Cơn bão khổng lồ Katrina tàn phá
và làm thiệt mạng hàng ngàn người
tại 4 tiểu bang miền Ðông Nam Hoa Kỳ
Lousiana, Mississipi, Alabama, Florida
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Cơn bão khổng lồ Katrina tàn phá và làm thiệt mạng hàng ngàn người tại 4 tiểu bang miền Ðông Nam Hoa Kỳ: Lousiana, Mississipi, Alabama, Florida.
(Tin Lousiana 31/08/2005) - Cơn bão khổng lồ Katrina tàn phá và làm thiệt mạng hàng ngàn người tại 4 tiểu bang miền Ðông Nam Hoa Kỳ: Lousiana, Mississipi, Alabama, Florida. Sau đây là một vài chi tiết về tình hình thiệt hại do cơn bão khổng lồ Katrina gây ra:
- Tình hình tại Tại Tiểu Bang Lousiana: Cơn bão khổng lồ Katrina đã tàn phá hầu như toàn khu vực và làm thiệt mạng hàng ngàn người tại thành phố New Orleans. Ðây là một thiên tai có thiệt hại vật chất và nhân mạng lớn nhất kể từ sau trận động đất khổng lồ xảy ra tại San Francisco vào năm 1906. Các đoàn cấp cứu bận rộn đến nỗi không còn đủ thì giờ để kiểm đếm số người bị thiệt mạng vì còn cần phải dành thì giờ để cấp cứu những nạn nhân đang chờ đợi trên các nóc nhà hay trên các sân thượng của các tòa nhà cao.
Khoảng 80 phần trăm khu vực của Thành Phố New Orleans đều bị ngập nước, với mức nước cao khoảng 20 feet (tương đương khoảng 7 mét). Mức nước vẫn đang dâng cao mặc dù các đội cấp cứu đang tìm cách dùng các bao cát để đắp thành các bờ đê chận nước dọc theo bờ hồ Lake Pontchatrain.
Chính quyền địa phương đã tìm cách di tản hàng chục ngàn cư dân trong các vùng bị ngập lụt. Ðã có hàng chục ngàn người đang tị nạn tại sân vận động Superdome, và những người này sẽ được di chuyển đến sân vận động Astrodome ở Thành Phố Houston, thuộc Tiểu Bang Texas, nằm cách New Orleans khoảng 350 miles (khoảng 560 kilômét).
Xa lộ số 10 (Freeway 10) là trục giao thông chính yếu từ New Orleans đi về phía đông đã bị cơn bão phá hủy.
Ít nhất có khoảng 713,000 hộ dân cư bị mất điện.
Hãng điện thoại BellSouth Corp. là hãng cung cấp dịch vụ điện thoại cho vùng New Orleans cho biết, có khoảng 750,000 khách hàng điện thoại bị mất liên lạc vì đường dây điện thoại đã bị cơn bão phá hủy.
Trong khi các đội cấp cứu và chính quyền ra sức để cứu các nạn nhân, thì những tên cướp cũng lợi dụng những hoàn cảnh hỗn loạn để cướp bóc các tài sản của các dân cư và của các tiệm buôn. Một cảnh sát đã bị bọn cướp bắn bị thương, tuy nhiên viên cảnh sát này đã được cứu chữa kịp thời.
- Tình hình tại Tại Tiểu Bang Mississipi: Có ít nhất 110 người bị thiệt mạng. Hơn 236,000 hộ dân cư bị mất điện. Nhiều trung tâm Casino (Sòng Bài) bị cơn bão phá hủy. Ðược biết, dịch vụ Sòng Bài là một dịch vụ đem lại một lợi nhuận lớn cho tiểu bang: cung cấp việc làm cho khoảng 14,000 người và đem lại mức thu nhập khoảng 2.7 tỷ mỹ kim hằng năm. Nhiều cầu cống thuộc 3 Quận hạt nằm dọc theo miền duyên hải đều bị cơn bảo phá hủy, kể cả những chiếc cầu lớn nối liền Biloxi với Ocean Springs và nối với Bay St. Louis cũng đều bị cơn bão phá hủy.
Cơn bão khổng lồ Katrina đã gây thiệt hại lớn nhất tại Mississipi. Thiệt hại lần này lớn hơn cơn bão Camille xảy ra vào năm 1969. Cơn bão Camille đã làm thiệt mạng 143 người và phá hủy khoảng 6,000 hộ dân cư.
- Tình hình tại Tiểu Bang Alabama: Có khảng 2 người bị thiệt mạng. Khoảng 325,000 hộ dân cư bị mất điện.
Mức nước lụt tại khu phố Mobile cao tới khoảng 11 feet (tương đương khoảng 4 mét). Nhiều toà nhà, cầu cống bị đẩy trôi dọc theo bờ của vịnh Mobile (Mobile Bay).
-
Tình hình tại Tiểu Bang Florida: Có khoảng 11 người bị thiệt
mạng. Khoảng 80,000 hộ dân cư bị mất điện.
Tổng Thống George W Bush (giữa) đã họp báo cùng cựu tổng thống Bill Clinton (trái), cựu tổng thống George W H Bush (phải), và kêu gọi mọi người hãy cùng nhau cộng tác để cứu giúp những nạn nhân của cơn bão. |
Tổng Thống Hoa Kỳ George W Bush đã vội vàng từ nơi đang nghỉ hè tại Texas trở về thủ đô Washington để họp bàn giải quyết những khó khăn do cơn bão gây ra. Trên đường về, tổng thống đã dùng trực thăng cho bay ngang qua Lousiana, Mississipi, Alabama để quan sát kỷ càng những vùng bị thiệt hại do cơn bão gây ra. Ngày 31/08/2005, Tổng Thống Bush đã họp báo cùng cựu tổng thống George W H Bush, cựu tổng thống Bill Clinton, và kêu gọi mọi người hãy cùng nhau cộng tác để cứu giúp những nạn nhân của cơn bão. Tổng thống cũng lên tiếng cám ơn các cơ quan thiện nguyện đã hết mình giúp đỡ các nạn nhân: Hội Hồng Thập Tự Quốc tế, Hội Cứu Tế Lục Quân (Salvation Army) , Hội Bác Ái Công Giáo...
Tổng Thống Bush tuyên bố đã gửi 50 toán trợ giúp y tế, và 25 toán dìm và cứu người tới các nơi bị nạn.
Tổng Thống Bush cũng cho biết đã cung ứng đoàn xe chuyên chở 5 triệu rưởi phần đồ ăn dọn sẵn, 13 triệu rưỡi lít nước, 3 triệu rưởi tấn nước đá, 114 máy phát điện, 20 thùng xe lớn chứa đồ phụ yếu, 135,000 chiếc màn và 11,000 chiếu cho vùng bị Katrina tàn phá.
Hiện tại có chừng từ 15,000 tới 20,000 người đang trú tại sân vận động Superdome, nhưng điều kiện vệ sinh, thời khí nóng bức, nhà tiêu bị vỡ, và không có chỗ tắm rửa, không còn sức chịu nổi nữa. Ðây không còn có thể gọi là nơi cư trú được nữa rồi!.
Thị trưởng Nagin cũng ước tính thành phố New Orleans có chừng nửa triệu người, và hiện còn chừng 50,000 tới 100,000 người còn trong thành phố, và mỗi ngày chỉ có thể di tản được chừng 15,000 người tối đa mà thôi.
Ngũ Giác Ðài thuộc bộ Quốc Phòng lên chương trình cứu nạn lớn nhất từ xưa tới nay, đã cho 4 tầu Thủy Quân tới vùng Vịnh Mexicô chuyên chở nước uống và các nhu yếu khác cho việc cứu nguy gấp rút. Thêm vào đó còn gửi tầu Bệnh Viện USNS Comfort tới vùng này, cùng với các trực thăng và các toán người nhái. Hội Chữ Thập Ðỏ huy động nhân viên trên toàn quốc đưa ra kế hoạch cứu nạn.
Các viên chức thẩm quyền dự tính di tản ít nhất là 25,000 người từ New Orleans tới sân vận động Astrodome ở Houston, cách xa đây 350 dặm (khoảng 560 kilômét) và di chuyển trong 2 ngày với đoàn công-voa gồm 475 chiếc xe bus.
Thống đốc Kathleen Blanco nói rằng "tình trạng thật thảm hại và không còn lựa chọn nào khác là cần giải tỏa. Vì không có điện, Khó có thể đưa đồ ăn và nước uống cũng như nhu yếu cần thiết cho người cư trú tại đây".
Cho
đến trưa ngày 31/08/2005, thì mực nước giữa hồ Pontchartrain
và mức nước dâng vào thành phố đã ở mức quân bình,
không dâng cao hơn nữa, nhưng không vì thế mà kém phần nguy
hiểm cho tính mạng con người.
Bà Nguyễn Lộc và Ông Lê Sáng đang ăn một chút đồ ăn còn sót lại. Hai người ngồi trên ven đường xa lộ bên cạnh sân vận động Superdome, có lẽ họ không chịu nổi cảnh hỗn độn và sợ có nguy hiểm bạo động của đám đông, nên đã tìm ra ven dường ngồi. (Photo: AFP/James Nielsen) |
Rất nhiều người Việt Nam sinh sống tại những nơi bị cơn bão khổng lồ Katrina tàn phá. Một số người Việt đã được đưa đến tị nạn tại sân vận động Astrodome ở Houston và đã liên lạc được với các thân nhân tại các tiểu bang khác, rất nhiều người khác vẫn đang mất liên lạc với các thân nhân.
Qua bản tin của VietCatholic ngày 1/09/2005, Linh Mục Trần Công Nghị đã liên lạc được với một số linh mục phụ trách trong các vùng bị nạn và đã cho đăng những chi tiết sau đây:
- Linh Mục Trần Cao Tường (thuộc Cộng Ðoàn Avondale, Lousiana), vào phút chót đã chạy thoát khỏi được sự nguy hiểm của cơn bão khổng lồ Katrina và hiện đang lánh nạn tại Houston. Ngài cho biết rằng ngài cũng chỉ liên lạc được với một số ít giáo dân trong giáo xứ của ngài thôi, và cho ngài biết thêm rằng vùng dân cư Việt Nam tại Avondale nghe nói chỉ bị nhẹ thôi. Cha Tường nói, vào ngày Chúa Nhật 4/08/2005, ngài sẽ tổ chức thánh lễ tại nhà thờ các Thánh tử Ðạo Việt Nam ở Houston để kết hợp giáo dân từ New Orleans về cầu nguyện và chia sẻ với nhau, trao đổi tin tức để biết thêm về tình hình của những người khác nữa và cùng nâng đở nhau.
- Linh Mục Nguyễn thế Viễn (thuộc cộng đoàn Versailles, Lousiana) vào ngày thứ Ba (30/08/2005) cùng với 300 giáo dân bị kẹt trên tầng lầu hai của Trường Thánh Toma thuộc giáo xứ Nữ Vương Việt Nam của ngài. Qua một email kêu cứu, Coast Guard đã đến cứu Ngài cùng 2 linh mục và giáo dân (một số người già và trẻ sơ sinh) tới chỗ đất cao hơn tức là góc đường Alcee Fortier và Chef Menteur Hwy (cũng thuộc trong khu vực giáo xứ Nữ Vương Việt Nam) và để ở đó nói là chờ đón đi sau. Ðang khi đó vì dân đói và không nước uống, nên đã vào cửa tiệm Á Ðông của chị Mai để lấy đồ ăn và dùng làm nơi tạm trú cho trẻ em vì trời nóng bức. Sau đó Cha Nguyễn thế Viễn và giáo dân được cứu vớt đi đâu và khi nào thì cho đến ngày 31/08/2005 không còn được biết tin thêm vì điện thoại hết pin đã tắt đường thông tin. Có lẽ số người này đã được vớt đến sân vận động Superdome và giờ đây đang chờ lên đường sang tị nạn tại Houston (Texas) chăng.
Trước đó (vào ngày 30/08/2005) Cha Nguyễn thế Viễn cho hay là giáo dân trong giáo xứ chưa có ai bị thiệt mạng cả. Nhà thờ bị thiệt hại, mái nhà thờ bị bay đi một mảng, nước chảy vào nhà thờ, hầu như nhà nào trong giáo xứ cũng bị hư hại và ngập nước. Còn Trường Toma Thiện (hai tầng) bị hư hại nặng nề, các nóc nhà bị gió đánh bay. Trong khi đó Cha Nguyễn thế Viễn cho biết có chừng trên dưới 15 người trong giáo xứ vẫn không chịu bỏ nhà ra đi, dù Cha có cho các anh em thuộc Hội Liên Minh Thánh Tâm vào kéo họ ra đi, họ cũng nhất định không đi. Như vậy cho đến nay, sau 2 ngày không biết số phận họ sẽ rao sao?
Giáo xứ Nữ Vương Việt Nam là giáo xứ có đông người Việt Nam nhất tới hơn 6,000 dân cư Việt Nam sống quây quần bên nhau, có nhà thờ riêng, trường học riêng, có chợ búa và khu thương xá Việt Nam riêng, ngay tại khu vực chung cư của mình. Ðây là một "làng Việt Nam" tiêu biểu và sáng tạo nhất tại hải ngoại. Cũng là ngôi làng đầu tiên Việt Nam được xây dựng lên hoàn toàn Việt Nam ngay từ năm 1975.
- Linh Mục Phạm Văn Tuệ (thuộc Cộng Ðoàn Woodlawn, Lousiana) và Linh Mục Vũ Hân (thuộc giáo xứ St Agnes Thành, Marrero, Lousiana) cũng vào phút chót hai cha đã phóng xe sang lánh nạn tại Florida. Chúng tôi chỉ được tin như vậy ngoài ra không được tin gì khác nữa.
- Riêng Cha Bùi văn Quyết ở Houma (Lousiana) mới về lại nhiệm sở hôm Thứ Tư (31/08/2005) vì trong thời gian bị trận bão đánh phá, ngài qua California dự lễ an táng. Ngài không về phi trường New Orleans được vì bị lụt, nên phải bay về Dallas và từ đó nhờ người bà con lái xe về đến nhà xứ của ngài ở Houma. Về đến nhà xứ thì may mắn vẫn còn điện và Internet vẫn hoạt động được. Ngài cho biết Houma bị thiệt hại nhẹ thôi. Ðây là tin mừng cho ngài và cộng đoàn giáo xứ của ngài.
- Hiện nay các giáo xứ, các trường học Công giáo trong giáo phận Houston Texas đã mở cửa đón tiếp các gia đình di tản từ New Orleans qua. Riêng 3 giáo xứ Việt Nam sau đây đã đón tiếp chừng 300 gia đình người Việt Nam không phân biệt tôn giáo từ New Orleans di tản sang. Ðó là (1) Giáo xứ Các thánh Tử Ðạo Việt Nam do Cha Vũ Thành làm chánh xứ, điện thoại: (713) 941-0521; (2) Giáo xứ La Vang do Cha Trịnh Thế Huy làm chánh xứ, điện thoại: (281) 999-1672; (3) Giáo xứ Lộ Ðức do Cha Hoàng văn Thiên là chánh xứ, điện thoại: (713) 939-1906.
- Riêng Dòng Nữ Ða Minh Việt Nam tại Houston cũng đã đón tiếp chừng 200 gia đình Việt Nam tị nạn.
- Sau khi đón tiếp và cho cư trú lúc ban đầu xong, các Linh mục và nhà Dòng tại Houston đang dàn xếp để các gia đình giáo dân trong giáo xứ đón tiếp các gia đình di cư cho về nhà ở. Dù sao đây cũng là những biện pháp cấp thời, nhưng kế hoạch lâu dài còn cần sự giúp đỡ của tất cả mọi người chúng ta đóng góp công sức và tài lực cho việc định cư của họ.
(Joseph Trương)