Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe mời gọi
các Tôn giáo bạn cộng tác để phục vụ
và giúp con người phát triển toàn diện
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe mời gọi Giáo hội Công giáo tại Việt Nam và các Tôn giáo bạn cộng tác với nhau để phục vụ và giúp con người phát triển toàn diện.
Tin
Vatican (12/12/2005) - Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Ðức Hồng
Y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng cho Các Dân
Tộc đã có một cuộc gặp gỡ rất thân tình và đầy ý
nghĩa với đại diện các tôn giáo bạn tại Tòa Tổng Giám
Mục Saigon, thứ Bảy 3.12.2005. Trong bầu khí ấm áp thân mật
của phòng khách Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn, Ðức Hồng Y
Sepe được Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và Linh mục Tổng Ðại
Diện Huỳnh Công Minh lần lượt giới thiệu các đại diện
các Tôn giáo bạn: Phật Giáo với các tông phái khác nhau,
Phật Giáo Hòa Hảo, Tin Lành, Cao Ðài, Hồi Giáo, Bà Hai Giáo.
Ðức Hồng Y Sepe gặp gỡ các tôn giáo bạn tại Việt Nam (trong hình, ÐHY chào thân mặt các đại diện Phật Giáo). |
Ðức Hồng Y Sepe tỏ ra rất sung sướng được gặp gỡ và chào thăm một số đại diện các tôn giáo bạn, những người có trách nhiệm xây dựng đời sống tâm linh con người và góp phần xây dựng sự hài hòa, đoàn kết trong xã hội. Ngài đánh giá cao cuộc thăm viếng của các vị lãnh đạo các tôn giáo bạn đã dành cho ngài, và xem đây là một "cuộc thăm viếng đầy tình huynh đệ, chan hòa lòng kính trọng", và ngài biểu lộ một tâm tình huynh đệ và trân trọng đối với các đại diện các tôn giáo bạn. Ngài yêu cầu các vị "chuyển đến tất cả những thiện nam tín nữ mà quý vị đại diện lời chào thân ái, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng và bình an".
Với tư cách là Tổng Trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, ngài cho biết mình có trách nhiệm về các vấn đề tôn giáo trên thế giới, cách riêng trong các nước mà Giáo hội Công giáo còn non trẻ, chưa bám rễ sâu vào nền văn hóa của các dân tộc: "Ðó là lý do khiến tôi đến thăm viếng Việt Nam và những cộng đoàn Công giáo chính tại đây". Ngài nói: "Tôi nghĩ rằng quý vị cũng biết rõ người công giáo tại Việt Nam chỉ chiếm 7% dân số của đất nước. Họ đang cố gắng làm tròn bổn phận của người công dân tốt, đồng thời phát huy tình hiệp thông huynh đệ giữa người với người, giữa họ với các tín đồ của các tôn giáo bạn".
Trích
dẫn Tuyên ngôn Liên lạc của Giáo hội Công giáo với các
tôn giáo ngoài Kitô giáo của Công đồng Vatican II, Ðức
Hồng Y Sepe ngỏ lời với các vị đại diện tôn giáo bạn:
"Giáo hội Công giáo kính trọng sâu xa tất cả các tôn
giáo bạn, luôn khuyến khích con cái mình nhìn nhận, bảo tồn
và làm phát triển các giá trị thiêng liêng cũng như luân
lý, văn hóa cũng như xã hội của các tôn giáo bạn, bằng
con đường đối thoại và hợp tác thận trọng và bác ái
với các tín đồ của các tôn giáo bạn, mà vẫn duy trì
chứng tá đức tin và đời sống Kitô hữu". Ngài cho
biết: "Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo dạy
rằng các tôn giáo có một tầm quan trong đặc biệt trong việc
đạt được hòa bình. Ðể có được hòa bình thật sự,
việc chung sức chung lòng dấn thân giúp con người phát
triển toàn diện là một việc hết sức cần thiết. Trong tinh
thần của những cuộc gặp gỡ cầu nguyện diễn ra tại Assisi
1986, 2002, Giáo hội Công giáo tiếp tục mời gọi tín đồ
của các tôn giáo bạn đối thoại và tạo điều kiện thuận
lợi, tại mỗi nơi, cho việc gìn giữ những giá trị chung của
toàn thể gia đình nhân loại".
Ðức Hồng Y Sepe gặp gỡ các tôn giáo bạn tại Việt Nam (trong hình, ÐHY chào thân mặt các đại diện Hồi Giáo). |
Ðức Hồng Y Tổng Trưởng nhận định rằng "sự kiện ngày nay các tôn giáo và các nền văn hóa tỏ ra sẵn sàng đối thoại và báo cho biết yêu cầu khẩn thiết của việc hợp nhất mọi sức mạnh để cổ võ công lý, tình huynh dệ, hòa bình và việc thăng tiến nhân phẫm, là dấu hiệu tràn đầy hy vọng". Trong niềm hy vọng đó, Ðức Hông Y Sepe "tha thiết ước mong Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam và các tôn giáo bạn trong đất nước nầy, cộng tác với nhau để phục vụ và giúp con người phát triển toàn diện".
Hầu hết các đại diện các tôn giáo bạn đều đứng lên phát biểu, cám ơn và tán đồng ý kiến của Ðức Hồng Y Sepe trong ước muốn cộng tác phục vụ và phát triển con người toàn diện, cũng như cầu chúc sức khỏe và thành công trong chuyến viếng thăm Việt Nam. Buổi gặp gỡ được kéo dài trong bữa "cơm chay" thân mật do Tòa Tổng Giám Mục khoản đãi. Thiết nghĩ rằng tinh thần của sự gặp gỡ hiếm có nầy, cũng như sự thân tình sẵn có giữa các vị lãnh đạo các tôn giáo tại Việt Nam cần được phát huy nhằm mục đích cộng tác phục vụ con người và xã hội Việt Nam một cách tích cực và hữu hiệu. Ước mong điều nầy được thực hiện một cách cụ thể.
Ðức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương