Giới Thiệu Tổng Quát phần II

về Thông Ðiệp Thiên Chúa là Tình Yêu

của Ðức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giới Thiệu Tổng Quát Phần II Thông Ðiệp đầu tiên của Ðức Bênêđitô XVI: "Thiên Chúa Là Tình Yêu".

(Radio Veritas Asia 29/01/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Như chúng ta đã biết, Thông Ðiệp "Thiên Chúa là Tình Yêu" của Ðức ThánhCha Bênêđitô XVI gồm có hai phần chính. Phần thứ I trình bày suy tư thần học về tình yêu, có tựa đề như sau: Chỉ Có Một Tình Yêu Duy Nhất trong Tạo Vật và Trong Lịch Sử Cứu Rỗi. Ðức Thánh Cha đã phân tích hai hình thức chính yếu của tình yêu: tình yêu theo nghĩa Eros (tức tình yêu nam nữ, tình yêu nhục dục) và tình yêu theo nghĩa Agapê (tức tình yêu bác ái); và cuối cùng ngài đi đến kết luận quả quyết rằng: tình yêu theo nghĩa Eros và tình yêu theo nghĩa Agapê không bao giờ được tách rời ra khỏi nhau hoàn toàn; nhưng ngược lại, bao lâu mà cả hai tình yêu này, dù trong những chiều kích khác nhau, có được tương quan quân bình đúng cách với nhau, thì bản chất đích thật của tình yêu càng được thực hiện. Cho dù lúc khởi đầu, tình yêu theo nghĩa Eros có nặng phần ước muốn chiếm hữu, nhưng rồi từ từ trong tương quan với kẻ khác, tình yêu Eros này ít tìm về chính mình hơn, nhưng càng ngày càng mưu tìm hạnh phúc cho kẻ khác hơn, càng ngày càng cho đi chính mình và càng ao ước "sống" cho kẻ khác; và như thế tình yêu theo nghĩa Agapê được nhập vào trong tình yêu Eros này và được xác định trong đó. Như thế, chúng ta hiểu được thế nào là sự Duy Nhất của Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu duy nhất là Tình Yêu Thiên Chúa được thông ban cho con người. Và mọi người được mời gọi thực hiện tình yêu duy nhất nầy. Như thế, chúng ta hiểu được, tại sao phần I của Thông Ðiệp có tựa đề là: "Chỉ Có Một Tình Yêu Duy Nhất trong Tại Vật và Trong Lịch Sử Cứu Rỗi."

Hôm nay, chúng ta tiếp tục đọc phần II của bài giới thiệu về Thông Ðiệp này, như được phổ biến trong trang Ðiện Tử chính thức của Vatican. Phần II của Thông Ðiệp có tựa đề như sau: Như là Cộng Ðồng của Tình Yêu, Giáo Hội Thực Hiện Tình Yêu. Như thế phần II của Thông Ðiệp bàn về việc thực hành cụ thể của mệnh lệnh tình yêu đối với người lân cận. Bài giới thiệu trình bày tiếp như sau:

 

Tình Yêu đối với người lân cận được ăn rễ trong tình yêu đối với Thiên Chúa; và tình yêu đối với người lân cận đó không những là bổn phận của mọi người tín hữu nói riêng, mà còn là bổn phận của toàn thể cộng đoàn giáo hội. Cộng đoàn giáo hội này trong sinh họat từ thiện bác ái cần phải phản chiếu Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Ý Thức về trách vụ này đã nổi bật trong giáo hội ngay từ đầu (x. Tông đồ công vụ 2, 44-45); và không lâu sau đó, được thể hiện sự cần thiết phải có một cơ cấu tổ chức làm nền tảng cho việc thi hành trách vụ đó một cách hữu hiệu hơn. Như thế trong cơ cấu căn bản của Giáo Hội, xuất hiện tác vụ phục vụ - diakônia - như là việc phục vụ của tình thương đối với người lân cận; và việc phục vụ nầy được thi hành một cách cộng đoàn và có trật tự tổ chức; đây là việc phục vụ cụ thể, nhưng đồng thời cũng có tính cách thiêng liêng (x. TÐCV 6, 1-6). Khi giáo hội được từ từ lan rộng, việc thi hành đức bác ái này được xác định như là một trong những trách vụ thiết yếu của giáo hội. Bản chất của giáo hội được thể hiện qua ba trách vụ: rao giảng Lời Chúa (kê-ryg-ma-mar-ty-ria), cử hành các bí tích (lei-tur-gia) và phục vụ bác ái (dia-kô-nia). Ðây là những trách vụ được liên kết với nhau, trách vụ này giả thiết phải có những trách vụ kia, và không thể nào tách rời nhau được.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Trong chương trình thời sự lần trước, chúng ta đã nghe qua bài giới thiệu phần thứ II của Thông Ðiệp: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Phần thứ II này trình bày trách vụ của Giáo Hội thực hiện Tình Yêu qua những tổ chức cụ thể. Chúng ta đã nghe quả quyết rằng:

 

"Tình Yêu đối với người lân cận được ăn rễ trong tình yêu đối với Thiên Chúa; và tình yêu đối với người lân cận đó không những là bổn phận của mọi người tín hữu nói riêng, mà còn là bổn phận của toàn thể cộng đoàn giáo hội. Cộng đoàn giáo hội này trong sinh họat từ thiện bác ái cần phải phản chiếu Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Ý Thức về trách vụ này đã nổi bật trong giáo hội ngay từ đầu (x. Tông đồ công vụ 2, 44-45); và không lâu sau đó, được thể hiện sự cần thiết phải có một cơ cấu tổ chức làm nền tảng cho việc thi hành trách vụ đó một cách hữu hiệu hơn. Như thế trong cơ cấu căn bản của Giáo Hội, xuất hiện tác vụ phục vụ - diakônia - như là việc phục vụ của tình thương đối với người lân cận; và việc phục vụ nầy được thi hành một cách cộng đoàn và có trật tự tổ chức; đây là việc phục vụ cụ thể, nhưng đồng thời cũng có tính cách thiêng liêng."

 

Mục thời sự lần này kính mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp đề tài này. Bài giới thiệu chính thức trong Trang Ðiện Tử Vatican viết tiếp như sau:

 

"Ngay từ thế kỷ thứ XIX, chống tại sinh họat từ thiện của giáo hội, người ta đã nêu lên vấn nạn căn bản như sau: họat động từ thiện của giáo hội có lẽ bị đặt bên phía đối lập với công bằng và cuối cùng dẫn đến tình trạng trong đó hoạt động từ thiện của giáo hội tác động như là một hệ thống duy trì trạng thái đang có. Người ta cho rằng qua việc chu toàn những việc từ thiện bác ái, giáo hội có lẽ góp phần duy trì hệ thống bất công đang có, vừa làm cho hệ thống bất công này, cách nào đó, trở nên có thể chấp nhận được, và như thế thắng bớt việc nổi loạn và giảm đi sức dấn thân để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Trong ý nghĩa này, chủ thuyết marxít đã chỉ cho thấy phương thuốc chữa trị vấn đề xã hội trong cuộc cách mạng toàn thế giới và trong việc chuẩn bị cho công cuộc cách mạng này. Nhưng đây chỉ là một giấc mơ và giấc mơ đó đã tan biến mất rồi! Giáo Huấn của các vị giáo hoàng, --- từ thông điệp Tân Sự của Ðức Lêô XIII được công bố vào năm 1891, cho đến ba thông điệp xã hội của Ðức Gioan Phaolô II, --- tức thông điệp về Lao Ðộng, được công bố năm 1981, thông điệp về Các Vấn Ðề Xã Hội được công bố năm 1987, và thông điệp Năm Thứ 100, được công bố vào năm 1991, --- (giáo huấn của các vị giáo hoàng) đã đương đầu, càng ngày càng khẩn thiết hơn, với vấn đề xã hội. Trước những hoàn cảnh có vấn đề mỗi ngày một thêm mới, Giáo Huấn của các vị giáo hoàng đã khai triển một học thuyết xã hội thật chặt chẽ, một học thuyết đề ra những định hướng có giá trị, cả cho đến bên ngoài giáo hội nữa.

Tuy nhiên việc thiết lập một trật tự công bằng cho xã hội và cho Nhà Nước là trách vụ trung tâm của chính trị, và do đó không thể nào là bổn phận liền ngay của giáo hội. Giáo huấn xã hội của giáo hội công giáo không trao cho giáo hội quyền hành trên Nhà Nước, nhưng chỉ thanh luyện và soi sáng lý trí, cống hiến phần đóng góp riêng của mình để huấn luyện các lương tâm, ngõ hầu những đòi hỏi đích thật của công bằng có thể được nhìn thầy, được chấp nhận và cuối cùng được thi hành.

Ngược lại, cũng không có bất cứ cơ quan nhà nước nào, dù đúng thật đến đâu đi nữa, có thể làm cho trở nên dư thừa việc phục vụ của tình thương. Nhà Nước nào muốn bao cấp cho tất cả mọi sự, thì cuối cùng sẽ trở thành một guồng máy hành chánh không thể nào cung cấp sự đóng góp thiết yếu mà con người đau khổ - hay đúng hơn mọi người - ai ai cũng cần đến. Sự đóng góp thiết yếu đó là chính thái độ dấn thân tràn đầy yêu thương nơi con người. Ai muốn lọai bỏ tình yêu thương, thì người đó đi vào con đường loại trừ con người.

Trong thời đại chúng ta, có một hệ quả tích cực đi liền với sự toàn cầu hoá, được thể hiện trong sự việc nầy là sự chăm sóc dành cho người lân cận vượt qua khỏi ranh giới của cộng đoàn quốc gia và nhắm nới rộng phạm vi hoạt động trên toàn thế giới. Những cơ cấu của Nhà Nước và những hiệp hội nhân đạo hỗ trợ trong nhiều cách khác nhau cho tình liên đới được thể hiện bởi xã hội dân sự: nhiều tổ chức khác nhau đã được thành lập, nhắm thực hiện những mục tiêu từ thiện và nhân ái. Trong giáo hội công giáo và trong những cộng đồng giáo hội khác cũng thế, đã được khai sinh những hình thức mới của họat động từ thiện bác ái. Người ta mong uớc sao cho có sự cộng tác hữu hiệu giữa tất cả những tổ chức này. Dĩ nhiên, điều quan trọng là họat động từ thiện bác ái của giáo hội công giáo không nên bỏ mất đi căn cước riêng của mình, bằng việc trở thành họat động của tổ chức cứu trợ thuần tuý như bao tổ chức cứu trợ khác, nhưng nên duy trì trọn cả vẻ đẹp của bản chất tình bác ái kitô và có chiều kích giáo hội. Vì thế, cần lưu ý đến những điểm sau đây:

Họat động bác ái kitô, ngoài việc dựa trên khả năng chuyên môn nghề nghiệp, thì còn cần dựa trên kinh nghiệm của cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô mà tình yêu của Người đã chạm đến con tim của tín hữu vừa khơi dậy nơi người đó tình thương đối với người lân cận.

Họat động bác ái kitô cần phải độc lập khỏi mọi đảng phái và ý thức hệ. Chương trình hành động của người kitô - chuơng trình của người Samaritanô nhân hậu, chương trình của chính Chúa Giêsu - là "một con tim biết nhìn thấy". Con tim này nhìn thấy ở đâu có nhu cầu cần đến tình thương và từ đó mà khởi động việc phục vụ.

Họat động bác ái kitô không nên trở thành phương tiện cho điều mà ngày nay người ta gọi là "việc chiêu mộ tín hữu". Tình thương là nhưng không. Tình thương không nên được thi hành để nhắm đạt đến những mục tiêu khác. Nhưng điều này không có nghĩa là họat động bác ái phải đặt Thiên Chúa và Chúa Kitô qua một bên. Người kitô biết rõ khi nào là lúc để nói về Thiên Chúa, và khi nào nên im tiếng không nói về Ngài, nhưng để cho tình thương nói mà thôi. Bài Ca Ðức Bác Ái của Thánh Phaolô, nơi chương thứ 13 của thư thứ I Corintô, cần trở nên Bản Ðại Hiến Chương cho toàn bộ công việc phục vụ của Giáo Hội, để bảo vệ công việc phục vụ này không bị xuống cấp thành chỉ họat động vì họat động mà thôi.

Trong khung cảnh vừa nói trên, và trước chủ nghĩa thế tục đang bành trướng, -- một chủ nghĩa có thể có ảnh hưởng trên nhiều người kitô dấn thân trong họat động bác ái, -- thì cần phải tái xác nhận tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Cuộc gặp gỡ sống động với Chúa Kitô tránh cho kẻ dấn thân trong hoạt động bác ái, khỏi bị rơi vào ý thức hệ cho mình đang làm điều mà Thiên Chúa xem ra như không làm, trước những nhu cầu bao la vô cùng và những giới hạn nơi khả năng của kẻ dấn thân. Hay ngược lại, cuộc gặp gỡ sống động với Chúa Kitô tránh cho kẻ dấn thân khỏi rơi vào cám dỗ rút lui thụ động, hay "án binh bất động", không làm gì thêm nữa trước nhu cầu quá bao la. Ai cầu nguyện, thì người đó không lãng phí thời giờ, cả khi hoàn cảnh xem ra như thôi thúc phải mau họat động mà thôi. Ai cầu nguyện thì không có tham vọng thay đổi hay sửa lại chương trình của Thiên Chúa, nhưng,-- noi gương Mẹ Maria và các thánh, -- cố gắng múc lấy nơi Thiên Chúa ánh sáng và sức mạnh của tình thương, một sức mạnh có thể chiến thắng mọi tối tăm và ích kỷ có mặt trong thế giới.

 

Quý vị và các bạn thân mến, đọc qua những lời giải thích trên, chúng ta hiểu thêm tại sao phần thứ II của Thông Ðiệp "Thiên Chúa là Tình Yêu", có tựa đề: "Như là Cộng Ðồng của Tình Yêu, Giáo Hội Thực Hành Tình Yêu".

Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page