Bản Trả lời của Giáo Hội Việt Nam

cho bản Ðề Cương (Lineamenta) của

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới

về Bí Tích Thánh Thể vào tháng 10/2005

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Bản Trả lời của Giáo Hội Việt Nam cho bản Ðề Cương (Lineamenta) của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Bí Tích Thánh Thể vào tháng 10 năm 2005.

(Radio Veritas Asia 14/06/2005) - Ðể chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể sẽ diễn ra ở Roma vào tháng 10 năm 2005, Ủy Ban Giáo Hoàng về Thượng Hội Ðồng đã gửi bản Ðề Cương (Lineamenta) cho các Hội Ðồng Giám Mục địa phương kèm theo 20 câu hỏi, để xin các giáo hội địa phương trả lời. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã thu nhận bản trả lời từ các giáo phận và giao cho Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin tổng hợp cho Tòa Thánh. Sau đây là bản văn chính thức của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam được đăng trong bản tin Hiệp Thông số 28, tháng 3 năm 2005, của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam:

1. Hỏi : Bí tích Thánh Thể trong đời sống của Giáo Hội: Trong đời sống các cộng đoàn của chư huynh và đời sống các tín hữu, việc cử hành bí tích Thánh thể có tầm quan trọng như thế nào? Mức độ tham dự thánh lễ Chúa Nhật như thế nào? Và các ngày trong tuần như thế nào? Dịp những lễ lớn trong năm phụng vụ như thế nào? Có những thống kê - cho dù là tương đối - trong lĩnh vực này không?

Trả lời : Bí tích Thánh Thể trong đời sống của Giáo hội Việt Nam:

Nhìn chung, việc cử hành bí tích Thánh thể có tầm quan trọng đặc biệt đối với người tín hữu Việt Nam. Thánh lễ thật sự là điểm quy tụ của cộng đoàn Dân Chúa, là trung tâm của đời sống thờ phượng, và là nguồn mạch cho đời sống đức tin của họ. Ðối vối phần đông tín hữu, ý thức này không phát xuất từ một nhận thức thần học sâu sắc nào cho bằng từ một lòng đạo đức bình dân và đơn sơ.

Khẳng định này được chứng minh cách cụ thể qua những con số thống kê về việc tham dự thánh lễ. Vào mỗi Chúa Nhật, khoảng 80% tín hữu từ tuổi khôn trở lên tham dự thánh lễ. Trong các ngày thường, khoảng 10%-16% tín hữu đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Vào những dịp lễ lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh, tỷ lệ này lên tới 95%.

Thống kê sau đây sẽ cung cấp những con số cụ thể và chi tiết hơn:

 

a) Số giáo dân đi lễ tại những vùng nông thôn:

Tuổi

Chúa nhật

(2002)

Chúa nhật

(2003)

Ngày thường

(2002)

Ngày thường

(2003)

40-60 tuổi 82% 80% 25% 22%
17-40 tuổi 79% 75% 14% 12%
7-17 tuổi 81% 78% 18% 15%

 

b) Số giáo dân đi lễ tại các vùng đô thị:

Tuổi

Chúa nhật

(2002)

Chúa nhật

(2003)

Ngày thường

(2002)

Ngày thường

(2003)

40-60 tuổi 80% 78% 15% 12%
17-40 tuổi 76% 73% 11% 9%
7-17 tuổi 79% 75% 12% 10%

 

2. Hỏi : Giáo lý về bí tích Thánh Thể và công việc đào tạo: Ðã có những nỗ lực nào được thực hiện để truyền đạt một giáo lý nguyên vẹn về bí tích Thánh Thể cho các cộng đoàn của chư huynh và cho từng tín hữu? Các đặc thù, những số 1322-1419 của Sách Giáo Lý Công Giáo và Thông điệp về Bí Tích Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia) đã được thực thi thế nào, nhất là cho các linh mục, các phó tế, các tu sĩ, các giáo dân dấn thân trong công việc mục vụ? Việc giáo dục niềm tin vào bí tích Thánh Thể được thực hiện thế nào: Trong huấn giáo khai tâm? Trong các bài giảng lễ? Trong các chương trình thường huấn cho linh mục, phó tê vĩnh viễn, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân?

Trả lời : Giáo lý về bí tích Thánh Thể và công việc đào tạo:

Truyền đạt nền giáo lý nguyên vẹn về bí tích Thánh Thể là một trong những mối quan tâm hằng đầu của Giáo hội Việt Nam.

Hằng năm, các giáo xứ đều tổ chức những lớp giáo lý cho các em chuẩn bị rước lễ lần đầu, lãnh nhận bí tích Thêm Sức hoặc rước lễ trọng thể. Trong các lớp giáo lý này, các em không chỉ được hướng dẫn để hiểu biết nhưng còn yêu mến bí tích Thánh Thể. Cùng với nỗ lực giảng dạy của các giáo lý viên thì gương sáng của cha mẹ và sự sốt sắng cua cộng đoàn cử hành Thánh Thể là những yếu tố quan trọng trong việc truyền đạt niềm tin.

Trong Năm Thánh Thể 2005, các linh mục cũng quan tâm đặc biệt đến việc giúp giáo dân hiểu biết và yêu mến Thánh Thể qua các bài giảng lễ, huấn từ, cũng như những thực hành đạo đức khác như chầu Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể còn là đề tài trung tâm trong các lớp bồi dưỡng giáo lý cho các giới do các giáo phận tổ chức.

Ðối với các linh mục, tu sĩ và những giáo dân làm công tác mục vụ giáo xứ, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia về Bí Tích Thánh Thể được triển khai và đào sâu trong những dịp tĩnh tâm và thường huấn, nhằm giúp họ sống mầu nhiệm Thánh Thể trong chính ơn gọi của mình, đồng thời có thể giúp cho cộng đoàn của họ hiểu biết và yêu mến bí tích cao trọng này hơn nữa.

3. Hỏi : Nhận thức về mầu nhiệm Thánh Thể: Ðối với các linh mục và tín hữu trong các cộng đoàn của chư huynh, ý tưởng nào về bí tích Thánh Thể được đặt nặng: Hy tế? Tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua? Luật buộc ngày Chúa Nhật? Một bữa ăn huynh đệ? Một hành vi thờ phượng? Ðiều gì khác? Có một điều nào trong các chiều hướng ấy được coi trọng hơn trong thực hành? Nguồn gốc của ưu tiên ấy là gì?

Trả lời : Nhận thức về mầu nhiệm Thánh Thể:

Trong nhận thức của phần đông linh mục và tín hữu Việt Nam, ý tưởng về thánh lễ như là một hy tế, một hành vi thờ phượng, và một luật buộc chiếm vị trí ưu tiên.

Nguyên do của sự ưu tiên này (préference), theo chúng tôi, vừa do nền đào tạo thần học được lãnh nhận, vừa do bối cảnh lịch sử của người Việt Nam.

Nền thần học về Thánh Thể mà phần lớn các linh mục được lãnh nhận trong các chủng viện thường nhấn mạnh đến khía cạnh hy tế và thờ phượng hơn là chiều kích vượt qua và bàn tiệc hiệp thông; đồng thời việc giữ luật ngày Chúa nhật được quan tâm đặc biệt. Do đó, trong trách nhiệm giảng huấn của mình, các linh mục cũng nhấn mạnh những nội dung trên khi hướng dẫn giáo dân.

Thêm vào đó, lịch sử của Việt Nam là lịch sử chất đầy kinh nghiệm về chiến tranh, đói nghèo và đau khổ, kể cả sự bắt bớ. Do đó, người tín hữu Việt Nam cảm nhận khía cạnh hy tế của thánh lễ cách sâu sắc hơn và tìm được ở đó sức mạnh nâng đỡ mình. Ngoài ra, cũng như nhiều dân tộc Á Châu, người tín hữu Việt Nam có cảm nhận linh thánh (sens du sacré) rất sâu; vì thế họ cử hành thánh lễ trước hết như hành vi thờ phượng. Cuối cùng, việc cử hành thánh lễ Chúa nhật được coi như luật buộc đã ăn sâu trong tâm khảm người tín hữu và giúp họ trung thành với việc thờ phượng.

Nhận thức trên giúp người tín hữu Việt Nam trung thành với việc giữ luật Chúa Nhật và coi thánh lễ là trung tâm đời sống đức tin của mình. Tuy nhiên, nhận thức này cũng có thể làm cho một số người chỉ tham dự thánh lễ như một nghi thức bó buộc cũng như làm mờ nhạt đi những nội dung khác của thánh lễ: tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, và bàn tiệc hiệp thông.

4. Hỏi : Bóng tối trong việc cử hành Thánh Thể: Trong số 10 của của Thông điệp Ecclesia de Eucharistia về Bí Tích Thánh Thể, Ðức Thánh Cha đề cập tới những bóng tối trong việc cử hành Thánh Thể. Ðâu là những khía cạnh tiêu cực (lạm dụng, lẫn lộn) thấy được trong phụng tự bí tích Thánh Thể? Có những yếu tố thực hành hay cử chỉ nào có thể làm lu mờ ý nghĩa chiều sâu của mầu nhiệm Thánh Thể? Ðâu là những lý do khả dĩ gây ra tình trạng làm hoang mang cho các tín hữu?

Trả lời : Bóng tối trong việc cử hành Thánh Thể:

Những bóng tối được nhắc đến trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia về Bí Tích Thánh Thể như sự giản lược bí tích Thánh Thể thành một bữa tiệc huynh đệ hay chỉ như một hình thức loan báo, hoặc sự cần thiết của chức linh mục thừa tác bị hạ giá... đều không phải là những điều đáng ngại tại Việt Nam. Tuy nhiên, Giáo Hội Việt Nam lại có những mối quan ngại khác.

Trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và văn hóa, chủ nghĩa thực dụng, hưởng thụ, và lối sống cá nhân chủ nghĩa càng ngày càng tác động trên cách suy nghĩ và cách sống của nhiều người dân Việt, đặc biệt là giới trẻ thị thành. Do đó, cảm thức đức tin nói chung, và nói riêng là niềm tin vào sự hiện diện đích thật của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, cũng bị xói mòn.

Thêm vào đó, chiều kích hiệp thông huynh đệ và dấn thân xã hội hầu như ít được quan tâm trong cách trình bày về bí tích Thánh Thể, do đó có thể dẫn đến sự phân ly (dichotomie) giữa thánh lễ và đời sống xã hội.

Những lý do trên có thể tác động trên quan niệm và cung cách cử hành thánh lễ, chỉ coi việc tham dự thánh lễ như một luật buộc phải giữ và một nghi thức phải làm, chứ chưa phải là nguồn mạch và đỉnh cao cho đời sống Kitô hữu.

5. Hỏi : Cử hành Thánh Thể và các quy luật Phụng Vụ: Trong cách cử hành của các linh mục, nhận thấy có một vài thái độ minh nhiên hay mặc nhiên, mâu thuẫn với các quy luật phung vụ được ấn định bởi Giáo Hội Công Giáo (x. Quy chế tổng quát sách lễ Roma, ch. IV; Quy chế ứng dụng các quy tắc phụng vụ theo giáo luật các Giáo Hội Ðông Phương), vì muốn độc đáo hay vì thích nổi bật? Ðâu là những lý do của các cách xử sự như thế? Theo quy luật và chỉ dẫn hiện hành, những yếu tố và những cử chỉ nào thực hiện trong khi cử hành thánh lễ, và trong việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ, là đối tượng cần lưu tâm đặc biệt hơn để nhấn mạnh ý nghĩa chiều sâu của mầu nhiệm cao cả của đức tin hàm chứa trong hồng ân Thánh Thể?

Trả lời : Cử hành Thánh Thể và quy luật Phụng Vụ:

Nhìn chung, do ý thức rằng Phụng Vụ là hành động của toàn thể Giáo Hội chứ không phải của cá nhân mình, các linh mục đều nghiêm túc tuân theo những hướng dẫn trong quy chế tổng quát sách lễ Roma. Không có những lạm dụng đáng tiếc hoặc những phạm vi các quy luật Phụng Vụ vì chiều theo những sở thích cá nhân.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có một số băn khoăn liên quan đến những quy luật Phụng Vụ và việc tuân giữ những quy luật đó. Nếu linh mục quá câu nệ vào luật chữ đỏ mà không đặt tâm hồn mình vào việc cử hành, e rằng việc cử hành sẽ trở nên máy móc, và linh mục chỉ dâng lễ để chu toàn một bổn phận (task-oriented) hơn là sống mối tương giao (relation-oriented) với chính Thiên Chúa cũng như với cộng đoàn. Ngoài ra, thiết nghĩ linh mục cử hành Thánh Thể là in persona Christi nhưng cũng còn là in persona Ecclesiae. Ecclesia (Hội Thánh) ở đây vừa là Giáo Hội phổ quát vừa là Giáo Hội địa phương. Do đó, cùng với việc tuân giữ các quy luật chung về Phụng Vụ, các Giáo Hội địa phương cần có được những khoảng trống cho những thích ứng và sáng tạo phù hợp với bối cảnh văn hóa và xã hội của mình; nhờ đó, người tín hữu sẽ cảm nhận mầu nhiệm Thánh Thể gần gũi với cuộc sống của họ hơn, cũng như thể hiện tính đặc thù trong phổ quát và phổ quát trong đặc thù (particularity in universality and universality in particularity).

6. Hỏi : Bí tích Thánh thể và bí tích Hòa giải: Hoán cải là điều kiện đầu tiên để tham dự trọn vẹn vào hiệp thông Thánh Thể. Các tín hữu nhận thức thế nào về tương quan giữa bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể? Việc cử hành thánh lễ cũng có nghĩa là mừng công cuộc cứu độ khỏi tội lỗi và sự chết. Có giải pháp nào cho sự hoán cải của các tội nhân, cho các tín hữu kịp thời nhận lãnh bí tích Hòa Giải để tham dự vào bí tích Thánh thể, nhất là vào Ngày của Chúa? Trong đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu, nhận thấy có việc rước lễ tràn lan, hay bỏ rước lễ mà không có lý do chính đáng? Làm thế nào để giúp các tín hữu nhận thức rằng mình rước lễ xứng hợp?

Trả lời : Bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa Giải:

Trong ý thức của phần đông tín hữu Việt Nam, vẫn có mối liên kết chặt chẽ giữa bí tích Thánh thể và bí tích Hòa Giải. Họ ý thức rằng cần phải sạch tội mới có thể rước lễ, và ý thức này đã trở thành thói quen tốt trong đời sống đức tin. Do đó, mỗi thứ Bảy hằng tuần, nhiều giáo dân đến tòa giải tội để xưng tội, chuẩn bị tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Có những linh mục giáo xứ ngồi tòa giải tội hằng ngày trước khi cử hành thánh lễ, và luôn có giáo dân đến xưng tội. Số lượng người đi xưng tội gia tăng cách đặc biệt trong Mùa Vọng để chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, và đặc biệt hơn nữa trong Mùa Chay trước khi bước vào Tuần Thánh để cử hành Tam Nhật Vượt Qua.

Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận rằng giới trẻ thị thành càng ngày càng ít đến tòa giải tội hơn. Có thể vì cảm thức tội lỗi nơi họ không còn sắc bén đủ. Cũng có thể vì họ chưa hiểu rõ ý nghĩa đích thật của bí tích Hòa Giải và mối liên kết của bí tích này với việc cử hành Thánh Thể. Do đó, cần quan tâm đến huấn giáo về bí tích Hòa Giải trong mục vụ giới trẻ.

Ngoài ra, một số ít giáo dân dự lễ nhưng không dám rước lễ vì áy náy về những lỗi nhẹ đã phạm. Các linh mục cũng cần giúp người giáo dân hiểu rõ hơn về bản chất của bí tích Thánh Thể là bí tích mang lại ơn hòa giải, tha thứ những tội nhẹ; nhờ đó, người tín hữu thoát khỏi sự bối rối không cần thiết và năng đón nhận bí tích Thánh Thể như nguồn sức mạnh cho đời sống môn đệ Chúa Kitô.

7. Hỏi : Ý nghĩa về sự thiêng thánh trong bí tích Thánh Thể: Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm sự hiện diện thật của Thiên Chúa ở giữa chúng ta, nhưng đồng thời cũng là một mầu nhiệm khôn dò. Ý nghĩa về sự thiêng thánh trong bí tích Thánh Thể phải được diễn tả như thế nào? Các linh mục và các tín hữu phải biểu lộ điều đó như thế nào trong khi cử hành thánh lễ mỗi ngày, dịp những lễ lớn và các mùa phụng vụ trong năm? Có những thái độ hay những cách thực hành làm lu mờ ý nghĩa của sự thiêng thánh?

Trả lời : Cảm thức về sự thiêng thánh trong bí tích Thánh Thể:

Cảm thức về "cái thiêng" (sens du sacré) là cảm thức ăn sâu trong văn hóa Việt Nam. Do đó có thể nói, không có những thực hành hay thái độ văn hóa nào làm mất đi cảm thức về sự thánh thiêng của bí tích Thánh Thể.

Tuy nhiên, có những ngăn trở khác có thể làm lu mờ cảm thức thánh thiêng này trong việc cử hành Thánh Thể, chẳng hạn như dâng lễ quá vội vàng hoặc việc cử hành quá ồn ào, thiếu những khoảng trống cho sự thinh lặng và chiêm ngắm. Bên cạnh đó, việc trang trí cung thánh nặng tính hình thức và việc sử dụng những loại âm nhạc không thích hợp cũng có thể làm lu mờ cảm thức về thiêng thánh.

Ngoài ra, để gìn giữ và nuôi dưỡng cảm thức về sự thánh thiêng của bí tích cao trọng này, chúng tôi cũng muốn lưu tâm đến sự căng thẳng (tension) giữa ý nghĩa của Thánh Thể như một mầu nhiệm và Thánh Thể như một bàn tiệc hiệp thông. Có linh mục muốn đề cao ý nghĩa của Thánh Thể như một bàn tiệc hiệp thông huynh đệ, nhưng việc đề cao này lại làm lu mờ ý nghĩa của Thánh Thể như một mầu nhiệm. Ngược lại, quá nhấn mạnh đến chiều kích mầu nhiệm của bí tích lại có thể dẫn người tín hữu đến một linh đạo nặng tính cá nhân, và không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa giữa cộng đoàn cũng như tình hiệp thông huynh đệ trong việc cử hành Thánh Thể. Tìm cách thể hiện sự hài hòa giữa hai chiều kích này phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đoàn cử hành Thánh Thể.

8. Hỏi : Thánh Lễ và việc cử hành Phụng Vụ Lời Chúa: Về việc cử hành Phụng Vụ Lời Chúa bởi một giáo dân hay một thừa tác viên ngoại lệ trong các giáo xứ trong khi chờ đợi có linh mục, bao gồm việc trao Mình Thánh: hiện tượng này phổ biến như thế nào trong các giáo xứ của chư huynh? Những người trách nhiệm có nhận được sự đào tạo nào đặc biệt không? Các tín hữu có hiểu được sự khác biệt giữa thánh lễ và các buổi cử hành ấy không? Họ có hiểu đúng sự phân biệt giữa thừa tác vụ có truyền chức và thừa tác vụ không có truyền chức không?

Trả lời : Thánh Lễ và việc cử hành Phụng Vụ Lời Chúa:

Cho đến nay, ơn gọi linh mục tại Việt Nam còn rất phong phú nên Giáo Hội Việt Nam không đến nỗi rơi vào tình trạng thiếu linh mục. Tuy nhiên, do việc giới hạn sĩ số chủng sinh trong chủng viện nên tại một số giáo xứ ở những vùng sâu vùng xa đặc biệt tại miền Bắc vẫn chưa có linh mục.

Tại những nơi này, các thừa tác viên không có chức thánh cử hành Phụng Vụ Lời Chúa và sau đó cho giáo dân rước lễ. Những thừa tác viên này thường là các nam nữ tu sĩ, do đó, họ đều được đào tạo căn bản về thần học và Kinh Thánh. Ðối với các thừa tác viên giáo dân, chính Giáo Quyền chọn lựa và chỉ định người, đồng thời tạo cơ hội để họ có thể chu toàn bổn phận tốt nhất có thể.

Hầu như tất cả giáo dân đều hiểu rõ sự khác biệt giữa Thánh Lễ và việc cử hành Phụng Vụ Lời Chúa, và họ rất khao khát có linh mục dâng Thánh Lễ cho họ.

9. Hỏi : Bí tích Thánh Thể và các bí tích khác: Các bí tích khác được cử hành trong thánh lễ khi nào và theo những tiêu chuẩn nào? Khi có cử hành các bí tích và á bí tích trong thánh lễ (hôn phối, an táng, rửa tội...), khi có những người không giữ đạo, những người không Công Giáo, những người không tín ngưỡng, có những biện pháp nào để tránh sự hời hợt và coi thường bí tích Thánh thể không?

Trả lời : Bí tích Thánh thể và các bí tích khác:

Ðể nói lên sự hiệp thông của cộng đoàn với những người lãnh nhận bí tích (Rửa tội, Hôn phối), các linh mục thường cử hành các bí tích này trong khung cảnh thánh lễ. Khi cử hành các bí tích khác trong thánh lễ, các linh mục đều theo sát những chỉ dẫn của luật Phụng Vụ. Các bí tích này thường được cử hành sau bài giảng. Ðây là cơ hội để linh mục giúp mọi người tham dự hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa bí tích được cử hành và bí tích Thánh Thể.

Khi có những người không giữ đạo hoặc không Công Giáo hoặc không tín ngưỡng tham dự thánh lễ, chúng tôi vẫn bày tỏ sự trân trọng đối với họ, đồng thời nhắc nhớ những điều cần thiết để việc cử hành Thánh Thể được trang nghiêm. Các linh mục cũng có thể làm lễ an táng tại tư gia với sự tham dự của bà con hoặc hàng xóm của người đã khuất là những người không Công Giáo. Nhìn chung, người Á Ðông có tâm tình tôn giáo sâu đậm, vì thế họ tôn trọng những nơi thờ phượng như chùa chiền, nhà thờ, và tôn trọng việc cử hành nghi lễ của các tôn giáo, hiếm có những cử chỉ khiếm nhã trong nơi thờ phượng.

10. Hỏi : Sự hiện diện thật của Ðức Kitô trong bí tích Thánh Thể: Các tín hữu trong các giáo xứ còn giữ được đức tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể không? Họ có nhận thức được hồng ân của sự hiện diện thật của Chúa không? Trong phụng vụ thánh lễ và diễn tiến cuộc cử hành Thánh Thể có yếu tố nào có nguy cơ làm giảm thiểu sự chú trọng đến sự hiện diện thật của Chúa không? Nếu những yếu tố ấy có, đâu là những nguyên do?

Trả lời : Sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể:

Phần đông các tín hữu Việt Nam vẫn ý thức và tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Niềm tin được biểu lộ cách cụ thể qua thái độ cung kính của họ mỗi khi bước vào nhà thờ, nhất là khi tham dự thánh lễ. Họ cũng luôn ý thức rằng đó là hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban cho Dân Người. Tuy nhiên, niềm tin này cần được đào sâu hơn về mặt nhận thức.

Nếu có những nguy cơ có thể làm giảm thiểu niềm tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, thì không phải là do những yếu tố về mặt nhận thức thần học cho bằng vì lý do mục vụ. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến cung cách cử hành thánh lễ của các linh mục. Nếu các linh mục chỉ cử hành thánh lễ cách máy móc, sử dụng tòa giảng để nói những chuyện ngoài Lời Chúa, hoặc không quan tâm đến việc chọn lựa các bài hát thích hợp... tất cả những yếu tố trên sẽ làm giảm sút niềm tin của người tín hữu vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong bí tích cực trọng này.

11. Hỏi : Lòng tôn sùng Thánh Thể: Việc tôn thờ Thánh Thể có chỗ đứng cần phải có trong giáo xứ và các cộng đoàn không? Tầm quan trọng nào được các chủ chăn dành cho việc tôn thờ bí tích Thánh Thể? Cho việc thờ phượng liên tục? Cho việc chầu Thánh Thể? Cho việc cầu nguyện riêng bên nhà Tạm? Cho việc đi kiệu ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa? Cho việc tôn sùng Thánh Thể trong đạo đức bình dân?

Trả lời : Lòng tôn sùng Thánh Thể:

Việc tôn sùng Thánh Thể vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam. Ngoài việc cử hành thánh lễ mỗi ngày, các chủ chăn còn tổ chức các giờ chầu Thánh Thể hằng tuần hoặc hàng tháng cho giáo dân.

Tại các giáo phận miền Nam Việt Nam, mỗi Chúa Nhật trong năm đều có một giáo xứ được chỉ định chầu Mình Thánh Chúa suốt ngày thay cho giáo phận, gọi là Chầu Lượt. Tại các giáo phận miền Bắc, Ngày Chầu Lượt còn được cử hành cách trọng thể hơn vì đó là dịp quy tụ nhiều linh mục và giáo dân thuộc các giáo xứ lân cận đến chầu Mình Thánh Chúa. Ngày Chầu Lượt được kết thúc bằng việc rước kiệu Mình Thánh Chúa cách trọng thể. Việc rước kiệu này cũng được tổ chức hằng năm vào dịp lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Từ vài năm nay, việc Chầu Mình Thánh Chúa liên tục (24/24 giờ) đã xuất hiện ở một số nơi và đang trên đà phát triển khá nhanh.

12. Hỏi : Thánh lễ và đời sống phụng vụ và đạo đức: Các tín hữu có thấy được sư ï khác biệt giữa thánh lễ và các thực hành đạo đức khác như phụng vụ các giờ kinh, việc cử hành các bí tích và á bí tích ngoài thánh lễ, phụng vụ Lời Chúa, các cuộc rước...? Sự khác biệt cơ bản giữa việc cử hành Thánh Thể với các cử hành phụng vụ và á phụng vụ khác biểu lộ ra sao?

Trả lời : Thánh lễ và đời sống phụng vụ, đạo đức:

Hầu như mọi tín hữu đều ý thức về sự khác biệt tự bản chất giữa thánh lễ và những việc thực hành đạo đức khác. Thánh lễ thật sự là trung tâm điểm và nguồn sống của mỗi cộng đoàn giáo xứ. Kể cả khi các bí tích khác được cử hành trong khung cảnh thánh lễ, bí tích Thánh Thể vẫn là đỉnh cao của đời sống phụng vụ. Thánh lễ luôn là điểm quy tụ của đông đảo giáo dân. Nơi đâu thiếu vắng linh mục, người ta khao khát có linh mục đến dâng lễ cho họ. Có những giáo dân sẵn sàng đi rất xa bằng những phương tiện di chuyển thô sơ nhất để được tham dự thánh lễ.

Tuy nhiên vẫn có những hiện tượng như lần chuỗi khi tham dự thánh lễ hoặc vừa rước lễ xong thì lo đi viếng Ðức Mẹ và các Thánh. Những hiện tượng trên vừa diễn tả lòng đạo đức bình dân vừa cho thấy sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa của cử hành Thánh Thể. Vì thế, giúp các tín hữu hiểu được ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm Thánh Thể vẫn phải là mối quan tâm mục vụ lớn của các chủ chăn.

13. Hỏi : Cử hành bí tích Thánh thể cách xứng đáng: Trong các nhà thờ có sự chú ý nào đặc biệt dành cho việc cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng không? Các buổi cử hành phụng vụ ngày lễ trọng cũng như ngày thường được thực hiện trong bối cảnh nghệ thuật và kiến trúc như thế nào? Sắp đặt việc cử hành như thế, có thấy rõ ràng bữa tiệc Thánh Thể là một bữa tiệc thiêng thánh không (Ecclesia de Eucharistia, số 48)? Bí tích Thánh Thể được cử hành ngoài nơi phụng tự vì lý do mục vụ nào và thường xuyên đến đâu?

Trả lời : Cử hành bí tích Thánh Thể cách xứng đáng:

Nhìn chung, thánh lễ được cử hành cách trang trọng và xứng đáng, Các chủ chăn thường quan tâm đặc biệt đến việc sửa sang và bài trí cung thánh, nhất là bàn thờ, sao cho xứng hợp với sự cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể. Các nhóm tham gia vào việc cử hành phụng vụ như ca đoàn, giúp lễ, người đọc Sách thánh... cũng tích cực chuẩn bị cho việc cử hành thánh lễ. Do đó, ý nghĩa thiêng thánh của bí tích được nêu cao và trân trọng. Tuy nhiên, ý thức về sự hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa khi cử hành Thánh Thể xem ra chưa được nhấn mạnh đủ.

Việc cử hành thánh lễ ngoài nơi thờ phượng chỉ diễn ra trong một vài trường hợp ngoại lệ, cụ thể là trong những dịp lễ lớn như lễ Phục Sinh, Giáng Sinh, hoặc những dịp đại hội giới trẻ... vì nhà thờ không đủ sức chứa. Cũng có những trường hợp linh mục phải đến nhà giáo dân để làm lễ an táng cho họ khi họ ở quá xa nhà thờ. Trong các trường hợp trên, mọi người đều chuẩn bị chu đáo cho việc cử hành Thánh Thể được trang trọng và xứng đáng.

Ngoài ra chúng tôi cũng muốn bày tỏ nhận định này: phần lớn những ngôi thánh đường được xây dựng sau này tại Việt Nam thường được thiết kế giống như những hội trường và thường thiếu bầu khí cầu nguyện. Thiết nghĩ đây là điều nên quan tâm để gìn giữ và nuôi dưỡng cảm thức thánh thiêng và tâm tình cầu nguyện nơi người tín hữu mỗi khi bước vào nhà thờ.

14. Hỏi : Bí tích Thánh Thể và hội nhập văn hóa: Phải dành chỗ cho hội nhập văn hóa đến mức nào trong lúc cử hành bí tích Thánh Thể, để tránh một lối sáng tạo sai lạc chạy theo những thời trang tưởng tượng và lạ lùng? Trong thực tế đã theo những tiêu chuẩn nào khi có một sự hội nhập văn hóa như vậy? Trong Giáo Hội Tây Phương, các quy tắc trong Huấn thị Phụng vụ Roma và hội nhập văn hóa có được lưu tâm đúng mức không? Chủ đề Hội nhập văn hóa trong bí tích Thánh Thể được thể hiện như thế nào trong các Giáo Hội Ðông Phương.

Trả lời : Bí tích Thánh Thể và hội nhập văn hóa:

Hội nhập văn hóa trong Phụng Vụ là một vấn đề khá bức xúc, cách riêng đối với những giáo dân trí thức. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề quan trọng, đòi hỏi một nghiên cứu thấu đáo cả về mặt thần học lẫn văn hóa dân tộc; nếu không, sẽ chỉ là thứ hội nhập hời hợt và nặng hình thức bên ngoài.

Cho đến nay, tại Việt Nam, chỉ có một số hình thức được áp dụng như cúi sâu thay vì bái quỳ, dùng nhang thay cho bình hương... Vào những dịp đặc biệt, có nghi thức dâng hương cộng đồng, có chiêng trống uy nghi, và dâng lễ vật theo truyền thống dân tộc. Ngoài ra, cũng có những nỗ lực đưa dòng nhạc dân tộc vào những bài thánh ca được sử dụng trong Phụng Vụ.

Những nỗ lực trên đều được thực hiện theo những chỉ dẫn của Huấn thị Phụng vụ Roma và hội nhập văn hóa cũng như Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia) về hội nhập văn hóa, vừa tôn trọng tính phổ quát của cử hành phụng vụ, vừa tôn trọng sắc thái độc đáo của văn hóa dân tộc nhằm làm cho Tin Mừng được thấm sâu vào văn hóa Việt Nam hơn và dễ dàng tiến đến với người dân Việt hơn.

15. Hỏi : Chiều kích cánh chung của bí tích Thánh Thể: Trong huấn giáo, trong việc thường huấn, trong việc giảng lễ và cử hành phụng vụ, có dành tầm quan trọng đủ cho bí tích Thánh Thể? Phải diễn tả trương lực cánh chung như thế nào trong đời sống mục vụ? Trong buổi cử hành thánh lễ, biểu lộ thế nào niềm tin các thánh thông công, khởi đầu cho thực tại cánh chung?

Trả lời : Chiều kích cánh chung của bí tích Thánh Thể:

Hiệp thông giữa người đã khuất và người còn sống là niềm tin  đã ăn sâu trong văn hóa Việt Nam (thờ kính tổ tiên). Vì thế, người tín hữu Việt Nam dễ dàng đón nhận và sống mầu nhiệm các Thánh cùng thông công, cách riêng khi cử hành Thánh Thể. Việc xin lễ cầu nguyện cho người đã khuất là việc được thường xuyên thực hiện. Ðồng thời, ý thức về việc rước lễ như Của Ăn Ðàng trong giờ lâm tử là điều mọi tín hữu đều mong ước.

Tuy nhiên, có một vài điều chúng tôi muốn quan tâm hơn. Trước hết, mầu nhiệm hiệp thông các thánh không chỉ giới hạn trong việc cầu nguyện cho người đã khuất mà còn đòi hỏi mối quan tâm đến những người đang sống; nói cách khác là sự hiệp thông giữa các thành phần trong Giáo Hội, đặc biệt là với những người bị bỏ rơi. Ðiều này chưa được nhấn mạnh đủ trong cử hành Thánh Thể. Kế đến, trong thực tế giảng dạy của các linh mục, chiều kích Vượt Qua và sứ điệp hy vọng của mầu nhiệm Thánh Thể ít được nhấn mạnh, chiều kích cánh chung thường bị giản lược vào sự sống đời sau mà ít quan tâm đến trách nhiệm cải tạo đời sống hiện tại, chiều kích cộng đoàn và vũ trụ (cosmic) của bí tích Thánh Thể cũng ít khi được khai triển. Cuối cùng, do trào lưu trần tục hóa với khuynh hướng thực dụng và hưởng thụ, các tín hữu - cách riêng là giới trẻ thị thành, dễ đánh mất cảm thức và xác tín vào sự sống đời đời, chỉ chạy theo những thỏa mãn và hưởng thụ trước mắt. Ðây là những điều cần được quan tâm hơn trong những năm sắp tới, đặc biệt trong Năm Thánh Thể này.

16. Hỏi : Bí tích Thánh Thể và vấn đề đại kết, đối thoại liên tôn, các giáo phái: Ðứng trước những quan niệm của các anh em Kitô giáo ngoài Công giáo bên Tây Phưong, trước những thách đố của các tôn giáo khác và các giáo phái, mầu nhiệm bí tích cực thánh được gìn giữ và giới thiệu toàn vẹn như thế nào, để các tín hữu không bị lẫn lộn và mơ hồ, cách đặc biệt trong những dịp gặp gỡ đại kết và liên tôn?

17. Hỏi : Bí tích Thánh thể và hiệp thông giữa các Giáo hội (intercommunion): Việc cử hành Thánh Thể không là khởi điểm cho hiệp thông (Ecclesia de Eucharistia, số 35). Các quy luật cho điều gọi là hiệp thông liên Giáo Hội (CJC 844) được áp dụng thế nào? Các tín hữu có biết hay không luật quy định việc một người Công Giáo tham dự vào việc cử hành Thánh Thể với các cộng đoàn không có bí tích truyền chức thánh (Ecclesia de Eucharistia, số 6)?

Trả lời (cho cả hai câu hỏi 16 và 17) : Bí tích Thánh Thể và vấn đề đại kết, đối thoại liên tôn, các giáo phái (nối kết với câu 17):

Tại Việt Nam, số tín hữu Tin Lành chỉ chiếm một thiểu số khiêm tốn và không có sự hiện diện của Giáo Hội Chính Thống và Anh Giáo. Do đó, vấn đề đại kết chưa phải là vấn đề lớn, nhất là đối với việc cử hành Thánh Thể.

Việc đối thoại với các tôn giáo bạn, đặc biệt là với Phật Giáo, có tầm quan trọng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam, có những giới hạn và những tế nhị khiến cho cuộc đối thoại liên tôn này hầu như chưa có gì đáng kể ngoài những cuộc viếng thăm có tính xã giao giữa các vị lãnh đạo tôn giáo, hoặc những nỗ lực hợp tác có tính riêng tư trong những công tác xã hội. Do đó, chưa có gì đáng nói về mối tương quan giữa bí tích Thánh Thể và những mối quan hệ này.

Hướng tới tương lai, chúng tôi thiết nghĩ cuộc đối thoại liên tôn cần có một vị trí quan trọng trong những mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội cần chuẩn bị cho cuộc đối thoại này bằng việc đầu tư nhân sự thích đáng.

18. Hỏi : Bí tích Thánh Thể và đời sông luân lý: Bí tích Thánh Thể làm cho đời sống luân lý của người Kitô hữu triển nở. Các tín hữu nghĩ gì về sự cần thiết của ân sủng bí tích để sống theo Thần Khí và nên thánh? Họ nghĩ gì về tương quan giữa việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể và các khía cạnh khác của đời sống Kitô giáo: thánh hóa bản thân, dấn thân trên bình diện luân lý, bác ái huynh đệ, xây dựng xã hội trần thế...

Trả lời : Bí tích Thánh Thể và đời sống luân lý:

Người tín hữu Việt Nam có ý thức rõ ràng về mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể và đời sống luân lý. Ý thức này được thể hiện khá rõ qua những sự kiện như: sự cố cắng giữ mình sạch tội để có thể lên rước lễ, đời sống luân lý tốt tỷ lệ thuận với việc rước lễ thường xuyên, nơi đâu có giáo xứ Công Giáo thì nơi đó mức độ tội phạm xã hội ít hơn. Hơn thế nữa, các tín hữu còn ý thức rằng Thánh Thể chính là nguồn mạch cho đời sống Kitô hữu, và là lương thực cần thiết cho sự triển nở các nhân đức.

Tuy nhiên, ý thức về đời sống luân lý này xem ra mới chỉ ngưng lại ở bình diện cá nhân, chưa quan tâm đến chiều kích xây dựng cộng đoàn và xã hội. Vì thế, cần phải giúp người tín hữu hiểu biết và xác tín rằng Thánh Thể chính là hiện thân và nguồn sức mạnh cho việc kiến tạo một thế giới mới, thế giới của công chính, bình an và yêu thương. Cũng cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bí tích Thánh Thể đối với đời sống hôn nhân gia đình, ý thức về Thánh Thể như là nguồn sức mạnh cho việc xây dựng gia đình thành cộng đồng tình yêu và sự sống.

Trong bối cảnh của xã hội ngày nay, chúng tôi cũng ghi nhận ở đây nỗi khó khăn mục vụ đối với các đôi hôn phối đã ly dị. Làm thế nào để có thể giúp họ đón nhận Thánh Thể như nguồn sức mạnh cho đời sống của họ.

19. Hỏi : Bí tích Thánh Thể và truyền giáo: Bí tích Thánh Thể cũng là một hồng ân cho việc truyền giáo. Các tín hữu có ý thức rằng bí tích Thánh Thể dẫn tới việc truyền giáo mà chính họ cũng phải thi hành trong thế giới tùy theo cương vị riêng của họ.

Trả lời : Bí tích Thánh Thể và truyền giáo:

Nếu cử hành Thánh Thể thật sự là nguồn sức mạnh cho công cuộc truyền giáo thì với tỷ lệ 80% tín hữu tham dự thánh lễ Chúa Nhật, có lẽ công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, thực tế không cho phép chúng tôi lạc quan cách quá đáng như thế.

Ðã hẳn có những lý do khách quan và chủ quan có thể đưa ra để giải thích tình trạng trên, nhưng trong mối quan hệ với chủ đề về bí tích Thánh Thể được bàn đến ở đây, thiết tưởng nên nhìn nhận rằng chiều kích truyền giáo của bí tích Thánh Thể chưa được khai triển và nhấn mạnh đủ trong việc đào tạo thần học cho chủng sinh cũng như trong việc giảng dạy của các linh mục.

20. Hỏi : Vẫn về bí tích Thánh Thể: Trong những câu hỏi trên đây, còn khía cạnh nào khác về bí tích Thánh Thể chưa được đề cập đến mà cần lưu tâm, nhằm chuẩn bị Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum laboris) cho việc trao đổi trong Thượng Hội Ðồng?

Trả lời : Vẫn về bí tích Thánh Thể:

Ngoài những vấn đề đã được đề cập đến trong 20 câu hỏi trên, chúng tôi muốn nêu lên một vài đề nghị:

- Những câu hỏi được đặt ra phản ánh mối quan tâm của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về những gì đã và đang diễn ra tại các Giáo Hội Phương Tây hơn là mang tầm vóc toàn cầu. Ðể có sự đóng góp của Giáo Hội toàn cầu, thiết nghĩ nên mời thêm các nhà thần học thuộc nhiều Giáo Hội địa phương khác tại Á Châu, Phi Châu, và Châu Mỹ La tinh tham gia vào việc soạn thảo Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum laboris).

- Dù đã được nhắc tới trong Bản 20 câu hỏi, đề nghị đào sâu hơn (thần học cũng như mục vụ, Theology et Pastorally về mối tương quan giữa: a) bí tích Thánh Thể và hội nhập văn hóa, b) bí tích Thánh Thể và sự xây dựng Nước Trời qua những dấn thân xã hội.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page