Phỏng Vấn Ðức Cha Renatô Boccarđô
về Dung Mạo Tinh Thần của
Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Phỏng
Vấn Ðức Cha Renatô Boccarđô về
Dung Mạo Tinh Thần của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
(Radio
Veritas Asia 4/06/2005) - Quý vị và các bạn thân mến.
Thứ Năm, ngày 2 tháng 6 năm 2005, là ngày kỷ niệm hai tháng
Ðức Gioan Phaolô II từ trần (2/04/2005-2/06/2005). Mục thời sự
hôm nay (4/06/2005) kính mời qúy vị và các bạn theo dõi bài
phỏng vấn Ðức Cha Renatô Boccarđô, một cộng tác viên gần
bên Ðức Gioan Phaolô II, về Dung Mạo Tinh Thần của ngài.
Ðức Cha Renatô Boc-carđô, khởi đầu là nhân viên của Hội
Ðồng Tòa Thánh về Giáo Dân và chịu trách nhiệm tổ chức
những ngày quốc tế giới trẻ từ năm 1992 đến năm 2000. Từ
năm 2001 trở đi, ngài là vị chịu trách nhiệm tổ chức những
chuyến viếng thăm quốc tế của ÐTC Gioan Phaolô II. Và từ ngày
22 tháng 2 năm 2004, Ðức Cha Rênatô Boccarđô là vị Tổng Thư
Ký của Ban Quản Trị Quốc Gia Vatican. Trong bài phỏng vấn sau đây,
chúng ta thấy được những đường nét chính về dung mạo
tinh thần của Ðức Gioan Phaolô II:
Hỏi
1: Thưa Ðức Cha, Ðức Cha đã sống thời gian dài bên cạnh
Ðức Gioan Phaolô II. Vậy theo Ðức Cha, đâu là khía cạnh diễn
tả Ðức Gioan Phaolô nhiều nhất?
Ðáp:
Tôi có thể nói rằng Ðức Gioan Phaolô II là một con người
hết sức phong phú và sâu xa, đến độ thật là khó để chỉ
nói về ngài trong một khía cạnh mà thôi. Tuy nhiên, việc cầu
nguyện là khía cạnh mô tả ngài nhiều nhất. Ðức Gioan Phaolô
II là con người của cầu nguyện. Cả giữa đám đôâng đang
ca hát, Ðức Gioan Phaolô II đặt mình trong sự hiện diện của
Chúa, dường như thể chỉ có một
mình ngài lúc đó mà thôi. Cầu nguyện, đó là bí quyết sống,
là sức mạnh, là điều cho phép ngài kiên vững trong suốt
triều giáo hoàng; cầu nguyện là điều cho phép ngài nói lên
những lời không chìu theo sở thích của thời đại; cầu
nguyện là điều cho phép đức Gioan Phaolô II lãnh nhận
trong sự yếu đuối của thân xác đau yếu ngài ân sũng của
Thiên Chúa để hoàn thành thừa tác vụ của mình cho đến
cùng.
Hỏi
2: Xin Ðức Cha kể ra vài thí dụ cụ thể cho những gì được nói
đến trên đây...
Ðáp:
Ðúng vậy. Trong một chuyến viếng thăm, sau khi đã chào dân
chúng từ chiếc xe mui trần trở về phòng áo, thì ÐTC Gioan
Phaolô II giữ thái độ thinh lặng
cầu nguyện. Trong suốt thời gian gặp gỡ với dân chúng, ÐTC
đã mĩm cười, và đã cười
vui cách tự nhiên với các trẻ nhỏ;
nhưng một khi đã vào trong, người ta lưu ý là Ðức Gioan
Phaolô II không nói chuyện nữa. Ngài bước vào trong việc cầu
nguyện. Ngài sống trên một bình diện khác rồi; ngài mang lấy
những đau khổ của nhân loại một cách khác. Trên máy bay,
tôi thấy ngài cầm tràng hạt
trên tay; khi bay qua các thành phố, các quốc gia, thì ngài đưa
tay làm dấu chúc lành.
Hỏi
3: Thưa Ðức Cha, Ðức Gioan phaolô II đã mang đến cho Ðức
Cha điều gì, xét như là linh mục?
Ðáp:
Xét như là linh mục, Ðức Gioan Phaolô II là một mẫu gương mời
gọi và huấn luyện. Ngài khơi dậy nơi
kẻ khác ước muốn bắt chước ngài. Ngài là một trường
học sống động. Hơn nữa, đối với chúng tôi là những kẻ
sống gần bên cạnh ngài, thì có nguy hiểm là xem tất cả mọi
sự bình thường như không có gì xảy ra. Ðây là một cám
dỗ bám theo chúng tôi. Ðức Gioan Phaolô II đã làm cho tôi
nghĩ đến câu sau đây của thánh Phaolô Tông đồ: "Anh em hãy
bắt chước tôi, như tôi bắt chước Chúa Kitô" (1 Co 11,1).
Hỏi
4: Thưa Ðức Cha, điều gì
nơi Ðức Gioan Phaolô II đã đánh động Ðức Cha nhất, xét
như là con người?
Ðáp:
Ðó là "nhân tính" của ngài. Chúng ta đã quen nhìn
vào Ðức Thánh Cha theo khía cạnh một đấng thánh. Ðức
Giáo Hoàng đại diện cho một Ðấng ngoại thường. Giờ đây,
Ðức Gioan Phaolô II đến và cho chúng ta biết rằng Ðức giáo
hoàng cũng là con người như bao kẻ khác, với một thể xác
cần được chăm sóc. Ðức Giáo Hoàng không phải là một
con người sống ngoài thực tại. Từ nơi cửa sổ phòng làm
việc của ngài, nơi ngài xuất hiện để đọc kinh Truyền Tin,
người ta nghe được câu nói thông thường: "Chiều nay, Cha
trở lại bệnh viện". Người ta đã nhìn thấy ngài chống gậy;
người ta đã nhìn thấy ngài khóc, người ta nhìn thấy nơi
ngài một con người có những cảm xúc như bao người khác.
Chiều kích con người nầy đưa chúng ta đến gần với dung mạo
của một giáo hoàng gần gủi, mà trước đây chúng ta đã
cho là một Ðấng xa cách. Ðức Gioan Phaolô II đã chứng tỏ
cho chúng ta thấy rằng ngài là một con người như bao người
sống giữa chúng ta.
Hỏi
5: Thưa Ðức Cha, ngài có nghĩ
đến Ðức Gioan Phaolô II như là một ngôn sứ cho thời
đại chúng ta hay không?
Ðáp:
Tôi cho rằng Ðức Gioan Phaolô II đã nói những lời, đã làm
những cử chỉ, không luôn luôn được hiểu bên trong cũng
như bên ngoài giáo hội; và tôi có cảm tưởng rằng những
cử chỉ đó chỉ cho chúng ta thấy một con đường. Quý vị
có còn nhớ những lời xin lỗi của ngài hay không? Có
còn nhớ việc ngài đến thăm Hội Ðường Do Thái, đến thăm
Ðền Thờ Hồi Giáo, đến cầu
nguyện nơi Bức Tường Than Khóc tại Giêreusalem, hay không? Ngài
đã có rất nhiều sáng kiến, và cả đến những can thiệp để
phục vụ cho hòa bình, làm cho người ta hiểu lầm ngài như là
kẻ chủ hòa (pacifiste), mà thật ra ngài không phải là như thế.
Ngài đã nói những lời không
chiều theo thời trang, nhưng trong sự trung thành với Tin Mừng.
Sự thật không bao giờ thay đổi. Trung thành với
sự thật là quy luật đầu
tiên của nguời môn đệ.
Hỏi
6: Thưa Ðức Cha, Thiên Chúa yêu cầu tất cả chúng ta hãy
làm cho những tài năng của mình trổ sinh nhiều hoa trái;
Ðức Cha có thể cho biết Ðức Gioan Phaolô II đã phát
triển những tài năng nào, hay không?
Ðáp:
Ðây là câu hỏi khó trả lời... Tôi nghĩ trước hết
đến tài năng truyền thông của ngài. Ngài đã thực hiện
tài năng truyền thông đó, qua những lời nói và những cử
chỉ. Ngài đã có những cử chỉ như hôn kính đất của nơi
ngài đặt chân đến thăm, hay cử chỉ ôm hôn những bệnh
nhân bị bệnh Sida (liệt Kháng). Tại Thành phố Tours, khi ngài
đến thăm nước Pháp, ngài đã gặp những kẻ nghèo cùng
nhất. Ngài đã nói lên sự hiện diện gần bên của Chúa
Kitô, trong những cử chỉ như việc lên tiếng xin lỗi. Tôi còn
nhớ rõ hình ảnh ngài hôn kính Thập giá Chúa trong Năm Thánh
2000. Ngài thật sự có khả năng truyền thông.
Trên
bình diện thiêng liêng hơn, ngài đã làm trổ sinh khả năng
cầu nguyện: chiều kích nội tâm nầy là một hồng ân của Chúa
Thánh Thần, mà chúng ta phải vun trồng và đào sâu.
Hỏi
7: Người ta thường nói rằng mỗi người có ân sũng riêng.
Và chúng ta đã nói bí quyết
đời sống của đức gioan phaolo II là cầu nguyện. Vậy phải
chăng đây là điều phản ảnh ánh sáng Chúa Kitô nhiều nhất?
Ðáp:
Ðúng vậy, mỗi cuộc gặp gỡ với Chúa đều biến đổi
chúng ta. Nhờ cầu nguyện, chúng ta trở nên giống Chúa. Cuộc
trao đổi kỳ diệu giữa con người và Thiên Chúa được thực
hiện. Và thực là đánh động khi nhận thấy rằng vào lúc
cuối đời, đức gioan phaolô II đã mất hết những tài năng
mà Chúa đã sử dụng nhiều nhất trong cuộc đời của ngài.
Chúng ta nói đến những tài năng truyền thông của ngài, nói
về những những lời nói và cử chỉ có tính cách tiên tri
của ngài. Vào lúc cuối đời, Ðức Gioan Phaolô II
không còn khả năng để làm những cử chỉ và không
còn có thể nói gì được nữa. Chúa đã cất đi tất cả.
Và lúc đó Ðức Gioan Phaolô II đã hướng dẫn giáo hội bằng
những khổ đau củangài và bằng những giới hạn phải chịu.
Chúa Kitô đã kết hiệp ngài với những
đau khổ của Chúa. Ðức Gioan Phaolô II đã sống điều
mà Chúa Giêsu đã nói với Phêrô, trong phúc âm theo thánh
Gioan: "Khi con còn trẻ, con tự thắt lưng và đi đâu tùy ý;
nhưng khi con đã lớn tuổi, con đưa tay ra cho kẻ khác thắt lưng
cho và đưa con đến nơi con không muốn" (Gn 21,18).
Hỏi
8: Thưa Ðức Cha, đâu là những
ý cầu nguyện chính mà Ðức Gioan
Phaolô II đã để lại cho chúng ta?
Ðáp:
Tôi có thể nói rằng trước
hết là lời mời gọi nên thánh
của tất cả mọi con cái của Giáo Hội. Tình bằng hữu với
Chúa, đó là một trong những chủ đề ưa thích nhất của
Ðức Gioan Phaolô II. Ngài đã nhấn mạnh đến mối quan tâm về
sự thánh thiện của tất cả mọi nguời kitô, qua việc phong
chân phước và phong thánh cho những giáo dân cũng như những
linh mục và tu sĩ, và những người trẻ. Và còn có những
ý chỉ cầu nguyện khác nữa: cầu nền hòa bình trên thế giới,
cho việc phát triển con người, cho quan tâm đến con người,
cho việc bảo vệ và cổ võ sự sống và
giá trị của sự sống con người,
cho việc cổ võ sự phong phú của tất cả những gì có
trong con tim của con người.
Hỏi
9: Thưa Ðức Cha, Ðức Cha có nghĩ rằng Ðức Gioan Phaolô
II là vị giáo hoàng có lòng sùng kính Ðức Mẹ nhất của lịch
sử giáo hội hay không?
Ðáp:
Chắc chắn là như thế. Ðức Gioan Phaolô II đã nói rất nhiều
về Mẹ Maria. Ngài đã nói lên tình thương và lòng biết ơn
đới với Ðức Nữ Ðồng Trinh, và nhắc đến sự bảo vệ
của Mẹ trong biến cố bị mưu sát tại quảng trường thánh Phêrô. Nhưng chúng ta cũng
nên biết rằng, trong lịch sử nhiều vị giáo hoàng đã yêu mến
Ðức Mẹ: chẳng hạn như Ðức Phaolô VI đã tuyên bố Mẹ
Maria là Mẹ của Giáo Hội.
Hỏi 10:
Thưa Ðức Cha, Ðức Gioan Phaolô II nhìn
như thế nào về thời đại đến sau ngài hay không?
Ðáp:
Ðức Gioan Phaolô II đã không bao giờ nói đến thời đại
đến sau ngài. Tôi nghĩ là Ðức Gioan Phaolô II tin tưởng hoàn
toàn vào Chúa quan phòng. Ngài phó thác cho sự khôn ngoan của
Thiên Chúa. Với Ðứic Tin và lòng phó thác, ngài đã nói:
Bao lâu Chúa muốn, bấy lâu tôi sống và làm việc. (Chúa muốn
tới đâu, tôi sống và làm việc đến đó). Ngài biết rõ
rằng giáo hội không thuộc về con người. Chính Thiên Chúa là
Ðắng chịu trách nhiệm.
Hỏi 11:
Thưa Ðức Cha, theo ý kiến của
Ðức Cha, thì đâu là chúc thư của Ðức Gioan Phaolô II?
Ðáp: Chúc thư đó có thể tóm gọn lại nhu sau: Xin đừng sợ mở rộng mọi cửa tiếp đón Chúa Kitô. Trọn cả triều giáo hòang của Ðức Gioan Phaolô II đã được diễn ra theo hướng nầy. Ðó là điều ngài đã nói trong suốt triều giáo hoàng của ngài: Xin đừng sợ sống quảng đại với Chúa! Ðức Gioan Phaolô II đã ghi dấu sâu xa thời đại của ngài. Ngài là mẫu gương và đã chỉ cho chúng ta biết phải theo Chúa Kitô như thế nào, qua việc đáp trả cách quảng đại, và đã chỉ cho chúng ta thấy lòng say mê đối với Phúc âm và giáo hội.
(Ðặng Thế Dũng chuyển dịch)