Trái đất chúng ta đã trở thành

thù nghịch với các trẻ nhỏ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Trái đất chúng ta đã trở thành thù nghịch với các trẻ nhỏ.

Tin Luân Ðôn, Anh Quốc (Apic 15/12/2005) - Trái đất chúng ta đã trở thành thù nghịch với các trẻ nhỏ. Ðó là điểm nội dung chính của Bản Phúc Trình của Bà Ann M. Veneman, giám đốc Quỹ Nhi Ðồng Liên Hiệp Quốc, hôm thứ Tư 14 tháng 12 năm 2005, tại Luân Ðôn, Anh Quốc. Bản phúc trình cho biết hằng năm có khoảng 8 triệu 400 ngàn trẻ nhỏ phải lao động trong hoàn cảnh gần như làm nô lệ vậy, và có khoảng 1.2 triệu những trẻ nhỏ khác bị lạm dục tình dục. Ðó là chưa kể hàng triệu trẻ nhỏ khác nữa bị bắt buộc lao động. Tất cả chỉ vì gia đình của các trẻ nhỏ đó quá nghèo cùng.

Theo thống kê của Quỹ Nhi Ðồng Liên Hiệp Quốc, thì trên toàn thế giới có 2 tỉ 182 triệu thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, trong số nầy có 171 triệu trẻ nhỏ bị bắt buộc phải lao động. Tổng số thanh thiếu niên bị mồ côi cha hoặc mẹ trên thế giới là 142 triệu em.

Bản Phúc Trình ghi nhận rằng mặc cho nhiều cố gắng để làm cho cuộc sống của các thanh thiếu niên được tốt hơn, nhưng vẫn còn nhiều điều tiêu cực. Chẳng hạn như tại quốc gia Colombia, Châu Mỹ La Tinh, một quốc gia đang trong cảnh xung đột nội chiến triền miên, hàng triệu trẻ em đang sống trong hoàn cảnh hết sức tạm bợ. Tại các quốc gia quanh sa mạc Sahara, bên Phi Châu, có khoảng một triệu trẻ vị thành niên bị giam giữ trong các nhà tù; và bình quân có 50% tổng số trẻ nhỏ không thể học xong bậc tiểu học. Tại quốc gia Sierra Leone, miền trung Phi Châu, cứ 1,000 trẻ nhỏ, thì có 283 trẻ chết trước 5 tuổi.

Khi đọc Bản Phúc Trình, bà Ann M. Veneman đã nhấn mạnh rằng các chính phủ trên thế giới cần cố gắng nhiều hơn nữa, nếu thế giới muốn đặt đến những mục tiêu phát triển do Liên Hiệp Quốc đề ra. Tình trạng hiện nay còn xa, thật xa, với mức lý tuởng đề ra. Phẩm giá của các trẻ nhỏ không còn gì, đến độ chỉ còn như là một con số, hay tệ hơn nữa, không còn được ghi như là một con số nữa. Bà Ann lưu ý đến những trẻ nhỏ bụi đời, sống lang thang đây đó, không có giấy tờ, vô danh, không được luật pháp bảo vệ, không được hưởng sự giáo dục, không thể đến trường học và không được chăm sóc sức khoẻ.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page