Bài Giới Thiệu Tài Liệu Làm Việc

của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới

về Bí Tích Thánh Thể

của Ðức Tổng Giám Mục Nicôla Eterovic

Tổng Thư Ký của Ủy Ban Trung Ương

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giới Thiệu Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Bí Tích Thánh Thể của Ðức Tổng Giám Mục Nicôla Eterovic, Tổng Thư Ký của Ủy Ban Trung Ương Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế giới.

(Radio Veritas Asia - 9/07/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong cuộc Họp Báo, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, lúc 11 giờ 30 phút trưa thứ Năm mùng 7 tháng 7 năm 2005, Ðức Tổng Giám Mục Nicôla Eterovic, Tổng Thư Ký của Ủy Ban Trung Ương Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, cùng với Ðức Ông Fortunato Frezza, phụ tá Tổng Thư Ký, đã giới thiệu Tài Liệu Làm Việc của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Gíam Mục Thế Giới, lần thứ XI, từ ngày mùng 2  đến ngày 23 tháng 10 năm 2005, về đề tài: "Bí Tích Thánh Thể: nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội."

Trong bài này, chúng tôi xin tóm lại nội dung của bài giới thiệu của Ðức Tổng Giám Mục Nicôla Eterovic, Tổng Thư Ký của Ủy Ban Trung Ương Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới. Ngài không trình bày trực tiếp những điểm nội dung của Tài Liệu Làm Việc, nhưng trình bày khung cảnh và những đặc tính của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, và dành phần trình bày trực tiếp về nội dung của Tài Liệu Làm Việc cho bài thuyết trình của Ðức Ông Fortunato Frezza.

Trước hết, Ðức Tổng Giám Mục Nicola cho biết Tập Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, được công bố bằng 8 thứ tiếng: (1) Tiếng Latinh, ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Công Giáo, (2) Ý, (3) Pháp, (4) Tây Ban Nha, (5) Bồ Ðào Nha, (6) Anh, Ðức và (8) BaLan. Việc công bố tài liệu nầy ghi dấu giai đoạn quan trọng trong tiến trình chuẩn bị cho Khóa Họp vào tháng 10 năm 2005.

Ðức Tổng Giám Mục Nicola nhấn mạnh rằng Tài Liệu Làm Việc này là kết quả của một công việc thể hiện đoàn thể tính của Ủy Ban Trung Ương Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Phương Pháp làm việc có tính cách tập đoàn là đặc điểm không những của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, --- nơi thể hiện tính cách tập đoàn của những vị đại diện của hàng giám mục họp nhau quanh vị thủ lãnh giám mục đoàn, là Ðức Thánh Cha, giám mục Roma và là chủ chăn toàn thể giáo hội, --- nhưng còn là đặc điểm luôn đồng hành với toàn bộ tiến trình cử hành Thượng hội đồng giám mục, bao gồm giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hành những đề nghị của khóa họp. Những đề nghị nầy nói lên sự đồng thuận của các nghị phụ về những chủ đề chính được nêu ra  trong những buổi họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Những đề nghị của Khóa Họp luôn được trình lên Ðức Thánh Cha, để ngài đúc kết lại trong một Văn Kiện, thường được gọi là "Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục".

Ðức Tổng Giám Mục Nicôla Eterovic nhắc lại toàn bộ tiến trình chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục sắp đến, từ đầu cho đến nay, qua các giai đoạn, như sau: liền sau khi kết thúc Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới lần thứ X, về chủ đề: "Giám Mục phục vụ cho Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô để mang lại Hy Vọng cho thế giới", các nghị phụ đã đề nghị những chủ đề cho Khóa Họp kế tiếp, tức Khóa Họp thứ XI, vào tháng 10 năm 2005. Sau đó, Ủy ban Trung Ương của Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã tham khảo toàn thể hàng giám mục trên thế giới, qua các Hội Ðồng Giám Mục, các Giáo Hội công giáo đông phương, các Bộ của Giáo Triều Roma, và Liên Hiệp các Bề Trên Tổng Quyền. Kết quả của cuộc tham khảo rộng rãi nầy được nghiên cứu kỷ lưỡng trong Buổi Họp Chung của Ủy Ban Trung Ương, để trình lên Ðức Thánh Cha những chủ đề nào được đề nghị nhiều nhất.

Ngày 13 tháng 2 năm 2004, Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố quyết định chọn chủ đề cho Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, lần thứ XI, là: Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Khóa họp sẽ diễn ra từ ngày mùng 2  đến 23 tháng 10 năm 2005.

y Ban Trung Ương của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế giới, nhờ sự trợ giúp của các chuyên viên, đã bắt đầu soạn tập Tài Liệu Tổng Quát  (Lineamenta), một văn kiện nhắm cổ võ việc thảo luận về chủ đề của Khóa Họp, khắp nơi trong giáo hội, trước khi khai mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

Ngày từ đầu năm 2004, Tập Tài Liệu Tổng Quát, đã được công bố. Và khắp nơi trong giáo hội, Văn Kiện đã được tiếp nhận cách tích cực,và nhiều góp ý đã được gởi về cho Ủy BanTrung Ương, từ 113 Hội Ðồng Giám Mục, từ 11 Công Nghị Giám Mục của Các Giáo Hội Ðông Phương công giáo, từ 25 cơ quan của Giáo Triều Roma và từ Liên Hiệp các bề trên Tổng Quyền. Ngoài những góp ý chung, Ủy Ban Trung Ương Thượng Hội Ðồng Giám Mục còn nhận được nhiều đề nghị của những cá nhân giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, và nhất là của những giáo dân. Số lượng những góp ý từ các nơi gởi về Ủy Ban Trung Ương cho thấy sự hấp dẫn của chủ đề đã được chọn, và nhất là những mong đợi về kết quả của Khóa Họp sắp đến.

Ngày 20 tháng 4 năm 2005, tức chỉ một ngày sau khi được chọn lên kế vị thánh Phêrô, trong bài diễn văn đầu tiên, Ðức Tân Gíao Hoàng Bênêđitô XVI đã nhắc đến Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục như là một trong những dấn thân sắp đến của ngài. Ðức Thánh Cha kể Khóa Họp như là một trong những cao điểm của Năm Thánh Thể, Năm đã được khai mạc ngày 17 tháng 10 năm 2004.

Ngày 12 tháng 5 năm 2005, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã chính thức xác nhận về Khóa Họp, về Chủ Ðề, và về Thời gian được rút ngắn lại, tức là từ mùng 2 cho đến 23 tháng 10 năm 2005, thay vì kéo dài đến 29 tháng 10 năm 2005, như đã được loan báo trước.

Ðức Tổng Giám Mục Nicôla Etêrovic đã nhắc đến vài điểm mới liên quan đến khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục như sau: Mỗi nghị phụ có thể phát biểu ý kiến trong Phiên Họp, trong khoảng thời gian 6 phút thôi, thay vì 8 phút, như trong những lần họp trước đây. Lý do của việc rút ngắn thời gian phát biểu, là bởi vì thời gian Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục cũng đã được rút ngắn lại trong vòng 3 tuần, thay vì 4 tuần. Vã lại, trong hai ngày 18 và 19 tháng 10 năm 2005, có chương trình dành cho những "phát biểu tự do" trong vòng 1 tiếng đồng hồ, liền sau Phiên Họp Chung, để giúp cho các nghị  phụ nào muốn biết thêm về những ý kiến đã được phát biểu. Với chi tiết mới nầy, người ta hy vọng có dịp đào sâu, trong bầu khí trao đổi cởi mở, những ý kiến và kinh nghiệm khác nhau, cũng như những câu hỏi hết sức thời sự về mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Những thảo luận trong Khoá Họp được điều khiển bởi các vị Chủ Tịch Thừa Ủy, đã được bổ nhiệm. Vai trò của những vị Chủ Tịch Thừa Ủy nầy không hệ tại ở việc chỉ loan báo những sinh hoạt, nhưng còn thật sự điều khiển những thảo luận, được thực hiện, trong 5 thứ tiếng khác nhau: (1) Ý, (2) Pháp, (3) Anh, (4) Tây Ban Nha và (5) Ðức.

Ðức Tổng Giám Mục, Tổng Thư Ký Ủy Ban Trung Ương Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nói tiếp như sau:

"Ðể giúp cho việc thảo luận được dễ dàng, các nghị  phụ sẽ được yêu cầu trình bày nững ý kiến của mình, dựa theo thứ tự các đề tài được xếp đặt trong Tập Tài Liệu Làm Việc, gồm có bốn phần chính."

- Phần thứ I của Tài Liệu Làm Việc nói về đề tài: Bí TíchThánh Thể và Thế Giới Ngày Nay.

- Phần thứ II nói về Ðức Tin của Giáo Hội vào bí tích Thánh Thể.

- Phần thứ III nói về Bí Tích Thánh Thể trong đời sống của Giáo Hội.

- Phần thứ IV nói về Bí Tích Thánh Thể trong Sứ Mạng của Giáo Hội.

Như thế, bốn phần chính của Tài Liệu Làm Việc, tiếp nối nhau theo thứ tự vừa kể trên, sẽ được dùng như là "trật tự phải theo" cho những bài phát biểu ý kiến của các nghị phụ trong Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế giới vào tháng 10 năm 2005.

Ðức Tổng Giám Mục Nicola Etêrovic giải thích:

"Ðối  với các vị giám mục được chọn từ các Hội Ðồng Giám Mục có hơn 100 thành viên trở lên, --- và là những Hội Ðồng Giám Mục có quyền chọn 4 vị giám mục đại diện tham dự khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, --- thì sẽ không có vấn đề khó khăn nào. Mỗi vị giám mục đại diện chọn, sẽ nói về một đề tài, có liên hệ đến một trong số bốn phần của Tài Liệu Làm Việc. Những Hội Ðồng Giám Mục có từ 50 đến 100 thành viên, thì có quyền chọn 3 vị giám mục đại diện; và ba vị giám mục đại diện này có thể chọn nói về ba đề tài liên quan đến ba phần của Tài Liệu làm Việc. Những Hội Ðồng Giám Mục có từ 26 đến 50 thành viên, thì có quyền chọn hai vị giám mục đại diện tham dự . Và những Hội Ðồng Giám Mục có 25 thành viên trở xuống, thì có quyền chọn một vị giám mục đại diện. Trong hai trường hợp sau này, --- tức trường hợp của các Hội Ðồng Giám Mục có 2 hay 1 giám mục đại diện tham dự mà thôi, --- thì các vị giám mục đại diện tham dự đó, có thể chọn phát biểu ý kiến về một đề tài liên quan đến một phần nào đó của Tài Liệu Làm Việc, và là đề tài mà mình cho là có tầm quan trọng đối với giáo hội địa phương, được mình đại diện cho. Và khi phát biểu ý kiến, thì vị giám mục đại diện đó phải chờ cho đến lúc khóa hợp bàn đến đề tài mà mình đã chọn. Những vị đại diện cho các giáo hội công giáo đông phương, những đại diện cho các Bộ của Tòa Thánh, và những đại diện cho Hiệp Hội Các Bề Trên Tổng Quyền, tất cả đều phải tuân theo thể thức như vừa nói trên. Trật tự phát biểu ý kiến trong các Buổi Họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, tuân theo trật tự  bốn phần của Tài Liệu Làm Việc. Ðiều nầy giúp cho các bài phát biểu có trật tự hơn và những thảo luận theo trật tự các đề tài, sẽ được phong phú hơn."

Một điểm mới khác nữa trong Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục là thời gian dành cho các cuộc thảo luâän theo từng nhóm ngôn ngữ, sẽ được rút ngắn lại, để dành nhiều giờ hơn cho những phát biểu và thảo luận trong các Phiên Họp chung. Ðược biết các nghị phụ sẽ được phân chia thành 12 nhóm nhỏ, theo 5 ngôn ngữ được dùng trong Khóa Họp. Ðức Tổng Giám Mục Nicola Etêrovic giải thích thêm như sau: "Công việc của các nhóm nhỏ, theo ngôn ngữ, được hướng đến mục tiêu chính là soạn ra những đề nghị. Về điểm nầy, các nghị phụ sẽ được yêu cầu đưa ra những đề nghị ngắn và rõ ràng, sao cho mỗi đề nghị chỉ nói về một điều mà thôi. Người ta cũng mong ước sao cho các đề nghị không lặp lại giáo lý truyền thống của giáo hội, nhưng hướng đến việc cổ võ cho một sự canh tân trong việc thực hành mục vụ và trong việc cử hành bí tích Thánh Thể trong giáo hội khắp nơi. Và như thế, Mầu Nhiệm Cao Cả của Ðức Tin, được cử hành, tôn thờ và sống thực, sẽ trở thành nhiều hơn nữa nguồn mạch cho đời sống của giáo hội cũng như nguồn mạch cho sứ mạng của Giáo Hội, sứ mạng rao giảng phúc âm và cổ võ phát triển nhân bản trên toàn thế giới."

Ðức Tổng giám mục Nicola cho biết là sẽ có một số "dự thính viên", nam nữ, tham dự Khóa Họp. Các ngài sẽ làm chứng cho tầm quan trọng của Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Thánh Thể trong đời sống thiêng liêng của họ cũng như trong những hoạt động tôn giáo và xã hội mà các ngài chu toàn hằng ngày trong những môi trường khác nhau. Cũng sẽ có những chuyên viên trong nhiều lãnh vực, để hổ trợ cho công việc của các nghị phụ. Ngoài ra, còn có những phái đoàn anh em, đại diện cho những Giáo Hôi Kitô, hay cộng đoàn giáo hội khác, được mời tham dự. So với những khóa họp trước, thì lần nầy con số các phái đoàn đại diện được mời, gia tăng gấp đôi, từ con số  6 phái đoàn đại diện trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục vừa qua, tăng lên tổng số 12 phái đoàn được mời tham dự Khóa Họp sắp đến. Ðóa là những phái đoàn từ các Giáo Hội Chính Thống, từ các Giáo Hội cổ xưa tại Ðông Phương, và từ những cộng đoàn Tin Lành phát sinh từ công cuộc cải cách thế kỷ thứ 16. Có thể nói đây là một trong những cử chỉ cụ thể mà Ðức Thánh Cha Bênêditô XVI đã nhắc đến vào khởi đầu thừa tác vụ Phêrô của ngài.

Các nghị phụ sẽ tự do chọn ra 8 nghị phụ làm thành viên của Ủy Ban soạn thảo Sứ Ðiệp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, và Ðức Thánh Cha sẽ chỉ định 4 thành viên, trong số nầy có một Vị làm Chủ Tịch, và một vị làm Phó Chủ Tịch của Ủy Ban.

Những phương tiện kỷ thuật để hổ trợ cho Khóa Họp sắp đến, cũng dược  canh tân: Ánh sáng, các phương tiện nghe nhìn, cách thức bỏ phiếu bằng điện tử đối với những vấn đề nhỏ, vân vân... Những canh tân kỷ thuật này, sẽ giúp cho cuộc trao dổi và đối thoại giữa các nghị phụ được trở nên dễ dàng và hữu ích, trong tinh thần của đoàn thể tính giữa các ngài với nhau, cũng như giữa các ngài và Ðức Thánh Cha.

Ðức Tổng Giám Mục Nicôla, Tổng Thứ Ký của Ủy ban Trung Ương đặc trách Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, còn cho biết thêm rằng Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục lần thứ XI vào tháng 10 năm 2005, sẽ trùng vào dịp mừng 40 năm thiết lập cơ chế Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã chấp thuận đề nghị dành riêng một lần họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục vào tháng 10 năm 2005, để kỷ niệm biến cố. Trong phiên họp kỷ niệm nầy, sẽ có hai bài thuyết trình, một có tính cách thần học, và một có tính cách giáo luật, bàn về bản chất của cơ cấu Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Sau đó, sẽ có 7 bài nói về 8 Khóa Họp Ðặc biệt đã được tổ chức. Những bài thuyết trình nầy sẽ giúp các nghị phụ đánh giá một cách khách quan về con đường đã đi qua, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và cống hiến những đề nghị mới nhắm canh tân phương pháp làm việc, ngõ hầu cơ cấu Thượng Hội Ðồng Giám Mục, mỗi ngày một trở nên nhiều hơn phương thế hữu hiệu thực hiện sự hiệp thông và đoàn thể tính, giữa lòng giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền.

Lễ mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập cơ cấu Thượng Hội Ðồng Giám Mục mời gọi các nghị phụ nhìn lại con đường đã đi qua, và  công việc  phục vụ giáo hội của cơ cấu nầy, một cơ cấu do Công Ðồng Vaticanô II đề nghị thành lập.

Ðược biết, nếu tính luôn cả Khóa Họp Thông Thường vào tháng 10 năm 2005 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, thì trong vòng 40 năm qua, đã có tổng cộng 21 Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, được phân loại như sau: 11 khóa họp thông thường, 2 khóa họp ngoại thường, và 8 khóa họp đặc biệt. Như thế, Bình quân cứ mỗi 18 tháng, thì có một khóa họp Thượng Họäi Ðồng Giám Mục.

Hơn nữa trong lịch sử 40 năm Thượng Hội Ðồng Giám Mục, có hai vị Giáo Hoàng nổi tiếng đã triệu tập, chủ sự, và áp dụng những thành quả của Khóa Họp, là Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II. Cả hai vị nầy đều đang được lập hồ sơ để phong chân phước và phong thánh.

Nơi phần cuối của bài giới thiệu, Ðức Tổng Giám Mục Nicola, Tổng Thư Ký Ủy ban Trung Ương Thượng Hôi Ðồng Giám Mục, đã nhắc đến tương quan của ba vị giáo giáo hoàng, --- mà hai vị đã qua đời, là Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II, và vị thứ ba là Ðức đương kim giáo hoàng Bênêđitô XVI, --- với cơ cấu Thượng Hội Ðồng Giám Mục, một cơ cấu đã được thiết lập từ 40 năm qua.

Ðức Tổng Giám Mục Nicola nhắc lại rằng: Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI là vị đã thiết lập cơ cấu Thượng Hội Ðồng Giám Mục, ngày 15 tháng 9 năm 1965. Lúc đó Công Ðồng Vaticanô II chưa bế mạc. Tuy nhiên, Công Ðồng có nói về cơ cấu mới này , nơi hai đoạn, tức nơi số 5 của sắc lệnh về thừa tác vụ mục vụ của Giám Mục, và nơi số 29 của sắc lệnh về Hoạt động truyền giáo của giáo hội.

Ðức cố Giáo Hòang Phaolô VI đã triệu tập Năm 5 Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, trong số nầy có 4 khóa họp thông thường vào các năm 1967, 1971, 1974, 1977,  và một khóa họp đặc biệt vào năm 1969. Ðức Phaolô VI không hiện diện tham dự trong tất cả các phiên họp, như Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng theo dõi sát công việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục lần đầu tiên vào năm 1967, Ðức Phaolô VI chỉ tham dự  5 phiên họp khoáng đại mà thôi; tuy nhiên, Ngài đã tiếp riêng tất cả các nghị phụ. Trong Khóa Họp thứ hai vào năm 1969 --- và đây là Khóa Họp Ðặc Biệt --- Ðức Phaolô VI đã tham dự 8 trong số 11 Phiên Họp chung. Những phiên họp ngài không tham dự được, là vì bị trùng với buổi tiếp kiến chung hằng tuần vào sáng thứ Tư. Ðến  Khóa Họp thứ ba, vào năm 1971, Ðức Phaolô VI đã tham dự 20 phiên họp chung; Ðến phiên họp thứ IV vào năm 1974, Ngài tham dự 14 phiên họp chung; Ðến Khóa Họp thứ V, vào năm 1977, và mặc dù lúc đó sức khỏe đã yếu kém, nhưng Ðức Phaolô VI đã tham dự 9 phiên họp chung. Như đã nói, dù không tham dự trọn đủ tất cả các phiên họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nhưng Ðức Phaolô VI đã cố gắng xếp chương trình để tiếp xúc với các nghị phụ, hoặc từng cá nhân, hoặc theo nhóm. Ngoài ra, ngài theo dõi công việc của khóa họp Thượng Họäi Ðồng Giám Mục, qua các bài phúc trình của các vị Chủ Tịch Thừa Ủy và của Vị Tổng Thư Ký của Khóa Họp. Sự hiện diện tham dự của Ðức Giáo Hòang trong các Phiên Họp chung của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nói lên đặc tính  "đoàn thể" của giám mục đoàn, mà thủ lãnh là chính ngài, nguời kế vị thánh Phêrô.

Ðến thời của Ðức Gioan Phaolô II: ngài được gọi là "vị giáo hoàng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục", bởi vì ngài, cách này hay cách khác, đều có liên hệ đến tất cả các khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, từ khóa họp đầu tiên vào năm 1967, trước hết với tư cách là tổng giám mục BaLan, và rồi sau đó với tư cách là người kế vị thánh Phêrô tại ngai tòa Roma.

Ðược biết, lúc còn là Hồng Y Tổng Giám Mục Cracovia, Ðức Gioan Phaolô II, đã là "tường trình viên" để thuyết trình tổng kết vào lúc kết thúc Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 1974, về chủ đề: "Công việc rao giảng phúc âm trong thế giới ngày nay". Hơn nữa, trong khoảng thời gian từ năm 1971 cho đến khi được chọn lên kế vị thánh Phêrô tại Roma, vào năm 1978, Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Cracovia, là thành viên của Hội Ðồng Thường Vụ của Ủy Ban Trung Ương Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

Trong suốt triều giáo hoàng của ngài, Ðức Gioan Phaolô II đã triệu tập và tham dự tổng cộng 15 Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục; trong số nầy có 6 Khóa Họp Thông Thường, vào các năm 1980, 1983, 1987,1990,1994, và 2001; 1 Khóa Họp Ngoại Thường vào năm 1985, và 8 Khóa Họp Ðặc Biệt vào các năm như sau: vào năm 1980 về Giáo Hội công giáo tại Hòa Lan;  vào năm 1991 về Âu Châu Khóa Họp lần thứ I, vào năm 1994 về Phi Châu, vào năm 1995 về Liban, vào năm 1997 về Mỹ Châu, vào năm 1998 về Á Châu, và cũng vào năm 1998 về Ðại Dương Châu, vào năm 1999 về Âu Châu Khóa thứ II. Ðây là những Khóa Họp Ðặc Biệt về mỗi Ðại Lục, để chuẩn bị cử hành Ðại Năm Thánh 2000. Ðức Gioan Phaolô II đã tham dự tất cả các Phiên Họp Chung của các Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, ngoại trừ  khi phiên họp chung đó bị trùng với buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư hằng tuần. Ðức Gioan Phaolô II còn gặp gỡ tất cả các nghị phụ, hoặc gặp riêng từng nguời, hoặc theo nhóm.

Vị giáo hoàng thứ ba trong lịch sử 40 năm Thượng Hội Ðồng Giám Mục, là Ðức đương kim giáo hoàng Bênêđitô XVI. Như hai vị tiền nhiệm ngài, Ðức Bênêđitô XVI cũng là vị có nhiều kinh nghiệm với Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Ngoại trừ  4 Khóa Họp đầu tiên vào các năm 1967, 1969, 1971 và 1974, còn lại các Khóa Họp khác, thì Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger --- mà nay là Giáo Hoàng Bênêđitô XVI --- đã tham dự  7 Khóa Họp Thông Thường, vào các năm 1977, 1980, 1983, 1987, 1990, 1994 và 2001; một Khóa Họp Ngoại Thường vào năm 1985 và 7 Khóa Họp Ðặc Biệt. Một cách đặc biệt, trong Khóa Họp Thông Thường vào năm 1980, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger là Tường Trình Viên Chính của Khóa Họp về chủ đề "Gia Dình Kitô". Ngài còn là một trong ba vị  Chủ Tịch Thừa Ủy của Khóa Họp Thông Thường vào năm 1983, về chủ đề "Ðền Tội và Hòa Giải trong sứ mạng của Giáo Hội. Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger còn là thành viên của Hội Ðồng Thường Vụ của Uûy Ban Trung Ương Thượng Hội Ðồng Giám Mục, của bốn Khóa Họp Thông Thường vào các năm 1980, 1983, 1987 và 1990; và của hai Khóa Họp đặc biệt vào năm 1983 và 1997.

Như thế, với chiều dày kinh nghiệm về các Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI sẽ góp phần làm cho Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục lần đầu tiên của triều giáo hoàng của ngài, --- tức khóa họp vào tháng 10 năm 2005 --- được thể hiện cách trọn hảo hơn nữa, trong bầu khí  đầy tinh thần "tập đoàn" giữa Ðấng  kế vị Thánh Phêrô và các giám mục trên thế giới. Chắc chắn rằng những    Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI muốn thực hiện qua Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục sắp đến, sẽ được toàn thể Giáo Hội đón nhận và cầu nguyện cho, trong Năm Thánh Thể nầy, với lời khẩn cầu của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Người Nữ của bí tích Thánh Thể.

Trong bài thời sự lần tới, chúng tôi sẽ điểm qua bài giới thiệu thứ hai trong buổi Họp Báo sáng thứ Năm mùng 7 tháng 7 năm 2005, tức bài giới thiệu của Ðức Ông Fortunato, phó tổng thư ký của Ủy Ban Trung Ương Thượng Hội Ðồng Giám Mục, trình bày những điểm nội dung đáng chú ý của Tài Liệu Làm Việc. Mong quí vị và các bạn sẽ đón nghe.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page