Những phản ứng của Nhà Nước Trung Quốc
đối với việc ÐTC mời 4 giám mục Trung Quốc
tham dự khoá họp THÐGM Thế Giới
vào tháng 10 năm 2005
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những phản ứng chính thức của Nhà Nước Trung Quốc đối với việc Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI mời 4 vị giám mục Trung Quốc tham dự khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới vào tháng 10 năm 2005.
Tin Trung Quốc (Apic 12/09/2005) - Nhà Nước Trung Quốc, qua hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã, đã lên tiếng tố cáo Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI là "thiếu tôn trọng những người công giáo trung quốc".
Ðược biết hôm thứ Năm, mùng 8 tháng 9 năm 2005, Ðức Bênêđitô XVI đã công bố danh sách 36 vị Hồng Y và Giám Mục, được ngài mời tham dự Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục vào tháng 10 năm 2005.
Trong sách danh sách 36 vị nầy, có 4 vị giám mục Trung Quốc, mà theo tin của hãng thông tấn công giáo Thụy Sĩ, có 2 vị thuộc giáo hội hầm trú và hai vị thuộc giáo hội chính thức. Bình luận về biến cố này, Hãng Tin Á Châu nói rằng việc Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI mời 2 vị giám mục thuộc giáo hội hầm trú và 2 vị giám mục thuộc giáo hội chính thức do Nhà Nước kiểm soát, (việc mời này) là một dấu hiệu cho biết rằng Toà Thánh nhìn về hai "tổ chức" của Giáo Hội tại Trung Quốc --- (giáo hội thầm lặng và giáo hội chính thức) --- như là một Giáo Hội Công Giáo duy nhất tại Trung Quốc.
Trong khi đó, thì Hội Các Giám Mục Công Giáo Trung Quốc và Hội Những Người Công Giáo Trung Quốc Yêu Nước, --- cả hai Hội nầy đều do Nhà Nuớc kiểm soát --- lại nhận định rằng "lời mời của Ðức Thánh Cha đi ngược lại với những thiện ý của ngài và thiếu sự tôn trọng". Hãng tin Tân Hoa Xã giải thích thêm như sau: "Toà Thánh Vatican biết rất rõ rằng tuổi cao và tình trạng sức khoẻ yếu kém là hai yếu tố không cho phép các giám mục được mời, đi Vatican tham dự khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục." Thế mà Toà Thánh vẫn mời các ngài.
Ðược biết hai Ðức Cha thuộc Giáo Hội Hầm Trú là Ðức Cha Joseph Uy Cảnh Nghĩa (Wei Jingyi), giám mục Qiqihar, và Ðức Cha Luca Lý Kính Phong (Li Jingfeng), giám mục Fengxiang. Và hai giám mục thuộc giáo hội chính thức là Ðức Cha Antonio Lý Ðốc An (Li Duan), giám mục Tây An (Xian), và Ðức Cha Louis Kim Lữ Hiền (Jin Luxian), giám mục Thượng Hải (Shanghai).
Những tiếp xúc không chính thức giữa Toà Thánh Vatican và Chính Phủ Bắc Kinh đang gia tăng, kể từ khi Ðức Gioan Phaolô II qua đời. Mối liên lạc ngọai giao chính thức giữa Toà Thánh và Trung Quốc đã bị cắt đứt vào năm 1951, sau khi đảng Cộng Sản Trung Quốc lên nắm quyền. Và hiện nay, Nhà Nước Trung Quốc vẫn duy trì hai điều kiện để mở lại liên lạc ngọai giao với Vatican; đó là Toà Thánh phải cắt đứt liên lạc ngọai giao với Ðài Loan (Taiwan) và cam kết không can thiệp vào những việc nội bộ của Trung Quốc.
Tại Hồng Kông, Ông Anthony Lam Sui-ki, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu "Chúa Thánh Thần" của giáo phận Hồng Kông, đã nhận định rằng Toà Thánh Vatican đã thực hiện một chọn lựa lý tưởng, khi chọn bốn vị giám mục nói trên, làm thành viên tham dự Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, bởi vì mỗi vị là những nhân vật có uy tín trong nhiều lãnh vực như: thần học, huấn luyện, cổ võ những tiếp xúc giữa Trung Quốc và Tây Phương, và đề nghị những mô hình cộng tác giữa Nhà Nước Trung Quốc và Giáo Hội Công Giáo. Việc các ngài đến Roma sẽ có lợi cho việc bình thường hoá sinh họat giáo hội tại Trung Quốc. Ông Anthony Lam Sui-ki hy vọng rằng Nhà Nước Trung Quốc sẽ hiểu được tầm mức của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, trên bình diện liên lạc thông tin giữa Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và Giáo Hội phổ quát. Và Ông cũng cho rằng không nên pha lộn giữa việc mời các giám mục tham dự Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục với việc liên lạc ngọai giao giữa Toà Thánh Vatican và Bắc Kinh.
Trong khi đó, Ông Kwun Ping-Hung, một người không công giáo, sinh sống tại Hồng Kông, và là quan sát viên chăm chú về những vấn đề có liên quan đến Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, thì nhận định rằng việc Toà Thánh Vatican gởi thư mời trực tiếp đến bốn vị giám mục, mà không gởi thư mời đến Hội Các Giám Mục Trung Quốc, --- một cơ quan không được Toà Thánh công nhận --- (việc mời trực tiếp như vậy) là một cản trở cho việc các giám mục đến Roma. Bắc Kinh không chấp nhận việc Hội Các Giám Mục Trung Quốc không được Vatican nhìn nhận, và cũng không chấp nhận việc Vatican đưa các giám mục của Giáo Hội hầm trú ra ngang hàng với các giám mục của giáo hội chính thức. Có lẽ đây sẽ là lý do để Nhà Nước Bắc Kinh không cho phép đi Roma bốn giám mục được mời.
(Ðặng Thế Dũng)