Bài Giảng Thánh Lễ Ðầu Năm Mới 2006
của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài Giảng Thánh Lễ Ðầu Năm Mới 2006 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI.
(Radio Veritas Aisa 2/01/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Hôm ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2006, Ngày đầu năm mới 2006, và cũng là ngày Quốc Tế Hoà Bình lần thứ XXXIX, ÐTC Bênêđitô XVI đã cử hành Thánh Lễ trọng thể kính Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, vào lúc 10 giờ sáng, giờ địa phương Roma, bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ÐTC, có Ðức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Toà Thánh, Ðức Hồng Y Renato Martino, Chủ Tịch Hội Ðồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình, Ðức Tổng Giám Mục Leonardo Sandri, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh đặc trách nội vụ, Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Lajolo, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh đặc trách liên lạc với các quốc gia, chức vụ tương đương với ngọai trưởng trong các chính phủ các quốc gia. Ðức Tổng Giám Mục Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký Hội Ðồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình.
Giảng trong thánh lễ, Ðức Thánh Cha đã nói như sau:
Anh chị em thân mến,
Trong Phụng Vụ hôm nay, đôi mắt chúng ta tiếp tục nhìn về mầu nhiệm vĩ đại nhập thể của Con Thiên Chúa, vừa đặc biệt chiêm ngắm tình mẫu tử của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria. Nơi đoạn kinh thánh trích từ thư thánh Phaolô (x. Gal 4,4) mà chúng ta vừa nghe qua, thánh tông đồ Phaolô nhắc một cách kín đáo đến Ðấng mà qua đó Con Thiên Chúa bước vào trong thế gian: Ðức Maria thành Nazareth, Mẹ Thiên Chúa, Ðắng được gọi là "Thê-ô-tô-kôs. Vào đầu năm mới, chúng ta như được mời gọi bước vào trường học của Ðức Maria, trường học của người đồ đệ trung thành của Chúa, để học nơi Mẹ Maria, cách tiếp nhận trong Ðức Tin và trong lời cầu nguyện Ơn Cứu Rỗi mà Thiên Chúa muốn đổ xuống tất cả những ai tín thác vào tình thuơng nhân từ của ngài.
Ơn cứu rỗi là hồng ân của Thiên Chúa. Trong bài đọc thứ nhất, ơn cứu rỗi đã được trình bày như là một sự chúc lành: "XinThiên Chúa chúc lành cho con và gìn giữ con... Xin ngài nhìn đến con và ban cho con Bình an" (Dan 2 số 6,24.26). Ðây là lời chúc lành mà các tư tế của dân Israel thuờng dùng để khẩn cầu Thiên Chúa chúc lành cho dân chúng, vào lúc kết thúc những nghi lễ phụng vụ lớn, nhất là trong ngày lễ Ðầu Năm mới. Chúng ta có được bản văn khá có ý nghĩa, trong đó Danh thánh của Thiên Chúa được lặp lại vào mỗi đầu câu. Một bản văn không chỉ giới hạn vào việc đơn thuần tuyên bố trên nguyên tắc, nhưng nhấn đến việc thực hiện điều được quả quyết nơi đó. Thật vậy, như mọi người biết, trong cách suy tư của nguời do thái, sự chúc lành của Thiên Chúa, tự nó, tạo ra điều phúc lộc và ơn cứu rỗi, cũng như sự chúc dữ gây ra tai họa và suy sụp. Sự hiệu nghiệm của lời chúc lành được cụ thể hoá một cách đặc biệt, từ phía Thiên Chúa trong việc bảo vệ chúng ta (câu 24), trong việc Ngài tỏ ra tốt lành ban ơn cho chúng ta (câu 25) và trong việc ban sự bình an cho chúng ta, hay nói cách khác, trong việc trao ban cho chúng ta dồi dào hạnh phúc.
Khi làm cho chúng ta nghe lại lời chúc phúc xa xưa này, vào khởi đầu năm mới dương lịch, phụng vụ dường như muốn khuyến khích chúng ta hãy dâng lời khẩn xin Thiên Chúa chúc lành cho năm mới đang tiến vào, ngõ hầu năm này trở nên một năm thịnh vượng và hoà bình cho tất cả chúng ta.
Chính lời cầu chúc này mà tôi muốn dùng để ngỏ với quý vị Ðại Sứ thuộc ngọai giao đoàn cạnh toà thánh, đang tham dự vào cử hành phụng vụ hôm nay. Tôi xin chào Ðức Hồng Y Angelo Sodano, vị quốc vụ khanh toà thánh của tôi. Cùng với ngài, tôi xin chào Ðức Hồng Y Renato Martino và tất cả những ai kết thành Hội Ðồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình. Tôi hết lòng biết ơn các vị, vì đã dấn thân hết sức mình để phổ biến sứ điệp hằng năm cho ngày Quốc Tế Hoà Bình, một sứ điệp được gởi đến những người kitô và tất cả mọi người thiện chí nam nữ. Một lời chào thân tình xin gởi đến những ca viên thiếu nhi, đã dùng bài hát mà làm cho Thánh Lễ này trở nên long trọng; với thánh lễ này, chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa ban cho toàn thế giới được ơn Hoà Bình.
Khi chọn chủ đề "Trong Sự Thật, Hãy Xây Dựng Hoà Bình", cho sứ điệp Ngày Quốc Tế Hoà Bình tôi đã muốn nói lên niềm xác tín rằng "ở đâu và khi nào con người để cho ánh sáng sự thật soi sáng huớng dẫn mình, thì ở đó con người tự nhiên bước đi trên con đường hoà bình" (n. 3). Làm sao chúng ta không nhìn thấy nơi đó sự thực hiện hữu hiệu và đặc biệt của đọan phúc âm vừa được công bố; trong đọan phúc âm này, chúng ta chiêm ngắm các mục đồng tiến về Bêlem để tôn thờ Con Trẻ? (x. Lc 2,16). Phải chăng đây không phải là những mục đồng mà Thánh Sử Luca mô tả cho chúng ta trong cảnh nghèo hèn và trong sự đơn sơ vâng lời thiên sứ, và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, như là hình ảnh dễ hiểu về việc con người để cho sự thật soi sáng hướng dẫn, và như thế trở nên có khả năng xây dựng một thế giới hoà bình, hay sao?
Hoà Bình, đây là khát vọng to lớn của mọi nguời nam nữ; hoà bình được xây dựng ngày này qua ngày khác với sự đóng góp của tất cả mọi người, vừa nhờ vào phần gia tài đáng phục mà Công Ðồng Vaticanô II để lại cho chúng ta, trong hiến chế mục vụ "Vui Mừng và Hy Vọng", trong đó được quả quyết rằng nhân loại sẽ không thành công xây dựng một thế giới thật sự nhân đạo hơn cho tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới, nếu con nguời không hướng về sự thật của hoà bình với tâm hồn đã được canh tân." (số 77). Giây phút lịch sử, trong đó được công bố Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng, ngày 7 tháng 12 năm 1965, không khác xa với giây phút hiện tại chúng ta đang sống. Lúc đó, cũng như ngày hôm nay, buồn thay, nhiều xung đột đủ lọai xuất hiện ở chân trời thế giới. Trước sự tồn tại của những hoàn cảnh bất công và bạo lực, đang tiếp tục áp bức nhiều vùng trên thế giới, trước những hoàn cảnh xuất hiện như là những hăm dọa mới và độc hại hơn chống lại hoà bình, --- như nạn khủng bố, chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, --- thì lại càng cần thiết hơn bao giờ hết việc chúng ta phải cùng nhung nhau làm việc cho hoà bình! Cần có sự "gia tăng" lòng quảng đại và tín thác vào Thiên Chúa cũng như tin tuởng vào con người, để chọn đi trên con đường hoà bình. Và đó là việc bổn phận của tất cả mọi người, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể các dân tộc, những Tổ Chức của Liên Hiệp Quốc và những quyền lực trên thế giới. Một cách đặc biệt, trong Sứ Ðiệp cho Ngày Quốc tế Hoà Bình hôm nay, tôi muốn yêu cầu lại một lần nữa Tổ Chức Liên Hiệp Quốc hãy có ý thức mới về những trách nhiệm của mình trong việc cổ võ những giá trị như công bằng, liên đới và hoà bình, trong một thế giới càng ngày càng bị ghi dấu bởi hiện tượng toàn cầu hoá. Nếu là hoà bình là khát vọng của tất cả mọi người thiện chí, thì đối với người đồ đệ của Chúa Kitô, thì khát vọng đó là mệnh lệng thường xuyên đòi buộc mọi người dấn thân. Ðây là sứ mạng rất đòi hỏi thôi thức mọi người hãy rao giảng và làm chứng cho "Tin Mừng của Hoà Bình", vừa công bố rằng sự nhìn nhận sự thật hoàn toàn về Thiên Chúa là điều kiện trước tiên và cần thiết, để củng cố cho hoàbình. Ước chi ý thức nầy càng ngày càng gia tăng, sao cho mọi cộng đoàn kitô đều trở thành như men của một nhân lọai đã được canh tân bởi tình yêu.
"Còn Mẹ Maria, thì lưu giữ tất cả mọi sự đó, suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2,19). Ngày đầu tiên của Năm Mới được đặt dưới dấu hiệu của một người nữ, là Ðức Maria. Thánh sử Luca mô tả Mẹ như là người nữ đồng trinh âm thầm, luôn lắng nghe Lời hằng hữu, và sống trong Lời Chúa. Mẹ Maria lưu giữ trong tâm hồn Mẹ những Lời đến từ Thiên Chúa, liên kết những Lời đó lại như trong bức tranh gồm nhiều tấm kín màu, và học cách để hiểu rõ hơn những Lời này. Chúng ta cũng hãy đến học nơi trường của Mẹ, để trở nên những đồ đệ chăm chú và dễ dạy của Chúa. Cùng với sự trợ giúp hiền mẫu của Mẹ, chúng ta hãy dấn thân làm việc siêng năng trong "công xưởng" của Hoà Bình, theo chân Chúa Kitô, hoàng tử của Hoà Bình. Theo gương Ðức Nữ Ðồng Trinh, chúng ta hãy luôn để cho một mình Chúa Giêsu Kitô huớng dẫn. Ngài là Chúa, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
(Ðặng Thế Dũng)