Sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II
cho ngày thế giới Truyền Giáo 2005
"Sứ Mạng Truyền Giáo:
Bánh Bẻ ra cho sự sống của thế gian"
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Truyền Giáo Năm 2005.
(Radio Veritas Asia - 20/10/2005) - Sứ Ðiệp Truyền Giáo năm 2005, đã được Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22 tháng 2 năm 2005, tức khoảng không đầy hai tháng truớc khi băng hà. Ngày 22 tháng 2 là ngày Giáo Hội mừng lễ kính Toà Thánh Phêrô, một ngày có ý nghĩa để công bố Sứ Ðiệp cho Ngày Quốc Tế Truyền Giáo trong toàn thể giáo hội. Như thế chúng ta có thể xem đây như là một trong những lời tâm huyết của người sắp ra đi để lại cho giáo hội, giải thích về Sứ Mạng Truyền Giáo của Giáo Hội. Liên tiếp trong hai năm cuối đời ngài, tức năm 2004, năm khai mạc Năm Thánh Thể, và năm 2005, năm kết thúc Năm Thánh Thể, Ðức Gioan Phaolô II đã chọn chủ đề có liên hệ đến bí tích Thánh Thể cho Sứ Ðiệp Truyền Giáo của ngài. Chủ đề của Sứ Ðiệp Truyền Giáo năm 2004 là: "Thánh Thể và Truyền Giáo". Và Chủ đề của sứ điệp truyền giáo năm 2005 là:
"Sứ Mạng Truyền Giáo: Bánh Bẻ ra cho sự sống của thế gian"
Công thức nầy có thể được hiểu như sau: Thi hành sứ mạng truyền giáo, Giáo Hội nói chung, và các nhà truyền giáo nói riêng, cần trở nên như "Bánh Ðược Bẻ Ra" để mang lại sự sống cho thế gian. Nội dung của chủ đề này kéo theo nhiều hệ luận quan trọng trong đời sống của giáo hội cũng như của nhà truyền giáo. Chúng ta hãy lắng nghe Sứ Ðiệp của Ðức Gioan Phaolô II cho ngày Quốc tế Truyền Giáo, được cử hành vào Chúa Nhật 23 tháng 10 năm 2005, như sau:
Anh chị em rất thân mến,
1. Ngày Quốc Tế Truyền Giáo năm nay (2005) được dành cho Bí Tích Thánh Thể, giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa thánh thể của cuộc đời chúng ta, nhờ sống lại bầu khí "Phòng Tiệc Ly", khi Chúa Giêsu, vào đêm tối trước khi chịu nạn, đã trao ban chính mình cho thế gian. Thư thứ I Corintô (I Co 11,23-24) đã ghi lại như sau: "Trong đêm Người bị nộp, Chúa cầm lấy bánh và sau khi nói lời cảm tạ, Người bẻ bánh ra và nói: Ðây là Mình Ta, trao hiến cho các con; hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta."
Trong tông thư mới đây "Mane Nobiscum Domine" (Lạy Chúa, xin hãy ở lạy với chúng con), Tôi đã mời gọi hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu "bánh đuợc bẻ ra" để phân phát cho toàn thể nhân lọai. Theo gương Chúa, cả chúng ta đây cũng vậy, chúng ta phải hiến mạng sống mình cho anh chị em, nhất là cho những ai nghèo cùng nhất. Bí Tích Thánh Thể có mang "dấu chỉ của sự phổ quát", và một cách bí tích loan báo trước việc sẽ xảy ra, "khi tất cả mọi người, sau khi đã đuợc tái sinh trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, cùng phản chiếu vinh quang Thiên Chúa và thốt lên : "Lạy Cha chúng con..." (Ad gentes, số 7). Như thế, Bí Tích Thánh Thể, khi giúp ta hiểu trọn vẹn ý nghĩa của sứ mạng truyền giáo, thì thôi thúc mỗi tín hữu và nhất là những nhà truyền giáo trở thành "bánh được bẻ ra để cho thế gian được sống".
Nhân loại cần đến Chúa Kitô, Bánh được bẻ ra.
2. Trong thời đại chúng ta, xã hội con người xem ra bị bao bọc bởi những bóng tối dày đặc, vừa đồng thời bị đánh động bởi những biến cố bi thảm và bị chao đảo bởi những thiên tai nặng nề. Nhưng, như "trong đêm Chúa bị nộp" (1Co 11,23), cả ngày hôm nay nữa, Chúa Giêsu "bẻ bánh" phân phát cho chúng ta (x. Mt 26,26), và trong những cử hành Thánh Thể, Chúa trao ban chính mình dưới dấu chỉ bí tích của tình yêu Người cho tất cả chúng ta. Vì thế, tôi đã muốn nhắc lại rằng "Bí Tích Thánh Thể không chỉ là dấu biểu lộ sự hiệp thông trong sinh họat của Giáo Hội, mà còn là dự án của tình liên đới đối với toàn thể nhân loại" (Tông thư Mane Nobiscum Domine, số 27); Bí Tích Thánh Thể là "bánh từ trời" ban sự sống đời đời (x. Gn 6,23) vừa mở rộng con tim con người đón nhận niềm hy vọng to lớn.
Chính Ðấng cứu chuộc, khi đứng trước đoàn người lâm cảnh cần được trợ giúp, đã cảm thấy xúc động thương tâm, "bởi vì họ đã mệt mỏi và tận kiệt, như những con chiên không người chăn" (Mt 9, 36); Chính Chúa hiện diện trong bí tíchThánh Thể tiếp tục thể hiện qua các thế kỷ lòng thương cảm thông đối với nhân lọai nghèo cùng và đau khổ.
Và chính nhân danh Chúa mà những tác viên mục vụ và các nhà truyền giáo đi khắp các nẻo đường chưa ai đi qua, để mang đến cho tất cả "bánh" ban ơn cứu rỗi. Các ngài được thôi thúc bởi ý thức rằng nhờ kết hiệp với Chúa Kitô, "trung tâm không những của lịch sử Giáo Hội mà còn là trung tâm của lịch sử nhân lọai (x. Eph 1,10; Col 1, 15-20) (tông thư Mane nobiscum Domine, số 6), mà những chờ đợi thâm sâu nhất của con tim con người được thoã mãn. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể dập tắt nơi con người cơn đói tình thương và cơn khát sự công bằng; chỉ mình Chúa mới có thể làm cho mỗi người được tham dự vào sự sống đời đời: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời." (Gn 6,51).
Cùng với Chúa Kitô, Giáo Hội trở nên "Bánh được Bẻ ra".
3. Khi cử hành bí tích ThánhThể, nhất là vào Chúa Nhật, ngày của Chúa, cộng đoàn giáo hội cảm nghiệm theo ánh sáng đức tin giá trị của việc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh, và có ý thức hơn rằng hy tế Thánh Thể là "cho tất cả mọi người" (Mt 26,28). Nếu ai được nuôi sống bằng Mình và Máu Thánh Chúa, Ðấng đã chịu đóng đinh chết và đã sống lại, thì người đó không thể chỉ giữ lại "hồng ân" đó cho riêng mình. Ngược lại, cần phải phân phát hồng ân đó. Tình thương say mê đối với Chúa Kitô dẫn đến việc can đảm loan báo Chúa Kitô; cùng với việc tử đạo, việc loan báo này trở thành việc dâng hiến tột cùng vì tình yêu đối với Thiên Chúa và anh chị em. Bí Tích Thánh Thể thôi thúc ta đến việc quảng đại rao giảng Phúc âm và đến việc dấn thân thật sự để xây dựng một xã hội công bằng hơn và huynh đệ hơn. Tôi hết lòng ước mong cho Năm Thánh Thể thôi thúc tất cả mọi cộng đoàn kitô ra đi, đến gặp "bất cứ sự nghèo cùng nào trong muôn vàn sự nghèo cùng của thế giới chúng ta bằng hành động thể hiện tình huynh đệ" (tông thư Mane nobiscum Domine, 28). Chúng ta làm điều này, bởi vì "do bởi tình yêu thuơng lẫn nhau, và nhất là do sự chăm sóc cho những ai đang cần đến, chúng ta sẽ được nhìn nhận như là những đồ đệ đích thật của Chúa Kitô (x. Gn 13,35; Mt 25,31-46). Và đó là tiêu chuẩn để minh chứng tính cách đích thật của những cử hành thánh thể của chúng ta" (tông thư Mane nobiscum Domine, số 28).
Những nhà truyền giáo là "bánh được bẻ ra" để cho thế gian được sống.
4. Cả ngày hôm nay, Chúa Kitô ra lệnh cho các đồ đệ của Người như sau: "Chính chúng con hãy cho các người này ăn" (Mt 14,16). Nhân danh Chúa, các nhà truyền giáo đi đến biết bao nơi trên thế giới để rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Bằng việc làm, các ngài làm vang lên những lời của Ðấng cứu thế như sau: "Ta là bánh hằng sống; ai đến với Ta, sẽ không còn bị đói nữa; và ai tin vào Ta sẽ không còn bị khát nữa" (Gn 6,35); chính các nhà truyền giáo trở thành "bánh được bẻ ra" cho anh chị em, và cả đôi khi phải hy sinh chính mạng sống mình.
Ðã có biết bao nhà truyền giáo tử đạo trong thời đại chúng ta rồi! Gương sống của các ngài đã lôi cuốn biết bao người trẻ trên con đường sống trung thành một cách anh hùng với Chúa Kitô! Giáo Hội cần đến những con người nam nữ, sẵn sàng tận hiến hoàn toàn chính mình, cho công cuộc cao cả của Tin Mừng.
Ngày Quốc Tế Truyền Giáo là dịp thuận tiện để ý thức về sự cần thiết khẩn trương phải tham dự vào sứ mạng rao giảng Phúc Âm trong đó có sự dấn thân của những cộng đoàn địa phương và của nhiều tổ chức của Giáo Hội và một cách đặc biệt của Những Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo và những Tu Hội Truyền Giáo. Công việc Truyền Giáo đang cần một sự nâng đỡ cụ thể trên bình diện vật chất, ngoài lời cầu nguyện và việc hy sinh. Một lần nữa, tôi dùng dịp này để làm sáng tỏ việc phục vụ quý giá mà các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đang làm, và tôi mời gọi tất cả mọi người hãy nâng đỡ bằng sự cộng tác quãng đại trên bình diện thiêng liêng và vật chất.
Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa, giúp chúng ta sống lại kinh nghiệm nơi "Phòng Tiệc Ly", ngõ hầu những cộng đoàn giáo hội của chúng ta được trở nên thật sự "công giáo"; nghĩa là trở nên những cộng đoàn trong đó "tinh thần tu đức truyền giáo", --- một tu đức được xác định như là "sự kết hiệp sâu xa với Chúa Kitô" (thông điệp Redemptoris Missio, số 88), --- (trong đó tinh thần tu đức truyền giáo) được đặt trong tương quan chặt chẽ với "tinh thần tu đức thánh thể", mà mẫu gương là Mẹ Maria, Người Nữ Thánh Thể" (Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 53); đó là những cộng đoàn luôn mở rộng đón nhận tiếng nói của Chúa Thánh Thần và mở rộng đón nhận những nhu cầu của nhân loại, những cộng đoàn trong đó các tín hữu, và nhất là những nhà truyền giáo, không do dự biến mình trở thành "bánh được bẻ ra cho thế gian được sống".
Tôi xin ban phép lành cho tất cả.
Từ Ðiện Vatican, ngày 22 tháng 2 năm 2005, ngày lễ kính Toà của Thánh Phêrô,
(ấn ký)
Gioan Phaolô II, giáo hoàng
(Bản Dịch Việt Ngữ của Ðặng Thế Dũng)