Tương Quan Giữa Bác Ái và Công Bằng

bài giới thiệu của Ðức Hồng Y Renato Martino

về Thông Ðiệp Thiên Chúa Là Tình Yêu

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tương Quan Giữa Bác Ái và Công Bằng: bài giới thiệu của Ðức Hồng Y Renato Martino, Chủ Tịch Hội Ðồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình, về Thông Ðiệp Thiên Chúa Là Tình Yêu

(Radio Veritas Asia 31/01/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Mục thời sự lần trước đã nhắc đến bài giới thiệu của Ðức Hồng Y Renato Martino, Chủ Tịch Hội Ðồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình. Ðức Hồng Y đã đọc bài này trong cuộc họp báo vào Trưa ngày 25 tháng Giêng năm 2006, để giới thiệu Thông Ðiệp đầu tiên của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI: "Thiên Chúa là Tình Yêu" (Deus Caritas Est). Sau khi trình bày vắn tắt nội dung chính của Thông Ðiệp, Ðức Hồng Y Renato Martino đã chú ý khai triển mối tương quan giữa Ðức Bác Ái và sự Công Bằng, được Thông Ðiệp trình bày nơi các số 26 đến 29. Giờ đây kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài giới thiệu của Ðức Hồng Y Renato Martino như sau:

 

Tôi vui mừng và hãnh diện được tham dự vào buổi giới thiệu Thông Ðiệp đầu tiên của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, có tựa đề: "Thiên Chúa là Tình Yêu", trình bày suy tư sâu xa và đầy gợi ý soi sáng về tình yêu kitô, trong các khía cạnh triết học, thần học, tu đức, mục vụ và luân lý văn hoá của tình yêu. Chắc chắn rằng đây là thông điệp có tính cách loan báo chương trình hành động, theo ý nghĩa sâu xa hơn và đòi buộc dấn thân nhiều hơn. Khi nhắc lại rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, Ðức Thánh Cha mời gọi tất cả hãy đi vào trung tâm của Ðức Tin Kitô. ÐTC đã viết như sau nơi số 1 của Thông Ðiệp: "Vào lúc khởi đầu của cuộc sống kitô, không có một quyết định có tính cách luân lý hay một ý tưởng cao cả nào, nhưng có cuộc gặp gỡ với một biến cố, gặp gỡ với một Ðấng, đã ban cho cuộc sống một chân trời mới, và như thế ban cho cuộc sống một định hướng nhất định. Trong phúc âm của mình, thánh Gioan đã nói lên sự kiện này với những lời như sau: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi trao ban Con Một mình cho thế gian, ngõ hầu bất cứ ai tin vào Ngài, thì có được sự sống đời đời" (Gn 3,16) (số 1). Ngoài ra, đây còn là một Thông Ðiệp được bao gồm , nhất là nơi phần thứ I của thông điệp, trong bầu khí thiêng liêng cao. Ðặc điểm này nhắc cho tất cả mọi người hãy biết vun trồng, hãy làm cho lớn lên, hãy phát triển những lý lẽ và những nguyên do thiêng liêng của bản chất giáo hội và của căn cước kitô, truớc nguy cơ rơi vào "chủ nghĩa hoạt động vì họat động" trên bình diện xã hội và từ thiện, mà bỏ mất linh hồn của mọi họat động. Chính những lý lẽ và những nguyên do thiêng liêng này mới làm cho hành động con người có ý nghĩa và có giá trị. Ðức Thánh Cha đã quả quyết trong một trong những đọan có ý nghĩa nhất trong Thông Ðiệp, như sau: "Tình Yêu là thần thiêng, bởi vì phát xuất từ Thiên Chúa và kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa; và qua diễn biến hiệp nhất, Tình yêu biến đổi chúng ta thành "Cộng Ðoàn", vượt qua được những chia rẽ và biến chúng ta thành Một, cho đến lúc cuối cùng, khi Thiên Chúa là tất cả trong tất cả" (I Co 15,28) (số 18 của Thông Ðiệp).

Sau những suy nghĩ ngắn và tổng quát như trên, tôi mời gọi anh chị em hãy chú ý đến đoạn Thông Ðiệp từ số 26 đến số 29, trong đó Ðức Thánh Cha bàn về chủ đề mối tương quan giữa công bằng và bác ái, qua một loạt những điểm gợi ý về khả năng chuyên môn của Giáo Hội cũng như của Học Thuyết Xã Hội của giáo hội, và sau đó về khả năng chuyên môn của Nhà Nước trong việc thực hành một trật tự xã hội công bằng. Ðể trình bày vấn đề cách rõ ràng hơn, Tôi xin nêu lên những điểm sau đây:

- Giá trị của Học Thuyết Xã Hội của giáo hội trong dòng lịch sử từ thế kỷ thứ 19.

- Khả năng chuyên môn của Giáo Hội và của học thuyết xã hội của giáo hội trong công cuộc xây dựng một trật tự xã hội công bằng.

- Vài suy tư của Ðức Thánh Cha về bản chất của học thuyết xã hội của giáo hội.

- Trong cộng cuộc xây dựng một trật tự xã hội công bằng, trách vụ của giáo hội là trách vụ khơi dậy những sức mạnh luân lý và thiêng liêng.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Chúng ta hãy theo dõi tiếp Bài Thuyết trình của Ðức Hồng Y Renato Martino, nhấn mạnh đến khía cạnh Thông Ðiệp đầu tiên của Ðức Bênêđitô XVI trình bày về tương quan giữa Công Bằng và Bác Ái. Như chúng tôi đã nhắc đến trong mục thời sự lần trước, bài thuyết trình của Ðức Hồng Y Martinô về Tương Quan Giữa Công Bằng và Bác Ái, như được trình bày trong thông điệp "Thiên Chúa là Tình yêu", giải thích bốn điểm như sau:

- Giá trị của Học Thuyết Xã Hội của giáo hội trong dòng lịch sử , kể từ thế kỷ thứ 19.

- Khả năng chuyên môn của Giáo Hội và của học thuyết xã hội của giáo hội, trong công cuộc xây dựng một trật tự xã hội công bằng.

- Vài suy tư của Ðức Thánh Cha về bản chất của học thuyết xã hội của giáo hội.

- Trong công cuộc xây dựng một trật tự xã hội công bằng, trách vụ của giáo hội là trách vụ khơi dậy những sức mạnh luân lý và thiêng liêng.

Trong mục Thời Sự lần này, chúng ta hãy theo dõi tiếp điểm 1 và 2.

 

- Ðiểm 1: Giá trị của Học Thuyết Xã Hội trong dòng lịch sử kể từ đầu thế kỷ thứ XIX, Ðức Hồng Y Renato Martino đã phát biểu trong buổi họp báo như sau:

 

Ðức Thánh Cha nhắc rằng trước những vấn đề phát sinh trong thế kỷ thứ XIX do bởi nền kỹ nghệ tân tiến gây ra và là những vấn đề nhắm vào việc đòi thiết lập một trật tự xã hội công bằng, Giáo Hội Công Giáo đã góp phần của mình, không những qua hành động của những vị dấn thân hàng đầu trong lãnh vực xã hội, mà còn nhất là qua việc nhập cuộc của giáo huấn xã hội của giáo hoàng với Thông Ðiệp Tân Sự của Ðức Lêô XIII. Trong số 27 của Thông Ðiệp "Thiên Chúa là Tình Yêu", Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI ghi nhận giây phút khai sinh học thuyết xã hội công giáo, vừa đánh giá giây phút này như là khởi đầu của con đường dài có nhiều kết quả phong phú và được làm giàu thêm bởi những giáo huấn tiếp nối nhau của các vị Giáo Hoàng như Ðức Piô XI, Ðức Gioan XXIII, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II, cho đến năm 2004, khi Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình phát hành Tập Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội; Tập Toát Yếu này là một trình bày có trật tự và theo sát thời cuộc về những hoàn cảnh và những vấn đề luôn mới mẽ. Số 27 của Thông Ðiệp "Thiên Chúa là Tình Yêu" có một giá trị chú giải có tầm quan trọng lớn, để giải thích về một giai đọan lịch sử khó khăn và có tính cách quyết định, một giai đoạn lịch sử có chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa marxít. "Cả khi những vị đại diện của Giáo Hội chỉ nhận diện được cách từ từ rằng vấn đề về cơ cấu công bằng của xã hội, được đặt ra một cách mới mẽ", --- như Ðức Bênêđitô XVI nhìn nhận cách thành thật như thế, thì Ngài nhìn nhận cũng cách thành thật rằng " giấc mơ của chủ nghĩa marxít ngày nay đã bị tan biến mất rồi". Trong khung cảnh lịch sử mới, Ðức Thánh Cha quả quyết rằng học thuyết xã hội --- "trong hoàn cảnh khó khăn chúng ta gặp phải hôm nay do bởi hiện tượng toàn cầu hoá của nền kinh tế gây ra" --- đã trở thành tiêu chuẩn căn bản đề ra những định hướng có giá trị, cả vượt ra ngoài những ranh giới của giáo hội: những định huớng này --- trước tiến bộ của công cuộc phát triển --- cần phải được bàn đến trong đối thọai với tất cả những ai quan tâm nghiêm chỉnh về con người và về thế giới con người sinh sống" (số 27). Với những ai đã từng lên tiếng tố cáo giáo hội đã đón hụt chuyến tàu lịch sử, thì cũng chính lịch sử này chứng minh rằng giáo hội đã từng đứng đợi sẵn truớc nơi trạm ga mà chuyến tàu đó sắp đến. Ðược nhìn nhận như vậy , giáo hội không vui mừng tự mãn đề cao chiến thắng, nhưng chỉ xem đó như là việc thực hành nghiêm chỉnh của lời giải thích đúng về lịch sử.

 

- Ðiểm thứ 2: Về Khả năng của Giáo Hội và của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, trong việc xây dựng một trật tự xã hội công bằng, Ðức Hồng Y Renato Martino đã nói như sau:

 

Ðề tài nầy được bàn đến trong số 28 của Thông Ðiệp "Thiên Chúa Là Tình Yêu". Nhắc lại kho tàng giáo huấn về tính cách tự lập của những thực tại trần thế, như được trình bày trong hiến chế mục vụ Vui Mừng Và Hy Vọng của Công Ðồng Vaticanô II, Ðức Thánh Cha quả quyết rằng "sự công bằng là mục tiêu và do đó là thước đo mọi nền chính trị... Xã hội công bằng không thể nào là công việc trực tiếp của Giáo Hội, nhưng phải là công việc của chính trị". Nhưng sau khi đã xác định khả năng chuyên biệt của chính trị và của nhà nước trong việc xây dựng một trật tự xã hội công bằng, và do đó xác định việc giáo hội và giáo huấn xã hội của giáo hội, không có khả năng chuyên biệt trong công việc xây dựng này, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI liền chú ý đề ra ngay khả năng chuyên biệt của giáo hội và của giáo huấn xã hội của giáo hội. Giáo Huấn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI về điểm này --- một giáo huấn dựa trên kho tàng giáo huấn của những vị tiền nhiệm ngài --- có thể được tóm gọn lại như sau: xét vì "trí tuệ con người trong lãnh vực thực hành" , khi hoạch định một trật tự xã hội công bằng, thì luôn luôn phải trả lời cho câu hỏi thế nào là sự công bằng, và đồng thời luôn bị bao vây bởi sức hấp dẫn của lợi lộc và bởi quyền lực, nên (trí tuệ thực hành) này cần luôn được thanh luyện. Học thuyết xã hội của Giáo Hội, với khả năng huấn luyện sâu xa của nó, chứng tỏ cho thấy là có sức đáp lại nhu cầu thanh luyện liên lỉ trí tuệ con người trong lãnh vực thực hành. Về điểm này, chúng ta hãy nghe chính Ðức Thánh Cha nói trong Thông Ðiệp của ngài như sau: "... việc xây dựng một trật tự công bằng cho xã hội cũng như cho nhà nước, --- mà qua trật tự này mọi người hưởng được điều mình có quyền hưởng, --- (việc xây dựng này) là trách vụ căn bản, mà mỗi thế hệ phải đối diện lại mãi. Xét vì đây là một trách vụ chính trị, việc xây dựng này không thể là bổn phận trực tiếp liền ngay của Giáo Hội. Nhưng xét vì trách vụ này đồng thời cũng là trách vụ ưu tiên nhân bản, nên giáo hội có bổn phận cống hiến, --- qua việc thanh luyện trí tuệ thực hành và qua việc huấn luyện luân lý, --- (cống hiến) phần riêng biệt của mình, ngõ hầu những đòi hỏi của công bằng trở nên có thể hiểu được và có thể thực hiện được" (28).

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Chúng ta hãy đọc tiếp phần còn lại của bài thuyết trình của Ðức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, giới thiệu Thông Ðiệp đầu tiên của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI "Thiên Chúa là Tình Yêu". Trong phần còn lại này, Ðức Hồng Y Martino giải thích hai điểm còn lại, tức điểm 3 và 4. Ðiểm 3 nói về bản chất của Học Thuyết Xã Hội của giáo hội như được trình bày trong thông điệp. Và Ðiểm thứ 4 nói về trách vụ riêng biệt của Giáo Hội là trách vụ khơi dậy những năng lực thiêng liêng và luân lý, để xây dựng xã hội công bằng hơn. Ðây, chúng ta hãy theo dõi bài thuyết trình của Ðức Hồng Y Martino.

Ðức Hồng Y đã giải thích như sau:

 

- Ðiểm 3: Bản Chất của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội.

 

Trong khung cảnh suy tư về khả năng chuyên môn của Giáo Hội và của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, trong việc xây dựng cơ cấu công bằng cho xã hội và cho nhà nước, Ðức Thánh Cha cống hiến vài suy tư đầy hứng khởi về chính bản chất của học thuyết xã hội của Giáo Hội, nhất là trong những gì có liên quan đến gốc rễ và cách thức lập luận của học thuyết này. Ðối với những gì liên quan đến gốc rễ của nó, Ðức Thánh Cha xác nhận học thuyết xã hội ăn rễ trong đức tin và trong sự thanh luyện lý trí. Ðức Thánh Cha đã viết trong Thông Ðiệp "Thiên Chúa là Tình Yêu" như sau: "...Ðức Tin có bản chất đặc biệt của nó như là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống --- một cuộc gặp gỡ mở ra cho chúng ta những chân trời vượt qua bên kia lãnh vực riêng của lý trí. Nhưng đồng thời Ðức tin là sức mạnh thanh luyện cho chính lý trí. Khởi sự từ quan điểm của Thiên Chúa, Ðức Tin giải thoát lý trí khỏi những mù quáng của nó, và như thế giúp cho lý trí được "trở nên chính nó" một cách tốt đẹp hơn. Ðức tin cho phép lý trí chu toàn một cách tốt đẹp hơn trách vụ của mình và làm cho lý trí nhìn thấy rõ hơn điều thuộc về lãnh vực riêng của lý trí. Chính nơi đây, ta thấy được chỗ  đứng của học thuyết xã hội của giáo hội công giáo" (số 28). Khi Giáo Hội, với học thuyết xã hội của mình, ngỏ lời với con người, thì giáo hội nghĩ đến con người "không những trong ánh sáng của kinh nghiệm lịch sử, nhưng truớc hết còn theo ánh sáng của Lời Mạc Khải của Thiên Chúa hằng sống" (Laborem exercens, 4). Học thuyết xã hội ngay từ đầu thuộc về giáo huấn của giáo hội và là phần gia tài truyền thống của giáo hội; và sở dĩ được như vậy, là bởi vì bản chất của học thuyết xã hội truớc hết được ăn rễ trong đức tin. Học thuyết xã hội của giáo hội được xây dựng "theo ánh sáng của đức tin và của truyền thống giáo hội" (TÐ Sollicitudo rei socialis, số 41). Xét về cách thức lập luận của học thuyết xã hội, Ðức Thánh Cha quả quyết rằng "học thuyết xã hội của giáo hội lập luận dựa vào lý trí và quyền tự nhiên, nghĩa là dưạ vào điều phù hợp với bản tính của con người." (số 28). Tôi nghĩ là nguời ta có thể đưa ra một nhận định quan trọng trên bình diện tri thức rằng tương quan giữa học thuyết xã hội và triết học, nhất là tương quan giữa học thuyết xã hội và khoa nhân luận là điều tự nhiên. Về vấn đề này, tôi xin trích lại đây một đoạn từ Quyển Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội như sau: "Trước hết, sự đóng góp của triết học cho học thuyết xã hội là đóng góp hết sức thiết yếu; đây là sự đóng góp phát sinh từ đòi buộc của bản thể con người, nếu xét từ nguồn mạch của học thuyết xã hội; và phát sinh từ đòi buộc của lý trí, nếu xét theo khía cạnh tri thức của chính đức tin. Nhờ qua lý trí, học thuyết xã hội thu nhận triết học vào trong chính kết cấu luận lý nội tại của nó, nghĩa là trong chính lối lập luận riêng của nó. Triết học là phương thế thích hợp và cần thiết, để hiểu đúng những quan niệm căn bản của học thuyết xã hội, chẳng hạn như quan niệm về ngôi vị, về xã hội, về sự tự do, về lương tâm, về luân lý, về quyền lợi, về sự công bằng, về công ích, về tình liên đới, về sự hỗ trợ, về Nhà Nuớc; sự hiểu biết về những quan niệm vừa nói trên, có thể soi sáng cho sự chung sống hoà hợp trong xã hội. Và cũng chính triết học làm nổi bật tính cách hợp lý của ánh sáng mà Phúc âm chiếu dọi trên xã hội; và cũng chính triết học kêu gọi mọi trí hiểu và lương tâm hãy mở rộng và chấp nhận sự thật" (số 77).

 

- Ðiểm thứ 4: Về trách vụ riêng biệt của Giáo Hội:

 

Ðức Thánh Cha quả quyết rằng trách vụ của Giáo Hội, cùng với học thuyết xã hội, trong việc xây dựng một trật tự xã hội công bằng, là trách vụ thức tỉnh những năng lực thiêng liêng và luân lý. Thử hỏi, ÐTC muốn nhắc đến những năng lực nào đây? Chúng ta hãy lắng nghe chính những lời ÐTC nói trong Thông Ðiệp của ngài như sau: "Trách vụ liền ngay phải hoạt động để xây dựng một trật tự công bằng trong xã hội, là trách vụ riêng biệt của giáo dân. Như là công dân của đất nước, giáo dân được mời gọi đích thân tham dự vào sinh hoạt công cộng. Vì thế, họ không thể tránh né "những hoạt động khác nhau trên bình diện kinh tế, xã hội, lập pháp, hành chánh và văn hoá, nhằm cổ võ công ích một cách có trật tự và có cơ cấu." Sứ mạng của giáo dân là thiết lập cách đúng đắn sinh hoạt xã hội, vừa tôn trọng tính cách tự lập đúng của sinh họat xã hội này, vừa cộng tác với những công dân khác theo những khả năng riêng và theo trách nhiệm riêng. Cả khi những thực hiện riêng biệt của tình thương bác ái của giáo hội không bao giờ nên bị lẫn lộn với những sinh họat của Nhà Nước, nhưng vẫn đúng thật rằng đức bác ái phải linh động toàn bộ cuộc sống của giáo dân và do đó linh động toàn thể sinh hoạt chính trị; và sinh hoạt chính trị này được sống thực hành như là "đức bác ái xã hội" (29).

Sự hiện diện của giáo dân trong lãnh vực xã hội được quan niệm như là việc phục vụ, như là dấu chỉ và là sự thể hiện đức bác ái; việc phục vụ này được thể hiện trong đời sống gia đình, văn hoá, lao động, kinh tế, chính trị, theo những cách thức khác nhau. Ðáp ứng những đòi hỏi khác nhau của phạm vi dấn thân riêng biệt của họ, người giáo dân diễn tả sự thật của đức tin, vừa đồng thời nói lên sự thật của học thuyết xã hội của giáo hội; và sự thật này được thực hiện trọn vẹn khi nó được sống thật cách cụ thể, để mang lại giải pháp cho những vấn đề xã hội. Tính cách đáng tin của học thuyết xã hội hệ tại truớc hết nơi những việc làm, rồi mới kể đến sự mạch lạch nội tại trong lý luận của học thuyết. Chúng ta cần lưu ý đến chi tiết này là Ðức Thánh Cha luôn nhắc đến chứng tá của các vị Thánh, được đề nghị như là mẫu gương đáng được noi theo, cả bởi các giáo dân, qua việc vun trồng một nền tu đức đích thật dành cho giáo dân, một tu đức được linh động bởi tình thương; tình thương nầy làm cho họ đuợc tái sinh thành những con người mới, được thấm nhuần trong Mầu Nhiệm Thiên Chúa và được hội nhập vào trong xã hội; như thế họ vừa là thánh thiện vừa là kẻ thánh hoá anh chị em. Một nền tu đức như thế xây dựng thế giới, theo Thánh Thần của Chúa Kitô. Nền tu đức này làm cho các giáo dân có khả năng nhìn qua bên kia lịch sử, nhưng không vì thế mà xa rời lịch sử; làm cho họ phát triển một tình thương say mê đối với Thiên Chúa, nhưng đồng thời không ngoảnh mặt làm ngơ trước anh chị em; làm cho họ biết nhìn anh chị em như chính Chúa nhìn thấy, và yêu thương anh chị em như chính Chúa yêu thương. Ðức Thánh Cha muốn khơi lên một nền tu đức đích thực, biết tránh khỏi hai hình thức lệch lạc, một là "chủ trương tu đức siêu thoát nội tâm", và hai là "chủ trương tu đức dấn thân hoạt động vì họat động". Nền tu đức mà Ðức Thánh Cha muốn khơi dậy, là một tu đức được thể hiện trong một tổng hợp sống động mang đến sự thống nhất đời sống, mang đến ý nghĩa và niềm hy vọng cho cuộc đời.

Tôi muốn kết thúc bài giới thiệu này bằng một đọan trích từ Thông Ðiệp "Thiên Chúa là Tình Yêu". Ðọan trích này tóm gọn cách tài tình điều mà chúng ta có thể mô tả như là một "ảo vọng của kitô giáo" về tình thương. Ðó là đoạn trích từ số 28 của Thông Ðiệp, như sau: "Tình Yêu Bác Ái - Caritas - luôn luôn cần thiết, cả trong một xã hội đã trở nên công bằng hơn. Không có một cơ cấu công bằng nào của Nhà Nước có thể làm cho việc phục vụ của tình thương trở nên dư thừa... Nhà Nước nào muốn dành quyền tiên liệu tất cả mọi sự, muốn quy tất cả mọi sự về cho mình, thì cuối cùng trở thành một "cơ chế bàn giấy" không thể nào cung cấp được điều thiết yếu mà kẻ đau khổ -- và tất cả mọi người -- cần đến; điều thiết yếu đó là sự tận tụy dấn thân đầy yêu thương của chính con người để phục vụ anh chị em. Ðiều chúng ta cần đến, không phải là một Nhà Nước đặt định và thống trị tất cả, nhưng là một Nhà Nước biết nhìn nhận cách quảng đại và biết nâng đỡ, theo tinh thần của nguyên tắc hỗ trợ, (nâng đỡ) những sáng kiến phát sinh từ những thế lực xã hội khác nhau và là những sáng kiến kết hợp sự sẳn sàng tự phát và sự gần gủi với những ai cần được giúp đỡ. Giáo Hội Công Giáo là một trong những sức mạnh sống động này: trong giáo hội có sức sống mãnh liệt của tình thương, được Thánh Thần của Chúa Kitô khơi dậy. Tình Thương này không chỉ cung cấp cho con người sự trợ giúp vật chất mà thôi, nhưng còn cung cấp sự phục hồi và chăm sóc cho tinh thần, cho linh hồn. Và sự trợ giúp tinh thần nầy đôi khi lại cần thiết hơn là sự trợ giúp vật chất" (số 28b)

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Trên đây là trọn bài giới thiệu của Ðức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Ðồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, cho Thông Ðiệp đầu tiên của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, có tựa đề là "Thiên Chúa là Tình Yêu". Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page