Phỏng vấn Lm Richard John Neuhaus
trưởng ban biên tập tập san First Things
về Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêditô XVI
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Phỏng
vấn linh mục Richard John Neuhaus, trưởng ban biên tập của tập
san "First Things" (Những Việc Ðầu Tiên) về Ðức Tân Giáo
Hoàng Bênêditô XVI.
(Radio Veritas Asia 10/06/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Hãng tin Zenit hôm thứ Hai mùng 6 tháng 6 năm 2005, đã phổ biến bài phỏng vấn do chính hãng tin thực hiện với linh mục Richard John Neuhaus, về Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêditô XVI và về những gì chúng ta có thể chờ đợi từ triều giáo hoàng của ngài. Sau đây, mục thời sự kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài phỏng vấn nầy:
Hỏi
1 : Xin cha vui lòng cho biết vài kinh nghiệm cá nhân của cha với
Ðức Hồng Y Ratzinger mà nay là giáo hoàng Bênêditô XVI?
Ðáp
: Tôi đã có liên lạc với Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger,
--- mà
nay là giáo hoàng Benedito XVI, --- từ hơn 20 năm nay, và chúng tôi
đã có những trao đổi với nhau về rất nhiều đề tài. Như
mọi người biết, Ðức Hồng Y (Joseph Ratzinger) là một thần học gia "bậc thầy"; và
tôi nghĩ là ngài có thể được nhìn nhận như là một trong
những thần học gia vĩ đại của khoảng thời gian 100 nay, nếu
như ngài không cống hiến khoảng thời gian tốt nhất của
đời người cho việc phục vụ Ðức Gioan Phaolô II vĩ đại,
như là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin.
Như
mọi người có thể đã biết rồi, ngài là con người có tâm
hồn tế nhị và an bình, cùng với sự "tò mò tri thức"
bén nhạy khi đối diện với những quan điểm khác. Như
kinh nghiệm riêng tôi, vào năm 1988 tôi đã mời ngài thuyết
trình trong cuộc họp hằng năm của nhóm chúng tôi tại New York
và tiếp sau đó là Hội Nghị kéo dài nhiều ngày với
những thần học gia công giáo, tin lành và chính thống.
Cuộc
thuyết trình mở rộng cho công chúng được diễn ra tại
Manhattan, nhưng bị gây xáo trộn bởi nhóm những người
"gay" (lưỡng tính) quá khích đến hô to những khẩu hiệu
chống đối Ðức Hồng Y Ratzinger, chẳng hạn như
gọi ngài là "Hồng Y Quốc Xã Nazi", và
yêu cầu lớn tiếng: "Kẻ
Ðiều Tra Thời Trung Cổ, hãy về nhà đi!" Cuối cùng, tôi
phải gọi cảnh sát đến giữ trật tự và giải tán những
kẻ chống đối.
Trong
suốt sự cố xảy ra, Ðức Hồng Y đã tỏ ra rất bình tỉnh. Và khi ngài bắt đầu bài thuyết trình, --- dù phải nói về
đề tài liên quan đến việc chú giải kinh thánh, --- nhưng ngài mở đầu với những suy tư rất đánh
động về cuộc nổi loạn của sinh viên bên Âu Châu vào năm
1968; ngài cho rằng cuộc nổi loạn của các sinh viên năm 1968
đã giúp ngài hiểu được cách sâu xa hơn sự cần thiết của
một "thái độ có văn hóa" trong những tương quan giữa
con người với nhau.
Trong
dịp nầy và nhiều dịp khác nữa, tôi thấy rõ rằng sự bình
tỉnh của ngài ân rễ sâu vào một đức tin vững vàng, dày
kinh nghiệm. Ngày hôm sau, nhật báo địa phương đưa tin ồn ào
lên với hàng chữ lớn: "Những người "lưỡng tính"
chống đối Ông Lớn ở Vatican". Ðức Hồng Y đã đùa
vui với "biệt hiệu" mới nầy.
Hỏi 2 : Thưa Cha, Ðức tân giáo hoàng Beneditô XVI đã nhấn mạnh về đại kết như như là một việc ưu tiên. Cha có làm lạ về việc nầy hay không?
Ðáp
:
Tôi không lấy làm lạ chút nào cả.Ðây là mối quan tâm thường
xuyên của ngài. Ngài đã viết rất nhiều về đề tài đại
kết. Như là một người Ðức, ngài có kinh nghiệm sâu xa về
truyền thống phát sinh từ những chia rẽ của thế kỷ thứ
16, nhất là của phong trào Tin Lành Luther và phong trào cải cách
Calvin. Ngài có một lượng định đầy thiện cảm đối với điều
nào mà ông Martin Luther đã có lý, và
phân tích rõ ràng vấn
đề, nhưng không có tính cách
"bút chiến" về điều mà Luther làm sai, và về lý do tại
sao như vậy. Như là Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Ðức Tin, ngài
chịu trách nhiệm về khía cạnh giáo lý của tất cả... và
về mọi đối thoại đại kết trong đó Giáo Hội dấn thân vào,
và sẽ tiếp tục thi hành trách nhiệm nầy.
Cho
dù ngài không bao giờ nhận điều nầy, nhưng tôi thì thấy rõ
sự can thiệp của ngài trong nhiều đoạn quan trọng của thông
điệp của Ðức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1995, nói
về sự hiệp nhất giáo hội, có tựa đề là "Ut Unum sint"
(Ngõ hầu chúng được nên Một"). Tôi chờ đợi điều nầy:
trong triều đại giáo hoàng của ngài, chúng ta sẽ nhìn thấy
nổi bật rõ ràng quyền giáo hoàng; như là vị đứng đầu giáo
hội có trách nhiệm về giáo
lý của giáo hội, ngài sẽ dùng Bộ Giáo Lý Ðức Tin để
điều hành những cơ quan khác nữa của tòa thánh để giải
quyết những vấn đề về giáo lý. Chẳng hạn như, Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã dấn thân rất
nhiều vào trong Tuyên Ngôn về "Sự Công Chính" của Ủy Ban
Hỗn Hợp Công Giáo và Tin Lành Luther, được công bố vào
năm 1999.
Hỏi
3 : Thưa Cha, việc nhấn mạnh
đến phong trào đại kết có nghĩa gì không, trong khi mà hiện
nay có nhiều quan tâm về những vấn đề liên quan đến việc
bảo vệ sự sống con người?
Ðáp
: Có một liên hệ chặt chẽ giữa hai điều vừa nói (đại
kết và bảo vệ sự sống con người). Nhà thần học tin lành
Timothy George đã nói đến những cách thế trong đó người công
giáo và những anh chị em tin lành tại đất nước Hoa Kỳ nầy
đi đến sự hiểu biết nhau và tin tưởng vào nhau trong công
cuộc bảo vệ sự sống con người. Ðây cũng là điều hết sức
quan trọng cho việc tiếp tục dự án được gọi là "Tin Lành
và Công Giáo Hiệp Chung Với Nhau" mà
Charles Colson và tôi đã bắt đầu vào năm 1994. Trong nhiều năm qua, tôi đã có những
liên lạc với Ðức Hồng Y Ratzinger trong việc triển khai dự án vừa
nói, và Ðức Hồng Y đã hoàn toàn
ủng hộ đự án nầy. Chắc chắn rằng, như là người âu châu,
ngài đã không có kinh nghiệm trực tiếp với phong trào tin
lành tại Hoa Kỳ, rất khác với ý nghĩa của "Tin lành" như
được hiểu tại Ðức quốc. Nhưng ngài rất ý thức về sự
phát triển nhanh của Kitô giáo Tin Lành và Tin Lành Thánh Linh
(Pentecostal christianity), trong vùng nam bán cầu, và điều nầy
chắc chắn có mặt trong cái nhìn đại kết của ngài. Lập trường
của Giáo hội Công giáo chủ trương rằng sự dấn thân đại
kết là điều không thể rút lại
được nữa, và mục tiêu của phong trào đại kết là thiết
lập "sự hiệp thông trọn vẹn".
Về
điểm nầy, những chờ đợi của Ðức Bênêditô XVI xem ra có
vẽ khiêm tốn. Trong những bài viết của ngài, ngài đã nhấn
mạnh rằng sự hiệp nhất duy nhất mà chúng ta có thể nhắm
đến, --- sự hiệp nhất duy nhất làm đẹp lòng Thiên Chúa
---,
là sự hiệp nhất trong sự thật trọn vẹn. Ngài đã nói rằng
những nhân vật nổi bật công giáo và tin lành vào thế kỷ
thứ 16, tuy đã chống đối nhau mạnh mẽ, nhưng lại đã có những
lập trường gần nhau, hơn là như sự việc đôi khi xảy ra
trong những cuộc đối thoại thần học hiện nay giữa Tin lành
và Công giáo, bởi vì những nhân vật công giáo và tin lành
vào thế kỷ thứ 16 đã
hiểu rằng điều có liên hệ ở đây là sự thật mà Chúa
muốn mạc khải cho toàn thể Dân Chúa. Ðức Beneditô XVI
cũng nhấn mạnh rằng con đường tiến đến hiệp nhất
không phải là do chương trình và những xếp đặt của chúng
ta, nhưng là con đường của sự trung thành chờ đợi sáng
kiến mới của Chúa Thánh Thần, mà chúng ta không thể nào
kiểm soát và cũng không thể nào đi trước được. Ðiều
nầy không có nghĩa là ước ao đại kết đã trở nên ít
khẩn thiết hơn, như đã xảy ra chẳng hạn như trong thời của
Ðức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II Vĩ Ðại. Sự dấn thân đại
kết là điều không còn có thể rút lại được nữa; và
mỗi bước tiến cần được chăm sóc kỹ lưỡng, kể cả sự
cộng tác càng ngày càng gia tăng với những anh chị em kitô
khác để ủng hộ cho nền văn hóa của sự sống chống lại
nền văn hóa của sự chết.
Hỏi
4 : Thưa Cha, Ðức Tân giáo
hoàng đến từ Ðức Quốc; như vậy liệu ngài có một cái
nhìn đặc biệt về phong trào đại kết hay không?
Ðáp
:
Tôi vừa trả lời phần nào cho câu hỏi nầy trên đây. Ðiều
đáng lưu ý là một vài trong số những tuyên bố đầu tiên
của Ðức Beneditô XVI đã xác định mạnh mẽ yêu cầu hòa
giải với Chính thống giáo.
Ðối
với Ðức Gioan Phaolô II, vì là người BaLan, nên thực tại Chính Thống
Giáo là thực tại có tính cách thúc bách liền
ngay; nhưng tôi chắc chắn rằng Ðức Beneditô XVI chia sẻ
ao ước của vị tiền nhiệm ngài, và mong cho đến ngày
Giáo Hội sẽ trở lại để
"thở với hai buồng phổi Ðông và Tây".
Tôi
đã nói rằng điều mà chúng ta chia sẻ chung với Chính thống
giáo là thật nhiều, đến độ chỉ còn thiếu cho sự hiệp thông
trọn vẹn một điều duy nhất nầy mà thôi là quyết định hiệp
thông trọn vẹn; và tôi không
nghĩ là Ðức Bênêditô XVI không
cùng nghĩ như vậy. Ðôi khi hai
kẻ láng giềng gần nhau thì
dễ tạo ra những điều khó khăn hơn cho nhau. Vì thế,
điều có thể xảy ra là Chính thống giáo sẽ cảm thấy
thoải mái hơn, khi phải giải quyết vấn đề với vị giáo hoàng
người Ðức, hơn là với vị giáo hoàng người BaLan. Rõ ràng
đây là yếu tố "không
có tính cách thần học". Nhưng Thiên Chúa dùng những yếu
tố không thần học, để
hoàn thành những dự định của ngài.
Hỏi
5 : Thưa cha, điều gì đã đánh động cha nhiều nhất, nơi Ðức
Tân Giáo Hoàng?
Ðáp
: Có nhiều điều lắm. Có lẽ tôi nên nhắc đến trước hết
là thái dộ khiêm tốn của ngài. Trong nhiều cách khác nhau,
ngài đã nói rằng ngài không muốn áp đặt con người ngài
hoặc những quan điểm cá nhân của ngài, nhưng muốn là người
tôi tớ trung thành của truyền thống đã lãnh nhận. Giờ đây
chúng ta có vị Tân Giáo Hoàng, có khả năng tri thức thật
cao. Trong thời giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, vài người đã tỏ
ra lo lắng rằng viễn tượng thần học và triết học đã
được nhấn mạnh, đến độ ghi đậm ảnh hưởng trên giáo
huấn của giáo hội.
Ðức
Beneditô XVI xem ra như có cùng quan tâm như vậy.
Dù sao, Ðức Beneditô XVI đã viết rất nhiều, và trình bày
quan điểm của ngài về nhiều vấn đề. Dường như ngài muốn
nói rằng ngài ý thức rõ rằng những trách nhiệm của một
Joseph Ratzinger thần học gia và của một Joseph Ratzinger tổng trưởng
bộ giáo lý đức tin, là khác với những trách nhiệm của
một Joseph Ratzinger như là giáo hoàng Benedictô XVI. Và quả là
đúng như thế. Một dấu hiệu kín đáo khác nữa kể từ khi
ngài được chọn lên kế vị Thánh Phêrô nơi ngai tòa Roma,
--- và tôi chờ đợi dấu
hiệu đó mỗi ngày một thể hiện rõ ràng hơn, --- đó là việc
ngài muốn người ta hiểu rằng Giáo Hoàng là "người tôi tớ
của tất cả mọi tôi tớ của Thiên Chúa" và nhất là người
tôi tớ phục vụ cho các giám mục
khắp nơi.
Tôi
nghĩ rằng, người ta đã hiểu lầm ngài, về việc trước đây
ngài đã đưa ra những giới hạn cho
cơ cấu Hội Ðồng Giám Mục. Thật ra, ngài là nhà vô
địch bênh vực cho tính cách đoàn thể
của hàng giám mục và không muốn cho cơ cấu Hội Ðồng
Giám Mục hoặc những cơ cấu khác trở nên những cản trở
can thiệp vào việc thi hành thừa tác vụ của các giám mục
xét như là giám mục, nghĩa là như là những thầy dạy đức
tin tại giáo hội địa phương được trao phó cho các giám mục
chăm sóc.
Hỏi
6 : Thưa cha, những người kitô không công giáo,
cách chung, nhìn về
Ðức Hồng Y Ratzinger như thế nào?
Ðáp
: Có những dấu hiệu cho thấy rằng Ðức Beneditô
XVI rất
được những người công giáo và những người kitô không
công giáo chấp nhận. Ngài không có, --- và tôi không chờ
đợi ngài sẽ phát triển điều nầy, --- ngài không có cái
mà người ta gọi là "phẩm tính của một ngôi sao sáng" như
Ðức Gioan Phaolô II. Ðiều rất tùy thuộc vào những nhân cách khác
nhau, những mẫu cuộc đời khác nhau. Cuộc đời của Ðức
Gioan Phaolô
II có lẽ không thể nào "bi thảm" hơn: một cuộc đời trải
qua dưới các chế độ của chủ nghĩa Quốc Xã và chủ nghĩa
cộng sản, một cuộc đời sớm
bị mất mẹ và mất anh, một
cuộc đời đối diện với sự thành công đầy thách thức
của đế quốc "sô viết", vân vân và vân vân. Cuộc
đời của Ðức Gioan Phaolô II là chất liệu tốt cho những nhà sản
xuất các sách truyện.
Tôi
nghĩ là cũng sẽ có những sách Truyện về Ðức Bêneditô
XVI, nhưng chắc chắn những sách nầy sẽ ít hấp dẫn hơn. So với
cuộc đời của Ðức Gioan Phaolô II, thì cuộc đời của Ðức
Beneditô
XVI diễn tiến theo những giai đoạn liên tục với nhau. Mặc cho
những năm thời Hitler, cuộc đời của Ðức Bêneditô XVI đã
trải qua thời tuổi thơ hạnh phúc ở miền Bavaria (miền nam nước
Ðức), một cuộc đời đã sớm khám phá và hoàn thành ơn
gọi linh mục, một cuộc đời thành đạt như một nhà thần học,
được thăng Tổng Giám Mục, rồi thăng
tước Hồng Y, rồi được gọi về Roma, và giờ đây là
Giáo Hoàng. Cuộc đời của Ðức Ratzinger là cuộc đời trong
lòng giáo hội và phục vụ cho giáo hội.
Trong nét nồng ấm âm thầm của nhân cách ngài, điểm thu hút hệ tại nơi tính cách sống động của đức tin ngài và nơi tính cách sâu xa của những suy tư thần học. Tôi đã có dịp nhắc đến cách hành xử tế nhị và tâm tình an bình của ngài. Những đức tính nầy không phải là không có giá trị trong thời mà sự tế nhị và sự bình an nội tâm bị thiếu vắng. Tôi muốn thêm rằng nếu người ta hiểu sự tế nhị và sự an bình nội tâm như là sự yếu mềm hoặc như là sự thiếu quyết định cứng rắn, thì quả là người ta đã hiểu lầm nghiêm trọng.
(bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)