Diễn Văn của ÐTC Bênêđitô XVI
nhân dịp viếng thăm Tổng Thống Italia
vào sáng thứ Sáu, ngày 24/06/2005
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Diễn
Văn của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI
nhân dịp viếng thăm Tổng Thống Italia vào sáng thứ Sáu,
ngày 24 tháng 6 năm 2005.
(Radio
Veritas asia 26/06/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Như
đã nghe qua trong phần tin tức hôm thứ Bảy 25 tháng 6 năm
2005, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã đến thăm tổng thống
Italia, tại tư dinh của ngài, là Ðiện Quirinale, vào sáng thứ
Sáu, ngày 24 tháng 6 năm 2005. Ðây là lần đầu tiên Ðức
Bênêđitô XVI đến Ðiện Quirinale, để gặp tổng thống Italia,
với tư cách là Người Kế Vị Thánh Tông Ðồ Phêrô. Mục
thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi
bản dịch tiếng Việt nguyên văn bài diễn văn của Ðức Thánh
Cha tại dinh tổng thống Italia. ÐTC đã nhắc lại lập trường
của Giáo Hội tôn trọng "tính cách đời thường lành mạnh"
của Nhà Nước, vừa đồng thời nhắc
rằng tính cách "đời thường" nầy không nên bỏ mất đi
những quy hướng luân lý. Ðây mời quý vị và các bạn
theo dõi bài diễn văn của Ðức Thánh Cha.
Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đến thăm tổng thống Italia, tại tư dinh của ngài, là Ðiện Quirinale, vào sáng thứ Sáu, ngày 24 tháng 6 năm 2005. |
Kính
thưa ngài tổng thống,
Hôm
nay Tôi vui mừng được đáp lễ chuyến viếng thăm mà ngài,
với cương vị Tổng Thống Italia, đã thực hiện vào ngày 3
tháng 5 (năm 2005) vừa qua, vào lúc khởi đầu công việc phục
vụ mục vụ mà Chúa đã gọi tôi thi hành. Trước hết, tôi
muốn cảm tạ ngài, và qua ngài mà cảm tạ dân tộc Italia, vì
cuộc tiếp đón nồng nhiệt đã dành cho tôi ngay từ ngày đầu
tiên của công việc phục vụ mục vụ của tôi, như là giám
mục Roma, và là chủ chăn của giáo hội phổ quát. Phần tôi,
tôi xin bảo đảm trước hết với dân chúng Roma và sau đó
với toàn thể dân tộc Italia rằng tôi sẽ dấn thân hoạt động
hết sức mình cho điều thiện hảo tôn giáo và dân sự của
tất cả những ai mà Thiên Chúa đã trao phó cho việc chăm sóc
mục vụ của tôi. Việc loan báo tin mừng, mà tôi đã được
mời gọi mang đến Roma và
đất nước Italia, trong sự hiệp thông với các giám mục
Italia, là để phục vụ không những cho sự
trưởng thành của dân chúng Italia trong Ðức Tin và
trong đời sống kitô, nhưng còn cho sự tiến bộ của dân tộc
này trên những con đường của sự hòa hợp và hòa bình.
Chúa Kitô là Ðấng cứu chuộc của trọn cả con người, linh
hồn và thể xác, của trọn cả vận mệnh thiêng liêng và
đời đời cũng như của cuộc sống tạm thời và trần thế
của con người. Như thế, khi sứ điệp của Chúa được lắng
nghe, cộng đoàn dân sự trở nên có trách nhiệm hơn, chú ý
hơn đến những đòi hỏi của công ích, và có tinh thần liên
đới hơn với những người nghèo, với những kẻ bị bỏ rơi
và bị loại ra bên lề xã họäi. Lướt qua lịch sử Italia, người
ta bị đánh động bởi vô số công việc bác ái mà Giáo Hội,
với những hy sinh to lớn, đã khai sinh để nâng đỡ cho mọi
nỗi khổ đau. Trên cùng con đường này, Giáo Hội ngày nay
muốn tiếp tục hành trình, mà không ham quyền lực và không
yêu cầu được hưởng những đặc ân hoặc những địa vị
có lợi xã hội và kinh tế. Mẫu guơng của Chúa Kitô, Ðấng
đã "đi qua khắp nơi làm điều tốt và chữa lành tất cả"
(TÐCV 10,3), là mẫu mực tột cùng cho Giáo Hội, để biết cư
xử giữa các dân tộc.
Những
tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước được xây dựng
trên nguyên tắc đã được công đồng Vaticanô II công bố;
theo nguyên tắc này "cộng đồng chính trị và giáo hội là
độc lập và tự quản, mỗi bên trong lãnh vực riêng. Cả
hai, dù khác biệt nhau, nhưng đều
phục vụ cho ơn gọi cá nhân cũng như ơn gọi xã hội của chính
con người" (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 76). Nguyên tắc
nầy đã có mặt trong những ký kết Lateran và sau đó được
được công nhận trong những Hiệp Ước để sửa lại
Hòa Ước Latêran. Như vậy, thật là hợp lý
tính cách đời thường lành mạnh của Nhà Nước, mà
theo đó những thực tại trần tục được điều hành theo những
quy định riêng, nhưng không loại bỏ những quy hướng luân lý;
và nền tảng cuối cùng của những quy hướng luân lý
này là tôn giáo. Sự độc lập của lãnh vực trần thế không
loại bỏ một sự hòa hợp sâu xa với những đòi buộc cao
hơn và phức tạp, phát sinh từ cái nhìn toàn diện về con
nguời và về vận mệnh đời đời của con người.
Thưa
ngài Tổng Thống, Tôi muốn
bảo đảm với Ngài và với toàn thể dân tộc Italia rằng giáo hội muốn duy trì và cổ võ tinh thần thân thiện
của sự cộng tác và hiểu nhau,
để phục vụ cho sự phát triển thiêng liêng và luân lý của
đất nước Italia, đất nước mà giáo hội được liên kết
với một cách hết sức đặc biệt, đến độ sẽ thật là
tai hại không những cho giáo hội mà còn cho cả đất nước
Italia, nếu muốn làm yếu đi và bẻ gãy những mối dây liên
kết này. Nền văn hóa Italia là một nền văn hóa đã
được thấm nhuần sâu xa trong những giá trị kitô, như
được nhìn thấy trong những tuyệt tác sáng chói mà
quốc gia đã làm trổ sinh trong tất cả mọi lãnh vực của
tư tưởng và nghệ thuật. Lời cầu chúc của tôi là ước
gì dân tộc Italia, không những không chối bỏ phần gia tài
kitô đã kết thành lịch sử của dân tộc, nhưng còn gìn giữ
kỹ lưỡng và làm cho phần gia tài kitô đó được trổ sinh
những hoa trái xứng đáng với quá khứ. Tôi tin tưởng rằng
Italia, dưới sự hướng dẫn khôn ngoan và gương mẫu của những
ai đã được kêu gọi nắm vai trò cai trị đất nước, tiếp
tục thực hiện trong thế giới "sứ mạng văn minh hóa", mà
trong đó đất nước Italia đã được nổi bật trong các thế
kỷ qua. Do bởi lịch sử và văn hóa của mình, đất nước
Italia có thể mang đến phần đóng góp hết sức có giá trị
đặc biệt cho Âu Châu, bằng cách giúp cho Âu Châu biết khám
phá lại những gốc rễ kitô đã làm cho Âu châu trở nên
vĩ đại trong quá khứ, và là những giá trị ngày nay còn có
thể cổ võ cho sự hiệp nhất sâu xa của đại lục.
Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI biếu Tổng Thống Italia, Ông Carlo Azeglio Ciampi, bức ảnh Ðức Mẹ. |
Thưa
ngài tổng thống, như ngài có thể hiểu được, có nhiều mối
quan tâm khởi sinh vào lúc khởi đầu công việc mục
vụ của tôi trên ngai tòa Phêrô. Trong số những quan tâm nầy,
tôi muốn nhắêc đến một
vài điều, mà vì tính cách phổ quát nhân bản của chúng,
chúng không thể nào không gây chú ý nơi kẻ có trách nhiệm
việc công. Tôi muốn nhắc đến vấn đề về việc bảo vệ gia
đình được thiết lập trên hôn nhân, như được nhìn nhận
trong Hiến Pháp Italia (act. 29), đến vấn đề về việc bảo vệ
sự sống ngay từ lúc thụ thai cho đến lúc kết thúc tự
nhiên, và cuối cùng đến vấn đề giáo dục và vấn đề trường
học, cột trụ cần thiết cho việc huấn luyện những thế hệ mới.
Giáo Hội, như đã và đang có thói quên tìm kiếm thánh ý
Thiên Chúa được khắc ghi trong chính bản tính của con
người, Giáo Hội nhìn thấy trong gia đình một giá trị hết
sức quan trọng cần được bảo vệ, chống lại mọi tấn công
nhằm làm hư nền tảng vững chắc của gia đình, và đặt vấn
đề về sự hiện hữu của gia đình. Kế đó, trong sự sống
con người, giáo hội nhìn nhận một điều thiện hảo căn gốc,
nền tảng cho tất cả mọi điều thiện hảo khác, và
do đó yêu cầu tôn trọng sự sống con người vào giây
phút bắt đầu, cũng như vào lúc cuối cùng, vừa nhấn mạnh
đến bổn phận chăm sóc y dược tương xứng để làm cho cái
chết được nên nhân bản hơn. Còn về trường học, vai trò
của chúng liên hệ đến gia đình, như là một sự kéo dài tự
nhiên của trách vụ giáo dục của gia đình. Về vấn đề nầy,
dù vẫn tôn trọng thẩm quyền của Nhà Nước trong việc đưa
ra những định luật tổng quát cho việc giảng dạy, nhưng tôi
không thể không nói lên ước mong Nhà Nước tôn trọng cách
cụ thể quyền của bậc làm cha mẹ được
tự do chọn sự giáo dục cho con cái họ, mà không phải
vì đó mà chịu thêm gánh nặng nữa. Tôi tin tưởng rằng
những nhà lập luật Italia, trong sự khôn ngoan của họ, biết
tìm cho những vấn đề hiện nay những gỉai đáp "nhân bản",
biết tôn trọng những giá trị không thể bị xúc phạm và là
những giá trị có liên hệ trong những vấn đề này. Sau cùng,
nói lên lời cầu chúc cho quốc gia Italia được luôn tiến bộ
trên con đường thịnh vượng tinh thần và vật chất, tôi xin
hiệp ý với ngài, thưa ngài tổng thống, trong việc khuyến khích
tất cả mọi công dân và tất cả mọi thành phần của xã hội,
hãy sống và luôn làm việc trong tinh thần hòa hợp thật sự,
trong khung cảnh đối thoại cởi mở và tin tưởng lẫn nhau,
trong dấn thân phục vụ và cổ võ công ích và phẩm giá của
từng người.
Thưa ngài tổng thống, tôi muốn kết thúc, với việc nhắc lại nơi đây lòng kính trọng và tình thương mà dân chúng Italia có đối với bản thân ngài, cũng như sự tin tưởng hoàn toàn của người dân Italia vào việc ngài chu toàn những bổn phận mà chức vụ cao cả của ngài đòi buộc; Tôi xin phó thác ngài và phu nhân, bà Franca, và những vị có trách nhiệm về sinh hoạt của quốc gia, cũng như phó thác toàn dân Italia, cho sự bảo vệ của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Ðấng hết sức được tôn kính tại vô số đền thánh được dâng kính Mẹ. Với những tâm tình nầy, tôi khẩn cầu Thiên Chúa ban phúc lành cho tất cả, một phúc lành mang đến mọi điều tốt đẹp mong muốn.
(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)