Bài giảng của ÐTC Bênêđitô XVI
trong thánh lễ Bế Mạc
Ngày Quốc Tế Giới Trẻ
sáng Chúa Nhật 21/08/2005
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài
giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong thánh lễ Bế Mạc
Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, sáng Chúa Nhật 21 tháng 8 năm 2005.
(Radio Veritas Asia 22/08/2005) - Quý vị và các bạn thân mến, trong mục thời sự ngày hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý vị và các bạn bài giảng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong thánh lễ bế mạc ngày quốc tế giới trẻ, Ðức Thánh Cha Bênêditô XVI đã nói như sau:
Các bạn trẻ thân mến,
Tối
hôm qua, trước Mình Thánh Chúa, trong đó Chúa Giêsu trở
nên bánh nâng đỡ và nuôi dưỡng đời sống chúng ta từ
bên trong, chúng ta đã bắt đầu con đường nội tâm tôn
thờ Chúa. Trong bí tích Thánh Thể, sự tôn thờ phải trở
thành sự kết hiệp nên một. Với việc cử hành Thánh Thể,
chúng ta bước vào trong "giờ" của Chúa Giêsu, mà phúc
âm theo thánh Gioan nói đến. Qua bí tích Thánh Thể, "giờ"
của Chúa trở thành "giờ" của chúng ta, trở thành sự
hiện diện của Chúa giữa chúng ta. Cùng với những môn
đệ, Chúa đã cử hành bữa tiệc Vượt Qua của dân Israel,
kỷ niệm hành động giải phóng của Thiên Chúa, Ðấng đã
hướng dẫn dân Israel ra khỏi sự nô lệ đến sự tự do.
Chúa Giêsu cử hành theo những nghi thức của dân Israel.
Chúa đọc lời chúc tụng và chúc phúc trên tấm bánh. Và
rồi, xảy ra một điều mới mẻ. Chúa Giêsu cảm tạ Thiên
Chúa Cha, không những vì những việc cao cả của quá khứ;
Chúa cảm tạ Thiên Chúa Cha vì sự tôn vinh chính mình, một
sự tôn vinh sẽ được thực hiện qua Thập giá và sự
Sống Lại; Chúa nói với các môn đệ bằng những lời có
tích chứa toàn bộ nội dung của Luật (Môisen) và (giáo huấn)
của các Tiên Tri; đó là những lời như sau: "Ðây là
Mình Ta được hiến tế vì chúng con. Chén nầy là Giao Ước
mới trong Máu Ta". Và như thế Chúa phân phát Bánh và trao
chén Máu cho các môn đệ; Chúa trao cho các môn đệ trách
vụ nói và làm lại mãi mãi điều ngài đang nói và làm
trong giây phút đó, để tưởng nhớ luôn mãi.
Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI
cử hành thánh lễ Bế Mạc
Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, sáng Chúa Nhật 21 tháng 8 năm 2005. |
Thử hỏi điều gì đang xảy ra? Thử hỏi làm sao Chúa Giêsu có thể phân phát Mình và Máu Thánh ngài? Khi làm cho bánh trở nên Mình Ngài và làm cho rượu trở nên Máu Ngài, Chúa Giêsu loan báo trước cái chết của Ngài; Chúa chấp nhận cái chết đó và biến cái chết đó thành một hành động của tình thương. Ðiều mà nếu nhìn từ bên ngoài là một việc dữ dằn, thì từ bên trong lại trở nên một hành động của tình yêu thương dâng hiến hoàn toàn. Ðây là sự "biến thể" đã được thực hiện trong Phòng Tiệc Ly và bắt đầu khơi dậy những biến đổi khác nhắm đến mục tiêu cuối cùng là sự biến đổi thế giới cho đến mức Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả (x. I Co 15,28). Từ muôn thuở, tất cả mọi người, một cách nào đó, chờ đợi trong thâm tâm một sự thay đổi, một sự biến đổi thế giới. Ðây là hành động trung tâm của sự biến đổi duy nhất có khả năng canh tân thật sự thế giới: sự bạo tợn được biến đổi thành tình thương, và do đó sự chết được biến đổi thành sự sống. Bởi vì hành động nầy biến đổi cái chết thành tình thương; sự chết, từ trong nó, đã được vượt qua, và sự phục sinh đã được hiện diện trong sự chết. Có thể nói, sự chết đã bị nội thương, đến độ nó không còn là yếu tố quyết định nói lời cuối cùng nữa. Nếu muốn dùng hình ảnh được chúng ta biết đến ngày nay, thì đây là sự "hòa tan hạt nhân" từ tận nơi sâu thẳm của hữu thể, là chiến thắng của tình thương trên hận thù, là chiến thắng của tình thương trên sự chết. Chỉ sự biểu hiện nội tâm nầy của điều thiện chiến thắng trên sự dữ, mới có thể khơi lên một chuỗi những biến đổi; và những biến đổi nầy sẽ từ từ thay đổi thế giới. Tất cả những thay đổi khác chỉ là những thay đổi hời hợt bên ngoài và không có sức cứu rỗi. Vì thế, chúng ta nói đến ơn cứu chuộc: điều cần thiết từ nơi thẳm sâu nhất của hữu thể, đã xảy ra, và chúng ta có thể bước vào trong sức linh động nầy của Chúa. Chúa Giêsu có thể phân phát chính Mình ngài, bởi vì thật sự Chúa trao ban chính mình.
Sự
biến đổi đầu tiên và căn bản của sự bạo tợn thành
tình thương yêu, của sự chết thành sự sống, (sự biến
đổi đó) sẽ kéo theo những biến đổi khác nữa. Bánh và
Rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa. Trên bình diện
nầy, sự biến đổi không được dừng lại nơi đây; nhưng
ngược lại, chính từ nơi đây, từ sự biến đổi căn bản
nầy, mà những biến đổi khác được bắt đầu. Mình và
Máu Thánh Chúa Kitô được trao ban cho chúng ta, ngõ hầu
chúng ta được biến đổi. Chính chúng ta phải trở nên Thân
Mình Chúa Kitô, cùng máu huyết với Ngài. Tất cả chúng ta
cùng ăn Tấm Bánh duy nhất; và điều nầy có nghĩa rằng
chúng ta trở nên một điều duy nhất. Như đã nói trên, Sự
Tôn Thờ trở thành sự Kết Hiệp nên một với nhau. Thiên
Chúa không còn là Ðấng đứng trước chúng ta, như là một
Ðấng hoàn toàn khác. Ngài ở trong chúng ta, và chúng ta ở
trong Ngài. Sức linh động của ngài thấm nhập sâu xa vào
trong chúng ta, và khởi sự từ chúng ta mà được truyền
sang những kẻ khác và được mở rộng đến toàn thế
giới, ngõ hầu tình thương của Chúa thật sự trở thành
mẫu mực tuyệt vời cho thế gian. Tôi có được một diễn
tả thật đẹp cho điều mới mẻ mà Bửa Tiệc Ly đã ban cho
chúng ta, qua hai ý nghĩa mà từ "tôn thờ" nói lên, ý
nghĩa trong tiếng Hy Lạp và ý nghĩa trong tiếng Latinh. Từ ngữ
hy lạp nói về việc tôn thờ là "proskynesis", có nghĩa là
một cử chỉ phục tùng, là sự nhìn nhận Thiên Chúa như là
mẫu mực đích thật của chúng ta, và chúng ta tuân theo quy
định của mẫu mực nầy. Từ ngữ hy lạp đó nói lên ý
nghĩa rằng sự tự do không có nghĩa là hưởng thụ sự
sống, không có nghĩa là cho mình tuyệt đối tự lập, nhưng
có nghĩa là định hướng mình theo mẫu mực của sự thật
và sự thiện, để từ đó chúng ta trở thành đúng thật
và tốt lành. Thái độ tôn thờ theo nghĩa ngữ hy lạp vừa
nói là điều cần thiết, cả khi sự tự do của chúng ta
thoạt tiên chống lại viễn tượng như vừa được vạch ra.
Việc làm cho thái đọä nầy trở thành hoàn toàn của chúng
ta, chỉ có thể được trong bước kế tiếp mà Bữa Tiệc Ly
mở ra cho chúng ta. Từ ngữ bằng tiếng Latinh để nói về
sự tôn thờ là từ "adoratio" (ad- oratio), có nghĩa là
"môi miệng nầy chạm đến môi miệng kia", là hôn nhau,
là ôm lấy nhau, và từ đó có nghĩa là tình thương. Sự
phục tùng trở thành sự kết hiệp nên một, bởi vì Ðấng
mà chúng ta tùng phục là chính Tình Yêu. Như thế sự tùng
phục có được một ý nghĩa, bởi vì sự tùng phục nầy
không ép buộc chúng ta làm những điều xa lạ, nhưng giải
thoát chúng ta đúng theo sự thật sâu xa nhất của hữu thể
chúng ta.
Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI
giơ tay chào mọi người trước khi vào máy bay để
rời Koln, Ðức Quốc và trở về lại Vatican. |
Chúng ta hãy trở về lại với Bữa Tiệc Ly. Ðiều mới mẻ được xác nhận nơi đó, được gặp thấy trong ý nghĩa sâu xa của lời cầu nguyện chúc tụng xưa của dân Israel; kể từ Bữa Tiệc Ly, lời chúc tụng nầy trở thành lời của sự biến đổi, và làm cho cho chúng ta được tham dự vào giờ của Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã không trao cho chúng ta trách vụ lặp lại Bữa Tiệc Vượt Qua, mà xét cho cùng là biến cố không thể nào được lặp lại tùy theo ý muốn riêng. Chúa đã trao cho chúng ta trách vụ bước vào trong "giờ" của Ngài. Chúng ta bước vào trong "giờ của Chúa" nhờ lời của quyền năng thần thiêng để thánh hiến --- một sự biến đổi được thực hiện nhờ qua lời chúc tụng, --- (lời quyền năng thánh hiến đó) đặt chúng ta trong sự tiếp tục với dân Israel và với trọn cả lịch sử cứu rỗi, vừa đồng thời trao ban cho chúng ta sự mới mẻ mà lời chúc tụng tự bản chất nó hướng đến. Lời cầu nguyện chúc tụng nói trên --- được giáo hội gọi là Kinh Nguyện Thánh Thể --- làm cho Thánh Thể hiện hữu. Lời cầu nguyện nầy là lời quyền năng, là lời biến đổi những quà dâng từ ruộng đất, trong cách thức hoàn toàn mới mẻ, thành món quà Thiên Chúa trao ban chính mình Ngài và lôi cuốn chúng ta vào trong tiến trình biến đổi nầy. Vì thế chúng ta gọi biến cố nầy là Bí Tích Thánh Thể; danh gọi "Thánh Thể" (Eucharistia) diễn tả ý nghĩa của từ ngữ do thái "beracha", có nghĩa là cảm tạ, chúc tụng, chúc phúc; và như thế, đây là sự biến đổi khởi phát từ Chúa: sự hiện diện của "giờ" của Chúa Giêsu. Giờ của Chúa Giêsu là giờ mà trong đó tình thương chiến thắng. Nói cách khác: chính Thiên Chúa là Ðấng chiến thắng, bởi vì ngài là Tình Yêu. Giờ của Chúa Giêsu muốn trở thành giờ của chúng ta, và sẽ trở thành "giờ của chúng ta", nếu qua việc cử hành Thánh Thể, chúng ta để mình dấn thân vào trong tiến trình biến đổi mà Chúa đã nhắm đến. Thánh Thể phải trở nên trung tâm của đời sống chúng ta. Nếu giáo hội nói với chúng ta rằng Bí Tích Thánh Thể là thành phần của Ngày Chúa Nhật, thì đây không phải là "chủ nghĩa thực nghiệm", cũng không phải là sự khao khát quyền hành. Sáng ngày Chúa Phục Sinh, trước hết là những người nữ, rồi kế đó là các môn đệ đã nhận được ân sũng nhìn thấy Chúa. Từ đó đến nay, các ngài biết rằng ngày thứ nhất của tuần lễ, Ngày Chúa Nhật, sẽ là Ngày của Chúa, ngày của Chúa Kitô. Ngày khởi đầu của công việc tạo dựng, đã trở thành ngày của sự canh tân vũ trụ vạn vật. Tạo Dựng và Cứu Chuộc luôn đồng hành với nhau. Vì thế, ngày Chúa Nhật là hết sức quan trọng. Thật là tốt đẹp khi thấy rằng ngày nay, trong nhiều nền văn hóa, Ngày Chúa Nhật được trở thành ngày rảnh rỗi, và cùng với ngày thứ bảy kết thành một thời gian "nghỉ cuối tuần". Tuy nhiên, thời gian rảnh rỗi nầy sẽ trống rỗng, nếu trong đó không có chỗ dành cho Thiên Chúa. Các bạn trẻ thân mến! Ðôi khi, lần đầu tiên có thể xem ra không thoải mái việc phải dành thời gian cho Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật. Nhưng nếu chúng con dấn thân dành thời giờ cho Thánh Lễ Chúa Nhật, thì chúng con sẽ nhận thấy rằng chính việc nầy làm cho thời gian rảnh rỗi có được trung tâm chính đáng của nó. Chúng con đừng để mình bị thuyết phục bỏ không tham dự việc cử hành Thánh Thể vào ngày chúa nhật. Chúng con hãy giúp cho những bạn trẻ khác khám phá ra việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Chắc chắn rằng niềm vui mà chúng ta đang cần, phát sinh từ việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, nên chúng ta cần học hiểu mỗi ngày một sâu xa hơn, chúng ta cần học biết yêu mến Thánh Lễ Chúa Nhật. Chúng ta hãy dấn thân theo ý hướng nầy. Và đây không phải là công việc vô ích. Chúng ta hãy khám phá sự phong phú nội tại của sinh hoạt Phụng Vụ của Giáo Hội và tính cách cao cả đích thật của Phụng Vụ: không phải chúng ta tổ chức lễ cho chính mình, nhưng chính Thiên Chúa hằng sống là Ðấng chuẩn bị Lễ cho chúng ta. Với tình thương đối với Thánh Thể, chúng con cũng hãy khám phá bí tích Hòa Giải, trong đó Thiên Chúa nhân từ luôn ban cho chúng ta được bắt đầu lại cuộc đời mình.
Tiếp sau đây là những lời khuyến khích cụ thể ÐTC Bênêđitô gởi đến hàng triệu bạn trẻ đang lắng nghe ngài. ÐTC nói như sau:
Ai đã khám phá ra Chúa Kitô, thì phải dẫn đưa kẻ khác đến với Ngài. Người ta không thể nào giữ lại cho riêng mình một niềm vui lo lớn. Cần phải thông truyền niềm vui đó. Tại những vùng rộng lớn trên thế giới ngày nay có một sự lãng quên Thiên Chúa một cách lạ lùng. Xem ra như tất cả mọi sự đều êm đẹp, mà không cần Thiên Chúa. Nhưng đồng thời cũng có tâm tình cảm thấy mất mát, cảm thấy không được thỏa mãn về mọi sự và mọi người. Người ta thốt lên: không thể nào cuộc sống nầy lại như thế! Và quả thật, không phải như thế! Như vậy, cùng với việc lãng quên Thiên Chúa, lại có hiện tượng bùng nổ các tôn giáo. Tôi không muốn chối bỏ tất cả những gì có mặt trong hiện tượng nầy. Có thể có niềm vui thành thật về sự khám phá ra tôn giáo. Nhưng nói đúng ra, không ít trường hợp tôn giáo trở thành như là một sản phẩm để tiêu thụ. Người ta chọn điều mình thích; vài người lại biết khai thác để thủ lợi từ hiện tượng nầy. Nhưng tôn giáo nào được mưu tìm theo cách thức "tự ta làm lấy", cuối cùng không giúp gì cho chúng ta. Tôn giáo đó là tiện lợi, nhưng trong giờ thử thách, tôn giáo đó bỏ rơi chúng ta một mình. Chúng con hãy giúp cho con người khám phá ra ngôi sao đích thật chỉ đường: đó là Chúa Giêsu Kitô! Chúng ta hãy cố gắng biết Chúa mỗi ngày một tốt hơn, để có thể hướng dẫn kẻ khác đến với Chúa, một cách thuyết phục hơn. Vì thế điều hết sức quan trọng là tình thương đối với Kinh Thánh, và do đó điều quan trọng là biết rõ Ðức tin của Giáo Hội, để giúp ta hiểu được Kinh Thánh. Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng hướng dẫn Giáo Hội trong đức tin đang trưởng thành; Ngài đã và còn đang làm cho giáo họäi luôn tiến sâu hơn vào trong sự thật (x, Gn 16,13). Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trao cho chúng ta một công việc đáng phục, trong đó đức tin của bao thế kỷ được giải thích một cách tổng hợp: đó là quyển Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Mới đây chính Cha đã có thể trình bày Quyển Toát Yếu của Sách Giáo Lý, đã được soạn thảo theo yêu cầu của đức Gioan Phaolô II vừa qua đời. Ðó là hai quyển sách căn bản mà Cha muốn giới thiệu với tất cả chúng con.
Dĩ nhiên, chỉ những sách vở mà thôi thì không đủ. Chúng con hãy thiết lập những cộng đoàn dựa trên Ðức Tin! Trong những thập niên vừa qua đã phát sinh những phong trào và những cộng đoàn trong đó sức mạnh của Phúc âm được cảm nghiệm một cách sống động. Chúng con hãy tìm kiếm sự hiệp thông trong đức tin như những nguời bạn đồng hành cùng tiếp tục đi theo con đường của cuộc hành trình vĩ đại, mà các Ðạo Sĩ Ðông Phương là những kẻ đầu tiên đã chỉ cho chúng ta. Tính cách tự nhiên tự phát của những cộng đoàn mới, là điều quan trọng, nhưng cũng quan trọng không kém việc duy trì mối dây hiệp thông với đức giáo hoàng và với các giám mục. Các ngài là những kẻ bảo đảm để người ta không đi tìm những con đường riêng rẽ, nhưng sống trong một đại gia đình của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã thiết lập với 12 tông đồ.
Một lần nữa, cha phải trở lại với bí tích Thánh Thể. "Vì chỉ có một bánh, nên chúng ta, tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể", thánh Phaolô đã nói như thế (I Co 10,17). Ngài muốn nói rằng: Bởi vì chúng ta chỉ nhận cùng một Chúa, và vì Chúa là đấng tiếp đón và thu hút chúng ta đến sống kết hiệp với ngài, nên chúng ta chỉ là một điều duy nhất. Ðiều nầy cần được thể hiện trong cuộc sống. Cần được chứng tỏ trong khả năng tha thứ. Cần được thể hiện trong cảm thức về những nhu cầu của kẻ khác. Cần được thể hiện trong thái độ sẵn sàng chia sẻ. Cần được thể hiện trong sự dấn thân phục vụ người lân cận, sinh sống gần bên cũng như ở những nơi xa xôi, nhưng luôn gần bên chúng ta. Ngày nay có những hình thức thiện nguyện, kiểu mẫu cho việc phục vụ lẫn nhau; chính xã hội chúng ta đang hết sức cần đến việc phục vụ nầy. Chẳng hạn như chúng ta không nên bỏ rơi những người cao niên trong cảnh cô đơn; chúng ta không nên làm ngơ bước qua không màn chi đến những kẻ đau khổ. Nếu chúng ta suy nghĩ và sống những hệ luận của sự hiệp thông với Chúa Kitô, thì lúc đó đôi mắt của chúng ta sẽ được mở ra. Bấy giờ chúng ta không còn bằng lòng với việc sống mà chỉ lo cho chính mình thôi, nhưng chúng ta sẽ thấy anh chị em đang cần chúng ta ở đâu và cần như thế nào. Sống và hành đâộng như thế, chúng ta sẽ mau ý thức rằng thật là điều tốt đẹp biết bao khi được trở nên hữu ích và sẵn sàng phục vụ kẻ khác, hơn là chỉ biết lo lắng về những tiện nghi được cung cấp cho bản thân mình. Cha biết rõ rằng chúng con, như là những người trẻ, chúng con khao khát những điều cao cả, rằng chúng con muốn dấn thân xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng con hãy chứng tỏ điều nầy cho mọi người; hãy chứng tỏ điều nầy cho thế giới, một thế giới đang mong chờ chứng tá nầy từ những môn đệ của Chúa Giêsu Kitô; và là một thế giới có thể sẽ khám phá ra Vì Sao mà chúng ta đang đi theo, nhất là nhờ qua tình thương của chúng con.
Chúng ta hãy tiến tới cùng với Chúa Kitô và chúng ta hãy sống cuộc đời mình như là những kẻ thờ phượng đích thật của Thiên Chúa. Amen.
Quý
vị và các bạn thân mến, trong phần còn lại của bài giảng
trong thánh lễ bế mạc ngày quốc tế giới trẻ, Ðức Thánh
Cha Bênêditô XVI khai triển thêm
khía cạnh nầy. "Ai đã khám phá ra Chúa Kitô, thì phải dẫn
đưa kẻ khác đến với Ngài." Chúng tôi sẽ gởi đến quý
vị và các bạn, trong mục thời sự lần tới. Kính chào quý
vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng chuyển dịch Việt ngữ)