Huấn đức của ÐTC Beneditô XVI

trước giờ Kinh Truyền Tin

Trưa Chúa Nhật 24 tháng 7 năm 2005

tại Val d'Aosta

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Huấn đức của ÐTC Beneditô XVI trước giờ Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 24 tháng 7 năm 2005 tại Val d'Aosta.

(Radio Veritas Asia 25/07/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Trưa Chúa Nhật 24 tháng 7 năm 2005, tại Val d'Aosta, trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu, ÐTC Beneditô XVi đã nói những lời huấn đức như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Ngày mai (tức thứ Hai 25 tháng 7 năm 2005), là lễ kính thánh Giacobê tông đồ, anh của thánh Gioan. Thánh tích của ngài hiện được tôn kính tại Ðền Thánh nổi tiếng ở thành phố Santiago de Compostela, miền Galicia, Tây Ban Nha, nơi hành hương của toàn thể Âu Châu. Hôm qua (23/07/2005), chúng ta kính nhớ Thánh nữ Brigitta xứ Thụy Ðiển, quan thầy của Âu Châu. Ngày 11 tháng 7, chúng ta mừng kính thánh Bênêđitô, thánh quan thầy nổi tiếng khác nữa của Âu Châu. Khi chiêm ngắm gương sống các vị thánh này, con người tự nhiên dừng lai suy nghĩ về sự đóng góp mà kitô giáo đã cống hiến và còn đang tiếp tục cống hiến vào việc hình thành Âu Châu.

Tôi cũng muốn dừng lại suy nghĩ và nhắc đến chuyến hành hương mà Người Tôi Tớ Chúa, Ðức Gioan Phaolô II đã thực hiện năm 1982, tại Santiago de Compostela; tại đó, ngài đã long trọng thực hiện một "Ước Nguyện cho Âu Châu", trong đó ngài tuyên bố những lời đáng ghi nhớ như sau: "Tôi, giám mục Roma và chủ chăn của toàn thể giáo hội, từ Santiago, xin gởi đến ngươi, hỡi Âu Châu cổ kính, lời kêu gọi đầy tình thân thương: Hãy trở về với chính mình. Hãy là chính mình. Hãy khám phá nguồn gốc của ngươi. Hãy làm sống lại gốc rễ của ngươi. Hãy làm sống lại những giá trị đích thật đã làm cho lịch sử của ngươi được vinh quang và làm cho sự hiện diện của ngươi được trổ sinh hoa trái hữu  ích cho các đại lục khác". Lúc đó, Ðức Gioan Phaolô II đã khai mạc dự án làm cho Âu Châu ý thức về sự hiệp nhất tinh thần của mình, dựa trên nền tảng những giá trị kitô. Ngài đã trở lại nói về đề tài nầy dịp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 1989, được diễn ra tại chính Santiago de Compostela. Ngài đã nói lên ước muốn có một Âu Châu không biên giới, một âu châu không chối bỏ những gốc rễ kitô, mà nhờ đó âu châu được phát triển, một âu châu không từ bỏ lý thuyết phát triển nhân bản đích thực của Phúc âm Chúa Kitô. Lời kêu gọi của Ðức Gioan Phaolô II vẫn còn  hợp thời hợp lúc biết chừng nào, xét vì những biến cố vừa xảy ra tại đại lục âu châu này!

Không đầy một tháng nữa, tôi sẽ hành hương đến Nhà Thờ Chính Tòa lịch sử của Âu Châu, NhàThờ Chính Toà của Tổng Giáo Phận Koln, nơi mà giới trẻ hẹn gặp nhau để cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XX. Chúng ta hãy cầu nguyện sao cho những thế hệ mới, nhờ  múc lấy nhựa sống từ Chúa Kitô, được trở nên trong xã hội âu châu chất men của một lý thuyết nhân bản đã được canh tân, trong đó đức tin và lý trí cộng tác với nhau trong một đối thoại trổ sinh hoa trái nâng cao nhân phẩm và thực hiện hòa bình đích thật. Chúng ta hãy cầu  cùng Chúa cho ý chỉ nầy, nhờ lời khẩn cầu của Mẹ Maria rất thánh. Như  là Mẹ và là Nữ Vương, xin Mẹ Maria canh phòng bước đường của tất cả mọi quốc gia mọi dân tộc.

 

Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh truyền tin...

Sau đó, ÐTC nhắc đến những khủng bố xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới với những lời như sau:

 

"Những ngày sống hòa bình và nghỉ hè cũng bị rung động bởi những tin tức bi thảm về những tấn công khủng bố kinh khiếp, gây nên chết chóc, tàn phá và đau khổ cho nhiều quốc gia, như Ai Cập, Thổ Nhỉ Kỳ, Iraq và Anh Quốc... Trong khi phó dâng cho lòng nhân lành của Chúa những người bị thiệt mạng, những kẻ bị thương và các thân nhân của họ, nạn nhân của những hành động xúc phạm đến Thiên Chúa và con người, chúng ta khẩn xin Ðấng Toàn Năng ngăn chận bàn tay sát nhân của những ai, bị thôi thúc bởi cực đoan và hận thù, đã phạm lỗi và xin Thiên Chúa đổi hướng con tim họ về những tư tưởng hòa giải và hòa bình".

 

Như quý vị đã biết, nhữnglời trên đã bị chính quyền Do Thái hiểu lầm và phản đối, vì cho rằng ÐTC đã không nhắc đến hành động khủng bố đã xảy ra mới đây tại Do Thái. Câu trả lời của Tòa Thánh đã được phổ biến xác nhận ÐTC luôn kết án mọi hành động khủng bố, và trường hợp của Do Thái, tuy không được nhắc đến đích danh như bốn quốc gia nói trên, nhưng có bao gồm trong lời kết án chung, và không phải chỉ trong lần nầy, mà còn có trong nhiều lần trước đây. Phản ứng của Do Thái dĩ  nhiên là do những lý do khác.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page