Bài Giảng của Ðức Hồng Y Crescanzio Sepe
tại nhà thờ chính tòa Ðức Bà Saigòn
Ngày 3/12/2005 Lễ Thánh Phanxicô Xaviê
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài Giảng của Ðức Hồng Y Crescanzio Sepe tại nhà thờ chính tòa Ðức Bà Saigòn (Ngày 3/12/2005, Lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê): Ðức Hồng Y Sepe ca tụng Ðức cố Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình và Ðức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
Thưa Quí Ðức Cha,
Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,
I. Tôi hết sức vui mừng được dâng thánh lễ với anh chị em hôm nay, trong nhà thờ Chánh Tòa Sài Gòn này, khi nhớ lại nghi thức long trọng phong chức linh mục cho 57 phó tế tại nhà thờ Chánh Tòa Hà Nội, ngày 29 tháng 11 vừa qua (2005), và thánh lễ do tôi chủ sự cách đây hai ngày tại nhà thờ Chánh Tòa Huế. Những thánh lễ này đánh dấu cách rất đạo đức những chặng đường trong cuộc viếng thăm mục vụ của tôi, với ước mong liên kết tâm hồn các tín hữu Công giáo tại ba miền đất nước Việt Nam trong cùng một đức tin, cùng một phép Rửa, với các tín hữu Công giáo của Giáo Hội toàn cầu.
Hôm nay tôi ở giữa anh chị em như một người anh em đến từ phương xa. Nhưng với tư cách là Bộ Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các dân tộc, tôi rất gần mỗi người trong anh chị em, bằng lời cầu nguyện, bằng con tim, bằng chính việc chăm sóc mục vụ, tham dự cách thiêng liêng vào các hoạt động tông đồ của anh chị em, những nỗi vất vả anh chị em đang gánh chịu, niềm vui cũng như niềm hy vọng của anh chị em. Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi được đi rảo qua giang sơn gấm vóc của anh chị em, từ Bắc chí Nam, và cho tôi được hiểu biết dân tộc Việt Nam tuyệt vời, cũng như cộng đoàn Công giáo vô cùng năng động. Cùng với anh chị em, tôi dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng và tri ân tình yêu bền vững của người trong xứ sở này. "Tôi sẽ chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng lên tiếng ngợi khen Người".
Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng đối với Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Tổng giáo phận Saigòn, vì cùng với các vị giám mục trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, đã có nhã ý mời tôi đến viếng thăm đất nước Việt Nam cao quí của anh chị em và Giáo Hội tại đây. Tôi thân ái chào tất cả mọi người, các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, Hội Ðồng Mục Vụ giáo xứ, đại diện cộng đồng dân Chúa Tổng giáo phận Saigòn. Tôi xin chào và cám ơn các vị chính quyền, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thăm viếng của tôi, cách riêng cho việc cử hành Thánh lễ này. Tôi xin gởi đến anh chị em lời chào thân ái và phép lành Tòa Thánh của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI.
Khi cử hành Thánh lễ trong nhà thờ Chánh Tòa này, tôi không thể không nghĩ đến với lòng xúc động và yêu thương, vị mục tử rất đáng kính và rất đáng mến, Ðức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Trong suốt 35 năm (1960 - 1995) trên ngai tòa Tổng Giám Mục, ngài đã rao giảng Lời Chúa, chủ tọa các cuộc cử hành phụng vụ, ban các bí tích, phong chức cho nhiều thế hệ giám mục và linh mục. Dung mạo và tâm hồn mục tử của ngài vẫn còn rất sống động trong ngôi thánh đường này. Sở dĩ Tổng giáo phận Sài Gòn và Giáo Hội tại miền Nam này đã trải qua những thời kỳ vui mừng và hy vọng, đau khổ và thử thách, và đã can đảm đương đầu với những khó khăn, để bước vào những khúc quanh dẫn tới những trang sử mới của đất nước, chắc chắn là nhờ sự khôn ngoan, lòng nhân từ, sự mềm mỏng đối với chính quyền, tinh thần đối thọai thẳng thắn và cởi mở, lòng yêu mến và trung thành đối với Giáo Hội và Tòa Thánh của ngài.
Tư tưởng và tâm hồn của tôi cũng hướng về một người bạn khác, rất thân mến, thuộc Tòa Tổng Giám Mục này: Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám Mục phó Sài Gòn, nguyên là Chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Công lý và Hòa bình. Tôi quen biết và thán phục đời sống thiêng liêng sâu sắc của ngài.
II. Hôm nay, chúng ta cử hành lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, vị rao giảng Tin Mừng vĩ đại của vùng Viễn Ðông và là bổn mạng các xứ truyền giáo. Bài Tin Mừng của Thánh lễ hôm nay rõ ràng mời gọi chúng ta rao giảng Tin Mừng: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16,15). Mệnh lệnh truyền giáo này là di chúc của Chúa Giêsu gởi đến tất cả các tông đồ và tất cả chúng ta.
Thánh Phanxicô Xaviê đã quảng đại đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu khi ngài rao giảng khắp thế giới từ Châu Âu cho đến Ấn Ðộ, từ Srilanka cho tới Nhật Bản để loan báo Chúa Kitô. Ngài đã chết ở cửa ngõ vào Trung Quốc, mà lòng vẫn bừng cháy nỗi đam mê làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Từ Ấn Ðộ, ngài đã mô tả tình hình truyền giáo như sau: Từ khi đến đây, tôi chẳng ngưng lúc nào: tôi rảo khắp làng mạc, làm phép rửa cho nhiều trẻ em lãnh bí tích này. Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm Kitô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu. Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học ở Châu Âu, trước hết là đại học ở Paris, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí và thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành bác ái rằng: "Tiếc thay, chỉ vì lỗi các ông mà biết bao linh hồn thay vì lên thiên đàng lại phải xuống hỏa ngục" (Sách nguyện).
Tình hình truyền giáo trên thế giới hôm nay không khá hơn tình hình thánh Phanxicô Xaviê đã mô tả. Ngài đã hiểu rõ lời của Chúa chúng ta: "Ðược cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì người ta nào có lợi gì" (Mc 8,37). Lời quả quyết này thấm sâu vào tâm hồn ngài và khiến ngài thay đổi hoàn toàn đời sống. Vậy chúng ta có thể tự hỏi mình: "Tất cả mọi kho tàng đời sống hôm nay có ích lợi gì nếu chúng ta quên đi cái chính yếu?" Thành công, những tràng pháo tay, vinh quang, chiến thắng có ích gì nếu chúng ta không gặp được Thiên Chúa. Tất cả những thứ đó sẽ là cuộc thất bại thê thảm của cuộc đời chúng ta. Thánh Phanxicô Xaviê đã hiểu rất rõ giá trị linh hồn của mình cũng như của người khác đến nỗi ngài đặt Chúa Giêsu vào trung tâm đời sống của ngài và trở nên động lực cho lòng nhiệt thành tông đồ của ngài.
Chúng ta hãy noi gương thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, chị nữ tu dòng kín trẻ tuổi ở Lisieux. Ngài hết sức khát khao được sang truyền giáo tại Việt Nam, đến ở dòng kín Hà Nội để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo ở Việt Nam, nhưng Chúa quan phòng muốn ngài ở lại đan viện Cát Minh Lisieux để truyền giáo bằng lời cầu nguyện, bằng những việc hy sinh những việc khổ chế để ngài dâng đời sống của mình cầu nguyện cho các dân tộc được trở lại. Giáo Hội đã đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê.
Còn nhiều vị thánh nam thánh nữ khác, qua nhiều thế kỷ, đã đáp lại lời mời gọi của Chúa, như các thánh tử đạo Việt Nam chẳng hạn. Trong số các vị ấy, có những vị thừa sai người Tây Ban Nha, người Pháp đã rời bỏ quê hương, hy sinh cuộc đời cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam.
Trước mắt chúng ta có gương của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một vị Giáo Hoàng truyền giáo, bằng chứng là hàng trăm cuộc công du trên thế giới. Chẳng phải là tình yêu của Ðức Kitô ngày xưa đã biến đổi cuộc đời của thánh Phaolô tông đồ (x. 2Cr 5,14) thôi thúc Ðức Gioan Phaolô II hoạt động không mệt mỏi đó sao? Ước gì tâm hồn chúng ta cũng bừng cháy lên lòng nhiệt thành truyền giáo như vậy. Nhưng Chúa không đòi hỏi chúng ta làm điều gì khác thường. Ngài muốn chúng ta sống bác ái, yêu thương trong gia đình, nơi sở làm, với bạn bè, đồng nghiệp, láng giềng. Chúa muốn chúng ta trở nên muối đất, men trong bột, ánh sáng cho trần gian để chiếu sáng xã hội và làm cho xã hội nên tốt hơn, nhân ái hơn, công bằng hơn. Chúa Giêsu muốn chúng ta trở nên những chứng nhân can đảm cho mầu nhiệm của Người và Tin Mừng của Người ở nơi chúng ta đang sống.
III. Vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, Giáo Hội lại cảm thấy lệnh truyền giáo của Chúa Kitô có tính thời sự hơn bao giờ hết. Ðại Năm Thánh 2000 hướng dẫn Giáo Hội "khởi sự lại từ Chúa Kitô", Ðấng đã được chiêm ngắm trong cầu nguyện, để ánh sáng chân lý của Người chiếu tỏa trên hết thảy mọi người, trước hết là chứng từ của đời sống thánh thiện.
Vậy, thưa anh chị em, tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh và truyền giáo. Chính nhờ gặp gỡ Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể mà chúng ta được ơn hoán cải thật sự và lại cam kết sống thánh thiện, hiệp thông và liên kết với mọi người. Một cuộc gặp gỡ như thế dẫn đến sự biến đổi sâu xa mà hành động đầu tiên, phát sinh từ sự biến đổi này, là truyền đạt cho người khác sự phong phú đã được khám phá trong cuộc gặp gỡ với Chúa chúng ta.
Tâm hồn của dân tộc Việt Nam là một tâm hồn tôn giáo và tự nhiên hướng về "Trời", về một "Ðấng Tối Cao và trên hết mọi người". Nhiều người đồng hương của anh chị em đang chờ đợi trong tiềm thức được biết Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Có lẽ chúng ta phải nói với họ, như thánh Phaolô đã nói trước hội đồng Arêôpagô: "Vậy Ðấng quí vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quí vị" (Cv 17,23).
Trong công cuộc rao giảng Tin Mừng thật phức tạp, Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam được mời gọi chia sẻ niềm hy vọng bằng cách không ngừng đề nghị con đường đối thọai. Chỉ có một cuộc đối thọai trong tin tưởng và xây dựng giữa các thành phần của xã hội dân sự, sẽ mang lại một niềm hy vọng mới cho dân tộc Việt Nam (Ðức Gioan Phaolô II).
Xin Ðức Trinh Nữ Maria bảo vệ và giúp chúng ta hoàn thành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa chúng ta: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi lòai thọ tạo" Amen.
Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe
T.T.T. (chuyển dịch Việt ngữ từ Sàigòn)