Sứ Ðiệp Mùa Chay năm 2006
của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Sứ Ðiệp Mùa Chay năm 2006 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI.
(Radio Veritas Asia 14/02/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Sứ điệp Mùa Chay 2006 đã được ÐTC Bênêđitô XVI ấn ký ngày 29 tháng 9 năm 2005, nhưng chỉ mới được công bố ngày 31 tháng Giêng năm 2006. Nội dung chính của Sứ Ðiệp nói về công cuộc phát triển toàn diện đích thật của mỗi người cũng như của toàn thể một dân tộc, của tất cả mọi người dựa trên điều Ðức Thánh Cha gọi là "Cái Nhìn" của Chúa, tức chương trình cứu rỗi của Chúa, tình thương nhân từ của Chúa, đối với mỗi người và tất cả mọi người. Mở đầu sứ điệp mùa chay năm 2006 là câu trích từ phúc âm theo thánh Mathêu, chương 9 câu 36: "Chúa Giêsu nhìn thấy dân chúng kéo đến và cảm thấy thương họ" (Mt 9,36). Sau đây kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt toàn văn Sứ Ðiệp Mùa Chay năm 2006 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI.
"Chúa Giêsu nhìn thấy dân chúng kéo đến và cảm thấy thương họ" (Mt 9,36).
Mùa Chay là thời gian ưu tiên cho cuộc hành trình nội tâm đến với Ðấng là nguồn mạch của lòng nhân từ. Ðây là cuộc hành hương, trong đó chính Chúa đồng hành với chúng ta, vượt qua sa mạc sự nghèo hèn chúng ta, vừa nâng đỡ chúng ta trên con đường tiến về niềm vui bao la của Lễ Phục Sinh. Cả trong "thung lũng tối tăm" mà tác giả thánh vịnh 23 nói đến, khi thần cám dỗ gợi ý cho ta thất vọng hoặc đặt niềm hy vọng tạm bợ vào công việc mình làm, thì Thiên Chúa vẫn gìn giữ chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Phải, cả ngày hôm nay nữa, Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của đám đông dân chúng đang đói khát niềm vui, hoà bình, và tình thương. Như trong mọi thời đại, đám đông cảm thấy mình bị bỏ rơi. Tuy nhiên, cả trong đau buồn của nghèo cùng, của cô đơn, của bạo lực và đói khát, đánh vào mọi người không phân biệt, kẻ cao niên, người lớn và trẻ nhỏ, Thiên Chúa không cho phép bóng tối của sự khủng khiếp đặt ra luật lệ cho tình hình. Như vị tiền nhiềm đáng mến của tôi, Ðức Gioan Phaolô II, đã viết, có một giới hạn thần thiêng chận lại sự dữ, và giới hạn đó là lòng nhân từ của Thiên Chúa (Memoria e identita, trg 29tt). Chính trong viễn tượng này mà tôi đã muốn đặt vào khởi đầu của sứ điệp Mùa Chay năm nay (2006) lời nhận xét của phúc âm, mà theo đó Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đám đông đến với ngài, thì ngài chạnh lòng thuơng xót họ " (Mt 9,36). Trong ánh sáng này, tôi muốn dừng lại và suy nghĩ về một vấn đề rất được bàn luận giữa những nguời đồng thời chúng ta; đó là vấn đề phát triển. Cả ngày hôm nay nữa, cái nhìn cảm thông xúc động của chúa Kitô không ngừng nhìn về những con người và những dân tộc. Chúa nhìn họ vừa biết rằng dự án của Ngài tiên liêu kêu gọi họ đến với ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu biết rõ những thù hận chống lại dự án nầy và Ngài cảm thấy thương xót đoàn dân: Ngài nhất định bênh vực họ khỏi những con sói dữ và cả với giá phải trả là chính mạng sống Ngài. Với cái nhìn này, Chúa Giêsu ôm trọn từng người và cả đám đông và phó dâng tất cả cho Thiên Chúa Cha, vừa dâng hiến chính mình làm của lễ đền tội cho họ.
Ðược soi sáng bởi sự thật của Mầu Nhiệm Vượt Qua, Giáo Hội biết rõ rằng, để cổ võ một công cuộc phát triển đầy đủ, thì điều cần thiết là cái "nhìn" của chúng ta về con người phải được đo định theo cái nhìn của Chúa Kitô. Thật vậy, không có cách nào để tách việc đáp ứng những nhu cầu vật chất và xã hội của con người ra khỏi việc thỏa mãn những nhu cầu sâu xa của con tim họ. Người ta càng phải nhấn mạnh đến điều này nhiều hơn nữa trong thời đại chúng ta hôm nay, thời của những thay đổi lớn, mà trong đó chúng ta ghi nhận, một cách càng ngày càng sống động và khẩn thiết hơn, (ghi nhận) trách nhiệm của chúng ta đối với những anh chị em nghèo cùng trên thế giới. Từ lâu, Ðức Phaolô VI, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, đã thường nhận định rõ ràng những tai hại của sự chậm tiến như là sự "thiếu mất nhân tính". Theo nghĩa này, trong thông điệp của ngài về sự "Phát Triển Các Dân Tộc" (Populorum Progressio), ngài đã lên tiếng phơi bày "những thiếu thốn vật chất của những kẻ không có cả điều tối thiểu để sống và phơi bày những thiếu sót luân lý của những ai bị tính ích kỷ cắt xén,... tố cáo những cơ cấu áp bức hoặc đến từ những lạm dụng những của cải cũng như từ những lạm dụng quyền hành, hoặc đến từ việc lạm dụng những anh chị em lao động cũng như từ sự bất công trong những trao đổi kinh tế" (số 21, TÐ "Phát Triển các dân tộc"). Như là phương thuốc chữa trị những sự dữ nói trên, Ðức Phaolô VI đã đề nghị "không những việc tôn trọng nhiều hơn phẩm giá của kẻ khác, việc hướng đến tinh thần nghèo khó, sự cộng tác để phục vụ cho công ích, ý muốn thực hiện Hoà Bình", mà còn gợi lên "việc con người phải nhìn nhận những giá trị cuối cùng và nhìn nhận Thiên Chúa, Ðấng là nguồn mạch và là cùng đích của những giá trị này" (x.Nơi đã trích). Trong đường hướng này, Ðức Phaolô VI không do dự đề nghị "trước hết đức tin, hồng ân của Thiên Chúa, một hồng ân cần được đón nhận bởi thiện chí của con nguời và sự hiệp nhất trong tình yêu bác ái của Chúa Kitô" (nơi đã trích). Như thế, cái nhìn của Chúa Kitô trên đám đông, đòi buộc chúng ta xác định những điểm nội dung đích thật của "chủ thuyết nhân triển trọn vẹn"; chủ thuyết này, theo Ðức Phaolô VI, hệ tại "trong việc phát triển trọn cả con người và phát triển tất cả mọi người" (x. nơi đã dẫn, số 42). Vì thế, sự đóng góp đầu tiên mà giáo hội cống hiến cho công cuộc phát triển con người và các dân tộc, không chỉ được cụ thể hoá bằng những phương tiện vật chất hay bằng những giải đáp kỹ thuật, nhưng bằng lời rao giảng sự Thật Chúa Kitô, Ðấng huấn luyện lương tâm con người và giảng dạy phẩm giá đích thật của nhân vị và của lao công, vừa cổ võ việc hình thành một nền văn hoá biết thật sự đáp lại tất cả những nhu cầu của con người. Trước những thách thức khủng khiếp của sự nghèo cùng của biết bao người, thì sự lãnh đạm và sự đóng kín trong ích kỷ riêng tư cho thấy thật sự có đối nghịch không thể chấp nhận được với "cái nhìn" của Chúa Kitô. Việc ăn chay và bố thí mà giáo hội đề nghị cùng với việc cầu nguyện một cách đặc biệt trong Mùa Chay, là dịp thuận tiện để làm cho chúng ta trở nên phù hợp với "cái nhìn" của Chúa. Những mẫu gương của các thánh và nhiều kinh nghiệm truyền giáo trong lịch sử của giáo hội, kết thành những chỉ dẫn quý giá về cách tốt nhất để nâng đỡ công cuộc phát triển. Cả ngày hôm nay nữa, trong thời đại của sự tuỳ thuộc toàn cầu, nguời ta có thể ghi nhận rằng không một dự án kinh tế, xã hội hay chính trị nào thay thế cho sự hiến thân cho kẻ khác; trong sự hiến thân này, được thể hiện tình yêu bác ái. Ai hành động theo con đường phúc âm, thì người đó sống đức tin như là tình bạn với Thiên Chúa nhập thể, và noi gương Ngài mà lãnh lấy trách vụ chăm sóc những nhu cầu vật chất và thiêng liêng của người lân cận. Người đó nhìn người lân cận như là một mầu nhiệm không gì sánh bằng, xứng đáng được chú ý và chăm sóc mãi mãi. Người đó biết rằng ai không hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa, thì người đó sẽ cho đi thật ít, như chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta đã thường nói như sau: "Sự nghèo cùng đầu tiên của nhân lọai là nghèo cùng sự hiểu biết Chúa Kitô". Vì thế, cần phải làm sao để gặp thấy Thiên Chúa trong dung mạo nhân từ của Chúa Kitô: không có viễn tượng này, thì nền văn minh không được xây dựng trên những nền tảng vững chắc.
Nhờ những con người nam nữ sống vâng phục Chúa Thánh Thần, mà trong giáo hội được phát sinh nhiều công việc thực hiện tình yêu bác ái, nhắm cổ võ cho công cuộc phát triển: những nhà thương, những đại học, những trường huấn luyện nghề nghiệp, những tiểu công nghệ. Ðó là những sáng kiến đã làm chứng cho việc quan tâm thành thật đối với con người từ phiá những ai được sứ điệp phúc âm thôi thúc, trước cả mọi sáng kiến khác của xã hội dân sự. Những công việc thể hiện tình yêu bác ái này chỉ cho thấy con đường, để huớng dẫn, cả trong ngày hôm nay nữa, (hướng dẫn) thế giới tiến đến việc toàn cầu hoá biết đặt điều thiện hảo đích thật cho con người vào nơi trung tâm, và như thế hướng dẫn đến hoà bình đích thực. Với cùng một tấm lòng cảm thông của Chúa Giêsu đối với dân chúng, giáo hội cảm thấy, cả trong ngày hôm nay, như là trách vụ riêng của mình, (cảm thấy) bổn phận yêu cầu kẻ có trách nhiệm chính trị và nắm giữ những mấu chốc của quyền lực kinh tế và tài chánh, hãy cổ võ một công cuộc phát triển dựa trên sự tôn trọng phẩm giá của mọi người. Một kiểm chứng quan trọng cho cố gắng này là sự tự do thật trên bình diện tôn giáo, một sự tự do không được hiểu một cách đơn thuần như là khả thể rao giảng và cử hành Chúa Kitô, nhưng còn như là khả thể góp phần vào việc xây dựng một thế giới được tình yêu bác ái linh động. Trong cố gắng này, cũng có nhận định thiết thực về vai trò trung tâm mà những giá trị tôn giáo đích thật có được trong đời sống con người, như là một trả lời cho những câu hỏi sâu xa nhất của con người và như là lý do thôi thúc trên bình diện luân lý để con người lãnh lấy những trách nhiệm cá nhân và xã hội của mình. Ðó là những tiêu chuẩn mà dựa trên đó những người kitô sẽ phải học biết thẩm định một cách khôn ngoan những chương trình của kẻ nắm quyền cai trị.
Chúng ta cũng không thể che dấu rằng trong dòng lịch sử , đã có những sai lầm được gây ra do bởi nhiều người xưng mình là môn đệ của Chúa Kitô. Rất thường, khi đứng truớc những vấn đề trầm trọng sắp đến, những con người này đã nghĩ rằng trước hết nên canh tân cõi đất, rồi sau đó mới nghĩ đến trời cao. Cám dỗ là cho rằng trước những nhu cầu khẩn thiết, người ta trước hết phải lo liệu thay đổi những cơ cấu bên ngoài. Ðiều này có lẽ mang đến hậu quả là biến kitô giáo thành như một thứ chủ trương luân lý (moralisme), lấy hành động thay thế cho đức tin. Vì thế, vị tiền nhiệm đáng ghi nhớ của tôi, Ðức Gioan Phaolô II, đã nhận định đúng như sau: "Cám dỗ của ngày hôm nay là rút gọn kitô giáo thành như một sự khôn ngoan thuần tuý con người, giống như thể đây là khoa dạy sống tốt lành. Trong cách thức thật là trần tục, đã xảy ra một sự trần tục hoá từ từ của ơn cứu rỗi, trong đó người ta tranh đấu cho con người, nhưng là một con người bị xén mất đi phân nửa. Chúng ta trái lại biết rõ rằng Chúa Giêsu đã đến mang ơn cứu rỗi toàn diện" (TÐ Redemptoris Missio, số 11). Chính đến với ơn cứu rỗi toàn điện này mà Mùa Chay muốn dẫn chúng ta đến, trong viễn tượng chiến thắng của Chúa Kitô trên mọi sự dữ đè nặng trên con người. Khi hướng về Vị Thầy Thần Thiêng, khi trở về lại với Ngài, khi cảm nghiệm lòng nhân từ của ngài nhờ qua bí tích Hoà Giải, chúng ta sẽ khám phá một "cái nhìn" đang dò thấu tận thâm tâm chúng ta, và là cái nhìn có thể tái linh động đám đông và mỗi người chúng ta. Cái Nhìn đó trả lại tin tưởng cho tất cả những ai không đóng kín chính mình trong chủ nghĩa hoài nghi, vừa mở ra trước mắt họ viễn tượng của cõi đời đời hạnh phúc. Như thế, ngay từ bây giờ, trong lịch sử, cả khi sự thù hận xem ra thống trị, Chúa không bao giờ để thiếu đi chứng tá sáng chói của tình yêu Ngài. Tôi phó thác cho Mẹ Maria, "nguồn mạch sống động của niềm hy vọng" (Dante Alighieri, Paradiso, XXXIII, 12), con đường sống mùa chay của chúng ta, để Mẹ hướng dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ. Tôi phó thác đặc biệt cho Mẹ những đoàn người, ngày nay bị thử thách bởi sự nghèo cùng, đang kêu gào sự trợ giúp, sự nâng đỡ và cảm thông. Với những tâm tình trên, tôi chân thành ban Phép Lành Toà Thánh cho tất cả.
Từ Ðiện Vatican ngày 29 tháng 9 năm 2005.
(ấn ký)
Bênêđitô XVI, giáo hoàng.
(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)