Diễn Văn của ÐTC Bênêđitô XVI

nhận định về các biến cố giáo hội

trong năm 2005

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Diễn Văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhận định về các biến cố giáo hội trong năm 2005, nhân dịp tiếp giáo triều Roma hôm thứ Năm ngày 22 tháng 12 năm 2005.

(Radio Veritas Asia 29/12/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong buổi gặp gỡ với các thành viên giáo triều Roma, hôm thứ Năm ngày 22 tháng 12 năm 2005, ÐTC đã duyệt lại những biến cố chính đã xảy ra trong giáo hội trong năm 2005, theo cái nhìn của chính ngài. ÐTC đã nhắc lại những biến cố sau đây: Cuộc từ trần của Ðức Gioan Phaolô II, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, Việc Bế Mạc Năm Thánh Thể, và kỷ niệm 40 năm kết thúc Công Ðồng chung Vaticanô II. Giờ đây kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt nguyên văn bài diễn văn như sau:

 

Kính Thưa quý Ðức Hồng Y,

Thưa quý Chư Huynh Giám Mục,

Anh em thân mến trong hàng linh mục,

Và tất cả anh chị em thân mến.

Thánh Agostinô đã nói: "Hãy tỉnh thức chỗi dậy, hỡi người, bởi vì Thiên Chúa đã xuống thế làm người vì ngươi!" (trích Thánh Agostinô, Discorsi, 185).

Với lời trích trên của Thánh Agostinô mời gọi con người hãy đón nhận ý nghĩa đích thực của biến cố Chúa Kitô Giáng Sinh, tôi muốn bắt đầu cuộc gặp gỡ hôm nay với quý Chư Huynh và anh chị em tất cả, những cộng tác viên thân mến của Giáo Triều Roma, nhân dịp lễ Giáng Sinh sắp đến. (ÐTC đã đọc bài diễn văn này hôm ngày 22 tháng 12 năm 2005, trước lễ Giáng Sinh). Tôi xin gởi đến mỗi người lời chào thân tình nhất, vừa cảm tạ tất cả vì những tâm tình mộ mến mà Ðức Hồng Y Niên Trưởng vừa đại diện nói lên. Tôi cũng xin cảm tạ Ðức Hồng Y nữa.

Quả Thật, Thiên Chúa đã làm người vì chúng ta. Ðây là sứ điệp mà mỗi năm vang lên từ hang đá âm thầm tại Bêlem cho đến những nơi xa xôi nhất trên mặt đất này.

Giáng Sinh là ngày lễ của Ánh Sáng và Hoà Bình, là ngày của niềm kinh ngạc nội tâm và của niềm vui được lan toả khắp nơi trong vũ trụ, bởi vì "Thiên Chúa đã làm người."

Từ hang đá khiêm tốn tại Bêlem, Con hằng hữu của Thiên Chúa Cha, đã trở nên Con Trẻ bé thơ và ngỏ lời với mỗi người chúng ta: Ngài thức tỉnh chúng ta và mời gọi chúng ta hãy tái sinh trong Ngài, bởi vì cùng với Ngài, chúng ta có thể sống mãi mãi trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh.

 

1. Cuộc ra đi của Ðức Gioan Phaolô II

Từ con tim đầy niềm vui phát sinh từ ý thức về biến cố Giáng Sinh, chúng ta hãy trở lại trong tinh thần với những gì đã xảy ra trong năm sắp kết thúc. Còn đang ảnh hưởng trên chúng ta, những biến cố vĩ đại đã ghi đậm nét trong đời sống của Giáo Hội. Tôi nghĩ trước hết đến cuộc Ra đi của Ðức Gioan Phaolô II đáng mến của chúng ta, sau một thời gian dài chịu đau khổ và từ từ mất khi khả năng nói ra tiếng. Không một vị giáo hoàng nào đã để lại cho chúng ta số lượng to lớn những văn kiện như vậy; không vị giáo hoàng nào trước đó đã đi thăm khắp nơi trên thế giới nhiều như ngài; và không vị giáo hoàng nào trước đây đã ngỏ lời trực tiếp với dân chúng của tất cà các đại lục. Nhưng, cuối cùng, ngài đã phải đi qua con đường đau khổ và thinh lặng. Chúng ta không thể nào quên được những hình ảnh của Chúa Nhật Lễ Lá năm 2005 này, khi Ðức Gioan Phaolô II, tay cầm cành lá ô-liu và với dung mạo của một người đang chịu đau khổ, đứng bên cửa sổ để chúc lành cho chúng ta, một sự chúc lành của Chúa, Ðấng sắp bước vào con đường tiến đến Thập Giá. Sau đó, chúng ta cũng không thể quên được hình ảnh, khi Ðức Gioan Phaolô II, đứng trong Nhà Nguyện riêng và tay cầm Thánh Giá Chúa, tham dự vào buổi Ði Ðàng Thánh Giá tại Hí Trường Côlôssêô; trước đó, nhiều lần Ngài đã đích thân hướng dẫn buổi Ði Ðàng Thánh Giá tại Côlossêô và cả chính ngài cũng đã vác lấy Thánh Giá đi vài Chặng. Cuối cùng, hình ảnh Ðức Gioan Phaolô II thinh lặng ban phép lành vào Trưa Chúa Nhật Phục Sinh. Qua tất cả những đau khổ ngài chịu, chúng ta nhìn thấy chiếu toả lời hứa sự phục sinh, lời hứa sự sống đời đời. Bằng lời nói và bằng việc làm, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trao lại cho chúng ta những điều cả thể; nhưng cũng không kém quan trọng hơn, bài học mà ngài dạy cho chúng ta từ ngai toà sự đau khổ và sự thinh lặng. Trong cuốn sách cuối cùng của ngài, có tựa đề: "Ký ức và Căn Tính" (xuất bản năm 2005, do nhà xuất bản Rizzoli), Ðức Gioan Phaolô II đã để lại cho chúng ta một giải thích về sự đau khổ; và lời giải thích này không phải là một lý thuyết thần học hay triết học, nhưng là một kết quả chín mùi sau khi đã trải qua con đường dài chịu đau khổ, với sự nâng đỡ của Ðức Tin vào Chúa chịu đóng đinh. Lời giải thích mà Ðức Gioan Phaolô II đã sọan ra trong đức tin và là lời giải thích mang đến một ý nghĩa cho kinh nghiệm sống sự đau khổ trong sự hiệp thông với Chúa, (lời giải thích đó) nói với chúng ta qua việc ngài chịu đau khổ trong âm thầm thinh lặng, vừa biến đổi đau khổ thành một sứ điệp cao cả. Ngay từ khởi đầu cũng như vào cuối tập sách vừa nói trên, Ðức Gioan Phaolô II đã cho thấy ngài bị đánh động sâu xa bởi cảnh do quyền lực của sữ dữ gây ra và là cảnh mà chúng ta vào lúc kết thúc thế kỷ 20 đã được dịp cảm nghiệm một cách thật bi thảm. Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Ðây không phải là sự dữ trong tầm mức nhỏ... Nhưng là sự dữ có tầm mức lớn lao, một sự dữ đã được nhập vào những cơ cấu của nhà nuớc để thực hiện công việc tai hại của nó, một sự dữ được tổ chức thành hệ thống." (trg 198) Nhưng thử hỏi phải chăng không ai chế ngự được sự dữ?

 

- Quý vị và các bạn thân mến, chúng ta đang đọc phần đầu của bài diễn văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, trong đó ngài nhắc đến dung mạo của Ðức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hôm nay chúng ta tiếp tục đọc phần I này, trong đó Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI quả quyết rằng Ðức Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta biết chiến thắng sự dữ bằng tình thuơng và rằng sự dữ không phải là sức mạnh cuối cùng của lịch sử.

Ðức Bênêđitô XVI đã nói như sau:

 

Sự dữ có phải là sức mạnh cuối cùng của lịch sử hay không? Nhờ kinh nghiệm về sự dữ, đối với Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vấn đề Ơn Cứu Chuộc đã trở nên câu hỏi thiết yếu và trung tâm của cuộc sống ngài cũng như của suy tư ngài, như là người kitô. Phải chăng có một giới hạn chận lại quyền lực của sự dữ . Ðúng vậy. Có một giới hạn để chận lại quyền lực của sự dữ. Ðức Gioan Phaolô II đã trả lời như thế trong tập sách mới nhất của ngài, cũng như trong thông điệp của ngài về Ơn Cứu Chuộc. Sức mạnh đặt ra một giới hạn cho sự dữ là lòng nhân từ của Thiên Chúa. Thiên Chúa nhân từ - xét như là sức mạnh của Thiên Chúa, là "thực tại hoàn toàn khác" mà ta biết về Thiên Chúa - đặt ra giới hạn chống lại bạo lực, chống lại sự ra oai của sự dữ trong lịch sử. Như được quả quyết trong sách Khải Huyền, chúng ta có thể nói rằng Chiên con có sức mạnh hơn con Rồng. Vào cuối tập sách nói trên của ngài, trong cái nhìn về cuộc mưu sát ngày 13 tháng 5 năm 1981, và dựa trên kinh nghiệm đồng hành của ngài với Thiên Chúa và với thế giới, Ðức Gioan Phaolô II đã đào sâu hơn nữa câu trả lời vừa được nhắc lại trên đây. Giới hạn đặt ra cho quyền lực của sự dữ, hay nói cách khác, sức mạnh chiến thắng sự dữ cách quyết định vĩnh viễn --- như đức Gioan Phaolô II nói với chúng ta - là cuộc khổ nạn của Thiên Chúa, là sự đau khổ của Con Thiên Chúa trên thập giá: "Sự đau khổ của vị Thiên Chúa bị đóng đinh không phải chỉ là một sự đau khổ như bao đau khổ khác... Khi chịu đau khổ vì tất cả chúng ta, Chúa Kitô đã mang đến một ý nghĩa mới cho đau khổ, đã đưa đau khổ vào trong một chiều kích mới, vào trong một trật tự mới: trật tự của tình thương... Cuộc thương khó của Chúa Kitô trên thập giá đã mang đến một ý nghĩa hoàn toàn mới mẽ cho đau khổ, đã biến đổi đau khổ từ bên trong... Ðó chính là sự đau khổ có sức đốt cháy và làm tiêu hao sự dữ bằng ngọn lửa của tình thương... Mọi đau khổ của con người, mọi nỗi đau đớn, mọi bệnh tật, đều có tích chứa một lời hứa ban ơn cứu rỗi... Sự dữ có mặt trong thế gian là để đánh thức trong chúng ta tình thương, một sự cho đi chính mình, trao ban cho kẻ được diễm phúc đau khổ đến thăm... Chúa Kitô là Ðấng cứu rỗi thế gian: "Chúng ta được chữa lành nhờ những vết thương của Ngài" (Is 53,5) (sách đã dẫn, trang 198tt). Tất cả những điều vừa được trình bày không phải chỉ đơn thuần là thần học lý thuyết, nhưng diễn tả một đức tin sống động và trưởng thành trong đau khổ. Chắc rằng, chúng ta phải làm hết sức mình để giảm bớt sự đau khổ và ngăn cản sự bất công đang làm cho những kẻ vô tội phải đau khổ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải làm tất cả những gì có thể, ngõ hầu con người có thể khám phá ý nghĩa của đau khổ, để rồi có khả năng chấp nhận chính đau khổ của mình và kết hiệp đau khổ đó với đau khổ của Chúa Kitô. Như thế đau khổ được hoà tan trong tình yêu cứu chuộc và do đó trở nên một sức mạnh chống lại sự dữ trong thế giới. Sự đáp ứng đã xảy ra trên toàn thế giới khi Ðức Gioan Phaolô II từ trần, là một thể hiện đầy kinh ngạc của lòng biết ơn đối với sự việc Ðức Gioan Phaolô II, trong khi thi hành tác vụ của mình, đã hiến dâng chính mình hoàn toàn cho Thiên Chúa để làm ích cho thế gian; đây là một sự cảm tạ đối với sự việc Ðức Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta biết yêu thương và đau khổ để phục vụ cho kẻ khác, trong một thế giới đầy hận thù và bạo lực; có thể nói, Ðức Gioan Phaolô II đã chỉ cho chúng ta nhìn thấy Ðấng Cứu Chuộc bằng chính cuộc sống của ngài, đã chỉ cho chúng ta thấy ơn cứu rỗi, và đã trao cho chúng ta niềm xác tín rằng sự dữ thật sự không có lời cuối cùng trong thế gian này.

 

- Quý vị và các bạn thân mến. Sau khi đã nói về dung mạo của Ðức Gioan Phaolô II, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắc đến những biến cố quan trọng do Ðức Gioan Phaolô II đề xướng, và đã diễn ra trong năm 2005. Ðó là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ và Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta hãy nghe Ðức Thánh Cha nói như sau:

 

2. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ

Có hai biến cố do Ðức Gioan Phaolô II mở ra, mà giờ đây tôi muốn nhắc đến một cách vắn tắt: đó là ngày Quốc Tế Giới Trẻ, đã được cử hành tại Colonia và Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể để kết thức Năm Thánh Thể, Năm do Ðức Gioan Phaolô II khai mạc.

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ nằm trong ký ức của tất cả những ai tham dự như là một hồng ân to lớn. Hơn một triệu nguời trẻ đã họp nhau tại thành phố Colonia, bên bờ sông Rhin, và tại những thành phồ gần bên, để cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, để cầu nguyện chung với nhau, để lãnh nhận bí tích Hoà Giải và Thánh Thể, để ca hát và mừng lễ chung với nhau, để vui mừng với cuộc sống, để tôn thờ và lãnh nhận Chúa Thánh Thể trong hai biến cố trọng đại vào chiều thứ Bảy và sáng Chúa Nhật. Một niềm vui ngự trị trong những ngày cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Ngoài việc giữ gìn trật tự ra, lực lượng cảnh sát không còn phải làm gì khác nữa. Thiên Chúa quy tụ đại gia đình ngài lại, vượt qua mọi ranh giới và mọi ngăn cách trong sự hiệp thông vĩ đại giữa chúng ta; ngài đã làm cho chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của ngài. Khẩu hiệu được chọn cho những ngày họp nhau "Chúng ta hãy đến thờ lạy Chúa!" có tích chứa hai hình ảnh quan trọng, ngay từ đầu giúp cho ta tiếp cận đúng cách Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Trước hết là hình ảnh của cuộc hành hương, hình ảnh con người nhìn qua bên kia những công việc của mình, nhìn qua bên kia cảnh sống hằng ngày, để đi tìm vận mệnh thiết yếu của mình, đi tìm sự thật, đi tìm cuộc sống trong công bằng, đi tìm Thiên Chúa. Hình ảnh con người hành trình trên đường tiến về đích điểm cuộc đời, còn tích chứa hai yếu tố nổi bật. Trước hết đó là lời mời gọi đừng nhìn thế giới quanh chúng ta chỉ như là "vật liệu" để chúng ta có thể sản xuất một cái gì đó, nhưng hãy cố gắng khám phá trong thế giới nầy "nét chữ của Ðấng Tạo Hoá", khám phá lý do sáng tạo và tình yêu thương mà từ đó thế giới đã được khai sinh, khám phá lý do sáng tạo và tình thương mà vũ trụ này nói lên cho chúng ta biết, nếu chúng ta biết chú ý, nếu những cảm quan nội tâm chúng ta tỉnh thức và có được sự bén nhạy để cảm nhận những chiều kích sâu xa hơn của thực tại. Yếu tố thứ hai là lời mời gọi chúng ta hãy đặt mình trong tư thế lắng nghe biến cố mạc khải đáng ghi nhớ trong lịch sử; chỉ biến cố lịch sử duy nhất này mới có thể cung cấp cho chúng ta chìa khoá để đọc "mầu nhiệm âm thầm ẩn khuất" của tạo vật, vừa chỉ cho chúng ta biết một cách cụ thể con đường tiến về Người Chủ đích thật của thế giới và của lịch sử, ẩn mình trong sự nghèo hèn của máng cỏ tại Bêlem. Hình ảnh thứ hai được tích chứa trong khẩu hiệu của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là hình ảnh con nguời trong thái độ thờ lạy Chúa: "Chúng tôi đến đây để thờ lạy Ngài!" Trước mọi họat động và mọi thay đổi thế giới, thì cần phải có sự tôn thờ. Chỉ thái độ tôn thờ này mới thật sự làm cho chúng ta được tự do; chỉ thái độ tôn thờ nầy mới cung cấp cho chúng ta những tiêu chuẩn để hành động. Chính trong một thế giới càng ngày càng giảm đi những tiêu chuẩn định hướng và xuất hiện nguy hiểm mỗi người tự đặt mình làm tiêu chuẩn cho hành động của mình, thì điều căn bản là nhấn mạnh đến sự tôn thờ. Ðối với tất cả những ai hiện diện tham dự, thì không thể nào quên được giây phút thinh lặng sâu xa của hàng triệu người trẻ, một sự thinh lặng hiệp nhất và nâng đỡ tất cả, khi Chúa Thánh Thể được đặt ra trên bàn thờ. Chúng ta lưu giữ trong tâm hồn những hình ảnh của ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Colonia: đó là những dấu chỉ vẩn còn tiếp tục tác động. Không cần nhắc lại đây từng người, tôi muốn trong dịp này cám ơn tất cả những ai đã góp phần làm cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ thành thực tại; nhất là tôi cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì cuối cùng chỉ mình Ngài mới có thể ban cho chúng ta những ngày Cử Hành ngày Quốc Tế Giới Trẻ như thế, như chúng ta đã trải qua.

 

- Quý vị và các bạn thân mến. Hôm nay chúng ta trở lại đọc bài diễn văn của Ðức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến giáo triều Roma dịp lễ Giáng Sinh năm 2005. Ðức Thánh Cha nhắc lại bốn biến cố quan trọng của Giáo Hội trong năm 2005. Biến cố thứ nhất là Ðức Gioan Phaolô II từ trần, biến cố thứ hai là Ngày Quốc tế Giới Trẻ tại thành phố Colonia, bên Ðức, biến cố thứ ba là Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Ðề Tài Bí Tích Thánh Thể và Năm Thánh Thể, và cuối cùng biến cố thứ tư là kỷ niệm 40 năm bế mạc công đồng chung Vaticanô II.

Ðức Thánh Cha nói về biến cố thứ ba: Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Bí Tích Thánh Thể và Năm Thánh Thể. Ðặc biệt, ÐTC đã nhắc đến thái độ tôn thờ thánh thể. ÐTC đã nói như sau:

 

3. Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Bí Tích Thánh Thể và Năm Thánh Thể

Từ ngữ "Thờ Lạy" dẫn đưa chúng ta đến biến cố quan trọng đứng vào hàng thứ hai mà tôi muốn nói đến: Ðó là Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục và Năm Thánh Thể. Với thông điệp về Bí Tích Thánh Thể có tựa đề "Giáo Hội Sống Nhờ Bí Tích Thánh Thể" (Ecclesia de Eucharistia), và với tông thư về Năm Thánh Thể, có tựa đề "Lạy Chúa, xin hãy ở lại với chúng con!" (Mane nobiscum, Domine), Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trao cho chúng ta những chỉ dẫn thiết yếu, vừa đồng thời ngài đã cụ thể hoá giáo huấn của giáo hội về bí tích Thánh Thể, nhờ qua kinh nghiệm cá nhân của ngài sống đức tin vào bí tích Thánh Thể. Ngoài ra, Bộ Phụng Tự, trong liên hệ mật thiết với thông điệp, đã công bố huấn thị có tựa đề "Bí Tích của Ơn Cứu Chuộc" (redemptionis sacramentum), như là một trợ giúp thực hành, để thực hiện đúng hiến chế của Công Ðồng về Phụng Vụ và về công cuộc canh tân phụng vụ. Thử hỏi, ngoài tất cả những gì đã được nói đến trong các văn kiện vừa được nhắc lại trên đây, người ta còn có thể thêm điều gì mới và khai triển thêm toàn bộ giáo lý hay không? Ðây chính là kinh nghiệm to lớn của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, khi người ta nhìn thấy sự phong phú của đời sống thánh thể của Giáo Hội ngày nay, được phản chiếu trong những góp ý của các nghị phụ, và được thể hiện tính cách vô cùng tận của đức tin của giáo hội vào bí tích Thánh Thể. Ðiều mà các nghị phụ đã suy nghĩ và nói ra, thì cần được trình bày trong tương quan chặt chẽ với những đề nghị của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, trong một văn kiện "hậu-thượng hội đồng giám mục". Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một lần nữa điều mà mới đây chúng ta đã ghi nhận trong khung cảnh của ngày Quốc Tế Giới Trẻ: đó là lòng tôn thờ Chúa Phục Sinh hiện diện trong bí tích Thánh Thể, với Mình và Máu Thánh Chúa, với thể xác lẫn linh hồn, với nhân tính và thần tính. Thật là cảm động đối với tôi, khi được nhìn thấy như thế nào khắp nơi trong giáo hội đang phát sinh niềm vui tôn thờ thánh thể và những hoa trái của việc tôn thờ nầy đang được thể hiện. Trong thời kỳ của công cuộc canh tân phụng vụ, Thánh Lễ và việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ thường được xem như là hai việc nghịch nhau; Bánh Thánh Thể không được trao ban cho chúng ta để được chiêm ngắm, nhưng để được ăn, theo một vấn nạn khá phổ biến lúc đó. Nhưng, trong kinh nghiệm của đời sống cầu nguyện của giáo hội, chúng ta thấy rằng một lập trường như thế là điều vô nghĩa. Thánh Agostinô đã nói như sau: "không ai đến ăn Mình Thánh Chúa, nếu không cúi mình tôn thờ trước Mình Thánh Chúa... Có lẽ chúng ta sẽ phạm lỗi, nếu chúng ta không tôn thờ Thánh Thể Chúa" (x. thánh Agostino, giải thích thánh vịnh 98, 9, XXXIX, 1385). Thật ra, trong bí tích Thánh Thể, không phải chúng ta chỉ đơn thuần nhận lãnh một điều gì đó. Bí Tích Thánh Thể là một cuộc gặp gỡ và là sự hiệp nhất giữa nhiều người; và Ðấng đến gặp chúng ta và ao ước kết hiệp với chúng ta, lại là Con Thiên Chúa. Và một sự hiệp nhất như thế, chỉ được thực hiện trong việc tôn thờ mà thôi. Lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể có nghĩa là tôn thờ Ðấng mà chúng ta tiếp nhận. Chỉ như thế, chúng ta mới trở nên một với Chúa."

Vì thế việc phát triển thái độ tôn thờ thánh thể, như đã diễn ra trong suốt thời Trung Cổ, là hệ quả đương nhiên nhất của chính mầu nhiệm thánh thể: chỉ trong việc tôn thờ thánh thể mà được trưởng thành thái độ tiếp nhận sâu xa và đích thật. Chính trong hành động cá nhân gặp gỡ Chúa, mà được trưởng thành sứ mạng xã hội được tích chứa trong Bí Tích Thánh Thể, và là sứ mạng nhắm dẹp đi những ngăn cách, không những giữa ta và Chúa, mà còn và nhất là giữa chúng ta với nhau.

 

- Quý vị và các bạn thân mến. Giờ đây, chúng ta hãy nghe Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI nói đến biến cố thứ tư: kỷ niệm 40 năm bế mạc công đồng chung Vaticanô II. ÐTC đã nói như sau:

 

4. Kỷ niệm 40 năm bế mạc công đồng chung Vaticanô II

Biến cố cuối cùng của năm 2005 mà tôi muốn nhắc đến trong dịp này là việc cử hành kỷ niệm 40 năm bế mạc công đồng chung Vaticanô II. Kỷ niệm nầy khơi dậy những câu hỏi như sau: Kết quả của Công Ðồng Chung Vaticanô II là như thế nào? Công Ðồng đã được tiếp nhận cách đúng hay không? Trong việc tiếp nhận Công Ðồng, thì điều gì tốt, điều gì còn thiếu sót hoặc sai lầm? Còn cần phải làm gì thêm nữa chăng? Không ai có thể chối rằng, cách chung, trong Giáo Hội, việc tiếp nhận Công Ðồng đã diễn ra một cách khá khó khăn, cho dù chúng ta không muốn áp dụng cho khoảng thời gian này, điều mà thánh Basiliô, tiến sĩ hội thánh, đã mô tả về Giáo Hội liền sau công đồng Nicêa; thánh nhân đã so sánh tình trạng giáo hội vào thời đó, như là một cuộc thuỷ chiến trên mặt biển âm u và có bảo to. Thánh nhân đã nói như sau: "Tiếng a ó khô khan chống đối nhau của những kẻ bất đồng ý kiến với nhau, những lời bàn qua tán lại không thể hiểu được, lời đồn đãi lộn xộn của những yêu cầu liên miên không chấm dứt, tất cả đều xuất hiện đầy trong giáo hội, làm sai lạc --- hoặc do bởi cực đoan quá lố, hoặc do bởi thiếu sót, --- (làm sai lạc) giáo lý chân thật của đức tin..." (De spiritu Sancto, XXX, 77; PG 32,213 a; Sch 17 bis, trg 524). Chúng ta không muốn áp dụng những mô tả bi đát trên vào tình trạng của Giáo Hội sau Công đồng Vaticanô II; tuy nhiên, có chút gì giống như thế đã xảy ra. Và câu hỏi được đặt ra là: tai sao việc tiếp nhận Công Ðồng Vaticanô II, tại phần lớn trong giáo hội, và cho đến nay, đã diễn ra một cách khó khăn như vậy? Tất cả tuỳ thuộc vào việc giải thích đúng giáo huấn của Công Ðồng, hay -- nếu nói theo ngôn ngữ mới hôm nay -- tuỳ theo khoa giải thích đúng đắn, tuỳ theo chìa khoá đúng được dùng để đọc và áp dụng Công Ðồng.

 

- Quý vị và các bạn thân mến. Hôm nay chúng ta sẽ nghe Ðức Thánh Cha nói về biến cố giáo hội quan trọng thứ tư của năm 2005, là việc kỷ niệm 40 năm bế mạc Công Ðồng Chung Vaticanô II. ÐTC nhận định rằng việc tiếp nhận và áp dụng đúng giáo huấn của Công Ðồng là một công cuộc đầy khó khăn, bởi vì đã có hai khoa giải thích đối nghịch nhau đề ra những lập trường chống đối nhau. ÐTC đã nói như sau:

 

Những vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận giáo huấn của Công Ðồng Vaticanô II phát sinh từ sự kiện có hai khoa giải thích đối nghịch nhau, luôn đưa ra lập trường chống lại nhau và tranh cãi với nhau. Một Khoa Giải Thích thì gây hoang mang, còn Khoa Giải Thích kia thì đã và còn đang trổ sinh những hoa trái tốt, tuy một cách âm thầm nhưng càng ngày càng dễ nhận thấy.

Một bên thì trình bày lối giải thích mà tôi có thể gọi là "khoa giải thích của sự không liên tục và gián đọan"; khoa giải thích này thường được cảm tình của các phương tiện truyền thông xã hội, và cả của một phần của nền thần học hiện đại. Còn bên kia, thì có "khoa giải thích của sự canh tân", của sự đổi mới trong sự liên tục của một giáo hội duy nhất, mà Chúa đã trao ban cho chúng ta; đây là một giáo hội được trưởng thành với thời gian và được phát triển thêm, nhưng vừa đồng thời vẫn giữ được căn tính của mình, như là Dân duy nhất của Thiên Chúa đang hành trình trên trần gian này. Khoa giải thích của sự không liên tục liều gặp nguy hiểm đi đến kết quả là sự gián đọan giữa Giáo Hội thời tiền công đồng và giáo hội thời hậu công đồng. Khoa giải thích này quả quyết rằng những bản văn của Công Ðồng không còn biểu lộ tinh thần của Công Ðồng nữa. Những bản văn đó có thể là kết quả của những dung hoà, trong đó, để đạt đến sự đồng ý chung, người ta đã phải đi thụt lùi lại và tái xác nhận những điều xưa cũ mà giờ đây đã trở thành vô ích. Tinh thần đích thực của Công đồng không được biểu lộ trong những dung hoà như thế, nhưng trong những ý hướng vươn tới điều mới; và những ý hướng vươn tới đó được hiểu ngầm trong các bản văn; chỉ những ý hướng này mới đại diện cho tinh thần đích thực của Công Ðồng; và do đó nguời ta cần tiến tới phía trước, khởi sự từ những ý hướng đó và trong sự phù hợp với những ý hướng đó. Chính bởi vì các bản văn chỉ phản ánh một cách không trọn vẹn tinh thần đích thực và tính cách mới mẽ của Công Ðồng, nên cần phải can đảm vượt qua khỏi các bản văn, vừa dành chỗ rộng rãi cho điều mới mẽ, trong đó được biểu lộ ý định sâu xa hơn của Công Ðồng, mặc dù lúc đó những ý định này chưa xuất hiện rõ ràng. Tắt một lời: lập trường của "khoa giải thích của sự không liên tục" cho rằng người ta không cần đi theo những bản văn của Công Ðồng, nhưng chỉ cần đi theo tinh thần của Công Ðồng mà thôi. Như thế, điều hiển nhiên là có một khoảng rộng dành cho câu hỏi làm sao xác định được tinh thần của Công Ðồng, và do đó, người ta dành khoảng rộng cho mọi giải thích về tinh thần của Công Ðồng tuỳ theo hứng. Với lập trường như thế, người ta hiểu lầm tận căn bản chất của Công Ðồng. Theo cách nhìn của lập trường nói trên, thì Công đồng được xem như một thứ "quốc hội lập hiến", lọai bỏ một bản hiến pháp cũ và tạo ra một bản hiến pháp mới. Nhưng "quốc hội lập hiến" cần có thành phần chủ động bầu ra quốc hội và sau đó công nhận quốc hội, nghĩa là cần đến dân chúng mà bản hiến pháp phải phục vụ cho. Nhưng các nghị phụ của Công Ðồng đã không được bầu lên như vậy, và không ai đã trao cho các ngài sự vụ lệnh; thật ra, không ai có quyền làm thế, bởi vì cơ cấu thiết yếu của Giáo Hội đến từ Chúa và đã được ban cho chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể đạt đến sự sống đời đời và, -- từ cái nhìn này, -- chúng ta có khả năng soi sáng cuộc sống trong thời gian và soi sáng cả chính thời gian nữa. Các vị Giám Mục, qua bí tích Chức Thánh mà các ngài đã lãnh nhận, là những kẻ thừa hưởng hồng ân của Chúa. Các ngài là "những kẻ phân phối những mầu nhiệm của Thiên Chúa" (1 Co 4,1); xét theo phương diện này, các ngài phải được gặp thấy như là những kẻ "trung thành và khôn ngoan" (x. Lc 12, 41-48). Ðiều này có nghĩa là các ngài phải phân phát hồng ân của Chúa một cách công bằng, ngõ hầu không có gì ẩn dấu trong nơi che khuất nào đó, nhưng trổ sinh hoa trái, và Chúa, cuối cùng, có thể nói với người thi hành công tác phân phối rằng: "Bởi vì con đã trung tín trong việc nhỏ, nên ta sẽ ban cho con quyền hành trên nhiều người" (x. Mt 25,14-30; Lc 19,11-27). Trong những dụ ngôn phúc âm vừa được nhắc đến, được biểu lộ sức năng động của lòng trung thành, là điều đáng được quan tâm trong việc phục vụ Chúa; trong những dụ ngôn đó, được nổi bật rõ ràng như thế nào, trong một Công Ðồng, sức năng động và lòng trung thành phải trở nên như một điều duy nhất mà thôi.

Ðối lại với khoa giải thích của sự không liên tục, có khoa giải thích của sự canh tân, như được trình bày trước tiên bởi Ðức Gioan 23 trong bài diễn văn khai mạc Công Ðồng vào ngày 11 tháng 10 năm 1962, rồi sau đó bởi Ðức Phaolô VI trong bài diễn văn bế mạc Công Ðồng vào ngày 7 tháng 12 năm 1965. Tôi muốn trích lại nơi đây chỉ những lời của Ðức Gioan XXIII, trong đó khoa giải thích của sự liên tục được trình bày một cách thật rõ ràng, khi Ðức Gioan 23 nói rằng Công Ðồng "muốn thông truyền giáo lý tinh tuyền và toàn vẹn, không giảm bớt hoặc làm méo mó đi". Ðức Gioan 23 tiếp tục giải thích thêm như sau: "Bổn phận của chúng ta không chỉ là gìn giữ kho tàng quý giá này, dường như thể chúng ta chỉ quan tâm đến những điều của thời xưa cũ, nhưng còn dấn thân với một ý chí cương quyết và không lo sợ cho công việc mà thời đại chúng ta đòi hỏi... Ðiều cần thiết là giáo lý chắc chắn và không thể thay đổi này, --- và là giáo lý phải được tuân giữ cách trung thành, --- được đào sâu và được trình bày một cách phù hợp với những đòi hỏi của thời đại chúng ta. Một đàng là "kho tàng Ðức Tin", nghĩa là những sự thật đức tin được tích chứa trong giáo lý đáng trọng của giáo hội, và đàng khác là cách thức mà những sự thật đức tin đó được rao giảng, vừa vẫn duy trì cho những sự thật đó có cùng một nghĩa và cùng một tầm mức" (Vaticanô II, Hiến Chế, Sắc lệnh và Tuyên Ngôn, 1974, trg 863-865).

 

- Quý vị và các bạn thân mến. Hôm nay, chúng ta tiếp tục nghe Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI giải thích về lý do tại sao xuất hiện hai khoa giải thích đối nghịch nhau về giáo huấn của Công Ðồng Vaticanô II. Một bên là khoa giải thích theo sự liên tục, theo sự canh tân, vừa giữ điều cũ  vừa đào sâu thêm ý nghĩa mới. Còn khoa giải thích thứ hai, là khoa giải thích dựa trên sự gián đoạn, muốn cắt đứt hay lọai bỏ những gì đã cũ trong quá khứ, để tạo ra và hướng đến điều mới mẽ hoàn toàn. Ðức Thánh Cha đã nói như sau:

 

Ðành rằng sự dấn thân trình bày một cách mới mẽ một sự thật nhất định nào đó, đòi hỏi một suy tư mới về sự thật này và một tương quan sống động mới với sự thật đó. Và cũng rõ ràng là ngôn từ mới mẽ chỉ có thể được chín mùi, nếu nó phát sinh từ một sự lĩnh hội có ý thức về sự thật được trình bày và rằng, (đàng khác), sự suy tư về Ðức tin cũng đòi hỏi việc người ta sống đức tin đó. Theo nghĩa này, chương trình hành động được đức Gioan 23 đề ra, là hết sức đòi hỏi, cũng như sự tổng hợp giữa sức năng động và lòng trung thành cũng là điều rất đòi hỏi. Ở đâu mà lối giải thích vừa nói trên được sử dụng để hướng dẫn việc tiếp nhận Công Ðồng, thì ở đó có tăng trưởng một nếp sống mới và những hoa trái mới được chín mùi. 40 năm sau Công Ðồng, chúng ta có thể ghi nhận rằng hoa trái tích cực của Công Ðồng là điều cao cả hơn và sống động hơn những gì không thể xuất hiện trong cuộc biến động của thời kỳ trước và sau năm 1968. Ngày nay chúng ta thấy rằng hạt giống tốt, dù được phát triển cách chậm rãi, nhưng có tăng trưởng, và như thế cũng gia tăng lòng biềt ơn sâu xa của chúng ta vì công việc đã được Công Ðồng Vaticanô II thực hiện.

Ðức Phaolô VI, trong bài diễn văn bế mạc Công Ðồng cũng đã phơi bày cho ta thấy lý do đặc biệt tại sao khoa giải thích của sự không liên tục có thể xem như có phần nào giá trị thuyết phục của nó. Lý do đó có thể được giải thích thêm như sau: Trong cuộc tranh cãi lớn về con người, một cuộc tranh cãi đã ghi dấu sâu đậm thời cận đại, Công Ðồng đã phải dấn thân một cách đặc biệt để bàn về theo chủ đề của khoa "nhân luận". Công Ðồng đã phải chất vấn chính mình về tương quan giữa một bên là giáo hội và đức tin và bên kia là con người và thế giới (xem nơi đã trích, trg 1066t). Vấn nạn trở nên rõ ràng hơn nữa, nếu thay vì dùng cụm từ nói cách chung như "thế giới hôm nay", chúng ta chọn một cụm từ khác phân biệt rõ ràng hơn: công đồng phải quyết định một cách mới mẽ về tương quan giữa Giáo Hội và thời cận đại. Mối tương quan này đã được bắt đầu một cách hết sức gây tranh cãi, do bởi vụ tranh luận do Ông Galilêô khơi dậy. Sau đó, mối tương quan đã bị bẻ gãy hoàn toàn, khi triết gia Kant xác định "tôn giáo trong lý trí thuần tuý", và khi, trong giai đọan quá khích của cuộc cách mạng Pháp, người ta phổ biến một hình ảnh về Nhà Nước và về con người không còn muốn dành một chỗ trống nào nữa cho giáo hội và cho đức tin. Cuộc đương đầu của đức tin Giáo Hội chống lại chủ nghĩa tự do thái quá và chống lại những khoa học thiên nhiên lúc đó đang có tham vọng ôm trọn sự hiểu biết về tất cả mọi thực tại cho đến tận cùng, vừa bướng bỉnh đề nghị cách làm cho "vấn đề về Thiên Chúa" trở thành dư thừa, (cuộc đương đầu đó) đã tạo ra vào thế kỷ thứ XIX, dưới thời của Ðức Piô IX, những lời lên án gai gắt và tận cùng của Giáo Hội đối với tinh thần của thời cận đại. Như thế, từ bên ngoài nhìn nào, chúng ta không còn nhìn thấy có khoảng rộng nào được mở ra để có sự hiểu nhau cách tích cực và có kết quả; và những ai cảm thấy mình đại diện cho thời cận đại cũng phản ứng lại với những lời chối từ chua cay. Tuy nhiên, lúc đó thời cận đại cũng đã có những diễn tiến mới. Người ta ý thức rằng cuộc cách mạng từ Mỹ Châu đã cống hiến một kiểu mẫu mới về Nhà Nước hiện đại khác biệt với kiểu mẫu được đề ra theo lý thuyết của những khuynh hướng cực đoan xuất hiện trong giai đoạn thứ hai của cuộc cách mạng Pháp. Lúc đó, các khoa học thiên nhiên bắt đầu, một cách rõ ràng hơn, suy nghĩ về những giới hạn riêng của mình đến từ chính phương pháp của mình, cho dù đã đạt được vài kết quả to lớn, nhưng không thể nào có khả năng biết đuợc hết toàn bộ thực tại. Như thế cả hai bên bắt đầu từ từ có thái độ cởi mở chấp nhận nhau. Trong thời kỳ giữa hai thế chiến, và nhất là trong thời sau thế chiến thứ hai, những nhân vật công giáo có trách nhiệm về Nhà Nuớc đã chứng minh rằng có thể có một Nhà Nước hiện đại và thế tục, nhưng không trung lập trước những giá trị, nhưng biết múc lấy những giá trị từ những nguồn mạch luân lý mà kitô giáo mở ra...

 

- Quý vị và các bạn thân mến. Mục thời sự hôm nay xin tiếp tục đọc diễn văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho giáo triều Roma, trong cuộc tiếp kiến trước lễ Giáng Sinh. Trong đọan trích hôm nay, chúng ta sẽ nghe Ðức Thánh Cha giải thích tiếp hoàn cảnh xã hội và văn hoá có ảnh hưởng trên hai khoa giải thích về giáo huấn của Công Ðồng Vaticanô II, một khoa giải thích dựa trên sự liên tục và một khoa khác dựa trên sự không liên tục. Ðức Thánh Cha đã nói như sau:

 

Học Thuyết Xã Hội công giáo, từ từ được khai triển, đã trở thành một kiểu mẫu quan trọng giữa chủ nghĩa tự do thái quá và lý thuyết marxít về Nhà Nuớc. Những khoa học thiên nhiên, -- mà trước đó đã công bố cách thẳng thừng về phương pháp riêng của họ trong đó Thiên Chúa không có chỗ nữa, --- giờ đây ý thức càng ngày rõ hơn rằng phương pháp đó không giải thích hết toàn thể thực tại và do đó mở rộng cửa đón nhận lại Thiên Chúa, vừa biết rằng thực tại nghiên cứu có tầm mức to lớn hơn phương pháp duy tự nhiên và to lớn hơn điều mà phương pháp có thể giải thích. Người ta có thể nói rằng đã có ba loại câu hỏi được đặt ra, mà giờ đây, trong giai đoạn của Công Ðồng Vaticanô II, đang chờ đợi câu trả lời. Trước hết, cần phải xác định một cách mới mẽ tương quan giữa đức tin và các khoa học hiện đại; điều nầy có liên hệ đến không những các khoa học thiên nhiên, mà còn cả khoa học lịch sử nữa, bởi vì, trong vài trường phái, phương pháp nghiên cứu lịch sử lên tiếng đòi cho mình có quyền nói lên tiếng nói cuối cùng trong việc giải thích Kinh Thánh và, --- với tự phụ cho mình có trọn vẹn thẩm quyền để hiểu về Kinh Thánh, --- nên có lập trường đối nghịch --- trong vài điểm quan trọng --- (đối nghịch) với giải thích mà đức tin của giáo hội đã đưa ra. Lọai câu hỏi thứ hai, là định nghĩa một cách mới mẽ tương quan giữa giáo hội và Nhà Nước theo quan niệm cận đại, một Nhà Nước chấp nhận dành chỗ đứng cho những công dân thuộc các tôn giáo và ý thức hệ khác nhau, vừa đồng thời đối xử với các tôn giáo một cách vô tư vừa dành lấy trách nhiệm tạo ra sự chung sống có trật tự và có tinh thần bao dung giữa mọi công dân và trách nhiệm bảo vệ sự tự do thực hành tôn giáo riêng của họ. Cùng với điều vừa nói, nơi loại câu hỏi thứ ba, được liên kết một cách chung với vấn đề về sự bao dung tôn giáo; đây là câu hỏi đòi buộc một định nghĩa mới về tương quan giữa đức tin kitô và những tôn giáo khác trên thế giới. Một cách đặc biệt, trước những tội ác mới đây của chế độ quốc xã và cách chung, trong cái nhìn hồi tưởng về giai đọan lịch sử dài đầy khó khăn, ta cần đánh giá và định nghĩa một cách mới mẽ tuơng quan giữa giáo hội và đức tin của dân Israel.

Ðó là những đề tài có tầm quan trọng lớn. Trong thời kỳ thứ hai của Công đồng Vaticanô II, những đề tài nói trên đã có tầm quan trọng lớn; nhưng trong khung cảnh của bài diễn năn này, chúng ta không thể dừng lại lâu, để bàn cách rộng rãi hơn về những đề tài nầy. Ðiều rõ ràng là trong tất cả mọi lãnh vực vừa kể, --- mà cách chung, chúng kết thành một vấn đề duy nhất --- có thể xuất hiện một hình thức nào đó của sự không liên tục, và rằng, theo một nghĩa nào đó, tuy đã xuất hiện trên thực tế một sự không liên tục, mà trong đó nếu ta biết thực hiện những phân biệt khác nhau giữa những hoàn cảnh lịch sử cụ thể và những đòi hỏi của chúng, thì chúng ta nhận ra rằng sự liên tục trong các nguyên tắc không bị bỏ mất; điều mà thọat tiên ta không dễ dàng nhận ra được. Chính trong một toàn bộ gồm có sự liên tục và không liên tục, ở nhiều bình diện khác nhau, mà ta thấy được bản chất đích thực của công cuộc canh tân. Trong tiến trình của sự đổi mới trong sự liên tục, chúng ta cần học tập để hiểu một cách cụ thể hơn lúc trước, rằng những quyết định của Giáo Hội liên quan đến những việc phụ thuộc --- chẳng hạn như vài hình thức cụ thể của chủ trương duy tự do hoặc vài hình thức của lập truờng tự do giải thích Kinh Thánh --- (rằng những quyết định đó của Giáo Hội) cần thiết có tính cách phụ thuộc, bởi vì liên quan đến một thực tại cụ thể tự nó có tính cách hay thay đổi. Cần phải học tập để nhìn nhận rằng, trong những quyết định như thế, chỉ những nguyên tắc mới nói lên khía cạnh bền lâu, nằm ở nền tảng và hướng dẫn quyết định từ bên trong. Những hình thức cụ thể không có tính cách bền lâu trong cùng mức độ như vậy; những hình thức cụ thể nầy tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và do đó có thể bị thay đổi. Như thế, những quyết định nền tảng có thể vẫn còn giá trị, trong khi những hình thức áp dụng các quyết định này vào trong hoàn cảnh mới, lại có thể thay đổi. Thí dụ, nếu sự tự do tôn giáo được nhìn như là một biểu lộ của việc con người không có khả năng gặp đuợc sự thật và do đó sự tự do tôn giáo trở thành như là việc chấp nhận chủ thuyết tương đối hoá tất cả, thì lúc đó sự tự do tôn giáo nầy, từ một thực tại xã hội và lịch sử nhưng được nâng một cách không đúng lên bậc thực tại siêu hình và như thế bị mất đi ý nghĩa đích thật của nó và kéo theo hậu quả là sự tự do tôn giáo này không được chấp nhận bởi những ai có lập trường cho rằng con người có khả năng biết được sự thật về Thiên Chúa, và rằng con người được liên kết với sự hiểu biết về sự thật về Thiên Chúa, dựa trên phẩm giá nội tại của sự thật đó. Ðiều hoàn toàn khác sẽ xảy ra, nếu ta nhìn sự tự do tôn giáo như là một sự cần thiết phát sinh từ sự chung sống giữa con người, và như là một hệ luận của nguyên tắc nhìn nhận rằng sự thật không thể nào bị áp đặt từ bên ngoài, nhưng cần được chính con người tự nhận sự thật đó, qua một tiến trình thuyết phục.

 

- Quý vị và các bạn thân mến. Hôm nay, chúng ta hãy tiếp tục đọc phần cuối cùng bài diễn văn của Ðức Thánh Cha cho Giáo Triều Roma dịp tiếp kiến trước lễ Giáng Sinh năm 2005. Trong phần cuối này, sau khi đã giải thích khung cảnh văn hoá, tôn giáo, triết học và xã hội để hiểu thêm tại sao "khoa Giải thích Công Ðồng" theo đường lối "không liên tục", dường như muốn cắt đứt mọi liên hệ với những gì đã cũ, trong quá khứ. ÐTC đã nói tiếp như sau:

 

Với sắc lệnh về Tự Do Tôn Giáo, Công Ðồng Vaticanô II nhìn nhận nguyên tắc thiết yếu của Nhà Nuớc thời cận đại liên quan đến sự Tự Do Tôn Giáo, như đã được giải thích trên đây, nghĩa là con người không nên bị bắt buộc, nhưng cần được thuyết phục trước sự thật tôn giáo; Công Ðồng Vaticanô II như thế đã lấy lại phần gia tài sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội có thể ý thức rõ rằng với lập trường trên về Tự Do Tôn Giáo, giáo hội ngày nay có lập trường hoàn toàn hoà hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu (x. Mt 22,21), cũng như với giáo hội của các vị tử đạo, với lập trường của các vị tử đạo mọi thời đại. Một cách tự nhiên, Giáo Hội của những vị tử đạo ngày xưa đã cầu nguyện cho các Hoàng Ðế và cho những vị hữu trách việc chính trị, và xem việc cầu nguyện này như là một bổn phận (x. I Tim 2,2); Tuy nhiên, dù cầu nguyện cho các Hoàng Ðế, nhưng Giáo Hội từ chối cúi mình tôn thờ các vị hoàng đế này; với thái độ như vậy, giáo hội đã rõ ràng nói lên lập trường của mình không chấp nhận tôn giáo Nhà Nước. Những vị tử đạo của Giáo Hội thời sơ khai đã hy sinh mạng sống mình vì Ðức Tin vào Thiên Chúa, Ðấng đã được mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô, và như thế, các ngài đã chịu chết vì tự do lương tâm và vì tự do tuyên xưng Ðức Tin riêng của mình, một sự tuyên xưng mà không một Nhà Nước nào có thể áp đặt, và là một sự tuyên xưng được cá nhân chấp nhận nhờ ơn Chúa trợ giúp, và trong sự tự do lương tâm. Một giáo hội truyền giáo, với ý thức rõ mình có bổn phận rao giảng sứ điệp của Chúa cho tất cả mọi người, cần phải dấn thân cho sự tự do Ðức Tin. Giáo Hội muốn thông truyền hồng ân sự thật cho tất cả mọi người vừa đồng thời bảo đảm cho các dân tộc và các chính quyền biết rằng làm như vậy, giáo hội không có ý phá hủy căn tính của dân tộc và cũng không phá hủy các nền văn hoá của dân tộc, nhưng chỉ mang đến cho các dân tộc câu trả lời mà trong thâm tâm mình con người đang chờ đợi; đây là câu trả lời không làm mất đi sự đa biệt văn hoá, nhưng gia tăng sự hiệp nhất giữa mọi người và như thế xây dựng hoà bình giữa các dân nước. Với định nghĩa mới về tương quan giữa đức tin của Giáo Hội và vài yếu tố thiết yếu của dòng tư tưởng thời cận đại, Công Ðồng Vaticanô II đã xét lại hoặc cả sửa lại vài quyết định đã có trong dòng lịch sử; nhưng trong sự xem ra có vẽ không liên tục này, Công Ðồng ngược lại đã duy trì và đào sâu bản chất sâu xa của mình, duy trì và đào sâu căn tính thật của mình. Trước cũng như sau Công Ðồng Vaticanô II, Giáo Hội luôn là giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, đang hành trình trong thời gian; Giáo Hội tiến bước trong cuộc hành hương của mình giữa những bách hại của thế gian và những an ủi của Thiên Chúa, vừa rao giảng cái Chết của Chúa cho đến khi Ngài trở lại (x. Lumen Gentium, 8).

 

- Quý vị và các bạn thân mến. Hôm nay, chúng ta đọc đọan cuối cùng của bài diễn văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho giáo triều Roma dịp Lễ Giáng Sinh năm 2005. Trong đọan cuối cùng này, chúng ta sẽ nghe Ðức Thánh Cha lượng định về thái độ cần có đối với Công Ðồng Vaticanô II, 40 năm sau khi bế mạc. ÐTC đã nói như sau:

 

Ai nghĩ và mong rằng nếu có thái độ căn bản "chấp nhận" thời cận đại, thì tất cả những căng thẳng sẽ tan biến, và rằng "sự cởi mở với thế giới" được thực hiện dựa trên thái độ chấp nhận sẽ biến đổi tất cả thành sự hoà hợp thuần tuý, (ai nghĩ và mong đợi như thế), thì người đó không đánh giá đúng mức những căng thẳng nội bộ và cả những mâu thuẫn của thời cận đại; người đó không đánh giá đúng mức sự mỏng dòn đầy nguy hiểm của bản tính con người; trong tất cả những giai đọan của lịch sử và trong từng biến cố lịch sử, sự mỏng dòn của bản tính con người là một liều lĩnh cho cuộc hành trình của con người. Dù với khả thể mới và với quyền lực mới của con người trên vật chất và trên chính mình, nhưng những nguy hiểm không biến mất, mà trái lại chúng mang lấy những chiều kích mới; chỉ cần nhìn vào lịch sử hiện nay, người ta sẽ nhìn thấy rõ điều vừa nói. Cả trong thời đại chúng ta, Giáo Hội vẫn còn là "dấu chỉ gây mâu thuẫn" (Lc 2,34) --- không phải là không có lý do, khi đức Gioan Phaolô II, lúc còn là Hồng Y đã chọn đề tài "dấu chỉ mâu thuẫn --- làm chủ đề cho Tuần Cấm Phòng năm 1976 mà ngài đã giảng cho Ðức Phaolô VI và cho giáo triều tại Roma. Công Ðồng Vaticanô II đã không có ý định dẹp bỏ sự mâu thuẫn này của Tin Mừng, đối với những nguy hiểm và những sai lầm của con người. Chắc chắn rằng ý định của Công Ðồng Vaticanô II là bỏ qua một bên những mâu thuẫn sai lầm hoặc dư thừa, để trình bày cho thế giới chúng ta biết điều đòi buộc của Tin Mừng với trọn cả sự cao cả và trong trắng của nó. Bước tiến mà Công Ðồng thực hiện đối với thời cận đại, một bước tiến đã được trình bày một cách khá mơ hồ như là "sự cởi mở với thế giới", cuối cùng thuộc về vấn đề thường xuyên về tương quan giữa đức tin và lý trí, một vấn đề luôn được trình bày trong những hình thức mới. Hoàn cảnh mà Công Ðồng đã phải đương đầu, có thể được so sánh với những biến cố của những thời kỳ trước đó. Thánh Phêrô, trong thư thứ I của ngài, đã thường khuyến khích các tín hữu hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về lý do của đức tin nơi họ (x. 3,15). Ðiều nầy có nghĩa là Ðức Tin dựa vào Kinh Thánh cần phải bước vào trong việc thảo luận và bước vào trong tương quan với nền văn hoá hy lạp, và cần học cách để nhận ra, qua việc giải thích, đường ranh phân biệt, và đồng thời nhìn thấy được sự gặp gỡ và hoà hợp giữa đức tin và văn hoá hy lạp, trong lý do duy nhất đã được Thiên Chúa ban cho. Vào thế kỷ thứ XIII, khi nhờ qua các triết gia do thái và Á rập, tư tưởng của triết gia Aristote gặp gỡ với văn minh kitô giáo thời trung cổ, một văn minh kitô đã được thành hình trong truyền thống của triết gia Platon, và khi đức tin lẫn lý trí gặp nguy hiểm đi vào trong sự mâu thuẫn không thể nào hoà giải với nhau được, thì chính Thánh Tomasô Aquino đứng ra làm trung gian cho một cuộc gặp gỡ mới giữa đức tin và triết học của triết gia Aristote, và như thế đặt đức tin vào trong một tương quan tích cực với hình thức của lý trí nổi bật của lúc đó. Cuộc tranh cãi đầy mệt nhọc giữa lý trí của thời cận đại và đức tin kitô, --- một cuộc tranh cãi, thọat tiên, với vụ án Galilêô, đã được bắt đầu một cách tiêu cực, đã trải qua nhiều giai đoạn, nhưng, với Công Ðồng Vaticanô II, (cuộc tranh luận) đã đạt đến lúc cần có một cuộc suy nghĩ rộng rãi hơn. Trong những văn kiện của Công Ðồng, nội dung của suy tư trên, đã được mô tả chỉ bằng những điểm tổng quát, nhưng nhờ vậy mà được xác định đường hướng thiết yếu, đến độ cuộc đối thọai giữa đức tin và lý trí, --- một cuộc đối thọai hết sức quan trọng ngày nay ---, dựa trên Công ÐồngVaticanô II, đã gặp được định hướng của nó. Giờ đây, cuộc đối thọai này cần được khai triển với một tinh thần thật cởi mở, và cả với sự rõ ràng trong khi phân biệt những tinh thần mà thế gian chờ đợi từ chúng ta chính trong giờ phút này. Như thế chúng ta hôm nay có thể nhìn về Công Ðồng Vaticanô II với lòng biết ơn: nếu chúng ta đọc Công Ðồng và được hướng dẫn bởi một khoa giải thích đúng, thì Công Ðồng có thể trở thành mỗi ngày một sức mạnh to lớn hơn, cho công cuộc canh tân luôn cần thiết của giáo hội.

Cuối cùng, tôi có nên nhắc đến ngày 19 tháng 4 năm 2005, khi Hồng Y Ðoàn, trước sự rung sợ không nhỏ của tôi, đã chọn tôi tiếp nối Ðức Gioan Phaolô II, kế vị Thánh Phêrô trên ngai toà của vị giám mục Roma, hay không? Một trách vụ như thế hoàn toàn nằm ngoài những gì mà tôi có thể tưởng tượng ra cho ơn gọi của tôi. Như thế, chỉ với một hành động tin tưởng to lớn vào Thiên Chúa mà tôi có thể nói lên, trong sự vâng phục, lời thưa "xin vâng" chấp nhận sư īchọn lựa này. Cũng như lúc đó, thì giờ đây cũng vậy, tôi xin tất cả quý chư huynh và anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi; tôi cần đến sức mạnh và sự nâng đỡ của lời cầu nguyện. Ðồng thời giờ đây từ thâm tâm tôi muốn cảm tạ tất cả những ai đã đón nhận tôi và hiện vẫn còn đón nhận tôi, với hết lòng tin tưởng, lòng tốt lành và sự thông cảm, vừa hằng ngày luôn cầu nguyện cho tôi.

Lễ Giáng Sinh đã gần bên. Trước những hăm dọa của lịch sử, Thiên Chúa đã không chống lại, bằng quyền năng bên ngoài, như con người chúng ta có thể làm, theo những viễn tượng của thế giới chúng ta sống. Vũ khí của Thiên Chúa là sự tốt lành. Ngài đã mạc khải chính mình như một Hài Nhi, sinh ra nơi máng cỏ. Chính như thế mà Ngài đặt quyền năng Ngài hoàn toàn khác với những quyền lực tàn phá của bạo lực. Chính như thế mà Ngài cứu rỗi chúng ta. Chính như thế mà Ngài chỉ cho chúng ta biết điều gì cứu rỗi chúng ta. Trong những ngày Giáng Sinh này, chúng ta hãy đến gặp Ngài, với tâm hồn đầy tin tưởng, như những mục đồng, như những nhà thông thái từ Phương Ðông. Chúng ta hãy xin Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa chiếu tỏa dung nhan Ngài trên chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa đích thân chiến thắng bạo lực trong thế gian, và cho chúng ta cảm nghiệm được quyền năng của lòng tốt lành của Ngài. Với những tâm tình này, tôi hết lòng ban Phép Lành Toà Thánh cho cho Chư Huynh và tất cả anh chị em.

 

Quý vị và các bạn thân mến. Trên đây là bản dịch tiếng Việt bài diễn văn của Ðức Thánh Cha cho giáo triều Roma dịp lễ giáng sinh năm 2005. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page