Bài Giảng của Ðức Hồng Y Crescanzio Sepe
tại Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo
Tổng Giáo Phận Saigòn
ngày Chúa Nhật II Mùa Vọng, 4/12/2005
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài Giảng của Ðức Hồng Y Crescanzio Sepe, Tổng trưởng bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc, tại Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo Tổng Giáo Phận Saigòn, ngày Chúa Nhật II Mùa Vọng, 4/12/2005. "Hãy Dọn Ðường Cho Chúa" (Is 40,1-5.9-11; 2Pr 3,8-14; Mc 1,1-8).
Anh chị em thân mến trong Chúa Giêsu Kitô,
I. Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng mời gọi chúng ta dọn đường cho Chúa và đề nghị chúng ta suy gẫm về Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế. Gioan Tẩy Giả là người mà Chúa Giêsu đã nói: "Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ, còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào" (Lc 16,16). Gioan cũng là người được nhắc đến trong lời sấm của ngôn sứ Isaia: "Có tiếng người hô trong sa mạc: "hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Mt 3,3). Gioan đã được gọi làm Tiền Hô cho Ðấng Mêsia ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Việc loan báo việc ông sinh ra đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: cha ông là Dacaria đã bị câm vì đã không tin lời của sứ thần Thiên Chúa. "Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđa" (Lc 1,65).
Gioan Tiền Hô đã thực thi ơn gọi làm Tiền Hô trong việc chuẩn bị một cách hết sức thầm lặng. Trước hết, ông lui vào trong hoang địa để chuyên tâm cầu nguyện, hãm mình và sám hối. "Ông Gioan Tẩy Giả mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ông rừng" (Mc 1,6). Chúng ta biết rằng hoang địa biểu trưng cho sự từ bỏ hoàn toàn tất cả những gì bao vây con người, tất cả nhũng gì không phải là Thiên Chúa. Hoang địa cũng là nơi con người không thấy gì khác ngoài sự yếu hèn, nhỏ bé, giới hạn, bất lực của mình trước sự cao cả của thiên nhiên và của Ðấng Tạo Dựng. Chính trong hoang địa mà Gioan Tẩy Giả nâng hồn lên tới Chúa và sống trong sự hiệp thông thân mật với Người để nhận lấy sức mạnh và để tận hiến cho con người sau này. Chỉ sau một thời gian chuẩn bị kỹ càng như vậy Gioan Tẩy Giả mới công bố Phép Rửa sám hối để được tha tội.
Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi đám đông đến với ngài là hãy dọn đường cho Chúa. Chính Gioan đã làm gương đi đầu. Bằng chứng tá sống động của mình, Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta rằng những ồn ào của lễ lạc, cuộc sống xa hoa, tiện nghi không phải là nơi lý tưởng của việc loan báo Thiên Chúa; Cũng không phải là nơi lý tưởng để lắng nghe tiếng mời gọi sám hối và trở lại. Sống trong cảnh nghèo, Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta hiểu rằng "chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy" (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, 42). Bằng đời sống khắc khổ, Gioan Tẩy Giả cũng giúp chúng ta hiểu rằng chính chứng tá của đời sống Kitô đích thực - là đời sóng hoàn toàn giao phó mình cho Thiên Chúa trong sự hiệp thông không gì có thể làm đứt đoạn và đồng thời cũng là đời sống hiến dâng cho con người với lòng nhiệt thành vô hạn - là phương cách đầu tiên của Công Cuộc Phúc Âm hóa (x. Loan báo Tin Mừng, 41). Vì chứng tá của Gioan Tẩy Giả là chứng ta khả tín và ăn khớp nên "mọi người từ khắp miền Giuđa và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan" (Mc 1,5).
II. Khi chiêm ngắm sứ vụ Tiền Hô của Gioan Tẩy Giả, chúng ta biết rằng Gioan Tẩy Giả đã sống sứ vụ của ông một cách sâu sắc đến hy sinh cả mạng sống. Ông nhìn nhận mình chỉ là một "tiếng kêu" trong hoang địa để dọn đường cho Ðấng Mêsia sẽ đến sau nhưng mạnh mẽ và cao trọng hơn ông rất nhiều đến độ ông "không xứng để cởi dép cho Người". Tất cả cuộc sống và sứ mạng của Gioan là dành riêng cho Ðấng Mêsia. "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi" Gioan đã nói thế. Chúa Giêsu càng ngày càng xuất hiện thì Gioan càng ngày càng tự nguyện biến đi. Dựa vào chỉ dẫn của ông, những môn đệ tốt nhất của Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Ðó chính là sứ vụ, là cách sống và là con người của Gioan Tẩy Giả. Ðó cũng là sứ vụ, cách sống và con người của chúng ta: "Tất cả cho Chúa!".
Anh chị em thân mến,
Chúng ta có bổn phận chỉ cho người khác biết Chúa Giêsu, chuẩn bị cho người khác để họ đi theo Chúa. Ðó là cốt yếu của việc tông đồ mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống đời thường: biểu lộ Chúa Giêsu cho bạn bè, cho người láng giềng. Ðiều quan trọng là Chúa Giêsu được nhận ra và đón rước là "Ðường, Sự Thật và Sự Sống". Ðức Rất Thánh Trinh Nữ Maria, Nữ Tỳ của Thiên Chúa, chỉ cho chúng ta Con của Mẹ: "Người bảo gì các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5), có nghĩa là anh chị em hãy đón rước Chúa Giêsu, hãy vâng lời Chúa Giêsu, hãy tuân giữ các giới răn của Người, hãy tin tưởng nơi Người. Người là phương án duy nhất của một cuộc sống thật sự thành công và hạnh phúc. Người cũng là nguồn mạch duy nhất về ý nghĩa cuộc đời của chúng ta (x. Ðức Gioan Phaolô II, Ðại hội Giới Trẻ thế giới lần III, Cử hành giáo phận, ngày 27/3/1988).
Tất cả chúng ta đều được mời làm sứ giả của Chúa, làm người loan báo Chúa Kitô. Chúng ta được mời làm chứng, bằng lời nói và đời sống của chúng ta, cho một Chúa Kitô tốt lành, khiêm nhường, nghèo khó, nhân từ; một Chúa Kitô làm người và nhập thể vào thế giới, hoàn toàn nên giống mọi người trừ tội lỗi; một Chúa Kitô đến để hầu hạ chứ không phải để được hầu hạ; một Chúa Kitô bỏ 99 con chiên trong giàn để đi tìm một con chiên lạc; một Chúa Kitô gần gũi với những người thu thuế và tội lỗi để rao giảng Tin Mừng cho họ và đem họ trở về với Phúc Âm; một Chúa Kitô không lên án nhưng thứ tha và mời gọi tội nhân đừng phạm tội nữa. Nhưng trước hết, trước tất cả những điều tôi vừa trình bày, chúng ta đã chẳng phải tìm biết Chúa Kitô, yêu mến Người, noi gương bắt chước Người, sống với Người một Cuộc Sồng Ba Ngôi nơi Người và cùng với Người biến đổi lịch sử cho đến khi hoàn thành trong Giêrusalem thiên quốc sao? (x. Bước vào Thiên Niên Kỷ Mới, 29).
III. Trong Mùa Vọng chúng ta được mời gọi san phẳng đường lối cho Chúa, nghĩa là dẹp tan lòng kiêu ngạo, sự chia rẽ, hận thù, bất hòa, giận dữ của chúng ta; là xóa bỏ ranh giới Bắc-Nam còn tồn tại trong não trạng của nhiều người trong chúng ta; cũng có nghĩa là tinh luyện tâm hồn chúng ta; là chiến đấu cho công lý, hòa bình, bác ái, cho tình huynh đệ và liên đới; là từ khước Satan, tội lỗi và tất cả những gì đưa chúng ta đến tội lỗi; là sống thánh thiện nơi thân xác và tâm hồn (1Cr 7,34); cuối cùng là "sống thánh thiện trong cách ăn nết ở để nên giống Ðấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh" (1Pr 1,15-16). Trong khi chờ đợi Chúa đến, Thánh Phêrô, trong đoạn thư mà chúng ta vừa nghe, kêu gọi chúng ta hãy làm tất cả để Chúa Kitô thấy chúng ta "tinh tuyền và không có chi đáng trách" (2Pr 3,14). Ðó là sự thánh thiện mà Ðức Gioan Phaolô đệ II đáng kính nhớ coi là một cấp bách mục vụ trong thời đại chúng ta và ngài đã đề nghị làm ưu tiên số một về mục vụ của Thiên Niên Kỷ thứ III này (Bước vào Thiên Niên Kỷ mới, 30).
Chúng ta không là những Tiền Hô mà còn là những Chứng Nhân của Chúa Kitô nữa. Nhờ ơn Phép Rửa chúng ta đã nhận được vinh dự và trách nhiệm làm chứng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, bằng lời nói và việc làm. Thử hỏi chúng ta làm chứng Ðức Tin Kitô của chúng ta như thế nào giữa các bạn đồng nghiệp, trong gia đình, nơi trường học và trong khu vực sinh sống? Thử hỏi chúng ta có đủ sức mạnh để thuyết phục được những người chưa tin Chúa không? thuyết phục được những người không yêu mến Chúa và những người có ý tưởng sai lạc về Người không? Ðời sống của chúng ta có là chứng cứ hoặc ít ra là một dấu chỉ ủng hộ hay có lợi cho Chân Lý của Ðạo Chúa Kitô không? Hội Thánh ở Việt Nam đã từng rất hãnh diện được xếp hàng thứ nhì sau Philippines về tỷ lệ người Công Giáo, có còn giữ được chỗ đứng ấy hay không hay đã nhường chỗ ấy cho Giáo Hội nào khác trong vùng? Tiền Hô và Chứng Nhân, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm chứng và chỉ đường cho người khác đến với Chúa Giêsu. "Trách nhiệm của chúng ta rất nặng nề, bởi vì là chứng nhân của Chúa Kitô trước hết đòi chúng ta phải có một tác phong tương xứng với giáo lý của Người, tiếp đến đòi chúng ta phải chiến đấu để cách ăn nết ở của chúng ta làm người ta nhớ đến Chúa Giêsu và gợi lên hình ảnh rất dễ thương của Người. Cách sống của chúng ta phải làm sao đó để những người khác có thể nói: người đó đúng là một Kitô hữu, bởi vì ông/anh ta, bà/chị ta không ghen ghét, biết cảm thông, không bị lôi kéo bởi lòng nhiệt thành thái quá, làm chủ các bản năng của mình; vì ông/anh ta, bà/chị ta hy sinh chính bản thân và thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình và yêu thương người khác" (J. Escriva E' Gesù che passa, 122).
Bây giờ chúng ta hãy chuẩn bị đón rước Chúa vì Người sẽ đến trên bàn thờ này và trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nguyện cầu Mẹ Maria, Mẹ các Kitô hữu, Mẹ chúng ta, để xin Mẹ dạy chúng ta biết phải chuẩn bị như thế nào cho xứng đáng đón rước Con Mẹ và xin Mẹ chỉ cho chúng ta biết chúng ta phải chỉ cho người khác như thế nào để họ nhận biết Ðấng Mêsia, Ðấng Cứu Ðộ nhân loại. Amen.
Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội (chuyển dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt)