Vài nét tổng quát về tình hình

những người Việt gặp nạn

vì bão Katrina ở New Orleans

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Vài nét tổng quát về tình hình những người Việt gặp nạn vì bão Katrina ở New Orleans.

Tin New Orleans (Tin Tổng Hợp dựa theo bản tin của BBC 2/09/2005 và Việt Báo 2/09/2005) - Cơn bão khổng lồ Katrina đã làm cho 80% thành phố New Orleans bị ngập nước. New Orleans là thành phố chịu thiệt hại nặng nhất trong trận bão Katrina. Thành phố New Orleans cũng là thành phố có khoảng 30,000 người Việt định cư. Tại New Orleans có rất nhiều xứ đạo công giáo, có rất nhiều khu phố do chính người Việt gây dựng nên, có những con đường mang tên Việt Nam.


Cơn bão khổng lồ Katrina đã làm cho 80% thành phố New Orleans bị ngập nước.


Trước khi nghe tin có bão Katrina, nhiều người Việt ở New Orleans đã đi lánh nạn sang nhà bà con, bạn bè ở các thành phố khác của tiểu bang Texas bên cạnh như Houston hoặc Dallas. Hôm thứ Hai 29/08/2005, khi nghe tin bão Katrina không đập thẳng vào New Orleans mà đi chệch sang đó mấy mươi kilomet về phía tay mặt, nhiều người tưởng chừng như đã thoát nạn, nào ngờ đó mới chỉ là bước đầu, vì New Orleans nằm ở một địa thế thấp hơn mặt nước biển, cả thành phố được bao bọc bằng một mạng lưới đê điều che chắn cho nên chỉ cần một khúc đê bị vỡ là cả thành phố lâm nguy. Ðiều đó đã thực sự xảy ra, có 2 khúc đê không chịu nổi sức ép đã bị nứt ra, thế là 80% thành phố bây giờ ngập nước như lời ông thị trưởng của thành phố này đã nói.

Nhà chức trách đã huy động lực lượng cảnh sát vệ binh quốc gia dùng xuồng và máy bay đến cứu những người còn kẹt trong thành phố. Cho tới 10 giờ sáng ngày thứ Năm 1/09/2005, tại Giáo Xứ Nữ Vương Việt Nam vẫn còn 200 người tụ tập tại một khu đất khô ráo để chờ cảnh sát hoặc vệ binh quốc gia đến vớt.

Ngay sau khi có tin New Orleans bị nước tràn vào, các giới chức và viên chức tại thành phố Houston đã chuẩn bị tình huống có thể tiếp nhận khoảng 25,000 người tị nạn từ New Orleans sang. Chính quyền thành phố Houston đã ra lệnh mở cửa các trường học vẫn còn đang mùa nghỉ và mở cửa cả sân vận động Astrodome có 70,000 ghế ngồi để tiếp đón những người từ New Orleans qua. Nhiều người ở Houston nói rằng nếu bão Katrina chỉ nhích về bên trái thay vì bên phải thì thành phố của họ đã lãnh đủ.

Toàn thế giới bắt đầu ra tay trợ giúp Hoa Kỳ cứu vớt các nạn nhân bão lụt Katrina. Từ một đề nghị của Pháp cho tàu và máy bay chở các phẩm vật trị giá 25,000 đôla từ nước Sri Lanka trước đây bị sóng thần tàn phá, các đề nghị trợ giúp về nhân đạo đã đến hầu như từ khắp các đại dương.

Người đứng đầu khối NATO, ông Jap de Hoop Scheffer, hôm thứ Sáu 2/09/2005, cho biết "nếu nước đồng minh Hoa Kỳ và cũng là nước bạn quan trọng của chúng tôi yêu cầu giúp đỡ thì liên minh chúng tôi sẵn sàng đáp ứng".


Chị Nhiệm Phạm (trái) và anh Chiến Bùi (phải) đứng trong căn nhà của họ đã bị bão Katrina phá hủy hôm 1/09/2005 ở Biloxi, Mississippi. Cặp này đã mất mọi thứ trong nhà. (Photo AFP)


Chủ tịch ủy ban đối ngoại liên hiệp Âu Châu, ông Javier Solana cho biết tổ chức 25 quốc gia này sẽ đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của Washington.

Hà Lan, quốc gia ở vùng đất thấp, sống dựa trên một hệ thống đê điều đã đề nghị gởi một toán chuyên gia giúp tái thiết lại hệ thống đê ở thành phố New Orleans.

Linh Mục Việt Hưng, thuộc tu Hội Tận Hiến, và là chính xứ St Anthony of Padua ơ Baton Rouge, tiểu bang Lousiana, đã viết về tình trạng tiếp cư người Việt Nam chạy nạn từ New Orleans lên Trung Tâm Tận Hiến ở Baton Rouge như sau:

"Cám ơn tất cả qúi vị đã quan tâm đến tình trạng bi đát mà chúng tôi đang phải gánh chịu."

"Mấy ngày vừa qua không có cable cho nên cũng chẳng có email, nay mới có lại, nên tôi xin phép viết những dòng này để qúi vị biết tình trạng tại Trung Tâm Ơn Gọi Tận Hiến ở Baton Rouge, Lousiana."

"Về tình trạng chung của Lousiana thì qua TV chắc qúi vị đã biết rồi, đây tôi chỉ xin trình bày vài nét về hiện tình tiếp cư tại Trung Tâm Ơn Gọi của Nhà Dòng Tận Hiến chúng tôi thôi."

"Những ngày đầu sau khi bão Katrina đánh, một Nhà Hưu Dưỡng Nursing Home tại New Orleans đã di tản người tới chỗ chúng tôi, cả người già và nhân viên cùng gia đình của họ, tất cả khoảng 160 người. Những người già thì ở trong nhà Gym, còn thân nhân và người làm thì ở trong các lớp học. Trong khi di chuyển và khi tới nơi đã có 4 người thiệt mạng. Cho đến nay thì chính quyền đã bắt buộc phải gửi những người già đến những Nursing Home tại Baton Rouge, và hôm nay nhân viên và gia đình của họ cũng đã di chuyển đến chỗ khác, có thể là ngoài tiểu bang Lousiana."

"Hiện Trung Tâm của chúng tôi chỉ bị hư hại nhẹ là nóc nhà Gym bị bốc đi, Nhà Nguyện trên lầu ngập nước không xử dụng được."

"Các Cha và thầy Dòng Tận Hiến như Cha Bằng, cha Tâm và 4 Thầy: Tâm, Ðô, Ðức và Sơn, cùng thầy Hoài thuộc Tổng Giáo Phận New Orleans (từ Ðại Chủng Viện Notre Dame trở lại Trung Tâm) và đang hăng say phục vụ những nạn nhân bão lụt Katrina..."

"Hiện nay số người Việt Nam trú ngụ tại Trung Tâm chúng tôi là 200 người, có thể gia tăng thêm nữa trong những ngày tới đây. Lý do những người trước đây ở với bà con quanh đây, nay muốn di chuyển vào Trung Tâm, vì các tư gia quá chật chội, hơn nữa theo tin tức thì thời gian được trở lại New Orleans còn dài lắm, có thể cả mấy tháng, nên họ muốn di chuyển vào đây sống với nhau an ủi nhau."

"Tình trạng hiện nay làm tôi liên tưởng tới tình trạng tị nạn của chúng ta cách đây 30 năm về trước, xếp hàng lãnh thức ăn, nhận đồ cứu trợ và quần áo của Red Cross và Salvation Army... Rất đáng thương trước nỗi đau khổ lớn lao của đồng bào chúng ta, cửa nhà và tài sản gây dựng trong bao nhiêu năm với bao nhiêu mồ hôi nước mắt bị tiêu tan trong nháy mắt."


Các đội cấp cứu tìm cách cứu các nạn nhân đang chờ đợi trên các nóc nhà.


"Trong 4 -5 ngày đầu, sinh hoạt của Trung Tâm không được tổ chức chu đáo, mạnh ai nấy làm, làm được gì thì làm. Nhưng bây giờ vì tình trạng cư trú tại đây sẽ kéo dài và số người đến Trung Tâm sẽ còn tăng thêm, nên Trung Tâm đã phải tổ chức lại cho chu đáo hơn. Tôi đã cử Cha Nguyễn Minh Hải làm Trưởng Trại (Shelter) và giáo xứ Thánh Antôn Padua và Tu Hội Tận Hiến chúng tôi cùng chung vai tổ chức cứu trợ với các Ủy Ban như sau: Ban Cư Trú, Ban Ẩm Thực, Ban Vệ Sinh, Ban Trật Tự và Ban Y Tế... Cũng rất may là có Cha Tâm cũng là bác sĩ cho nên nhu cầu y tế cũng được giải quyết tốt đẹp. Và mọi sự xem ra tiến hành trật tự."

"Ðã có những gia đình ghi danh cho con cái theo học tại Baton Rouge và Ðại Học ở đây. Nhưng ổn định đời sống thì chắc còn kéo dài lâu lâu... Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi."

"Tôi sẽ tiếp tục thông tin những gì đang xẩy ra tại Trung Tâm Tiếp Cư ở đây sau..."

Rất nhiều người Việt Nam từ Louisiana qua Houston tỵ nạn bão Katrina đang tạm trú tại nhà dòng nữ tu Ða Minh Việt Nam tại Houston.

Những người tỵ nạn bão Katrina này sống trong tu viện. Tới giờ ăn trưa mọi người tập trung tại phòng ăn của nhà dòng nữ tu Ða Minh. Nhà nguyện cũng trở thành nơi ngủ cho những người tỵ nạn bão.

Chỉ trong một ngày, số người sống trong tu viện dòng nữ tu Ða Minh ở Houston, Texas, tăng lên gấp ba. Tu viện có 50 sơ nay đã đón về 100 người tỵ nạn bão Katrina và đang chờ để sẽ đón thêm 100 người nữa.

Sơ Theresa Hằng Phạm, bề trên của dòng nữ tu Ða Minh, cho biết về công việc cứu giúp người Việt Nam chạy trốn bão từ Louisiana như sau:

"Cho đến Thứ Hai 29/08/2005, khi biết tin về cơn bão Katrina, dòng nữ tu Ða Minh vẫn lúng túng chưa biết phải làm gì. Thế rồi nghe được lời thông báo của đài Saigon Houston, chúng tôi đến khu chợ Hồng Kông 4 để đón những người chạy trốn bão."

"Những ngày đầu, người Việt Nam mới đến Houston chưa biết tá túc ở đâu. Có người ngủ trong xe, có người ngủ vỉa hè. Cùng với các tổ chức khác, chúng tôi ngỏ lời đón họ về tu viện." Sơ Theresa Phạm cho biết, rồi cười đôn hậu: "Không phải đón về để đi tu đâu!"

Theo lời sơ Theresa, đến nay đã có hơn 200 người ghi danh cư trú tại dòng Nữ Tu Ða Minh. Trong số đó, hiện có khoảng gần 100 đang sống tại phòng sinh hoạt của tu viện. Còn số khác, "có lẽ đang ở cho hết thời hạn của Motel rồi sẽ đến đây."

Ðức Tổng Giám Mục Joseph A. Fiorenza giáo phận Houston đã lệnh cho tất cả các trường Công Giáo mở cửa để đón các học sinh trốn bão từ Louisiana và Mississippi. Sơ Theresa cũng bắt đầu dẫn các em nhỏ đến trường học, sơ cười vui nhận xét: "Anh thấy đấy, không khí tĩnh lắm. Vì các cháu đã đến trường cả rồi." Sơ cười: "Chứ không chúng nó quậy chết!"


Buổi ăn trưa tại nhà dòng Nữ Tu Ða Minh thật ngon miệng. Các món ăn do các sơ nấu, có cả các món BBQ do đồng hương mang đến. Sơ bề trên mời mọi người ăn tưa. Có cả các món ăn truyền thống như cà pháo, canh rau đay và cá kho.


Buổi ăn trưa tại nhà dòng Nữ Tu Ða Minh thật ngon miệng. Các món ăn do các sơ nấu, có cả các món BBQ do đồng hương mang đến. Sơ bề trên mời mọi người ăn tưa. Có cả các món ăn truyền thống như cà pháo, canh rau đay và cá kho.

Anh Sang Nguyễn, một trong những người đang tị nạn tại tu viện Nữ Tu Ða Minh, anh cho biết: "Nhà tôi ở Buras, khu vực bị bão nặng nhất." Anh Sang, 31 tuổi, tị nạn cùng gia đình tám người và đến tu viện Ða Minh hồi bảy giờ tối Thứ Tư 31/08/2005.

"Trắng tay!" Anh Sang than thở. Ở Louisiana, anh Sang làm nghề câu tôm, có tàu riêng, nhưng không có bảo hiểm. Căn trailer của anh cũng không có bảo hiểm. "Tương lai không biết ra sao. Nhưng sẽ phải về lại New Orleans xem tình hình rồi mới tính tiếp." Ðối với anh Sang, và cả các thành viên của gia đình, "cuộc sống không còn như cũ." Hiện tại, trong thời gian tá túc tại dòng nữ tu Ða Minh, anh giúp các sơ làm việc lặt vặt, kể cả cắt cỏ.

Anh Danny Nguyễn, cũng là một trong những người đang tị nạn tại tu viện Nữ Tu Ða Minh. Anh chăm chú đọc các tin tức trên Internet, liên quan đến tình hình New Orleans và công việc của hãng. Làm nhân viên cho một hãng bảo hiểm xe tại New Orleans, anh Danny cho biết: "Boss vừa gọi điện thoại. Ông ấy cũng di tản rồi. Có lẽ chúng tôi sẽ về lại Baton Rouge trong một ngày gần đây để bắt đầu đi làm." Anh cười: "Bảo hiểm xe mà. Sẽ có khối việc trong giai đoạn này."

Anh Danny cho biết vài ngày nữa đây anh và vợ, chị Dung Nguyễn, một nhân viên của hãng hàng không American Airlines, sẽ kỷ niệm 13 năm ngày cưới với một chiếc bánh và ăn buffet. "Mà kỳ thật, 13 năm trước, đám cưới của hai vợ chồng vừa xong được một tuần thì cơn bão Andrew tràn đến. Nay bão Katrina đón mình kỷ niệm 13 năm."

Anh Danny và chị Dung có năm người con, cháu nhỏ nhất mới ba tuần. Chị Dung so sánh: "Lịch sử lập lại hay sao ấy. Nếu lấy mốc là năm 1975, thì 30 năm (trước năm 1975) bố mẹ chạy từ Bắc vào Nam. 30 năm (sau năm 1975), tới thế hệ con cháu chạy trốn bão. Cũng xếp hàng chờ đồ ăn, thức uống."

"Như giấc chiêm bao, nhanh như trong phim vậy." Anh Danny nói về cơn bão. "Tất cả nhanh như không có thật. Chỉ mỗi điều quan trọng là giấc chiêm bao này, hóa ra lại là có thật."


Phòng sinh hoạt trước đây được dùng làm nhà nguyện cử hành Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, nay được dùng cho người tị nạn. Sơ Theresa nói "Ghế được xếp lại. Ðến Chúa Nhật lại sắp xếp để làm lễ. Xong rồi lại dọn đi để có chỗ ngủ."


Làn sóng người trốn bão làm thay đổi cuộc sống và sinh hoạt của các sơ thuộc dòng Ða Minh. Phòng sinh hoạt trước đây được dùng làm nhà nguyện cử hành Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, nay được dùng cho người tị nạn. Sơ Theresa nói tiếp, "Ghế được xếp lại. Ðến Chúa Nhật lại sắp xếp để làm lễ. Xong rồi lại dọn đi để có chỗ ngủ." Sơ cho biết, nhà dòng sẽ phải mua thêm các tấm nệm mỏng cho người cư trú. "Chứ nằm thế này, đau lắm!"

Ngay trên hành lang nhà Dòng là một chiếc bàn để quần áo, thức ăn, mì gói, gạo được đồng hương Houston chở đến. "Ðây là quần áo cho các cháu nhỏ. Những nhu cầu như thế này, bây giờ cần lắm".

Mặc dầu sinh hoạt của dòng tu bị đôi chút xáo trộn do tiếp nhận một số lượng lớn người cư trú, sơ Theresa cho biết "Ưu tiên hàng đầu dành cho người cư trú." Sơ nói: "Giờ thinh lặng, đi lại của các sơ bị ảnh hưởng. Nhưng cần phải du di. Luật đặt ra cho con người chứ đâu phải con người sống vì luật đâu."

Cơn bão Katrina khiến cuộc sống của nhiều chục ngàn, nếu không muốn nói hàng trăm ngàn người, thay đổi vĩnh viễn. Trước mắt, không ai có thể biết trước mình sẽ làm gì ngày mai. Câu trả lời chung của họ, đơn giản là: "Không biết."

Một số khác đã tính đến việc rời hẳn New Orleans để lập nghiệp nơi khác. Anh Hoàng Tiến Học, một chuyên viên điện của hệ thống tàu, cho biết: "Tôi có đủ tất cả các loại bảo hiểm, nhưng có lẽ đã đến lúc nghĩ đến chuyện rời New Orleans." Anh cho rằng Houston là nơi đáng chú ý. "Houston phát triển mạnh. Có lẽ tôi sẽ lập nghiệp tại thành phố này."

Chị Dung Nguyễn, mẹ của năm cháu bé, tin rằng chị sẽ chọn Dallas để bắt đầu từ đầu. Vì chị đang làm cho hãng American Airlines, "Mà Headquarter của AA được đặt tại Dallas."

Một bạn trẻ khác, đang làm nails, cho biết đã bắt đầu xin việc tại Houston. "Họ hứa sẽ giúp đỡ. Chắc em sẽ ở lại Houston tiếp tục làm nails."

Trong khi trò chuyện cùng các sơ và những người "tị nạn bất đắc dĩ," đồng hương Việt Nam tại Houston vẫn tiếp tục mang đồ trợ cấp đến dòng tu. Sơ Theresa cho biết: "Ðồng hương rất tử tế. Thực phẩm tiếp tế, như gạo, mì, nếu còn dư, bà con sẽ mang theo trên đường trở về nhà sau này."

Trên thực tế, dòng nữ tu Ða Minh của hơn 50 nữ tu có phương tiện tài chánh không mấy dồi dào. Các sơ cho biết "Mình ăn gì thì bà con ăn nấy." Cuộc sống yên tĩnh của các sơ chưa biết đến bao giờ mới trở lại bình thường. Chừng nào cơn lụt còn hoành hành, chừng nào bà con còn cần nơi lưu trú, nhà dòng sẽ vẫn còn mở rộng cửa. Sơ Theresa trả lời đơn giản: "Không giới hạn thời gian."

Sơ Theresa nói tiếp: "Ðừng cảm ơn chúng tôi. Chính chúng tôi phải cảm ơn mọi người. Chúng tôi chỉ là người nhận. Ðồng hương trong cơn hoạn nạn đã cho chúng tôi cơ hội được phụng sự."

Hằng ngày vào đúng 5 giờ chiều, tiếng cầu nguyện vang khắp nhà dòng. Không khí như lắng lại. Các cháu bé bớt chơi đùa. Người lớn đi lại nhẹ nhàng hơn. Như lời các sơ nói ban sáng: "Hãy cầu nguyện cho hòa bình. Cho thế giới. Sao người vô tội cứ chết mãi."

 

(Joseph Trương)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page