Thư Mục Vụ Mùa Chay năm 2006

của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc

Giám Phận Mỹ Tho

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thư Mục Vụ Mùa Chay Năm 2006 của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho:

 

Cuộc Chiến Của Mùa Chay

 

Kính gởi các linh mục,

các nam nữ tu sĩ, chủng sinh,

và toàn thể anh chị em giáo dân.

Anh chị em thân mến,

1. Mùa Chay lại đến với chúng ta trong bầu khí đất nước đang nỗ lực đi lên và mọi người đều phải cố gắng vươn dậy để tồn tại và phát triển, tuy còn gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại.

Với tư cách là giám mục giáo phận, điều đầu tiên tôi khuyên anh chị em là trong mùa chay này, hãy cầu nguyện thật nhiều cho bản thân mình, cho gia đình và những người thân yêu, cho Giáo Hội và Ðất Nước, cho hoà bình thế giới. Nhưng điều mà tôi muốn cùng với anh chị em suy nghĩ một cách đặc biệt là nghĩa vụ phấn đấu rèn luyện bản thân và sự hy sinh hãm mình của mỗi người Kitô hữu

Bản thân chúng ta còn rất nhiều giới hạn về nhiều mặt. Chúng ta cần sự bình an trong tâm hồn, sự ổn định và vươn lên trong đời sống đạo cũng như ngoài xã hội. Chúng ta cần sự bình an đích thực và thâm sâu nơi nội tâm, để có thể gặp gỡ Chúa trong cuộc sống. Một tâm hồn bất an, lúc nào cũng bị chi phối bởi những điều vụn vặt, bởi đủ thứ chuyện trên đời, khó có thể gặp được Chúa, khó cảm nghiệm được Tình Thương của Ngài và đặt tất cả lòng tin vào Ngài. Sự bình an vừa là ơn Chúa, là hoa trái của Thần Khí, nhưng cũng là hoa quả của một đời sống đạo đức thánh thiện, mà cần phải phấn đấu rất nhiều mới có thể đạt tới.

Trong một thế giới toàn cầu hoá đến mức tối đa, bất cứ một điều gì xảy ra đều có thể gây âm vang và xáo trộn cho thế giới, như vụ báo chí Ðan Mạch vẽ hình biếm hoạ ngôn sứ Mahomet của Ðạo Hồi, đã tạo nên làn sóng phản đối khắp các châu lục. Ví dụ cụ thể ấy đủ cho thấy rằng hành động của con người hôm nay mang trách nhiệm nặng hơn trong quá khứ. Là người công giáo, chúng ta phải ý thức về điều đó, để lưu tâm đến đời sống cá nhân của mình. Không phải muốn sống thế nào thì sống, muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Cách sống không tốt của một người sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những người khác trong gia đình và ngoài xã hội.

2. Mùa Chay là dịp chúng ta nhìn lại cuộc sống thực tế của mình. Có lẽ chúng ta đã làm nhiều điều gây ra đau khổ cho những người thân trong gia đình, cho bạn bè, đồng nghiệp, cho xứ đạo và làng xóm. Thậm chí hành vi của một vài người có thể gây những đau khổ lớn hơn, cho giáo phận, cho Giáo Hội Việt Nam. Một vài hành vi và lời nói vô tội vạ, thiếu suy nghĩ, có thể tạo nên những ảnh hưởng xấu, bất công cho rất nhiều người trong Giáo Hội và xã hội.

Ngày hôm nay việc giáo dục lương tâm cá nhân tỏ ra cần thiết hơn bao giờ hết, vì chính lương tri của con người quyết định số phận cuối cùng của từng cá nhân cũng như của toàn thể nhân loại. Thế giới chúng ta đang sống rất hữu hiệu về nhiều mặt, nhưng rất yếu về một số mặt khác, ví dụ về khả năng đào tạo con người. Càng văn minh bao nhiêu, thì xã hội càng có khả năng đào tạo ra hàng loạt, ví dụ như hàng loạt kỹ sư, hàng loạt bác sĩ, hàng loạt giáo viên, hàng loạt công nhân có tay nghề cao. Nhưng khả năng đào tạo từng người xem ra càng ngày càng thiếu.

Cá nhân con em chúng ta xem ra càng ngày càng thiếu bản lãnh, thiếu vững chắc về nhiều mặt, thiếu tư cách, thiếu ý chí, thiếu thành thật, thiếu lòng nhân ái. Chúng ta thiếu một đức tính hết sức cần thiết cho đời sống người Kitô hữu trong xã hội tiêu thụ hôm nay, đó là sự tự chủ. Về mặt này chúng ta còn rất yếu; vì không chú trọng rèn luyện bản thân cho cứng cát đủ, nên con người chúng ta dễ dàng sa ngã trước những cám dỗ của cuộc đời. Mùa Chay nhắc cho chúng ta sự rèn luyện rất cần thiết cho đời sống nhân bản Kitô giáo. Thiếu sự rèn luyện này, người Kitô hữu không thể trưởng thành vững chắc trong đời sống đức tin, đức cậy và đức ái.

3. Trong cơ bản, Linh Ðạo Mùa Chay luôn thúc giục sự rèn luyện dưới hình thái này hay hình thái khác. Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và Truyền Thống của Giáo Hội vẫn thường xuyên nhắc tới con đường hẹp, khung cửa hẹp. Ngày hôm nay, ai cũng muốn đi trên con đường thêng thang, trên xa lộ bằng phẳng, không ai muốn sử dụng con đường hẹp, khó đi. Trên bình diện vật chất và kinh tế, điều đó hoàn toàn đúng và hợp lý. Nhưng trên bình diện tinh thần, quy luật không giống như vậy, trái lại còn có một sự khác biệt rất lớn: đường đi càng khó, càng phải cố gắng nhiều, thì mục tiêu đạt được càng cao quí.

Xã hội càng duy vật và giàu có, người ta càng có khuynh hướng quên đi một số quy luật cơ bản của đời sống tinh thần, mà quy luật xem ra bị lãng quên nhiều nhất là sự rèn luyện ý chí để có thể làm chủ bản thân. Trong mọi cuộc đấu tranh, sự đấu tranh với bản thân là gay go hơn cả. Chính vì thế có một số người, sau khi đã đấu tranh thất bại với bản thân, thì hoàn toàn nản chí , không còn muốn đấu tranh với chính mình nữa và thường xuyên chiều theo con người hư đốn của mình. Có những người khác, vì không bao giờ đấu tranh với chính mình, nên chỉ dành thời giờ và sức lực để đấu tranh chống tha nhân và ức hiếp người yếu thế.

4. Mùa Chay Giáo Hội luôn nhắc lại cho chúng ta sự chiến đấu rất cần thiết chống lại con người cũ, con người xác thịt tội lỗi, con người kiêu căng ích kỷ của chúng ta. Giáo Hội dạy chúng ta phải ăn chay hãm mình; và ăn chay, chính là bớt ăn, nhịn ăn để chia sẻ cho người nghèo, để không rơi vào tội mê ăn uống. Chính vì thế thường nảy sinh câu hỏi: những người nghèo khổ, thiếu ăn, thì có gì đâu mà nhịn? Chắc chắn Giáo Hội không suy nghĩ một cách đơn thuần như thế.

Giáo Hội hiểu mục đích của việc ăn chay là hãm mình. Chính ý nghĩa này mới là quan trọng. Giáo Hội luôn khuyên chúng ta hãm mình: hãm con người mình lại, hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật.

Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên, sẽ tạo cho ta một nội lực, một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình và bất cứ điều gì. Thoạt nghĩ tới thì sự hãm mình có vẻ là một sự gò bó, giới hạn, cắt xén, làm cho con người không còn được tự do thoải mái. Chính vì thế mà nhiều người trong xã hội hôm nay, kể cả những người có đạo, thậm chí cả những người sống đời tu trì, không thích hãm mình, và hầu như không còn hãm mình nữa. Ðó là lý do của sự xuống dốc về đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội.

5. Giáo Hội biết rõ cứ sự thường người ta không thích hãm mình, nên thường dạy hy sinh đi đôi với sự hãm mình. Hy sinh là tự nguyện chết đi, là thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kết hợp với hiến tế thập giá của Ngàři. Hy sinh làm những điều mình không thích quả thật là từ bỏ chính mình để bước theo Chúa. Hy sinh là liều mất sự sống, thì sẽ được sống, là đánh mất bản thân, thì sẽ gặp lại bản thân. Hy sinh là chết đi để được vui sống muôn đời. Hy sinh là đi con đường thập giá dẫn tới vinh quang Phục Sinh.

Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại hy sinh hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu , con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu những người khác. Chính vì thế mà hãm mình hy sinh thường đi chung với cầu nguyện. Có cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, và dễ dàng làm chủ bản thân mình. Và ngược lại, đời sống cầu nguyện thường được nuôi dưỡng bằng những hy sinh nho nhỏ trong đời sống thực tế mỗi ngày. Nếu không có chút hy sinh nào trong cuộc sống, việc cầu nguyện của chúng ta thường sẽ trở nên khô khan. Có lẽ vì cầu nguyện đòi hỏi hy sinh, nên đôi khi chúng ta ngại cầu nguyện, sợ Chúa đòi hỏi những điều chúng ta không muốn.

6. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2006, Ðức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã khẳng định lại: Ba điều Giáo Hội dạy phải thực hành trong Mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay và bố thí, và đó là cách diễn tả tình yêu tự hiến của người Kitô hữu thông phần vào Tình Yêu tự hiến của Thiên Chúa được mạc khải nơi Ðức Kitô. Và trong thế giới loài người, không gì có thể thay thế sự tự hiến của con người cho nhau.

Mùa Chay là mùa phụng vụ giúp chúng ta sống gần gũi với Chúa Giêsu, trở thành bạn hữu đích thực của Ngài, đồng thời không ngừng lưu tâm đến nhu cầu vật chất và tinh thần của những người chung quanh. Mùa Chay, theo lời của Ðức Thánh Cha, là thời gian dành cho một cuộc hành hương nội tâm, đến với Nguồn suối của Lòng Thương xót Chúa. Trong cuộc hành hương này, có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta đi qua sa mạc nghèo khó của chúng ta, có Chúa nâng đỡ chúng ta trên con đường hướng tới Niềm Vui Phục Sinh.

Nguyện chúc anh chị em một Mùa Chay sốt sắng, được tràn đầy ơn lành của Chúa, và một Mùa Phục Sinh dồi dào sức sống mới và Thần Khí Chúa Phục Sinh.

Thân ái kính chào anh chị em.

 

Làm tại Mỹ Tho ngày 18 tháng 02 năm 2006.

+ Phaolô Bùi Văn Ðọc

Giám mục Giáo phận Mỹ Tho

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page