Bài Giảng của ÐTC Beneđitô XVI
Dịp Lễ Hiển Linh tại Roma
ngày mùng 6 tháng Giêng năm 2006
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài Giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI Dịp Lễ Hiển Linh tại Roma, ngày mùng 6 tháng Giêng năm 2006.
(Radio Veritas Asia 7/01/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Hôm nay, mục thời sự xin gởi đến quý vị và các bạn Bài Giảng của Ðức Thánh Cha dịp Lễ Hiển Linh (tức Lễ Ba Vua) tại Roma, ngày mùng 6 tháng Giêng năm 2006.
Lúc 9.30 sáng thứ Sáu, ngày mùng 6 tháng Giêng năm 2006, đúng ngày lễ Hiển Linh, Ðức Thánh Cha đã chủ tế Thánh Lễ trong Ðền Thờ Thánh Phêrô. Sau bài phúc âm, Ðức Thánh Cha đã giảng khuyên như sau:
Anh chị em thân mến,
Ánh sáng chiếu tỏa trong Ðêm Giáng Sinh làm sáng lên hang đá tại Bêlem, nơi Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Mục Ðồng âm thầm thờ lạy Chúa Hài Nhi, (ánh sáng đó) ngày hôm nay bừng lên và biểu lộ cho tất cả mọi người. Lễ Hiển Linh là mầu nhiệm ánh sáng, được diễn tả qua biểu tượng ngôi sao hướng dẫn cuộc hành trình của các nhà đạo sĩ. Chúa Kitô chính là nguồn sáng thật, là "mặt trời mọc lên từ trên cao" (Lc 1,78). Trong mầu nhiệm Giáng Sinh, ánh sáng Chúa Kitô toả sáng trên trần gian vừa lan ra theo những vòng tròn đồng tâm. Trước hết trên thánh gia đình Nazareth: Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria và Thánh Giuse được chiếu sáng bởi sự hiện diện thần linh của Hài Nhi Giêsu. Ánh sáng của Ðấng Cứu Thế sau đó được biểu lộ cho các mục đồng tại Bêlem; Khi được thiên sứ báo tin, các ngài mau mắn chạy đến hang đá và gặp thấy nơi đó "dấu chỉ" đã được báo trước cho họ: một con trẻ được bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,12). Các mục đồng, cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse, đại diện cho "nhóm nhỏ còn lại của Dân Israel", những người nghèo, anawim, những kẻ đã được loan báo Tin Mừng. Ánh sáng Chúa Kitô cuối cùng chiếu toả đến các vị Ðạo Sĩ, của đầu mùa từ các dân ngoại. Còn nằm trong bóng đêm, những đền đài của quyền hành tại Giêrusalem, nơi mà tin tức về Ðấng Thiên Sai sinh ra, được thông báo một cách nghịch lý cho họ biết qua các vị Ðạo Sĩ, và khơi dậy không phải niềm vui mừng, nhưng sự lo sợ và những phản ứng thù nghịch. Ý định của Thiên Chúa quả thật là nhiệm mầu: "Ánh sáng đến trong thế gian, nhưng con người đã thích bóng tối hơn ánh sáng, bởi vì công việc của họ xấu xa" (Gn 3,19).
Nhưng thử hỏi ánh sáng đó là gì đây? Nó chỉ là một biểu tượng gợi ý, hay có một thực tại thật, được nói lên qua hình ảnh này? Thánh Tông Ðồ Gioan đã viết trong thư Thứ Nhất của ngài như sau: "Thiên Chúa là ánh sáng và nơi ngài không có bóng tối" (I Gn 1,5). Và sau đó thánh nhân còn viết thêm như sau: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Hai lời quả quyết trên, nếu được liên kết chung với nhau, giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng: ánh sáng bùng lên trong đêm Giáng Sinh, và là ánh sáng ngày nay được biểu lộ cho các dân tộc, là Tình Yêu Thiên Chúa, được mạc khải nơi chính bản thân của Ngôi Lời Nhập Thể. Ðược thu hút bởi ánh sáng này, các đạo sĩ từ Ðông phương kéo đến. Như thế, trong Mầu Nhiệm Hiển Linh, bên cạnh tác động chiếu toả từ trong ra ngoài, còn có tác động thu hút từ ngoài vào trung tâm, hoàn thành tác động đã được khắc ghi truớc đây trong Cựu Ước. Nguồn gốc của sức mạnh thu hút đó là Thiên Chúa, duy nhất trong Bản Tính và có Ba Ngôi, Ðấng thu hút về mình tất cả mọi sự và mọi người. Như thế, Ngôi Lời Nhập Thể xuất hiện như là nguyên lý hoà giải và quy tụ tất cả (x. Eph 1,9-10). Ngôi Lời nhập thể là cùng đích của lịch sử, là điểm tới của một cuộc "xuất hành", của một cuộc hành trình cứu rỗi được Thiên Chúa quan phòng an bài; và cuộc hành trình này đạt đến chóp đỉnh trong cái chết và sống lại của Ngôi Lời Nhập Thể. Vì thế, trong ngày lễ trọng Hiển Linh, phụng vụ nhìn thấy truớc "lời Loan Báo của Biến Cố Vượt Qua"; thật vậy, năm phụng vụ gom lại toàn thể lịch sử cứu rỗi mà trung tâm là "Tam Nhật Thánh của Chúa chịu đóng đinh, được mai táng trong mồ và đã phục sinh".
Trong phụng vụ của Mùa Giáng Sinh, thường được lặp lại như một điệp khúc, câu trích từ thánh vịnh 97 như sau: Chúa đã biểu lộ ơn cứu rỗi; Ngài đã mạc khải sự công chính của mình trước mắt chư dân" (câu 2). Ðây là những lời mà Giáo Hội dùng để nhấn mạnh chiều kích "hiển linh" của mầu nhiệm Nhập Thể: biến cố Con Thiên Chúa làm người, biến cố Ngài buớc vào trrong lịch sử là cao điểm của việc Thiên Chúa mạc khải chính mình cho dân Israel và cho tất cả mọi dân tộc. Nơi Con Trẻ Bêlem, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình trong hình hài khiêm tốn của con người, trong thân phận "người tôi tớ", và trong cả thân phận của kẻ chịu đóng đinh (x. Phil 2,6-8). Ðây là điều nghịch lý kitô. Chính sự ẩn khuất này kết thành lời diễn tả hùng hồn nhất của Thiên Chúa: sự khiêm tốn, sự khó nghèo, sự tủi nhục của cuộc Thương khó, làm cho chúng ta biết rõ Thiên Chúa là như thế nào. Dung mạo của Chúa Con mạc khải cách trung thành dung mạo của Thiên Chúa Cha. Ðó là lý do tại sao Mầu Nhiệm Giáng Sinh có thể nói được là cả một "sự hiển linh". Việc biểu lộ của Chúa cho các Ðạo Sĩ không thêm điều xa lạ vào trong ý định của Thiên Chúa, nhưng mạc khải cho thấy một chiều kích hằng có và chính yếu kết thành ý định Thiên Chúa, rằng: các Dân Ngoài đều được mời gọi, trong Chúa Giêsu Kitô, để tham dự vào cùng một phần gia tài, để kết thành một thân thể, và để chia sẻ lời Chúa Hứa nhờ qua Tin Mừng" (Eph 3,6). Ðối với cái nhìn hời hợt bên ngoài, thì sự trung thành của Thiên Chúa đối với dân Israel và việc ngài biểu lộ chính mình cho các dân ngoại, có thể xem ra như là những khía cạnh khác biệt nhau; nhưng thật ra, đây là hai mặt của cùng một huy chương. Thật vậy, theo Kinh Thánh, chính để trung thành với giao ước tình yêu với dân Israel mà Thiên Chúa mạc khải vinh quang mình cho các dân tộc khác nữa. "Ân Sủng và Lòng Trung Thành" (TV 88,2) "lòng nhân từ và sự thật" (TV 84,11), đó là nội dung của vinh quang Thiên Chúa; đó là "danh gọi" của Ngài, để được mọi nguời biết đến và tôn vinh, từ mọi ngôn ngữ mọi quốc gia. Nhưng nội dung này không thể nào được tách ra khỏi "phương pháp" mà Thiên Chúa đã chọn để mạc khải chính mình; đó là phuơng pháp của sự trung thành tuyệt đới với giao ước, mà chóp đỉnh là Chúa Kitô. Chúa Giêsu là, đồng thời và không thể tách biệt ra, "ánh sáng chiếu soi các dân ngọai và là vinh quang của Israel dân Chúa" (Lc 2,32); Ðược Thiên Chúa linh ứng, cụ Simêon đã thốt lên như thế, khi bồng Hài Nhi trên tay, khi hai Ðấng đến dâng con trẻ trong Ðền Thánh. Ánh sàng chiếu soi các Dân tộc - ánh sáng của lễ Hiển Linh - phát xuất từ vinh quang của Dân Israel, vinh quang của Ðấng Thiên Sai, mà theo Kinh Thánh, đã giáng sinh tại Bêlem, "thành của Vua Ðavid" (Lc 2,4).Các Ðạo Sĩ thờ lạy một Hài Nhi đơn sơ nằm trong đôi tay Mẹ Maria, bởi vì các ngài nhìn nhận nơi Con Trẻ này nguồn mạch của hai ánh sáng đã hướng dẫn các ngài: ánh sáng của ngôi sao và ánh sáng của Kinh Thánh. Các ngài nhìn nhận nơi Con Trẻ vị Vua của người Giuđêi, vinh quang của Dân Israel, và cũng là Vua của tất cả mọi dân nước.
Trong khung cảnh phụng vụ của lễ Hiển Linh cũng được biểu lộ mầu nhiệm Giáo Hội và chiều kích truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi làm chiếu sáng trong thế giới ánh sáng của Chúa Kitô, vừa phản chiếu ánh sáng đó nơi chính mình, như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Trong giáo hội đã được hoàn tất những lời tiên tri xưa nói cho thành thánh Giêrusalem, chẳng hạn như lời tiên tri Isaia mà chúng ta vừa nghe lại như sau: "Hãy chỗi dậy, hãy mặc lấy ánh sáng, bởi vì ánh sáng của ngươi ngự đến... Các dân tộc sẽ bước theo ánh sáng của ngươi, các Vua Chúa sẽ đi theo vinh quang của Nguồn Sáng ngươi" (Isai 60, 1-3). Những đồ đệ của Chúa Kitô sẽ phải thực hiện điều này: sau khi đã được Chúa huấn luyện sống theo các Mối Phúc Thật, các đồ đệ Người, nhờ qua chứng tá của tình thương, phải lôi cuốn mọi nguời đến cùng Thiên Chúa. "Như thế phải chiếu toả ánh sáng của chúng con trước mọi người, ngõ hầu nhờ thấy những việc tốt chúng con làm mà họ tôn vinh Cha chúng con trên trời" (Mt 5,16). Lắng nghe những lời nầy của Chúa Giêsu, chúng ta, mọi thành phần của Giáo Hội, chúng ta không thể nào không nhìn thấy tất cả sự thiếu sót của thân phận con nguời mình bị tội lỗi ghi dấu. Giáo Hội là thánh thiện, nhưng được kết thành bởi những con nguời có mang lấy những giới hạn và những sai lầm. Chỉ mình Chúa Kitô, là Ðấng, nhờ trao ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, mới có thể biến đổi sự cùng khốn chúng ta và canh tân chúng ta liên lỉ. Chính Chúa Kitô, ánh sáng chiếu soi các dân tộc, ánh sáng muôn dân, (lumen gentium), đã chọn soi sáng thế gian nhờ qua giáo hội được Nguời thiết lập (x. Công Ðồng Vatican II, hiến chế tín lý về Giáo Hội, ánh sáng muôn dân, số 1).
"Thử hỏi làm sao việc này có thể xảy ra được?" Chúng ta cũng đặt ra cho mình câu hỏi, với những lời Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria đã thưa với tổng lãnh thiên thần Gabriel. Và chính Mẹ, Mẹ của Chúa Kitô và là Mẹ của Giáo Hội, sẽ giúp ta có câu trả lời; với mẫu gương của Mẹ hoàn toàn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Thiên Chúa --- "tôi xin vâng theo lời ngài truyền" (Lc 1,38)-Mẹ dạy chúng ta biết trở nên "sự Hiển Linh" của Chúa, với tâm hồn mở rộng đón nhận sức mạnh của ân sủng, và trong sự gắn bó trung thành với Lời của Con Mẹ, Ánh sáng của thế gian và là điểm tới cuối cùng của lịch sử. Amen.
Vừa rồi là Bài giảng của ÐTC Bênêđitô XVI trong Thánh Lễ Hiển Linh, sáng thứ Sáu mùng 6 tháng Giêng năm 2005, tại Roma. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng)