Huấn đức của ÐTC Beneđitô XVI

trước giờ Kinh Truyền Tin

Trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua

ngày 20 tháng 11 năm 2005

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Huấn đức của ÐTC Beneđitô XVI trước giờ Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua, ngày 20 tháng 11 năm 2005.

(Radio Veritas Asia 25/11/2005) - Trưa Chúa Nhật ngày 20 tháng 11 năm 2005, Lễ Chúa Kitô Vua, trước khi xướng kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô, ÐTC Bênêđitô XVI đã nhắc lại rằng "sứ mạng của Giáo Hội là rao giảng và làm chứng cho Chúa Kitô" ngõ hầu mọi người có thể thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình. Mở đầu bài huấn đức, ÐTC đã nói như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, ChúaNhật cuối cùng của năm phụng vụ, giáo hội cử hành lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Ngay từ lúc loan báo cuộc giáng sinh của Người, Con Một Thiên Chúa Cha, Ðấng sinh ra bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, được xác định như là "vua", theo ý nghĩa "thiên sai", nghĩa là "kẻ thừa tự ngai vua Ðavid, thể theo những lời hứa của các tiên tri, thừa hưởng vương quốc không bao giờ cùng tận (x. Lc 1,32-33). Vương quyền của Chúa Kitô vẫn luôn ẩn khuất, trong cuộc sống bình thường tại Nazareth, cho đến lúc được ba mươi tuổi. Sau đó, trong cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã khai mạc Vương Quốc Mới, một vương quốc "không thuộc về thế gian này" (Gn 18,36), và cuối cùng Người đã thực hiện vương quốc đó cách trọn vẹn bằng cái chết và sống lại của Người. Khi sống lại và hiện ra cho các Tông đồ, Chúa đã nói: "Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao cho Ta" (Mt 28,18): quyền hành này phát sinh từ tình yêu thương, mà Thiên Chúa Cha đã mạc khải trọn vẹn trong hy tế của Con Một Ngài. Vương quốc của Chúa Kitô là hồng ân được trao ban cho con người mọi thời đại, ngõ hầu bất cứ ai tin vào Ngôi Lời nhập thể, thì "không phải chết, nhưng có được sự sống đời đời" (Gn 3,16). Vì thế, trong quyển cuối cùng của Kinh Thánh, tức sách Khải Huyền, Chúa tuyên bố: Ta là Alfa và Omêga, là khởi nguyên và cùng đích" (Kh 22,13).

"Chúa Kitô Alfa và Omêga", đó là tựa đề của đọan cuối cùng của phần thứ nhất Hiến Chế mục vụ "Vui mừng và Hy vọng" của Công đồng Vaticanô II, được công bố cách đây 40 năm. Trong đoạn đầy ý nghĩa đó, có trích vài lời của người Tôi Tớ Chúa, Ðức Phaolô VI, như sau: "Chúa là cùng đích của lịch sử nhân lọai, là điểm hội tụ của những mong ước của lịch sử và của nền văn minh, là trung tâm của nhân lọai, là niềm vui của mọi con tim, là sự sung mãn của những khát vọng của họ." Và đoạn văn tiếp tục như sau: "Ðược Thánh Thần của Chúa linh động và quy tụ lại, chúng ta tiến bước như khách lữ hành đến gặp sự viên mãn cuối cùng của lịch sử nhân lọai, một sự viên mãn hoàn toàn phù hợp với ý định tình thương của Thiên Chúa: "thiết lập lại tất cả mọi sự trên trời dưới đất trong Chúa Kitô" (Eph 1,10)" (GS số 45). Theo ánh sáng của chỗ đứng trung tâm của Chúa Kitô, hiến chế mục vụ "Vui Mừng và Hy Vọng" giải thích thân phận con người ngày nay, ơn gọi và phẩm giá con người, cũng như những lãnh vực của cuộc sống con người như: gia đình, văn hoá, kinh tế, chính trị, cộng đoàn quốc tế. Ðó là sứ mạng của Giáo Hội, hôm qua, hôm nay và mãi mãi: là rao giảng và làm chứng cho Chúa Kitô, ngõ hầu con người, mọi người, đều có thể thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình.

Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh, Ðấng được Thiên Chúa liên kết đặc biệt với vương quyền của Con Một Ngài, khẩn cầu cùng Chúa ban cho chúng ta ơn biết tiếp đón Chúa như là Chúa của cuộc đời chúng ta, để cộng tác cách trung thành vào việc làm cho Nước Chúa được ngự đến, Nước của tình thương, của sự công bằng và hoà bình.

 

Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh truyền tin và ban phép lành cho mọi người hiện diện và cho tất cả những ai hiệp ý nguyện kinh với ngài qua các phương tiện truyền thanh và truyền hình.

Sau phép lành, ÐTC còn ở lại bên cửa sổ nói vài lời chào chúc đặc biệt.

Bằng tiếng Tây Ban Nha, Ðức Thánh Cha gởi lời chào đặc biệt đến các giám mục Mêhicô, đến các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân tại tổng giáo phận Guadalajara, đã tham dự vào lễ phong chân phước cho các vị tử đạo Mêhicô, đã can đảm chọn cái chết để bênh vực cho đức tin kitô, và như thế trở nên mẫu gương thường xuyên và sự khích lệ cho tất cả chúng ta để làm chứng cho đức tin trong xã hội hôm nay. Ðược biết lễ phong chân phước này đã được cử hành tại giáo hội địa phương bên Mêhicô, vào cùng Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua, ngày 20 tháng 11 năm 2005.

Sau đó, bằng tiếng Ý, ÐTC nhắc đến Lễ Ðức Mẹ Dâng Mình vào đền thánh, thứ Hai 21 tháng 11 năm 2005, và cũng là ngày cầu nguyện cho các Cộng Ðoàn Ðan Viện sống đời chiêm niệm. ÐTC đã nói như sau: "Nhân danh toàn thể Giáo Hội, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những ai tận hiến đời mình cho việc cầu nguyện ẩn trong cuộc sống bình thường tại Nazareth kín "trong bốn bức tường" (nội cấm), và như thế làm chứng cách hùng hồn cho chỗ đứng thứ nhất của Thiên Chúa và của Nước Chúa trên tất cả mọi sự. Tôi khuyến khích tất cả mọi thành phần Dân Chúa hãy tỏ ra gần gủi với những ai tận hiến sống đời đan viện, qua sự nâng đỡ tinh thần và vật chất.

Bằng tiếng Pháp, ÐTC nhắc rằng Chúa Nhật 20 tháng 11 năm 2005, là ngày dành cho các nạn nhân của các tai nạn lưu thông trên đường. ÐTC nói ngài phó thác những kẻ bị thiệt mạng vì tai nạn lưu thông cho tình thương của Chúa và kêu gọi tất cả mọi người sử dụng xe hãy có tinh thần trách nhiệm và thận trọng, để cộng tác với các thẩm quyền dân sự trong việc phòng chống các tai nạn lưu thông và giảm bớt con số các nạn nhân.

Bằng tiếng Anh, ÐTC cầu chúc cho các tín hữu hành hương đến Roma được Chúa Kitô Vua chúc lành để sống trong niềm vui và sự bình an.

Cuối cùng, bằng tiếng BaLan, ÐTC chào chúc các tín hữu BaLan hiện diện và nhắc rằng trong ngày Lễ Kính Chúa Kitô Vua, lời cầu nguyện vang lên: Nguyện Xin Nước Chúa ngự đến. ÐTC nói: "Ước gì Chúa Kitô ngự trị trong tâm hồn anh chị em, trong gia đình và quê huơng anh chị em. Xin Chúa Kitô chúc lành cho anh chị em."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page