Bài Thuyết Trình Tổng Kết

của Ðức Hồng Y Angelô Scola

tổng tường trình viên của Khoá Họp

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường Thuật Phiên Họp chung thứ 16 vào chiều ngày thứ Tư 12 tháng 10 năm 2005 của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Bí Tích Thánh Thể: Bài Thuyết Trình Tổng Kết của Ðức Hồng Y Scola, tổng tường trình viên của Khoá Họp.

(Radio Veritas Asia - 14/10/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Thứ Năm ngày 13 tháng 10 năm 2005, Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục tại Roma bước sang giai đoạn mới, là giai đoạn họp theo nhóm nhỏ, trong gần hai ngày: tức trọn một ngày thứ Năm (13/10/2005) và buổi sáng thứ Sáu (14/10/2005), để thảo luận theo từng nhóm ngôn ngữ, và chuẩn bị cho Những Ðề Nghị để trình lên Ðức Thánh Cha. Chiều thứ Sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2005, các nghị phụ sẽ họp chung lại --- (tức phiên họp chung thứ 17) --- để nghe phúc trình của các nhóm nhỏ.

Bài thời sự hôm nay xin kể lại phiên họp chung thứ 16, vào chiều thứ Tư ngày 12 tháng 10 năm 2005, dưới sự chủ toạ của Ðức Hồng Y Telesphoro Placidus Toppo, Tổng Giám Mục Ranchi, Ấn Ðộ, chủ tịch thừa ủy theo phiên của khoá họp.

Phiên họp nầy có ba phần chính: phần phát biểu ý kiến của các dự thính viên nam nữ, phần phát biểu ý kiến của các nghị phụ, và phần nghe Bài Thuyết Trình Tổng Kết của Ðức Hồng Y Scola, tổng tường trình viên của Khoá Họp. Ðã có 239 nghị phụ có mặt. Ðã có 19 dự thính viên nam nữ phát biểu ý kiến.

Bài Phát Biểu Tổng Kết của Ðức Hồng Y Angêlô Scola, dài và bằng tiếng Latinh. Trong mục thời sự hôm nay, chúng tôi xin được tóm những điểm nội dung chính của bài này mà thôi.

Trước hết, Ðức Hồng Y nhắc đến việc Ðức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã muốn dành Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục này cho bí tích Thánh Thể, và nhắc đến bài suy niệm đặc biệt của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, vào lúc bắt đầu phiên họp chung đầu tiên, vào sáng ngày thứ Hai, mùng 3 tháng 10 năm 2005. Ðức Hồng Y ghi nhận bầu khí trao đổi trong các Phiên Họp vừa qua là thân thiện và đầy tinh thần đoàn thể tính, tinh thần tự do và sự chân thành trong các lời phát biểu.

Ðức Hồng Y cho rằng tất cả các nghị phụ trong phiên họp là tác giả thật của bài thuyết trình tổng kết nầy, chớ không phải là chính ngài. Ngài chỉ là kẻ gom kết lại các bài phát biểu của các nghị phụ mà thôi. Bài thuyết trình tổng kết gồm có hai phần chính:

- Phần thứ I nói về việc giáo huấn Dân Chúa sống đức tin về Bí Tích Thánh Thể, và gồm có 5 chương như sau:

Chương thứ I nhận định rằng các phát biểu của các nghị phụ làm sáng tỏ những khó khăn khách quan mà Dân Chúa gặp phải trong hoàn cảnh ngày nay, khi tin vào Bí Tích Thánh Thể, vừa đồng thời nhấn mạnh những trách nhiệm trầm trọng của các vị chủ chăn trong công việc rao giảng và tái rao giảng Phúc âm.

Khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã thực hiện một điều hết sức mới mẻ. Chúa đã thực hiện trọn vẹn nơi chính mình Ngài giao uớc mới và vĩnh viễn. Ðiều mới mẻ này đòi hỏi được giáo hội lắng nghe và gìn giữ như là một hồng ân hết sức quý báu và không thể thay thế được.

Chương II trình bày những đặc điểm nội dung thiết yếu của mầu nhiệm cao cả này, và do đó cần huấn luyện các tín hữu có một đức tin toàn diện vào bí tích ThánhThể.

Chương III nhấn mạnh đến tương quan giữa bí tích Thánh Thể và các bí tích khác.

Chương thứ IV nói về Bí Tích Thánh Thể và Dân Tư Tế. Các tín hữu họp nhau trong bí tích Thánh Thể, khám phá ra thực tại họ thuộc về giáo hội.

Và chương V tổng kết phát biểu của các nghị phụ có liên hệ đến đề tài: Bí Tích Thánh Thể và công việc Truyền Giáo. Giáo Hội, để thật sự là truyền giáo, thì phải thật sự là Thánh Thể.

- Phần thứ II của Bài Thuyết Trình Tổng Kết nói về "Việc Cử Hành Bí Tích Thánh Thể" và gồm có 4 chương:

Nơi chương thứ I, Ðức Hồng Y Scola nhận định rằng nhiều nghị phụ đã nhắc lại với lòng biết ơn ảnh hưởng tốt của công cuộc canh tân phụng vụ từ thời Công Ðồng Vaticanô II trên sinh họat của Giáo Hội, nhờ qua sự phong phú của Sách Lễ Roma và sự quan tâm nhiều hơn đối với nghệ thuật cử hành (ars celebrandi).

Chương thứ II nói về cơ cấu của việc cử hành phụng vụ.

Chương thứ III nói về "nghệ thuật cử hành, ars celebrandi".

Chương thứ IV nói về việc tham dự tích cực vào việc cử hành bí tích Thánh Thể.

Trước khi kết thúc bài Thuyết Trình Tổng Quát, Ðức Hồng Y Scola, Tổng tường trình viên, đã đề ra 17 câu hỏi cho các nhóm nhỏ thảo luận tiếp. Chúng ta hãy đọc qua 17 câu hỏi đó như sau:

1. Làm sao huấn luyện Dân Kitô sống Ðức Tin vào Bí Tích Thánh Thể, nhất là trên bình diện rao truyền, giảng dạy, và làm chứng, trong khung cảnh của sự toàn cầu hoá và trần tục hoá? Làm sao bảo đảm cho có sự trình bày toàn diện về tất cả mọi chiều kích của bí tích Thánh Thể (mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, hy tế, sự hiện diện thật, việc tưởng niệm giao uớc mới, bữa tiệc và sự hiệp thông, hồng ân Chúa Thánh Thần, thần học về cánh chung, sự mới mẻ của việc phụng thờ kitô)?

2. Làm sao giúp cho Dân Kitô hiểu được mối dây liên kết nội tại giữa Bí Tích Thánh Thể và đời sống hằng ngày, giữa mầu nhiệm được cử hành và việc dâng hiến đời sống, trên bình diện cá nhân và xã hội, giữa đức tin được tuyên xưng và những thái độ sống (chiều kích nhân chủng học)?

3. Làm sao để đáp lại bổn phận khẩn thiết của mọi tín hữu phải dâng Thánh Lễ thường xuyên, cả trong những quốc gia thuộc vùng truyền giáo và bị thiếu linh mục? Có cơ cấu nào và cách thức nào dành cho các cộng đoàn cử hành phụng vụ ngày chúa nhật, trong khi chờ đợi có linh mục đến giúp?

4. Làm sao giúp Dân Kitô biết cổ võ việc tôn thờ Thánh Thể phát sinh từ việc cử hành phụng vụ và hướng về việc cử hành phụng vụ nầy?

5. Làm sao để cho bí tích Thánh Thể và khoa giáo hội học phát xuất từ đó, có thể trở nên nguyên tắc và hình thức, thể thực hiện những khía cạnh quan trọng của đời sống giáo hội.

6. Làm sao thực hiện trọn vẹn việc khai tâm kitô (rửa tội, thêm sức và rước lễ) cho các trẻ nhỏ, cho các người trẻ, và cho người lớn? Làm sao để diễn tả mối dây liên kết giữa bí tích Thánh Thể và Bí Tích Hoà Giải? Làm sao giúp cho các tín hữu sống con đường hoán cải mà bí tích Thánh Thể đòi hỏi?

7. Làm sao cổ võ một chương trình mục vụ đón nhận hiệp thông dành cho những ai sống trong hoàn cảnh bị ngăn trở không được lãnh nhận bí tích Hoà Giải và bí tích Thánh Thể? (những kẻ sống chung mà không có phép hôn phối, những người ly di rồi kết hôn lại với kẻ khác, những kẻ đã chịu bí tích Rửa tội nhưng chỉ kết hôn dân sự mà thôi)?

8. Làm sao huấn luyện các tín hữu về tính cách trung tâm của việc cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật? Ðâu là những con đường để huấn luyện thần học và phụng vụ (ars celebrandi) cách tương xứng cho các linh mục, các thầy phó tế, các tác viên của nhiều thừa tác vụ khác nhau?

9. Ðâu là những tiêu chuẩn để xếp đặt những cử hành bí tích Thánh Thể cho những nhóm nhỏ bên trong cộng đoàn giáo xứ rộng lớn hơn (chẳng hạn như thánh lễ cho các trẻ nhỏ, cho những người trẻ, cho những nhóm đặc biệt)?

10. Làm sao việc cử hành thánh thể có thể được sống thực nơi các bệnh nhân và những người cao niên? Một cách đặc biệt phải làm sao để những ai bị bệnh tâm thần tham dự vào Thánh Thể? Và đâu là những tiêu chuẩn để cho những người này được rước lễ?

11. Làm sao để những cử hành của chúng ta có thể cổ võ cách tốt đẹp hơn nơi các tín hữu một sự dấn thân truyền giáo trong mọi môi trường cuộc sống, nhờ qua chứng tá của họ? Làm sao huấn luyện tất cả mọi tín hữu về tương quan giữa Bí Tích Thánh Thể và sứ mạng truyền giáo ad gentes, cho người ngoài ?

12. Làm sao những cử hành của chúng ta có thể huấn luyện tinh thần trách nhiệm xã hội nơi các tín hữu, nhất là trong những lãnh vực của sự công bằng, tình liên đới, sự chia sẻ, hoà bình, sự hòa giải và sự tha thứ?

13. Cần phải gợi lên điều gì để huấn luyện dân kitô về chiều kích vũ trụ của bí tích Thánh Thể?

14. Làm sao huấn luyện dân kitô, để họ tham dự trọn vẹn, có ý thức, tích cực và phong phú hoa trái vào bí tích Thánh Thể? Làm sao tái huấn luyện dân kitô nơi những quốc gia vừa được rao giảng phúc âm, để họ ý thức về ý nghĩa của mầu nhiệm được cử hành? Cần dành cho việc giảng dạy về mầu nhiệm một chỗ đứng như thế nào?

15. Ðâu là những tiêu chuẩn chung và riêng, để sử dụng nghệ thuật và lối kiến trúc để phục vụ cho nét đẹp của phụng vụ?

16. Liệu có phải là việc hợp thời để duyệt lại vài khía cạnh của nghi thức Roma hay không? (chẳng hạn như nghi thức kết thúc thánh lễ, hãy ra về bình an)?

17. Ðâu là những tiêu chuẩn để hội nhập văn hoá trên bình diện phụng vụ một cách đúng cho mầu nhiệm thánh thể, để cổ võ cho việc tham dự tích cực của các tín hữu, trong những khung cảnh văn hoá khác nhau?

Ðó là 17 câu hỏi mà Ðức Hồng Y Angelo Scola, tổng tường trình viên của khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, trong bài thuyết trình thứ hai, đúc kết các ý kiến của các nghị phụ.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page