Phỏng vấn ÐHY Joseph Ratzinger

trước khi được chọn lên kế vị

Thánh Phêrô tại Ngai Tòa Roma

với tên hiệu là Bênêditô XVI

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng vấn Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger trước khi được chọn lên kế vị Thánh Phêrô tại Ngai Tòa Roma, với tên hiệu là Bênêditô XVI.

(Radio Veritas Asia 15/06/2005) - Qua bài phỏng vấn nầy, chúng ta được dịp hiểu biết thêm về những suy nghĩ và lập trường của Ðức Tân Giáo Hoàng Beneditô XVI đối với những vấn đề trong giáo hội và trên thế giới.

Hỏi 1 :  Thưa Ðức Hồng Y, theo ý ngài, có "từ ngữ" nào hay "cụm từ" chìa khóa nào để nói về Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, hay không?

Ðáp : Vẫn còn có giá trị lời kêu gọi mà Ðức Gioan Phaolô II đã nói lên vào ngày 22 tháng 10 năm 1978, tại quảng trường Thánh Phêrô. Ðó là những lời sau đây: "Anh chị em đừng sợ Chúa Kitô. Nhưng, ngược lại, hãy mở rộng mọi cánh cửa đón nhận Chúa Kitô". Ngoài ra, còn có hai từ khác nữa là: Hòa Bình và Hiệp nhất, và cuối cùng có từ "Sự Thật". Và hai thông điệp, là thông điệp Veritatis Splendor, Ánh sáng Sự Thật, và thông điệp Fides et Ratio, Ðức Tin và Lý Trí. Ðây là lời mời gọi chúng ta hãy mỡ mắt ra, mở mắt của trí khôn chúng ta, để nhìn thấy và sống theo sự  thật.

Hỏi 2 : Thưa Ðức Hồng Y, trong hơn 25 năm thi hành thừa tác vụ Phêrô, Ðức Gioan Phaolô II chắc chắn có gặp những khó khăn. Ðức Hồng Y có thể cho biết  về những khó khăn nầy không?

Ðáp : Phải, đó là những khó khăn của thời đại chúng ta như: chủ thuyết duy vật, chủ thuyết vô tri, chủ thuyết tương đối hóa mọi sự. Một bên chúng ta thấy cuộc sống hưởng thụ, và một bên là sự nghèo cùng không cho phép con người sống xứng đáng với ơn gọi cao cả của mình. Những vấn đề của trần thế, là những vấn đề của giáo hội, thành phần của thế giới.

Hỏi 3 : Thưa Ðức Hồng Y, các Thượng Hội Ðồng Giám mục đã hữu ích như thế nào?  Người ta có cảm tưởng rằng, càng ngày sự tập trung quyền hành về Roma càng thắng thế. Roma không còn là trung tâm của sự hiệp thông; nhưng đúng hơn, là một  cơ quan để kiểm soát những chi tiết của sinh họat giáo hội địa phương. Vậy xin Ðức Hồng Y vui lòng cho biết ngài nghĩ như thế nào về nhận xét nầy?

Ðáp : Ðó là một cảm tưởng hơi hời hợt  bên ngoài. Tại Roma, chúng tôi không thể có phương tiện đủ kiểm soát tất cả. Chúng tôi có ít nhân viên. Các Giám mục khi đến thăm chúng tôi, và cả các nhà chính trị nữa, tất cả đều ngạc nhiên khi thấy chúng tôi làm việc phục vụ cho giáo hội toàn cầu mà với ít nhân viên như thế. Chắc chắn rằng, đây đó, có thể có một thứ  "khuynh hướng trung ương tập quyền" sai lầm; điều chúng tôi nhắm đến là sự cộng tác giữa trung ương và các nơi. Tôi xin kể ra một thí dụ. Khi tôi còn là Tổng Giám Mục cai quản tổng giáo phận Monaco, bên Ðức, và khi vào năm 1977 tôi về Roma "để viếng mộ hai thánh Tông Ðồ", tôi đã có cảm tưởng về những quy định có vẽ hình thức của những chuyến viếng thăm như thế nầy. Nhưng ngày nay, thì đã đổi khác: những chuyến viếng thăm nầy là những dịp để gặp gỡ, và đây là điều hết sức tốt đẹp. Ðây là những dịp thường giúp phát triển tương quan bằng hữu giữa nhiều người.

Hỏi 4 : Thưa Ðức Hồng Y, ngài có nghĩ đến sự tham dự  nhiều hơn của các Hội Ðồng Giám Mục vào những quyết định có liên quan đến Giáo Hội phổ quát hay không? Chẳng hạn như trường hợp bổ nhiệm những tân giám mục?

Ðáp : Ðây là vấn đề cần được đào sâu thêm. Nhiều Hội Ðồng Giám Mục trên thế giới, là những Hội Ðồng Giám Mục đông thành viên. Khi một giáo phận không có vị chủ chăn, thì người ta cố gắng tìm sự dấn thân trợ giúp của những vị giám mục gần bên; người ta kêu gọi những giáo dân, tu sĩ, linh mục, giúp vào. Hệ thống "bổ nhiệm tân giám mục" như ông hiểu, có thể được canh tân cho tốt hơn, mặc dù đây không phải là việc đơn sơ dễ dàng. Ngày nay, Giáo Hội bổ nhiệm tân giám mục, sau thời gian điều tra khá lâu, do đó mà nhiều người than phiền; thủ tục kéo dài lâu là vì giáo hội muốn có nhiều người, với những vai trò khác nhau trong giáo hội, góp ý vào, nhưng không gây ồn ào công khai.

Hỏi 5 : Nhưng rồi cũng đã xảy ra điều gì đó không ổn. Người ta nói đến hiện tượng lạm dụng dục tính đối với trẻ vị thành niên. Ðức Hồng Y nghĩ như thế nào về điều nầy?

Ðáp : Phải, chúng ta cần thực hiện cuộc xét mình về những gì đã xảy ra. Giáo Hội là một giáo hội nhập thế, hiện diện giữa và trong trần gian với tất cả những cám dỗ của nó. Nhiều hiểu lầm phát sinh từ Công Ðồng đã làm cho người ta nghĩ rằng chỉ cần hành xử giống như cách thế của trần gian, là được rồi.

Hậu quả là nhiều linh mục đã đánh mất sự gắn bó kết hiệp với Chúa Kitô. Giờ đây, chúng ta cần suy nghĩ về cách thế phải làm sao, để một đàng vẫn duy trì sự cởi mở với thế giới, nghĩa là sống liên đới với những anh chị em đương thời, và đàng khác vẫn sống hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô. Chỉ như thế người ta mới có thể bảo đảm cho khả thể sống theo tinh thần Tin Mừng trong thời đại chúng ta hôm nay.

(còn tiếp)

 

(bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page