Phỏng vấn Ðức Hồng Y Angelo Scola

Tổng Tường Trình Viên của

Khoá Họp THÐ Giám Mục Thế Giới

vào tháng 10 năm 2005 tại Roma

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng vấn Ðức Hồng Y Angelo Scola, Tổng Tường Trình Viên của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới vào tháng 10 năm 2005 tại Roma.

(Radio Veritas Asia 7/10/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Nhiệm Vụ của Vị Tổng Tường Trình Viên của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục là thuyết trình hai lần về Ðề Tài của Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Một vào lúc khởi đầu Khóa Họp, để giải thích, gợi sáng cho đề tài của Khoá Họp, và Một vào lúc sắp kết thúc cuộc thảo luận của các nghị phụ, để tổng kết những ý kiến, giúp các nghị phụ đúc kết thành quả của Khoá Họp trong những đề nghị, để trình lên Ðức Thánh Cha.

Vị Tổng Tường Trình Viên của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục vào tháng 10 năm 2005 tại Roma, là Ðức Hồng Y Angelo Scola, giáo chủ Venezia, miền Bắc Italia. Ngài đã được Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm và được Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđitô XVI xác nhận. Sau đây kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Angelo Scola, do hãng tin công giáo Thụy Sĩ thực hiện và được phổ biến hôm thứ Năm mùng 6 tháng 10 năm 2005.


Ðức Hồng Y Angelo Scola, Tổng Tường Trình Viên của Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới vào tháng 10 năm 2005 tại Roma.

Ðức Hồng Y Angelo Scola, Thượng Phụ Thành Venice, sinh ngày 7/11/1941 tại Malgrate, Milan, Italia. Ngài được thụ phong linh mục ngày 18 tháng 7 năm 1970. Ngài có hai bằng Tiến Sĩ về Thần Học và Triết Học.

Ðức Hồng Y Angelo Scola đã từng theo học tại đại học Mỹ Châu tại Washington, DC, Hoa Kỳ. Ngoài tiếng Ý là tiếng mẹ đẻ, ngài nói tiếng Anh lưu loát và nhiều ngôn ngữ khác nữa. Ðức Hồng Y Angelo Scola đã tham gia tích cực vào phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng trước khi trở thành phụ tá nghiên cứu về Triết Học và Giáo Sư phụ giảng về Thần Học Luân Lý tại Ðại Học Fribourg. Năm 1982, ngài được bổ nhiệm là Giáo Sư Thần Học Nhân Văn tại Viện Nghiên Cứu Gioan Phaolô II về Hôn Nhân và Gia Ðình. Ngài cũng đã là Giáo Sư Kitô Học tại Ðại Học Giáo Hoàng Latêranô.


Hỏi : Thưa Ðức Hồng Y, đâu là những thách thức quan trọng mà Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặt ra cho toàn thể giáo hội?

Ðáp : Tôi nghĩ rằng thách thức quan trọng là làm cho dân kitô cũng như cho tất cả mọi người hiểu được tính cách mới mẽ tận căn của Bí Tích Thánh Thể. Thánh Thể là trung tâm của kinh nghiệm sống đời kitô, làm cho sự tự do của tôi, một sự tự do luôn nằm trong một hoàn cảnh lịch sử, có thể vươn đến Thiên Chúa Tình Yêu.

Cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, qua bí tích Thánh Thể, trở nên "đồng thời" với sự tự do của mỗi người, bất luận thuộc về nền văn hoá nào. Bí Tích Thánh Thể là nơi gặp gỡ giữa sự tự do của Thiên Chúa và sự tự do của con người; và nghi thức cử hành Thánh Thể là mối dây liên kết chặt chẽ giữa Ðức Tin và Tôn giáo. Tôi không biết cử hành nào khác có sức mạnh tác động mạnh mẽ như thế.

Hỏi : Thưa Ðức Hồng Y, Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã đặt vấn đề về sự đánh mất yếu tố thánh thiêng. Thử hỏi điều nầy có phải là một phản ứng đối với phong trào cực đoan tôn giáo?

Ðáp : Tôi có lập trường ngược lại, và cho rằng chúng ta đang đối diện với sự phổ biến của một sự "thánh thiêng rừng rú". Hiện tượng "cực đoan tôn giáo" là mặt khác của tiến trình trần tục hoá. Trong thập niên 70, các tiên tri của hiện tượng trần tục hoá đã thường loan báo sự biến mất của tôn giáo và của điều thánh thiêng.

Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Nguời ta nhìn thấy khắp nơi có sự bùng nổ các giáo phái. Giáo Hội Công Giáo như thế cần trình bày chiều kích đích thực của điều "Thiêng Thánh". Nếu người ta để cho "sự thiêng thánh rừng rú" thống trị, thì có nguy cơ rất cao đi đến cực đoan tôn giáo; đó là để cho một ý thức hệ bám vào tôn giáo. Phong trào cực đoan tôn giáo không phải là chiều kích nội tại gắn liền với tôn giáo. Ðức Tin cần có thái độ ý thức phê phán đối với tôn giáo. Nếu không, người ta mở rộng cửa để đón nhận sự cực đoan tôn giáo. Khi vượt qua được những mâu thuẩn và những sai lầm của con người, Giáo Hội Công Giáo đã cổ võ sự khai sinh nền dân chủ có chất lượng tại Tây Phương, bằng cách cung cấp cho nền dân chủ nầy những nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt. Và như thế, người ta phải chấp nhập sự đóng góp của Kitô giáo.

Hỏi : Thưa Ðức Hồng Y, có cần canh tân thêm nữa Thượng Họäi Ðồng Giám Mục để củng cố đoàn thể tính trong giáo hội hay không?

Ðáp : Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã đưa vào một sự mới mẽ to lớn. Mỗi chiều, trước khi kết thúc phiên họp chung ban chiều, thì có dành ra một giờ để các nghị phụ trao đổi tự do. Quyết định nầy góp phần đào sâu đoàn thể tính. Thượng Hội Ðồng Giám Mục là một sự cụ thể hoá đoàn thể tính trong nội bộ giáo hội. Nhưng chúng ta cũng cần phải suy nghĩ về bản chất của việc "giao tiếp đối xử" giữa lòng giáo hội. Ðây không phải là việc đưa vào một cách máy móc những cơ chế và những thủ tục dân chủ. Cá nhân tôi, tôi không thấy sự mới mẽ nào trong việc đưa những thủ tục của nền dân chủ đời thường vào trong nội bộ giáo hội. Cần phải tôn trọng bản chất hiệp thông của giáo hội vừa nghĩ đến những phương thế khác để thực hiện cuộc "giao tiếp trao đổi".

Về việc không thể nhận người nữ vào chức linh mục thừa tác, nhà nhân loại học người Anh, bà Mary Douglas đã mời chúng ta suy tư về mối dây liên kết giữa mầu nhiệm hôn ước và việc thực thi quyền bính trong giáo hội. Tôi xác tín rằng có một cái gì mới, nếu nhìn theo viễn tượng nầy, cả trong vấn đề nói về trách nhiệm của người nữ trong giáo hội.

Hỏi : Thưa Ðức Hồng Y, đâu là những giải pháp mà Thượng Hội Ðồng Giám Mục có thể đề ra cho vấn đề những người ly dị rồi tái kết hôn với người khác, được rước lễ, hay không?

Ðáp : Chúng ta nên đặt vấn đề về Ðức Tin chớ không phải là một vấn đề về quy định xã hội. Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội đã nói rõ về vấn đề này. Thượng Hội Ðồng Giám Mục sẽ nói về vần đề với hết lòng chân thành. Những ai rơi vào trong hoàn cảnh ly dị rồi tái kết hôn với người khác", vẫn còn là thành phần của giáo hội, mặc dù không được rước lễ. Ðây không phải là một "sự khống chế" mà giáo hội áp đặt trên những người đó, nhưng là một hành động chọn lựa mà những người đó quyết định lấy. Theo ý kiến riêng tôi, xét vì bí tích hôn phối là một chọn lựa khách quan và công khai, nên việc xác định về tính cách không thành sự của bí tích hôn phối chỉ thuộc thẩm quyền của các toà án của giáo hội mà thôi. Tuy nhiên, cần phải sử dụng các biện pháp một cách có tính cách mục vụ hơn. Ðây còn rất nhiều điều cần phải nghiên cứu thêm.

Hỏi : Thưa Ðức Hồng Y, việc phong chức linh mục cho những người đã lập gia đình có thể là một giải pháp cho vấn đề giảm thiểu ơn kêu gọi linh mục hay không?

Ðáp : Trong Giáo Hội Công Giáo latinh, chức tư tế thừa tác --- (chức linh mục thừa tác) --- luôn liên kết với đời độc thân. Giáo Hội không phải là mọät công ty kinh doanh cần có đủ số nhân viên lãnh đạo. Xét theo viễn tượng của hồng ân, thì quả thật là khó để quyết định về con số cần thiết phải có bao nhiêu linh mục mới gọi là đủ. Ðây có một điều cần làm: đó là các giám mục cần suy nghĩ về việc phân phối hàng giáo sĩ một cách tốt hơn. Cuối cùng, người ta không nên đánh giá thấp những thủ tục đã có thời xa xưa, chẳng hạn như việc phong chức linh mục thừa tác cho những đan sĩ, những tu sĩ và những ai sống đời tận hiến.

 

(Ðặng Thế Dũng chuyển dịch)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page