Chương I Phần I của Tài Liệu Làm Việc

của Khóa Họp

Thượng Hội Ðồng Giám Mục

vào tháng 10 năm 2005

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chương I Phần I của Tài Liệu Làm Việc của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục vào tháng 10 năm 2005.

(Radio Veritas Asia - 25/07/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Sau khi đã nghe qua các bài giới thiệu và đọc qua phần nhập đề và kết luận của Tài Liệu Làm Việc của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Gíam Mục, chúng ta hãy bắt đầu đọc từ từ bốn phần chính của Tài Liệu Làm Việc này. Như đã nói đến trước đây, Tài Liệu Làm Việc gồm có bốn phần chính, và mỗi phần có hai chương.

- Phần I nói về Bí Tích Thánh Thể và Thế Giới Ngày Nay.

- Phần thứ II nói về Ðức Tin của Giáo Hội vào Mầu Nhiệm Thánh Thể.

- Phần thứ III nói về Bí Tích Thánh Thể trong đời sống của Giáo Hội.

- Phần thứ IV nói về Bí Tích Thánh Thể và Sứ Mạng rao giảng Phúc âm.

Giờ đây, chúng ta bắt đầu đọc Phần Thứ I nói về Bí Tích Thánh Thể và Thế Giới Ngày nay. Phần thứ  I này có hai chương: chương I nói về Cơn Ðói "Bánh Của Thiên Chúa", và chương thứ II nói về Bí Tích Thánh Thể và sự hiệp thông giáo hội. Mở đầu chương I của Phần I, là câu Kinh Thánh, trích từ phúc âm theo Thánh Gioan, chương 6, câu 33-34, như sau: "Bánh của Thiên Chúa là Ðấng từ trời ngự xuống và ban sự sống cho thế gian. Và họ nói với Chúa: Lạy Thầy, xin hãy ban cho chúng tôi Bánh nầy luôn mãi".

 

Chương I: Con Người Ðói Bánh Của Thiên Chúa.

3. Trả lời cho yêu cầu làm một một dấu chỉ, để có thể tin, Chúa Giêsu Kitô đề nghị chính mình cho đám đông như là Bánh Thật làm no thỏa con người (x. Gn 6, 35), bánh đến từ trời cao để trao ban sự sống cho thế gian. Thế giới ngày nay đang cần đến thứ Bánh đó để có sự sống. Trong cuộc nói chuyện với Chúa Giêsu, Ðấng trình diện chính mình như là Bánh ban cho thế gian được sống, dân chúng tự nhiên lên tiếng khẩn xin như sau: Lạy Chúa, xin hãy luôn ban cho chúng con Bánh đó". Ðây là lời cầu khẩn rất có ý nghĩa, nói lên ước muốn sâu xa đã được đặt vào con tim, không những của các tín hữu, mà còn của mỗi người đang hướng về hạnh phúc, một niềm hạnh phúc được biểu tượng bởi Bánh ban sự sống đời đời. Mặc cho những khó khăn và những mâu thuẫn đủ loại, thế giới trong năm 2005 này đang khát mong hạnh phúc và muốn có được bánh ban sự sống cho linh hồn và cho thể xác. Ðể đáp lại khát khao nầy của con người, Ðức Thánh Cha đã khẩn thiết kêu gọi toàn thể Giáo Hội hãy làm sao để Năm Thánh Thể này trở nên dịp dấn thân nghiêm chỉnh và sâu xa, để chống lại thảm kịch nạn đói, nạn bệnh tật, sự cô đơn của người cao niên, những nỗi khốn khổ của người thất ngiệp, và những nghịch cảnh của người dời cư. Những hoa trái của công cuộc dấn thân này sẽ là bằng chứng cho tính cách đích thực của những cử hành thánh thể. (2)

Và không những chỉ con người, mà còn toàn thể tạo vật đang chờ đợi "trời mới đất mới" (x. 2 Pherô 3, 13) và chờ đợi sự tái phục hồi tất cả mọi sự, kể cả những sự trần gian, trong Chúa Kitô (x. Eph 1,10). Vì thế, Bí Tích Thánh Thể, chóp đỉnh mà tất cả tạo vật hướng về, là câu trả lời cho mối quan tâm của thế giới ngày nay cho một sự  quân bình môi sinh. Thật vậy, bánh và rượu, chất liệu mà Chúa Giêsu Kitô đã chọn dùng cho mỗi Thánh Lễ, liên kết việc cử hành thánh thể với thực tại thế giới đã được tạo dựng và được trao phó cho con người (x. STK 1,28), trong sự tôn trọng những quy luật mà Ðấng Tạo Hóa đã đặt vào trong các tạo vật. Ước chi tấm bánh, mà sau đó được trở thành Mình Thánh Chúa Kitô, là sản phẩm từ đất tốt, tinh tuyền và không bị ô nhiễm. Ước chi Rượu Nho, mà sau đó được biến thành Máu Thánh Chúa Kitô, trở nên dấu chỉ cho công việc biến đổi tạo vật theo những nhu cầu của con người đang bận tâm duy trì những tài nguyên cần thiết cho những thế hệ đến sau. Ước chi Nước, mà sau đó được pha vào Rượu, là tượng trưng cho sự kết hiệp của bản tính con người với thần tính của Chúa Giêsu, và duy trì được những phẩm tính hữu ích cho con người đang khao khát Thiên Chúa, "nguồn nước phát sinh sự sống đời đời" (Gn 4,14).

4. Vài con số thống kê chính yếu.

Chủ đề của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, đòi buộc chúng ta nhìn vào vài con số thống kê có ý nghĩa về thế giới trong đó Giáo Hội sinh sống và hoạt động. Vì không thể cung cắp một khung cảnh đầy đủ, chúng ta chỉ nhắc đến những con số nổi bật và những nhận định có tính cách tổng quát mà thôi.

Vài con số cho thấy rõ tương quan giữa dân số nói chung và những  tín hữu tuyên xưng đức tin công giáo. Trên bình diện nầy, cần lưu ý rằng con số những người công giáo trong năm 2003 là khoảng 1,086,000,000, tức được gia tăng khoảng 15,000,000 so với năm 2002, và được phân chi theo từng đại lục như sau:

- Phi Châu tăng 4.5%;

- Mỹ Châu tăng 1.2%;

- Á Châu tăng 2.2%

- và Ðại Dương Châu tăng 1.3%.

Hoàn cảnh không tăng không giảm được ghi nhận tại Âu Châu. Nhìn vào sự phân phối người công giáo theo châu lục, chúng ta thấy rằng:

- Mỹ Châu có 49.8% tổng số người công giáo trên toàn thế giới,

- trong khi đó Âu Châu chỉ chiếm được 25.8%,

- Phi Châu 13.2%,

- Á Châu 10.4%

- và Ðại Dương Châu 0.8%.

Xét theo tỉ lệ với dân cư, thì số người công giáo tại từng châu lục như sau:

- Mỹ Châu có 62.46% dân số là người công giáo,

- Âu Châu có 39.59%,

- Ðại Dương Châu 26.39%,

- Phi Châu có 16.89%

- và Á Châu có 2.93% dân số là tín hữu công giáo.

Xét theo phương diện chia vùng địa lý trong giáo hội, thì người ta lưu ý rằng:

- Trong năm 2003, tổng số giáo phận trong giáo hội là 2,893, nghĩa là có thêm 10 giáo phận mới, so với năm 2002.

- Tổng số các giám mục trên thế giới gia tăng 27.68%, từ tổng số 3,714 giám mục vào năm 1978, tăng lên tổng số 4,742 giám mục vào năm 2003;

- Trong khi đó tổng số các linh mục vào năm 2003, so với tổng số linh mục vào năm 1978, thì bị giảm 3.68%. Trong năm 1978, tổng số linh mục gồm cả linh mục dòng và linh mục triều là 420,971 (trong số nầy có 262,485 linh mục triều và 158,486 linh mục dòng); vào năm 2003, tổng số linh mục dòng và triều giảm xuống còn 405,450 (trong số nầy có 268,041 linh mục triều và  137,409 linh mục dòng). Chúng ta thấy tổng số linh mục dòng bị giảm nặng đến 13.30%, nghĩa là từ 158,486 linh mục dòng vào năm 1978, giảm xuống còn 137,409 linh mục dòng vào năm 2003. Trong khi đó, thì tổng số linh mục triều được tăng nhẹ 2.12%, nghĩa là từ tổng số 262,485 linh mục triều vào năm 1978, gia tăng lên tổng số 268,041 linh mục triều vào năm 2003.

- Tổng số  các nam tu sĩ  đã khấn nhưng không có chức linh mục cũng bị giảm đến 27.94%, từ  tổng số 75,802 nam tu sĩ vào năm 1978, giảm xuống còn 54,620 nam tu sĩ vào năm 2003.

- Tổng số các nữ tu cũng bị giãm 21.65%, từ tổng số 990,768 nữ tu vào năm 1978, giảm xuống còn 776,269 nữ tu vào năm 2003.

Xét vì việc cử hành bí tích Thánh Thể được liên kết chặt chẽ với bí tích Chức Thánh, người ta lưu ý rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1978 cho đến năm 2003, tổng số người công giáo do một linh mục chăm sóc, cũng gia tăng.

- Vào năm 1978, một linh mục chăm sóc cho 1,797 tín hữu cộng giáo; nhưng đến năm 2003, thì một linh mục phải chăm sóc cho 2,677 tín hữu công giáo. Nghĩa là gia tăng từ 1,797 lên 2,677. Tỉ lệ tăng nầy xem ra không khác xa nhau bao nhiêu, từ đại lục nầy sang đại lục khác.

Chẳng hạn như:

- Tại Âu Châu, một linh mục chăm sóc cho khoảng 1,386 tín hữu công giáo;

- Tại Phi Châu, một linh mục chăm sóc cho khoảng 4,723 người công giáo;

- Tại Mỹ Châu, một linh mục chăm sóc cho khoảng 4,453 tín hữu;

- Tại Á Châu, một linh mục chăm sóc cho 2,407 người công giáo;

- và tại Ðại Dương Châu, một linh mục chăm sóc cho 1,746 tín hữu công giáo.

Ngoài ra người ta cũng lưu ý rằng, trong cùng thời kỳ nầy:

- Từ năm 1978 đến năm 2003, tổng số những phó tế vĩnh viễn là nhóm được gia tăng rất mạnh; cách chung, trong từng đại lục, tổng số gia tăng bốn lần hơn, nghĩa là gia tăng đến 466.7%.

Quả thật đáng nhắc lại rằng dung mạo các thầy phó tế là điều khá phổ biến tại Mỹ Châu (nhất là tại Bắc Mỹ Châu) với tỉ lệ 65.7% tổng số các thầy phó tế trên giới; và chiếm 32% tại Âu Châu. Và điều quan trọng là vai trò được chu toàn trong công việc rao giảng Phúc âm cho toàn thế giới, bởi các nhà truyền giáo giáo dân, tức 172,231 người, và bởi các thầy giảng (tức khoảng 2,847,673 người).

5. Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục được diễn ra trong giai đoạn lịch sử bị ghi dấu bởi những đối nghịch mạnh mẽ trong gia đình nhân loại. Việc toàn cầu hóa giúp ghi nhận rõ ràng hơn sự hiệp nhất gia đình nhân loại, nhờ các phương tiện truyền thông xã hội luôn thông tin về thực tế xảy ra tại mọi nơi trên thế giới. Ðây là một khía cạnh quan trọng của tiến bộ kỹ thuật, được phát triển một cách phi thường trong những thập niên qua. Nhưng buồn thay, việc toàn cầu hóa và tiến bộ kỹ thuật đã không cổ võ thuận lợi cho hòa bình và một sự công bằng hơn giữa các quốc gia giàu có và những quốc gia nghèo của thế giới thứ ba và thế giới thứ tư. Tất cả đang làm ta nghĩ rằng, trong khi các nghị phụ họp nhau trong Khóa Họp sắp tới, thì tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, sẽ còn tiếp tục những hành động bạo lực, khủng bố và chiến tranh. Ðồng thời, nhiều anh chị em chúng ta sẽ còn là nạn nhân của những bệnh tật khác nhau, chẳng hạn như Bệnh Liệt Kháng (AIDS); Những bệnh tật nầy gây ra đau thương tại nhiều tầng lớp rộng lớn dân chúng, nhất là nơi những quốc gia nghèo. Buồn thay, vẫn còn đó nạn đói, một hiện tượng đã trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây, xét vì có hơn một tỉ người đang sống trong cảnh cùng cực. Nhìn theo hướng này, người ta dễ ghi nhận vài hiện tượng liên quan đến thực trạng xã hội, đặc biệt là nạn đói; những hiện tượng nầy không thể nào bị bỏ qua, khi người ta nghĩ đến tương quan giữa Giáo Hội và thế giới, trên bình diện rao giảng Phúc âm. Thật vậy, Giáo Họäi đã luôn luôn thực hiện việc rao giảng Phúc âm và thông truyền ơn cứu rỗi qua các bí tích, cùng chung với những công cuộc thực hiện việc phát triển nâng cao phẩm giá con người, trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội, như lãnh vực sức khỏe, trợ giúp nhân đạo, và giáo dục. Tuy nhiên, người ta cũng không quên rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2001, đã có 842 triệu người thiếu dinh dưỡng trên toàn thế giới, và trong số 842 triệu này có 798 triệu người thiếu dinh dưỡng sinh sống tại các quốc gia nghèo đang trên đường phát triển, nhất là tại các quốc gia Phi Châu thuộc miền Nam Sa Mạc Sahara, tại Á Châu và tại vùng Thái Bình Dương. Thực tại bi đát này không thể nào vắng mặt khỏi dòng suy tư của các nghị phụ; cùng với mọi người kitô, và nhiều lần trong ngày, các nghị phụ dâng lời cầu lên Thiên Chúa: Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày.

6. Bí Tích Thánh Thể trong những hoàn cảnh khác nhau của Giáo Hội.

Từ những câu trả lời cho Văn Kiện "Tài Liệu Tổng Quát", người ta ghi nhận rằng việc tham dư ïthánh lễ ngày Chúa Nhật còn ở mức độ cao tại vài giáo hội địa phương nơi các quốc gia phi châu và trong vài quốc gia á châu. Tuy nhiên, người ta ghi nhận hiện tượng ngược lại, --- tức tỉ lệ người tín hữu tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật bị giảm xuống --- tại đa số các quốc gia âu châu và mỹ châu và vài quốc gia của đại dương châu, cho đến mức độ thấp 5%. Trong nhiều trường hợp, các tín hữu không tuân giữ giới răn giữ ngày Chúa Nhật cách chung không còn cho việc tham dự Thánh Lễ có tầm quan trọng đặc biệt nữa. Cuối cùng, các tín hữu không biết Hy Tế Thánh Thể là gì, và không còn hiểu ý nghĩa của bữa tiệc thánh thể, một bữa tiệc hiệp nhất các tín hữu quanh bàn thờ Chúa.

Thánh Lễ vào chiều ngày áp Lễ giúp cho nhiều người tuân giữ giới răn Chúa, cả trong vài trường hợp người ta lợi dụng để chu toàn những sinh hoạt làm việc trong ngày Chúa Nhật. Tại nhiều nơi, Thánh Lễ ngày thường trong tuần, có ít người tham dự; một số tham dự theo thói quen, một số khác thì tùy dịp, và một số khác nữa dấn thân vào trong sinh hoạt của giáo hội.

Người ta nên khuyến khích việc giảng dạy giáo lý liên tục và mạnh mẽ hơn về tầm quan trọng và về nhu cầu cần phải tham dự vào Thánh Lễ Chúa Nhật và vào những ngày lễ buộc. Ðôi khi người ta giảm giá tầm quan trọng của luật giữ ngày Chúa Nhật, bằng cách lập luận rằng chỉ cần tuân giữ luật này khi nào tâm tình nội tâm gợi ý cho.

7. Nơi những giáo hội địa phương, người ta có thể ghi  nhận vài hiện tượng chính. Người ta quan sát thấy một sự giảm sút trong thực hành đức tin, giảm sút trong việc tham dự Thánh Lễ, nhất là nơi các bạn trẻ. Ðiều nầy làm ta suy nghĩ về số lượng thời gian được các chủ chăn và các giáo lý viên dành cho việc giáo dục những người trẻ và các trẻ nhỏ sống đức tin và về số lượng thời gian dành cho những hoạt động khác, chẳng hạn như cho những hoạt động xã hội.

Người ta nhận thấy một sự yếu kém về ý thức về Mầu Nhiệm trong những xã hội bị trần tục hóa, đến độ gán cho mình những giải thích và những hành động không đúng với cộng cuộc canh tân phụng vụ của Công Ðồng Vaticanô II; điều nầy dẫn đưa đến những nghi thức tầm thường và thiếu đi ý nghĩa thiêng liêng. Tại những nơi khác, những cộng đoàn kitô còn duy trì ý thức sâu xa về Mầu Nhiệm, đến độ phụng vụ còn duy trì được ý nghĩa cao cả trong những cộng đoàn này.

Người ta nhìn thấy sự thỏa mãn vì một Phụng Vụ đã dược hội nhập vào trong nền văn hóa, cho phép đạt đến việc tham dự tích cực vào sinh hoạt Phụng vụ. Kết quả là việc gia tăng tham dự vào thánh lễ. Nhiều người lớn và các bạn trẻ tham dự vào sinh hoạt và sứ mạng của giáo hội. Nếu vì bị thiếu số giáo sĩ, mà người ta cử hành Thánh Lễ tại các nơi nông thôn chỉ vài lần trong tháng hoặc vài lần trong năm, thì người ta không thể không giao cho giáo dân việc cử hành ngày Chúa Nhật.

8. Người ta cần làm sáng tỏ rằng việc cảm được mầu nhiệm là tùy thuộc vào việc cử hành phụng vụ một cách xứng đáng, tùy thuộc vào việc chuẩn bị kỷ lưỡng, nhưng nhất là tùy thuộc vào đức tin vào chính mầu nhiệm. Thông Ðiệp "Sứ Mạng Ðấng Cứu Chuộc" đã giúp chúng ta rất nhiều, khi làm nổi bật hai khía cạnh của việc thiếu dức tin gây ảnh hưởng tiêu cực trên sức hăng say tông đồ: hai khía cạnh đó là sự trần tục hóa ơn cứu rỗi và chủ nghĩa tương đối hóa tôn giáo. Sự trần tục hóa ơn cứu rỗi dẫn đến việc đề cao con người, nhưng lại là một con người bị rút gọn vào chỉ chiều ngang mà thôi. Có kẻ xem ra như liên kết ơn gọi của thừa tác viên của những mầu nhiệm Thiên Chúa với ơn gọi lo tổ chức việc công bằng xã hội mà thôi. Chủ nghĩa tương đối tôn giáo dẫn đến việc hủy bỏ sự thật của kitô giáo, bởi vì người ta cho rằng tôn giáo nào cũng như nhau. Thay vì để mình mang lấy những tâm tình than phiền hối tiếc, Ðức Gioan Phaolô II, trong tông thư "Bước vào ngàn năm mới", đã khuyến khích hãy củng cố hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.

Chủ đề của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới có thể được khai triển cách đúng đắn nhờ lưu ý đến những hoàn cảnh như được mô tả trên đây, vừa nhớ rằng đối với các Tông Ðồ và Các Giáo Phụ, chẳng hạn như giáo phụ Giustino, Bí Tích Thánh Thể là hành động thánh thiện nhất của Giáo Hội. Giáo Hội tin chắc rằng trong Bí Tích Thánh Thể thật sự có sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh. Sự hiện diện nầy là điểm căn bản của Bí Tích. Chính sự hiện diện này, --- một sự hiện diện phát sinh từ sự biến thể của hai hình Bánh và hình Rượu, --- làm cho Giáo Hội đến gần với mầu nhiệm kết thành yếu tính của Phụng Vụ. Ngày nay cần quả quyết lại niềm tôn kính đối với mầu nhiệm Thánh Thể và ý thức về tính cách cao cả không thể nào lĩnh hội hết được của bí tích này. Vì thế, cần có một chương trình huấn luyện có hệ thống. Nhưng cũng tùy thuộc rất nhiều vào sự hiện hữu của những nơi nêu gương, trong đó Bí Tích Thánh Thể được tin thờ thật sự, được cử hành cách đúng luật, trong đó người ta có thể đích thân cảm nghiệm được điều mà Bí Tích Thánh Thể là; Bí Tích Thánh Thể là câu trả lời duy nhất cho những thắc mắc của bất cứ ai đi tìm ý nghĩa của cuộc sống.

9. Bí Tích Thánh Thể và Ý nghĩa kitô của đời sống.

Con nguời đặt vấn đề về ý nghĩa của cuộc sống như sau: Ðâu là ý nghĩa của đời sống tôi? Tự do là gì? Tại sao có đau khổ và sự chết? Còn có gì sau cái chết hay không? Tắt một lời: cuộc sống của con người có ý nghĩa hay không? Câu hỏi vẫn còn đó, cả trong trường hợp con người cho rằng mình tự đủ cho mình, hoặc trong trường hợp con người đang làm mồi cho sự lo sợ và không chắc chắn. Tôn giáo là câu trả lời quyết định cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, bởi vì nó hướng dẫn con người đến sự thật về chính mình trong tương quan với Thiên Chúa chân thật.

Khi mạc khải ý nghĩa kitô của cuộc sống, Bí Tích Thánh Thể trả lời cho câu hỏi nói trên, qua việc loan báo sự sống lại và sự hiện diện thật, trọn vẹn và kéo dài mãi của Chúa, như là dấu bảo đảm cho vinh quang tương lai. Ðiều này đòi buộc con người đặt tương quan của mình với Thiên Chúa nơi nền tảng của tất cả mọi sự, bởi vì mối tương quan đó là nguồn mạch cho sự tự do, một sự tự do làm cho con người được bước vào trong cõi nội tâm sâu xa nhất của mình, để trao ban chính mình một cách nhưng không. Ðiều nầy xảy ra trong mầu nhiệm Vượt qua, trong đó sự thật và tình thương được gặp nhau, vừa cho thấy chúng là những đặc điểm của tôn giáo đích thật. Như thế Bí Tích Thánh Thể biểu lộ sự thật của Lời Chúa: không có gì thật hơn lời sự thật nầy, (nihil hoc verbo veritatis verius), như bài ca Adoro Te devote, cất hát lên như thế. Ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể được giải thích trọn vẹn bởi những lời của Chúa Giêsu như sau: Chúng con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta! (Lc 22,19). Trước hết, những lời này loan báo rằng: Chúa Giêsu Kitô đã mang sự đời đời vào trong thời gian, vừa mặc cho thời gian định hướng vĩnh viễn và vừa loại bỏ quyền lực  phá hủy của nó. Kế đến, qua những lời đó, được làm nổi bật rằng trong Chúa Giêsu được gặp nhau sự tự do của Thiên Chúa và sự tự do của con người, vừa làm phát sinh sự hiệp thông cho phép ta chiến thắng thần dữ. Cuối cùng, những lời trên nói ra ý nghĩa rằng Chúa Giêsu Kitô là nguồn mạch không bao giờ cạn để canh tân con người và thế giới, mặc cho những giới hạn và tội lỗi của muôn người.

10. Những câu trả lời cho Tài Liệu Tổng Quát (Lineamenta) phơi bày một sự xa cách giữa sinh hoạt mục vụ và bí tích Thánh Thể; Vì thế, người ta chờ đợi từ Thượng Hội Ðồng Giám Mục một lời khuyến khích để củng cố mối dây liên kết giữa đời sống và sứ mạng. Bí Tích Thánh Thể là câu trả lời cho những dấu chỉ của thời đại trong nền văn hóa hiện nay. Bí Tích Thánh Thể đáp lại nền văn hóa sự chết bằng nền văn hóa sự sống. Chống lại sự ích kỷ cá nhân và tập thể, bí tích Thánh Thể quả quyết sự trao ban trọn vẹn. Bí TíchThánh Thể đề ra tình thương yêu, để giải quyết hận thù và nạn khủng bố. Trước chủ thuyết thực nghiệm khoa học, Bí Tích Thánh Thể loan báo mầu nhiệm. Chống lại sự thất vọng, bí Tích Thánh Thể rao giảng niềm hy vọng chắc chắn của hạnh phúc đời đời.

Bí Tích Thánh Thể nhắm nói lên rằng giáo hội và tương lai của nhân loại được liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô, tảng đá duy nhất và bền vững thật sự, chớ không  liên kết với bất cứ thực tại nào khác. Vì thế chiến thắng của Chúa Kitô là việc dân kitô tin tưởng, cử hành và sống mầu nhiệm thánh thể.

* * *

Các phụ chú của chương I:

(2) Gioan Phaolo II, Tông thư  về Năm Thánh Thể (Mane nobiscum Domine), 7 tháng 10 năm 2004, số 28; báo Osservatore Romano, ngày 9 tháng 10, trang 6.

(3) Nhật báo Osservatore Romano, số 31/01 - mùng 1 tháng 2, năm 2005, trg 6.

(4) Annuarium Statisticum Ecclesiae 2003, bảng số 4.

(5) Annuarium Statisticum Ecclesiae 1978/2003, bảng 1.

(6) Ibidem, bảng 5.

(7) Annuarium Statisticum Ecclesiae 2003, bảng 6.

(8) Ibidem, bảng 5.

(9) Notitiae a F.A.O. tháng giêng năm 2005.

(10) Gioan Phaolô II, Thông Ðiệp Redemptoris Missio, (Sứ Mạng của Ðấng cứu thế ), 7 tháng 12 năm 1990, số 11: AAS 83 (1991), 260.

(11) Ibidem, số 36: AAS 83 (1991) trg 281.

(12) Gioan Phaolo II, Tông Thư  Novo millennio ineunte, (Bước vào ngàn năm mới), 6 tháng Giêng năm 2001, số 2: AAS 93 (2001) trg 267.

(13) S. Justinus, Apologia I, 66, về Bí Tích Thánh Thể: Corpus Apologetarum Christianorum I, phần I, Wiesbaden 1969, các trg 180-182.

(14) Gioan Phaolô II, Thông Ðiệp Fides et Ratio (Ðức Tin và Lý Trí), 14 tháng 11 năm 1998, số 81: AAS 91 (1999) 68-69.

(15) Missale Romanum (Sách Lễ Roma), Oratio post Communionem, (Lời nguyện Hiệp lễ)  Chúa Nhật I Mùa Vọng.

 

(Bản Dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page