Huấn Ðức của ÐTC Beneđtô XVI
trước giờ Kinh Truyền Tin
Trưa Chúa Nhật ngày 15/01/2006
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Huấn Ðức của ÐTC Beneđtô XVI trước giờ Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật ngày 15 tháng Giêng năm 2006.
(Radio Veritas Asia 16/01/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Chúa Nhật, ngày 8 tháng Giêng năm 2006, là Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, Chúa Nhật thứ nhất của mùa thường niên trong năm Phụng Vụ. Trước khi xướng kinh Truyền Tin vào Trưa Chúa Nhật ngày 15 tháng Giêng năm 2006 với cộng đoàn tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Beneđtô XVI đã nói vài lời huấn đức, giải thích ý nghĩa của biến cố được tường thuật trong đoạn phúc âm theo thánh Gioan của ngày Chúa Nhật II thường niên, 15 tháng Giêng năm 2006. Ðó là biến cố hai môn đệ của Gioan tìm đến với Chúa Giêsu và ở lại với Chúa. Ðức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc Ði Tìm và Gặp Chúa, mà mọi tín hữu cần thực hiện trong suốt năm mới 2006 này. Ðức Thánh Cha đã nói như sau:
Anh chị em thân mến,
Mùa Thường Niên của Năm Phụng Vụ đã bắt đầu với Chúa Nhật vừa qua, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Nét đẹp của mùa thường niên hệ tại nơi việc mùa này mời gọi chúng ta hãy sống cuộc đời thường ngày như là một hành trình tiến đến sự thánh thiện, nghĩa là như một hành trình sống đức tin và tình bạn hữu với Chúa Giêsu, luôn được khám phá và tái khám phá như là Thầy và là Chúa, là Ðàng, là sự Thật và là sự Sống của con người. Ðó là điều mà đoạn phúc âm theo thánh Gioan gợi lên cho chúng ta trong phụng vụ Chúa nhật hôm nay -- (tức Chúa Nhật ngày 15 tháng Giêng năm 2006) --; đoạn phúc âm mô tả cho chúng ta biết cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và vài môn đệ trong số những kẻ sau này sẽ là những tông đồ của Chúa. Những người này đã là môn đệ của Gioan Tẩy Giả; và chính Gioan Tẩy giả đã hướng dẫn họ đến với Chúa Giêsu, khi ông chỉ cho các môn đệ biết sau biến cố làm phép Rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giordanô rằng: Ðây là "Chiên Thiên Chúa" (Gn 1,36). Lúc đó hai môn đệ của Gioan liền đi theo Ðấng Thiên Sai và được hỏi: "Các ngươi tìm gì đây?" Hai môn đệ trả lời: "Thưa Thầy, Thầy sống ở đâu?" Và Chúa Giêsu đáp: "Hãy đến mà xem!" Chúa Giêsu mời họ theo ngài và ở lại với ngài trong giây lát. Trong vài giờ ngắn ngủi ở lại với Chúa Giêsu, hai môn đệ bị đánh động đến độ tiếp liền đó một trong hai người, là Anrê, đến nói với em mình là Simon như sau: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Thiên Sai". Có hai từ ngữ có ý nghĩa đặc biệt: "Tìm kiếm" và "gặp gỡ". Chúng ta có thể rút ra từ đoạn phúc âm của chúa nhật hôm nay (tức của ngày 15 tháng Giêng năm 2006) hai từ này và lãnh hội từ đó một chiều hướng căn bản cho năm mới mà chúng ta muốn biến thành thời gian canh tân con đường thiêng liêng của mình với Chúa Giêsu, trong niềm vui không ngừng đi tìm Chúa và gặp Chúa. Thật vậy, niềm vui đích thật hơn hệ tại trong tương quan với Chúa mà chúng ta đã gặp được, đã sống theo, đã biết và đã yêu mến, nhờ vào việc để cho tâm hồn và trí khôn chúng ta luôn luôn hướng về Chúa. Sống làm môn đệ của Chúa Kitô: chỉ như thế là đủ cho nguời kitô rồi. Tình bằng hữu với Thầy bảo đảm cho linh hồn được sự bình an sâu xa và sự thanh thản, cả trong những giây phút đen tối và trong những thử thách cam go nhất. Khi đức tin rơi vào trong những đêm đen, trong đó ta không còn cảm nghiệm, không còn thấy sự hiện diện của Chúa nữa, thì tình bạn hữu với Chúa Giêsu bảo đảm cho chúng ta rằng thật sự không gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa (x. thư Roma 8,39).
Hãy tìm và gặp Chúa Kitô, nguồn mạch không bao giờ cạn của sự thật và sự sống; vào đầu năm mới, Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy đi lại con đường đức tin không bao giờ cùng. "Thưa Thầy, thầy sống ở đâu?" chúng ta hãy nói với Chúa Giêsu như thế; và Chúa đáp lời chúng ta như sau: "Hãy đến mà xem!". Ðối với tín hữu, đây luôn là một cuộc đi tìm không ngừng và là một khám phá mới, bởi vì Chúa Kitô luôn luôn là như thế hôm qua, hôm nay và mãi mãi, nhưng chúng ta, thế giới, lịch sử, chúng ta không bao giờ như vậy mãi mãi; Chúa đến gặp chúng ta để trao ban cho chúng ta được hiệp thông với ngài và được sống sung mãn. Chúng ta hãy xin Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria giúp chúng ta sống theo Chúa Giêsu và mỗi ngày nếm hưởng niềm vui, vì được mỗi ngày một tiến sâu xa hơn vào trong Mầu Nhiệm của Chúa.
Sau những lời trên, Ðức Thánh Cha xướng kinh truyền tin với cộng đoàn tín hữu hiện diện.
Sau kinh truyền tin và phép lành, Ðức Thánh Cha còn ở lại bên cửa sổ để nói thêm vài lời nhắc nhở và chào chúc.
Trước hết, ÐTC nhắc rằng Chúa Nhật 15 tháng Giêng (năm 2006), là ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn. ÐTC đã nói như sau: "Những cuộc di dân là một hiện tượng khá phổ biến trong thế giới hiện nay; đây là "dấu chỉ của thời đại". Hiện tượng di dân có những dung mạo khác nhau; cuộc di dân có thể là do tự ý hay bị bắt buộc, có thể là di dân hợp pháp hay lén lút, vì lý do lao động hay học hành. Một bên người ta quả quyết tôn trọng sự khác biệt chủng tộc và văn hóa, nhưng đàng khác vẫn còn những khó khăn về tiếp nhận và hội nhập người di dân và tị nạn. Giáo Hội mời gọi hãy đón nhận khía cạnh tích cực mà "dấu chỉ của thời đại" này mang theo, bằng cách thắng vượt mọi hình thức kỳ thị, bất công, khinh thị nhân vị, bởi vì mọi người là hình ảnh của Thiên Chúa."
Ðức Thánh Cha cũng nhắc thêm rằng Chúa Nhật 15 tháng Giêng (năm 2006) là ngày Giáo Phận Roma cử hành Ngày của Trường Công Giáo. ÐTC gởi lời chào đến quý vị lãnh đạo, quý vị thầy cô, các bậc làm cha mẹ và các học sinh, vừa khuyến khích tất cả hãy dấn thân cho công cuộc giáo dục toàn diện, hãy cố gắng liên kết phẩm chất của giáo dục với quan niệm kitô về con người và về xã hội. Ðức Thánh Cha cũng mong ước có sự cộng tác giữa nhà trường và gia đình và cầu chúc cho công việc phục vụ của các trường học công giáo luôn luôn được đánh giá cao.
Sau khi đã chào chúc các tín hữu hành hương hiện diện, bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Ðức, BaLan, Tây Ban Nha, Ðức Thánh Cha cũng gởi lời chào chúc tất cả những ai theo dõi biến cố qua đài phát thanh và truyền hình. Ðức Thánh Cha nhắc lại như sau: "Chúa Kitô mời gọi chúng ta theo Ngài và loan báo Tin Vui Mừng cho thế giới. Chúng ta hãy xin Mẹ Maria đồng hành với chúng ta mọi ngày trong cuộc hành hình này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em."
(Ðặng Thế Dũng)