Thư chung của ÐHY GB. Phạm Minh Mẫn

về "tượng Ðức Mẹ khóc"

tại quảng trường Công Xã Paris, Saigon

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Thư chung của Ðức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn về "tượng Ðức Mẹ khóc" tại quảng trường Công Xã Paris, Saigon.

Saigon, ngày 4 tháng 11 năm 2005

Kính gửi : Anh em linh mục,

Anh chị em tu sĩ và giáo dân trong giáo phận,

Anh chị em thân mến,


Tượng Ðức Mẹ tại quảng trường Công Xã Paris, trước Nhà thờ Ðức Bà Saigon.


1. Trong những ngày vừa qua, có nhiều nguồn tin về "tượng Ðức Mẹ khóc" tại quảng trường Công Xã Paris, trước cửa Nhà thờ Chính Toà. Những nguồn tin trên đã tạo ra nhiều phản ứng và dư luận khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. Một số đông anh chị em giáo dân đã đến địa điểm trên để cầu nguyện cách chân thành và sốt sắng. Nhưng cũng có những người đến chỉ vì hiếu kỳ hoặc vì những lý do khác. Một số khác lại cảm thấy hoang mang... Là người có trách nhiệm hướng dẫn và đồng hành với anh chị em trong đời sống đức tin, tôi muốn nhắc nhở anh chị em về một vài điểm căn bản trong niềm tin Kitô giáo của chúng ta.

2. Nền tảng của đức tin Kitô giáo là chính Chúa Kitô, Ðấng là "Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống" (Ga 14,6). Trong cuộc sống trần thế của Người, cùng với lời rao giảng, Chúa Kitô đã làm nhiều phép lạ để mạc khải cho ta biết Thiên Chúa "hằng ở với chúng ta để giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, và phục sinh chúng ta để được sống đời đời" (Hiến chế Mạc khải, số 4). Vì Chúa Giêsu là Ðấng đã hoàn tất mạc khải và công trình cứu rỗi của Thiên Chúa, nên "chúng ta không phải đợi chờ một mạc khải công cộng nào khác nữa trước khi Người ngự đến trong vinh quang" (Ibid., số 4). Do đó, nếu truyền thống Kitô giáo nhìn nhận rằng Thiên Chúa - Ðấng đã tạo dựng mọi sự từ hư vô, và là Chúa của lịch sử - vẫn có thể cho phép những phép lạ xảy ra, thì trong thực tế, Giáo Hội đã và luôn luôn hết sức cẩn trọng trong việc xác định đâu là phép lạ thực sự.


Dưới cơn mưa chiều ngày 30/10/2005, Dân chúng tập trung đọc kinh cầu nguyện trước Tượng Ðức Mẹ Maria tại quảng trường Công Xã Paris, trước Nhà thờ Ðức Bà Saigon.


3. Liên quan đến "tượng Ðức Mẹ khóc" tại quảng trường Công xã Paris, tôi đã lắng nghe nhiều phản ảnh và đã nhận được nhiều ý kiến. Tuy nhiên, những dữ liệu thu thập được cho đến nay chưa phải là bằng chứng khách quan để có thể khẳng định rằng tượng Ðức Mẹ đã khóc. Vì thế, tôi đang hình thành một ban có trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo về hiện tượng trên và những hệ lụy của hiện tượng này. Trong khi chờ đợi có thêm kết quả, điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần giữ cái tâm của mình cho tĩnh. Với tâm hồn an tĩnh, chúng ta sẽ tránh được những lời nói và hành động có thể gây ngộ nhận và hiểu lầm, không những trong giới Công giáo, mà còn cho đông đảo đồng bào không Công giáo trong và ngoài thành phố. Với tâm hồn an tĩnh, chúng ta mới có thể nghe được tiếng Chúa nói trong đáy lòng mình. Với tâm hồn an tĩnh, lòng tôn sùng và yêu mến Mẹ Maria mới dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu để lắng nghe và làm theo Lời Chúa, chứ không chỉ dừng lại ở những tình cảm chóng qua. (x. Hiến chế Giáo Hội, số 67). Anh chị em hãy xây dựng đời sống đức tin trên nền tảng Lời Chúa là lời ban ánh sáng, sự sống và bình an. Lời Chúa sẽ biến đổi cuộc sống chúng ta thành những chất liệu xây dựng Nước Trời, là vương quốc "tràn đầy sự thật và sự sống, tràn đầy ân sủng và thánh thiện, tràn đầy tình thương, công lý và bình an" (Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Kitô Vua), cho mọi người trong cộng đồng dân tộc chúng ta.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria rất thánh, nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc lành cho anh chị em và ở cùng anh chị em luôn mãi.

 

GB. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám Mục

 

* Ghi Chú: Xin quý Cha xứ và Bề trên Cộng đoàn dòng tu đọc lá thư này vào ngày Chúa nhật 6.11.2005 và niêm yết nơi cộng đoàn tín hữu tập họp.


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page