Buổi tiếp kiến chung đầu tiên
trong năm mới 2006
của ÐTC Beneđitô XVI
vào sáng thứ Tư mùng 4/01/2006
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong năm mới 2006 của ÐTC Beneđitô XVI vào sáng thứ Tư mùng 4 tháng 1 năm 2006.
Tin Vatican (4/01/2006) - Buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư mùng 4 tháng 1 năm 2006, là buổi tiếp kiến chung đầu tiên của năm mới 2006, và là buổi tiếp kiến thứ 33 của Ðức Bênêđitô XVI, kể từ khi ngài được chọn kế vị thánh Phêrô tại ngai toà Roma.
Vì con số các tín hữu tham dự lên đến khoảng 15 ngàn người, nên buổi tiếp kiến đã phải diễn ra tại hai địa điểm. Trước hết vào lúc 10.30, buổi tiếp kiến chung đã diễn ra trong Ðại Thính Ðường Phaolô VI, dành cho các tín hữu đi theo nhóm. Và sau đó, lúc 11.45, ÐTC tiến sang Ðền Thờ Thánh Phêrô để tiếp kiến chung các tín hữu đi riêng, không theo nhóm nào cả.
Trong bài huấn đức chung cho các tín hữu, tiếp tục loạt bài giải thích các thánh vịnh và ca vịnh được dùng trong phụng vụ giờ kinh, ÐTC Bênêđitô XVI đã giải thích Ca Vịnh Chúc Tụng Chúa Kitô, nơi chương 1 của thư Colossê (1,3.12-20). Ca Vịnh này được dùng trong giờ Kinh Chiều Thứ Tư của tuần thứ IV, đề cao vai trò của Chúa Kitô, trưởng tử của mọi tạo vật. ÐTC đã nói như sau:
"Trong buổi tiếp kiến chung đầu tiên của năm mới, chúng ta dừng lại suy niệm Ca Vịnh nổi tiếng nói về Chúa Kitô, trong thư thánh Phaolô gởi giáo đoàn Colossê. Ca Vịnh này là như cửa ngõ dẫn vào nguồn phong phú các thư của thánh Phaolô, và cũng là như cửa ngõ dẫn vào Năm mới. Ca Vịnh được đặt nằm trong khuôn khổ bài ca tạ ơn dâng lên Thiên Chúa Cha. Ca Vịnh giúp tạo ra bầu khí thiêng liêng để sống tốt những ngày đầu năm, cũng như để giúp chúng ta hành trình trong suốt năm 2006 này.
Lời chúc tụng của thánh tông đồ Phaolô và cũng là lời chúc tụng của chúng ta, bay lên trước nhan "Thiên Chúa, Cha của Chúa chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô" (câu 3), nguồn mạch của ơn cứu rỗi.
Theo ÐTC, trong Ca Vịnh này, Ơn Cứu Rỗi được mô tả bằng hai cách, tiêu cực và tích cực. Trước hết, cách tiêu cực, ơn cứu rỗi được mô tả như là "sự giải thoát khỏi quyền lực tối tăm" (câu 13), như là "sự cứu chuộc và tha thứ các tội lỗi" (câu 14). Ơn cứu chuộc sau đó được mô tả cách tích cực như là "sự tham dự vào số phận của các thánh trong ánh sáng" (câu 12) và như là sự "bước vào trong vương quốc của Con Một yêu dấu" (câu 13)".
Ðức Thánh Cha còn lưu ý đến hai chiều của Ca Vịnh đề cao chỗ đứng thứ nhất và công việc của Chúa Kitô trong tạo vật cũng như trong lịch sử cứu độ. Chiều thứ nhất của ca vịnh trình bày Chúa Kitô như là trưởng tử của mọi tạo vật, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình... Nơi Chúa Kitô, chúng ta nhìn thấy được dung mạo của Thiên Chúa Cha. Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy một sự thật hết sức quan trọng: đó là lịch sử có một mục tiêu, có một hướng tiến. Lịch sử tiến đến nhân tính của Chúa Kitô, và như thế tiến đến con người hoàn hảo, tiến đến một chủ thuyết nhân triển trọn hảo. Nói cách khác, người ta có thể quả quyết rằng trong lịch sử có tiến bộ và tiến hoá. ÐTC nói: "Tiến bộ là tất cả những gì làm cho chúng ta đến gần Chúa Kitô"... Nói như thế, tất có hàm chứa một mệnh lệnh cho con người chúng ta: đó là hãy làm việc cho tiến bộ, mà tất cả chúng ta đều muốn có. Chúng ta chỉ có thể thực hiện điều vừa nói, khi dấn thân làm cho con người được đến gần Chúa Kitô; chúng ta chỉ có thể làm điều này, khi chúng ta đích thân trở nên giống Chúa Kitô, và như thế theo con đường đi đến tiến bộ.
Chiều kích thứ hai của Ca Vịnh (x. Col 1, 18-20) được linh động nỗi bật bởi dung mạo của Chúa Kitô Ðấng Cứu Thế trong lịch sử cứu rỗi. Công việc của Chúa được mạc khải trước hết trong sự kiện "Ngài là đầu của thân thể, là Giáo Hội" (v. 18); chính chiều kích này là chân trời cứu rỗi ưu tuyển trong đó được thể hiện cách trọn vẹn sự giải phóng và ơn cứu chuộc, sự hiệp thông sống động giũa Ðầu và các chi thể, tức giữa Chúa Kitô và các đồ đệ. ÐTC giải thích tiếp như sau: "Cái nhìn của Thánh Tông Ðồ Phaolô huớng đến mục tiêu cuối cùng của lịch sử: đó là Chúa Kitô, trưởng tử của tất cả những ai sống lại từ cỏi chết (câu 18); Ngài mở ra cánh cửa dẫn vào sự sống đời đời, và giải thoát chúng ta khỏi giới hạn của sự chết và sự dữ. Ðó là trọn đầy sự sống và ân sủng trong chính Chúa Kitô, và được trao ban cho chúng ta. Với sự hiện diện sống động này, một sự hiện diện làm cho chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh, chúng ta được biến đổi từ bên trong, được hoà giải, và được ban cho sự bình an." Trong viễn tượng này, ÐTC đã định nghĩa về người kitô như sau: "Sống như là nguời kitô, có nghĩa là để cho mình được biến đổi từ nội tâm theo mẫu lý tưởng Chúa Kitô. Như thế được thực hiện sự hoà giải và được ban cho lại sự bình an".
Kết thúc bài huấn đức, ÐTC Bênêđitô XVI kêu gọi các tín hữu hãy chiêm ngắm công trình Thiên Chúa đã thực hiện để cứu rỗi con người. Thiên Chúa đã làm nguời để cứu rỗi chúng ta, và như thế giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và dẫn đưa chúng ta vào trong Vuơng Quốc của Con Một yêu dấu của Ngài. ÐTC nói: "Chúng ta đứng trước công trình của Thiên Chúa, Ðấng đã thực hiện ơn cứu chuộc vì yêu thương con người. Ngài vừa là Con Thiên Chúa, là Ðấng cứu chuộc, nhưng đồng thời cũng vừa là người anh của chúng ta, và chính với sự gần gủi này mà Ngài đổ tràn vào trong chúng ta hồng ân Thiên Chúa. Quả thật, ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Amen"
(Ðặng Thế Dũng)