ÐTGM Roland Minnerath, Thư Ký đặc biệt

của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục

nhận định về THÐGM Thế Giới

về Bí Tích Thánh Thể

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Tổng Giám Mục Roland Minnerath, Thư Ký đặc biệt của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nhận định về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Bí Tích Thánh Thể.

(Radio Veritas Asia 22/10/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Theo chương trình, thì trong hai ngày cuối cùng của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể, tức thứ Sáu 21 tháng 10 và thứ Bảy 22 tháng 10 năm 2005, các nghị phụ sẽ họp 4 Phiên Họp Chung, tức 2 phiên họp chung sáng và chiều thứ Sáu 21 tháng 10 năm 2005, và 2 phiên họp chung vào sáng và chiều thứ Bảy 22 tháng 10 năm 2005, để thảo luận, trình bày, và bỏ phiếu hai văn bản trình bày kết quả của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

- Văn bản thứ nhất là Sứ Ðiệp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục gởi Dân Chúa.

- Văn Bản thứ hai là Bản Những Ðề Nghị để trình lên Ðức Thánh Cha.

Theo truyền thống từ trước đến nay, thì Sứ Ðiệp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục gởi Dân Chúa sẽ được công bố vào lúc kết thúc Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Còn Bản Những Ðề Nghị của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thì chỉ đệ trình lên Ðức Thánh Cha, để ngài soạn một tông huấn, gọi là Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục, chính thức trình bày kết quả của Khoá Họp cho toàn thể giáo hội.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của hãng thông tấn công giáo Thụy Sĩ, (Apic, ngày 19 tháng 10 năm 2005), thì Bản Những Ðề Nghị của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục cũng sẽ được công bố cho Dân Chúa, vào thứ Bảy ngày 22 tháng 10 năm 2005, ngày họp cuối cùng, trước khi bế mạc với Thánh Lễ vào lúc 10 giờ sáng ngày Chúa Nhật 23 tháng 10 năm 2005.

Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Roland Minnerath, Thư Ký đặc biệt của Khoá Họp, về vài điểm liên quan đến khoá họp lần thứ XI Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

Hỏi 1: Thưa Ðức Cha, xin Ðức Cha cho biết vài nhận định riêng của đức cha về Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục lần này?

Ðáp: Riêng cá nhân tôi, tôi đã nhận được nhiều điều từ khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, từ tiến trình chuẩn bị Khoá Họp trong vòng một năm qua, để hiểu được cách sâu xa hơn về mầu nhiệm Thánh Thể và về chỗ đứng của mầu nhiệm Thánh Thể giữa lòng đời sống của người kitô cũng như trong sinh họat của Giáo Hội. Ðối với tôi, đây thật sự là một khám phá lại Bí Tích Thánh Thể, vừa là một sự kinh ngạc. Bí Tích Thánh Thể thời nào cũng vậy, luôn luôn có khả năng làm cho chúng ta kinh ngạc. Bí Tích Thánh Thể không bao giờ bị khô cạn.

Hỏi 2: Thưa Ðức Cha, các đề nghị của khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục sẽ được công bố hay không?

Ðáp: Tôi nghĩ là... Tôi biết rằng bản văn bằng tiếng Ý. Những Ðề Nghị, sẽ được công bố, ngay từ thứ Bảy này (22/10/2005). Ðây là một điều mới mẻ. Luôn luôn có những tin tức bị nói ra trước. Bản 50 Ðề Nghị cũng bị nói ra trước, mặc dù phải giữ tính cách bí mật của các đề nghị. Ðây là điều không hay lắm. Hiện tại, đây mới là một bản văn tạm thời, cần được các nghị phụ bàn thảo thêm.

Hỏi 3: Xin Ðức Cha vui lòng cho biết những kết luận thực hành của Khoá Họp này?

Ðáp: Những kết luận thực hành đã được đưa ra trên bình diện cử hành bí tích Thánh Thể và bình diện giảng dạy giáo lý. Việc cử hành Thánh Thể không phải là một cuộc tập hợp thông thường. Cần phải tôn trọng khía cạnh phẩm chất, phẩm chất của lối kiến trúc tại điạ phuơng, phẩm chất của những bài hát, những bài đọc, phẩm chất của bài giảng. Nếu tất cả mọi chi tiết cử hành không giúp ta bước vào trong mầu nhiệm, thì bấy giờ chúng ta bị đứng ngoài. Chỉ có cái đẹp mới thu hút. Tất cả mọi người đều hiểu điều nầy, trong thế giới của "ngôn ngữ nhìn". Không thể nào có chỗ cho việc "ứng tác tại chỗ" không chuẩn bị trước. Người ta không thể thay đổi các từ, không thể thay đổi các bài đọc; bài giảng không phải là bài diễn văn chính trị hay là một bài thuyết trình trí thức. Liên quan đến việc giảng dạy giáo lý, người ta nên làm nổi bật mối liên kết giữa ba bí tích khai tâm kitô, là rửa tội, thêm sức và thánh thể. Các nghị phụ giáo chủ đông phương đã nhắc chúng ta nhớ rằng, nơi giáo hội của các ngài, các trẻ nhỏ lãnh nhận cả ba bí tích khai tâm liên tiếp nhau trong cùng một ngày. Có lẽ nên lấy lại thứ tự ban các bí tích như ở các giáo hội đông phuơng. Chúng ta đã đặt vấn đề về việc ban bí tích thêm sức trễ lại, vào hạng tuổi lớn hơn.

Hỏi 4: Thưa Ðức Cha, người ta có thể chờ đợi những văn kiện mới từ các Bộ ở giáo triều Roma, sau khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục này, hay không?

Ðáp: Các nghị phụ đã thường phát biểu rằng ý tưởng nầy hay ý tưởng kia của các ngài, có thể là đề tài của một văn kiện mới nầy nọ. Nhưng thật sự đã có nhiều văn kiện rồi. Tôi thích thái độ phản ứng của Ðức Bênêđitô XVI trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình BaLan, hôm ngày 16 tháng 10 (năm2005). Ngài đã nói rằng ngài dự định sẽ công bố ít văn kiện hơn. Trước hết, nên thực hành tất cả những văn kiện đã được công bố và có liên quan đến những vấn đề vừa nêu trên.

Tuy nhiên tôi không nghĩ là Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, sẽ bỏ đi truyền thống công bố một tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục. Nhưng hình thức của văn kiện mà Ðức Thánh Cha sẽ công bố, có thể khác với những văn kiện trước. Ðức Thánh Cha có cách thức riêng của ngài.

Hỏi 5: Thưa Ðức Cha, có những điểm nào mà Khoá Họp đã không nhắc đến hay không?

Ðáp: Tôi đã rất lấy làm lạ, chức phó tế dường như đã không bao giờ được nhắc đến trong các bài phát biểu ý kiến. Thừa tác viên của bí tích Thánh Thể là linh mục, và thầy phó tế không thể thay thế cho linh mục. Còn có một điểm khác không được nhắc đến. Ðó là mối tuơng quan giữa các tu sĩ và bí tích Thánh Thể. Có hàng trăm dòng tu, nhất là dòng tu nữ, mà đặc sủng chính là việc tôn thờ Thánh Thể.

Hỏi 6: Thưa đức cha, có cần những thay đổi nào cho cơ cấu Thượng Hội Ðồng Giám Mục hay không?

Ðáp: Cho tới nay, đã không thấy có yêu cầu thay đổi sâu xa nào về thể thức làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Tinh thần đoàn thể tính hiện diện nơi đó. Thượng Hội Ðồng Giám Mục là cơ quan để góp ý, để tham khảo ý kiến. Không ai chống lại điều nầy cả. Tuy nhiên, thể thức thực hành khoá họp có thể sẽ được canh tân, để làm tốt hơn. Tôi nghĩ là có vài yếu tố hơi nặng nề. Chẳng hạn như tiếng latinh, được dùng làm ngôn ngữ chính trong khoá họp, làm cho vài nghị phụ cảm thấy không thoải mái.

Tuy nhiên, nếu trước đây đã bỏ đi tiếng Latinh, thì có lẽ người ta bị mất đi sự chính xác, nhất là khi dùng các từ diễn tả giáo lý. Việc rút ngắn thời gian từ bốn tuần còn ba tuần họp, là điều đã được các nghị phụ đánh giá cao. Tuy nhiên có một bất tiện nhỏ, đó là thời gian để suy tư bị giảm bớt. Theo ý tôi, chủ đề của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục cần thật rõ và gọn, và mang đến điều mới trong sinh hoạt của giáo hội. Trong Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục này, có những điều mới mẻ, nhưng lại nằm rải rác đây đó.

Hỏi 7: Thưa Ðức Cha, Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám mục này là kết luận của triều giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II hay là điểm mở đầu của một giai đọan mới?

Ðáp: Chúng tôi đã nhắc nhớ nhiều đến Ðức Gioan Phaolô II, là Vị đã muốn có Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể. Có lẽ đây là kết thúc triều giáo hoàng của ngài. Tuy nhiên, Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục cũng nằm trong ý muốn đã được Ðức Bênêđitô XVI nói lên. Ngài muốn là vị giáo hoàng của sự liên tục. Thượng Hội Ðồng Giám Mục này là thí dụ cho sự liên tục giữa hai triều giáo hoàng.

Hỏi 8: Thưa Ðức Cha, Ðức Bênêđitô XVI, có ghi dấu gì vào Khoá Họp Thựơng Hội Ðồng Giám Mục này, hay không?

Ðáp: Ðức Thánh Cha hầu như mỗi ngày đều đến tham dự phần thảo luận tự do. Chính ngài cũng đã phát biểu trong phần thảo luận tự do nầy. Ðức Bênêđitô XVI là con người của việc giảng dạy. Ðiều biểu lộ con người ngài nhiều nhất --- và vị tiền nhiệm của ngài có lẽ sẽ không làm như vậy đâu --- là việc ngài giải thích kinh thánh trong giờ Kinh Phụng Vụ, bắt đầu khoá họp vào sáng thứ Hai mùng 3 tháng 10 (năm 2005). Lúc đó, Ðức Thánh Cha cầm theo cuốn Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp. Không có bản văn viết ra sẵn, Ðức Thánh Cha đã trình bày cho các nghị phụ chúng tôi về vài điểm có tính cách thần học và luân lý. Ðó là điều đã làm chúng tôi ngạc nhiên thật. Ngài là giáo sư - chủ chăn (hay chủ chăn - giáo sư). Ðó là cách thức riêng của thần học gia Ratzinger!

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page