Ðức Thánh Cha Bênêditô XVI

tái xác nhận dấn thân của

Giáo Hội Công Giáo cho sự

hiệp nhất những người Kitô

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh Cha Bênêditô XVI tái xác nhận dấn thân của Giáo Hội Công Giáo cho sự hiệp nhất những người Kitô.

Tin Vatican (Apic 16/06/2005) - Thứ Năm, ngày 16 tháng 6 năm 2005, ÐTC Beneditô XVI đã tiếp kiến riêng Mục Sư Samuel Kobia, tổng thư ký Hội Ðồng Thế Giới Các Giáo Hội, trong vòng 10 phút, rồi sau đó tiếp chung phu nhân của Mục Sư và phái đoàn do Mục Sư hướng dẫn. Trong bài diễn văn, ÐTC đã tái xác nhận sự dấn thân của cá nhân ngài cũng như sự dấn thân của giáo hội công giáo cho sự hiệp nhất tất cả mọi người Kitô. Ðức Thánh Cha cho rằng đây là một dấn thân không còn có thể trở lui lại được nữa.


ÐTC Beneditô XVI tiếp kiến riêng Mục Sư Samuel Kobia, tổng thư ký Hội Ðồng Thế Giới Các Giáo Hội, trong vòng 10 phút, rồi sau đó tiếp chung phu nhân của Mục Sư và phái đoàn do Mục Sư hướng dẫn.


Ðức Thánh Cha cũng đã nhắc đến những liên lạc giữa Giáo Hội Công Giáo và Hội Ðồng Thế Giới Các Giáo Hội, đã được khai triển trong thời gian họp Công Ðồng Vaticanô II, và được tiếp tục từ đó đến nay, qua Ủy Ban Hỗn Hợp được thiết lập vào năm 1965. Ðược biết, trong thời gian họp Công Ðồng Vaticanô II, Hội Ðồng Thế Giới Các Giáo Hội (hay còn được gọi bằng tiếng pháp là Hội Ðồng Ðại Kết Các Giáo Hội) đã Gởi hai Quan Sát Viên tham dự đủ cả bốn khóa họp của Công Ðồng. Theo Ðức Thánh Cha, Ủy ban Hỗn Hợp nầy là phương thế để gặp gỡ và cộng tác giữa Giáo Hội Công Giáo và Hội Ðồng Thế Giới các Giáo Hội. Vào tháng 11 năm 2005, Ủy Ban Hỗn Hợp sẽ họp đặc biệt để mừng kỷ niệm 40 năm thành lập, và sẽ trao đổi về công việc tương lai của Ủy ban nầy. Nhắc lại giáo huấn của Ðức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II về đại kết, Ðức Thánh Cha Beneditô XVI quả quyết rằng con tim của công cuộc đi tìm sự hiệp nhất kitô là điều được diễn tả bằng cụm từ "phong trào đại kết thiêng liêng".

Về phần Mục Sư Kobia, trong bài diễn văn, Mục Sư Samuel Kobia, người Kenya, Phi Châu, đã mời Ðức Thánh Cha Benedito XVI đến thăm trụ sở của Hội Ðồng tại Geneva. Ðược biết, Ðức Phaolô VI đã viếng thăm trụ sở của Hội Ðồng vào ngày 15 tháng 6 năm 1969, và Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Trụ Sở  nầy vào ngày 12 tháng 6 năm 1984.

Mục Sư Kobia cũng đã cám ơn Ðức Benedito XVI vì những "dấu hiệu hy vọng đại kết" mà Ðức Thánh Cha đã biểu lộ, ngay từ lúc bắt đầu triều giáo hoàng. Mục Sư nhắc đến ba lãnh vực quan trọng cần chú ý và thực hiện, ngõ hầu sự cộng tác giữa Giáo Hội Công Giáo và Hội Ðồng Thế Giới Các Giáo Hội, mang lại kết quả cho tất cả các giáo hội, cũng như cho phong trào đại kết. Ba lãnh vực đó là: lãnh vực thiêng liêng, lãnh vực huấn luyện đại kết, và lãnh vực giáo hội học.

- Về lãnh vực thiêng liêng, Mục Sư Kobia đề nghị các người kitô hãy tìm gặp "một căn bản chung" để từ đó hành động như là người kitô.

- Lãnh vực huấn luyện đại kết là điều cần thiết, để chấp nhận và thực hành trong sinh hoạt của các giáo hội "những bước tiến quan trọng đến sự hiệp nhất hữu hình".

- Và lãnh vực giáo hội học mời gọi hiểu biết và suy nghĩ thêm về những tiền đề giáo hội học đi kèm theo sự dấn thân của mỗi giáo hội cho sự hiệp nhất kitô.

Mục Sư Kobia đặt ra những câu hỏi như sau: thử hỏi có chỗ nào dành cho những giáo hội kitô khác trong giáo hội học chính thống hay không? Những giáo hội được thành hình từ cuộc Cải Cách (thế kỷ thứ XVI) có hiểu, duy trì và diễn tả sự thuộc về giáo hội thánh thiện, công giáo và tông truyền, như thế nào? Theo mục sư Kobia, những trả lời cho những câu hỏi có tính cách giáo hội học nầy, sẽ ảnh hưởng trên việc nhìn nhận hay không nhìn nhận bí tích Rửa Tội của các giáo hội khác, cũng như ảnh hưởng trên sự hiểu biết về mục đích của phong trào đại kết.

Ðược biết Hội Ðồng Thế Giới các Giáo Hội (World Council of Churches, WCC) (hoặc được gọi bằng tiếng pháp là Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội, Conseil oecumenique des Eglises, COE), có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, và quy tụ  347 giáo hội kitô khác nhau, với tổng số khoảng 400 triệu tín hữu kitô. Giáo Hội Công Giáo không phải là thành viên của Hội Ðồng nầy, nhưng cộng tác với Hội Ðồng, qua Ủy Ban Hỗn Hợp.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page