Huấn Ðức của ÐTC Beneđitô XVI
trước giờ Kinh Truyền Tin
Trưa Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, 4/12/2005
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Huấn Ðức của ÐTC Beneđitô XVI trước giờ Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, 4/12/2005.
(Radio Veritas Asia 5/12/2005) - ChúaNhật II Mùa Vọng, mùng 4 tháng 12 năm 2005, ÐTC Beneđitô XVI mời gọi xét mình về tương quan cá nhân với Thiên Chúa, vừa đồng thời nhắc đến sự tự do tôn giáo theo giáo huấn của Công Ðồng Vaticanô II. ÐTC đã nói như sau:
Anh chị em thân mến,
Trong Mùa Vọng, trong khi chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Nhập Thể, cộng đoàn giáo hội được mời gọi khám phá lại và đào sâu mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa. Tiếng Latinh để chỉ Mùa Vọng là "Adventus"; từ nầy được dùng để nói về việc Chúa Kitô ngự đến, và làm nổi bật hành động Thiên Chúa đến với nhân lọai; và mỗi người được mời gọi đáp trả Thiên Chúa, với thái độ cởi mở, chờ đợi, đi tìm và gắn bó. Và như Thiên Chúa hoàn toàn tự do trong việc mạc khải chính mình cũng như trong việc trao ban chính mình, vì Thiên Chúa chỉ được thôi thúc bởi tình thương mà thôi, thì cũng thế con người cũng có tự do trong việc đáp trả đồng ý hay không, cho dù việc đáp trả này là một bổn phận; Thiên Chúa chờ đợi một đáp trả vì tình thương. Trong những ngày này, phụng vụ trình bày cho chúng ta một mẫu gương trọn hảo cho việc đáp trả như thế nơi Mẹ Maria Ðồng Trinh, mà vào ngày thứ Năm, mùng 8 tháng 12 (năm 2005), chúng ta sẽ chiêm ngắm Mẹ trong mầu nhiệm Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Ðức Nữ Ðồng Trinh là Ðấng có thái độ lắng nghe, luôn luôn sẵn sàng chu toàn thánh ý của Chúa, và là mẫu gương cho kẻ tin đang sống trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Về vấn đề này, cũng như về tương quan giữa sự thật và tự do, Công Ðồng Vaticanô II đã dành ra một suy tư chăm chú. Một cách đặc biệt, cách đây 40 năm, các Nghị Phụ công đồng đã chấp nhận Tuyên Ngôn có liên hệ đến vấn đề tự do tôn giáo, nghĩa là những quyền lợi của những cá nhân và của những cộng đoàn được đi tìm sự thật và tự do tuyên xưng niềm tin của họ. Những lời đầu tiên được dùng làm tên gọi của Văn Kiện là "Dignitatis humanae"(Phẩm Giá Con Người); sự tự do tôn giáo phát sinh từ phẩm vị đặc biệt của con người, là hữu thể duy nhất trong số tất cả những tạo vật trên mặt đất này, có khả năng thiết lập một tương quan tự do và có ý thức với Ðấng Tạo Hoá đã tạo dựng nên mình. Công Ðồng quả quyết như sau: "Vì phẩm giá của mình, tất cả mọi người, xét như là ngôi vị, có trí khôn và ý chí tự do... được thôi thúc bởi chính bản tính và bị buộc trên bình diện luân lý đi tìm sự thật, trước tiên là sự thật liên quan đến tôn giáo" (DH, số 2). Công Ðồng Vaticano II như thế tái xác nhận giáo lý truyền thống công giáo, theo đó con nguời, xét như là tạo vật linh thiêng, có thể biết được sự thật, và do đó có bổn phận và quyền lợi đi tìm sự thật (x. Ivi,3). Dựa trên nền tảng này, Công Ðồng Vaticanô II nhấn mạnh nhiều trên sự tự do tôn giáo, một sự tự do cần được bảo đảm cho từng cá nhân cũng như cho từng cộng đoàn, trong sự tôn trọng những đòi buộc hợp pháp của trật tự công cộng. Giáo huấn này của Công Ðồng, sau 40 năm, vẫn còn rất thời sự. Thật vậy, sự tự do tôn giáo còn xa mới được bảo đảm cách hữu hiệu khắp nơi: trong vài trường hợp, sự tự do tôn giáo bị chối bỏ vì những lý do tôn giáo hoặc ý thức hệ; trong vài trường hợp khác, sự tự do tôn giáo đuợc nhìn nhận trên giấy tờ, nhưng bị cản trở trong thực tế bởi quyền hành chính trị, hoặc một cách tinh tế hơn, bởi sự thống trị trên bình diện văn hoá của chủ thuyết vô tri và chủ thuyết tương đối hoá.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người được thực hiện trọn vẹn ơn gọi tôn giáo được khắc ghi trong chính hữu thể của họ. Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết nhìn nhận nơi dung mạo của Con Trẻ giáng sinh tại Bêlem, và đã được cưu mang trong cung lòng đồng trinh của Mẹ, (nhìn nhận nơi Con Trẻ) Thiên Chúa Ðấng Cứu Chuộc đến trong thế gian để mạc khải cho chúng ta biết dung mạo đích thật của Thiên Chúa.
Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh truyền tin và ban phép lành. Sau đó, ÐTC còn ở lại bên cửa sổ để chào chúc và nhắc thêm vài biến cố đáng lưu ý.
Bằng tiếng Pháp, ÐTC nhắc đến ngày kỷ niệm 30 năm công bố Tuyên Ngôn về Những Quyền Lợi của Nguời Tàn Tật, vào ngày mùng 9 tháng 12. ÐTC đã nói như sau: "Tôi xin chào những anh chị em nói tiếng Pháp. Ước chi anh chị em có thể chuẩn bị những con đường cho Chúa trong tâm hồn anh chị em và nhờ bởi sự chú ý đến những kẻ bất hạnh nhất. Trong tuần lễ sắp đến, ngày 9 tháng 12 (năm 2005), chúng ta sẽ mừng kỷ niệm 30 năm công bố Tuyên Ngôn về Những Quyền Lợi của người Tàn Tật, do Liên Hiệp Quốc công bố. Nhân dịp nầy, tôi mời gọi mọi người hãy hoạt động nhiều hơn để giúp cho việc hội nhập những người tàn tật không những vào trong xã hội, và trong thế giới làm việc, mà còn vào trong cộng đoàn kitô, vừa nhớ lại rằng mọi sự sống con người là đáng được tôn trọng và cần được bảo vệ ngay từ lúc thụ thai và cho đến lúc kết thúc cách tự nhiên. Tôi bảo đảm với tất cả những ai đã dấn thân vào trong trách vụ bao la này lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của tôi."
Bằng tiếng Anh, ÐTC đã nói như sau: Tôi xin chào chúc tất cả những ai có mặt trong buổi đọc kinh Truyền Tin hôm nay. Vào ngày Chúa Nhật II mùa vọng, những người kitô trên khắp thế giới đều được mời gọi "chuẩn bị con đường cho Chúa". Ước gì chúng ta luôn dành chỗ cho Chúa trong tâm hồn và trong đời sống chúng ta. Tôi xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành cho tất cả anh chị em hành hương nói tiếng Anh".
Sau khi chào chúc bằng tiếng Ðức và tiếng Tây Ban Nha, ÐTC chào chúc anh chị em BaLan bằng tiếng Balan như sau: "Hôm nay là ngày phụng vụ kính nhớ thánh nữ Barbara, quan thầy của những thợ mỏ. Tôi phó thác tất cả những người thợ mỏ, gia đình của họ, công việc làm của họ, cho thánh nữ bảo vệ. Tôi khuyến khích tất cả hãy sống Mùa Vọng như là thời gian suy tư để chuẩn bị những con đường cho Chúa và để thực hiện cuộc trở lại của con tim."
Cuối cùng bằng tiếng Ý, ÐTC chào đặc biệt phái đoàn những anh chị em tham gia vào "Ngày Cộng Tác Italia", do Bộ Ngọai Giao Ý cổ võ, vừa khích lệ tất cả những ai đang cố gắng cổ võ một thế giới công bằng hơn và liên đới hơn.
Kết thúc, ÐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành.
(bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)