có 3 vị người Italia, 2 vị người Hoa Kỳ, 2 vị người Pháp, và 8 vị còn lại thuộc về tám quốc tịch khác nhau, tức mỗi quốc gia sau đây có một vị, Sloveni, Venezuela, Phi luật tân, Tây Ban Nha, Nam Hàn, BaLan, Trung Quốc (Hồng Kông), và Ghana.
Ðây là Công Nghị Hồng Y đầu tiên của Ðức Bênêđitô XVI. Trong 26 năm triều giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, ngài đã triệu tập 9 công nghị, phong tước Hồng Y cho tổng cộng 231 vị, trong số này hiện còn sống 168 vị.
Ngay trong lúc này, Hồng Y Ðoàn gồm có 178 vị, trong số này có 110 vị dưới 80 tuổi, còn quyền vào Mật Viện để bầu giáo hoàng. Nhưng vào ngày mùng 2 tháng 3 năm 2006, sẽ có hai vị đến tuổi 80, như thế chỉ còn 108 vị dưới 80 tuổi.
Và đến ngày 24 tháng 3 năm 2006, ngày Công Nghị phong tước cho các tân hồng y, thì con số các vị hồng y dưới 80 tuổi sẽ là 120 vị. Và Hồng Y Ðoàn tổng cộng sẽ tăng lên 193 thành viên, thay vì 178 thành viên như hiện nay.
(Ðặng Thế Dũng)