Bức Thư ÐTC gởi cho các Ðộc Giả
của Tuần Báo Gia Ðình Kitô
để giải thích nội dung chính yếu
của Thông Ðiệp Thiên Chúa là Tình Yêu
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bức Thư Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI gởi cho các Ðộc Giả của Tuần Báo "Gia Ðình Kitô" để giải thích nội dung chính yếu của Thông Ðiệp "Thiên Chúa là Tình Yêu" của Ngài.
(Radio Veritas Asia 8/02/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Thông Ðiệp đầu tiên của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI (Thông Ðiệp "Thiên Chúa là Tình Yêu") thật là đặc biệt, bởi vì được chính Ðức Thánh Cha giới thiệu. Mục Thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi Bức Thư Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI gởi cho các Ðộc Giả của Tuần Báo "Gia Ðình Kitô" để giải thích nội dung chính yếu của Thông Ðiệp Ðầu Tiên của Ngài. Ðức Thánh Cha đã viết như sau:
Các độc giả của tuần báo "Gia Ðình Kitô" thân mến,
Tôi vui mừng vì Tuần báo "Gia Ðình Kitô" có sáng kiến gởi đến tận nhà anh chị em Thông Ðiệp đầu tiên của tôi. Tôi cũng vui mừng vì tuần báo đã cho tôi dịp viết vài lời kèm theo, để giúp cho việc đọc Thông Ðiệp này trở nên dễ dàng hơn. Thật vậy, lúc đầu, bản văn của Thông Ðiệp xem ra hơi khó một chút và có tính cách lý thuyết. Tuy nhiên, càng đọc sâu vào thông điệp, thì càng dễ dàng nhận thấy rằng tôi đã chỉ muốn trả lời cho vài câu hỏi thật cụ thể đối với đời sống kitô.
Câu hỏi đầu tiên như sau: người ta có thể yêu mến Thiên Chúa thật không? Hay hỏi rằng: tình yêu có thể được áp đặt không? Tình Yêu Thiên Chúa không phải là một thứ tình cảm mà chúng ta có hay không có, hay sao? Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên này như sau: Vâng, chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa, xét vì Thiên Chúa đã không ở trong một khoảng cách không thể vượt qua được, nhưng Ngài đã bước vào và còn đang bước vào trong đời sống chúng ta. Ngài đến với chúng ta, đến với mỗi người chúng ta, trong các bí tích mà qua đó Ngài tác động trong cuộc đời chúng ta; Ngài đến với chúng ta với đức tin của Giáo Hội mà qua đó Ngài ngỏ lời với chúng ta; Ngài đến với chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta gặp được những con người mà Ngài đã chạm đến và là những con người thông truyền ánh sáng của Ngài; Ngài đến với chúng ta với những hoàn cảnh mà qua đó Ngài can thiệp vào trong đời sống chúng ta; Ngài đến với chúng ta, với những dấu chỉ của tạo vật mà Ngài đã trao ban cho chúng ta.
Thiên Chúa không chỉ đã cống hiến cho chúng ta tình yêu, nhưng trước tiên ngài đã sống tình yêu đó, và bằng rất nhiều cách thế, Ngài gõ cửa tâm hồn chúng ta để khơi dậy tình yêu chúng ta đáp trả tình yêu Ngài. Tình yêu không chỉ là một tình cảm, nhưng còn có trí khôn và ý chí trong đó. Với lời Ngài, Thiên Chúa ngỏ lời với trí khôn chúng ta, với ý chí chúng ta và với cảm tình chúng ta, sao cho chúng ta có thể học cách yêu mến Ngài "với hết con tim và với trọn cả linh hồn". Thật vậy, chúng ta không gặp tình yêu trong tình trạng đã tốt đẹp và sẵn sàng rồi, nhưng còn tăng trưởng thêm mãi; có thể nói rằng chúng ta có thể học yêu thương một cách từ từ, sao cho càng ngày tình yêu đó càng ôm lấy tất cả mọi năng lực chúng ta và mở ra cho chúng ta con đường sống ngay chính.
Câu hỏi thứ hai như sau: chúng ta có thể yêu mến thật sự người lân cận, xa lạ với chúng ta, hoặc không dễ thương chút nào, hay không? Vâng, chúng ta có thể, nếu chúng ta là những bạn hữu của Thiên Chúa. Nếu chúng ta là bạn của Chúa Kitô và như thế chúng ta càng ngày càng nhìn thấy rõ ràng hơn rằng Chúa đã và còn đang yêu thương chúng ta, cho dù đôi khi chúng ta không nhìn về Ngài và sống theo những định hướng khác. Tuy nhiên, nếu tình bằng hữu với Chúa, từ từ trở thành điều quan trọng và có tính cách quyết định cho chúng ta, thì lúc đó chúng ta sẽ bắt đầu muốn điều tốt cho tất cả những ai mà Chúa yêu thương và là những kẻ cần ta trợ giúp. Chúa muốn chúng ta trở thành bạn của những người bạn của Ngài, và chúng ta có thể làm như vậy, nếu trong nội tâm chúng ta sống gần bên Ngài.
Cuối cùng còn có câu hỏi sau đây: Với những mệnh lệnh và những lời ngăn cấm của mình, phải chăng Giáo Hội đã làm cho niềm vui của tình yêu nam nữ , --- tình yêu theo nghĩa Eros --- tình yêu thôi thúc ta đến với kẻ khác, và là tình yêu hướng đến sự kết hiệp, --- trở nên điều cay đắng hay không? Trong thông điệp, tôi đã cố gắng chứng minh rằng lời hứa sâu xa nhất của tình yêu theo nghĩa Eros, chỉ có thể trưởng thành, khi chúng ta không tìm cách bắt lấy hạnh phúc cách bất ngờ. Ngược lại, chúng ta kiên trì khám phá mỗi ngày một hơn kẻ khác, khám phá sâu xa hơn với trọn cả thể xác và linh hồn, sao cho cuối cùng hạnh phúc của người khác trở thành quan trọng hơn hạnh phúc của bản thân tôi. Lúc đó, người ta không còn muốn chỉ lấy về cho mình, nhưng muốn cho đi; và chính trong sự giải thoát khỏi cái tôi này mà đương sự gặp lại chính mình và đạt đến cao điểm của niềm vui.
Trong Thông Ðiệp, tôi nói đến con đường thanh luyện và trưởng thành, một con đường cần thiết, ngõ hầu lời hứa đích thật của tình yêu theo nghĩa Eros, có thể được hoàn thành. Ngôn ngữ truyền thống đã gọi con đường này là "sự giáo dục sống khiết tịnh"; cuối cùng, điều nầy không có nghĩa nào khác hơn là việc học hỏi sống yêu thương trọn vẹn trong tiến trình kiên trì lớn lên và trưởng thành.
Trong phần thứ hai, Thông Ðiệp nói về tình yêu bác ái, hiểu như là việc phục vụ vì tình thương của cộng đồng Giáo Hội, cho tất cả những ai đau khổ trong thể xác cũng như trong tinh thần và đang cần đến hồng ân tình yêu. Ở đây, có hai câu hỏi được đặt ra. Câu hỏi thứ nhất như sau: Giáo Hội không thể nhường việc phục vụ này cho những tổ chức nhân ái khác, đang có mặt trong nhiều hình thức khác nhau, hay sao? Câu trả lời là: Không, Giáo Hội không thể nào làm như vậy. Giáo Hội phải thực hành tình thương bác ái với người lân cận, với tư cách một cộng đồng, nếu không thì giáo hội rao giảng về Thiên Chúa Tình Yêu một cách không trọn vẹn và không đủ.
Câu hỏi thứ hai như sau: Thử hỏi không còn cần thiết nữa việc tiến đến một trật tự xã hội công bằng trong đó không còn những người nghèo nữa, và do đó tình yêu bác ái trở thành điều dư thừa, hay sao? Câu trả lời như sau: chắc chắn rằng, mục tiêu của họat động chính trị là tạo ra một trật tự công bằng cho xã hội, trong đó mỗi người được nhìn nhận phần của mình, và không ai phải đau khổ vì túng thiếu. Theo nghĩa này, công bằng là mục tiêu đích thật của việc chính trị, cũng như hoà bình cũng là mục tiêu của chính trị; hoà bình không thể nào có được, nếu không có sự công bằng. Tự bản chất mình, Giáo Hội không đích thân làm chính trị, nhưng tôn trọng sự độc lập của Nhà Nước và tôn trọng trật tự tổ chức Nhà Nước.
Việc đi tìm trật tự của công bằng là điều có liên hệ với "lý trí chung", và như thế, việc chính trị là quan tâm chung của tất cả mọi công dân. Tuy nhiên, lý trí thường bị mù quáng bởi những lợi lộc và bởi ước muốn có quyền hành. Ðức Tin có vai trò thanh luyện lý trí ngõ hầu lý trí có thể nhìn thấy và quyết định đúng đắn. Lúc đó, trách vụ của Giáo Hội là chữa lành lý trí và củng cố ý chí muốn làm điều thiện hảo. Trong nghĩa này --- dù không cần làm chính trị, nhưng Giáo Hội hăng say tham dự vào cuộc tranh đấu cho công bằng. Với những người kitô dấn thân trong những công việc chung, họ có bổn phận luôn mở ra những con đường mới tiến đến sự công bằng, khi họ họat động chính trị.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là mục tiêu thứ nhất của phần trả lời cho câu hỏi chúng ta. Mục tiêu thứ hai, mà theo tôi, nằm đặc biệt ở trung tâm của Thông Ðiệp, quả quyết rằng: sự công bằng không bao giờ có thể làm cho tình thương trở nên dư thừa. Bên kia sự công bằng, con người sẽ luôn cần đến tình yêu; chỉ tình yêu mới trao cho sự công bằng một linh hồn. Trong một thế giới bị nhiều thương tích như chúng ta cảm thấy hôm nay, không còn cần thiết để chứng minh cho điều vừa được quả quyết. Thế giới đang chờ đợi chứng tá của tình yêu kitô, chứng tá mà Ðức Tin gợi ra cho chúng ta. Trong thế giới chúng ta, một thế giới thường có những bóng tối, thì ánh sáng của Thiên Chúa chiếu sáng nhờ tình yêu kitô như đã trình bày trên đây.
(Ấn Ký)
Bênêđitô XVI, giáo hoàng.
(bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)