Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

ước ao sự hiệp nhất với Chính Thống Giáo

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđictô XVI ước ao sự hiệp nhất với Chính Thống Giáo.

Tin Vatican (Zenit 1/05/2005) - Trong lần xuất hiện đầu tiên vào trưa Chúa Nhật, mùng 1 tháng 5 năm 2005, để đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, Roma, ÐTC Bênêđictô XVI đã chúc mừng lễ Phục Sinh Các Giáo Hội Chính Thống, và các Giáo Hội Ðông Phương Công Giáo; Các Giáo Hội nầy mừng lễ Phục Sinh theo lịch phụng vụ riêng, vào Chúa Nhật mùng 1 tháng 5. Ðức Thánh Cha Bênêdictô XVI xác nhận lần nữa ý muốn của ngài tiếp tục công cuộc đối thoại đại kết để tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo. ÐTC đã nói như sau:

"Với tâm tình mộ mến đặc biệt, Tôi xin chào Các Giáo Hội Chính Thống và Các Giáo Hội Ðông Phương Công Giáo, cử hành Lễ Chúa Phục Sinh vào Chúa Nhật mùng 1 tháng 5 nầy. Tôi xin  nói lên với những anh chị em thân mến chúng ta lời loan báo vui mừng: Chúa Kitô đã sống lại. Phải, Chúa đã sống lại thật. Tôi hết lòng cầu chúc sao cho việc cử hành lễ Phục Sinh nầy trở thành lời cầu nguyện của tất cả mọi người, nói lên Ðức Tin và Lời Chúc Tụng dâng lên Ðấng là Chúa của tất cả mọi người, và là Ðấng đang mời gọi chúng ta hãy nhất quyết đi trên con đường tiến đến sự hiệp nhất hoàn toàn."

Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô vừa chính thức dọn vào nơi cư ngụ dành cho Ðức Giáo Hoàng tại Ðiện Tông Tòa hôm thứ Bảy 30 tháng 4 năm 2005. Từ khi được chọn lên kế vị Thánh Phêrô tại ngai tòa Roma, tức từ ngày 19 tháng 4 năm 2005 đến nay (30/04/2005), Ðức Bênêdictô XVI đã tại cư ngụ tại căn phòng của ngài ở Cư Xá Thánh Martha. Và Chúa Nhật, mùng 1 tháng 5 năm 2005, là Chúa Nhật đầu tiên ÐTC xuất hiện nơi của sổ Phòng Làm Việc của ngài, nơi mà Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xuất hiện từ hơn 25 năm qua. Ðức Tân Giáo Hoàng đã nhắc lại như sau:

"Anh chị em rất thân mến,

Tôi ngỏ lời với anh chị em lần đầu tiên từ nơi cửa sổ nầy, nơi mà vị tiền nhiệm đáng mến của tôi, Ðức Gioan Phaolô II, đã làm cho trở nên quen thuộc với vô số người trên khắp thế giới. Từ Chúa Nhật nầy sang Chúa Nhật khác, Ðức Gioan Phaolô II, vị trung thành với cuộc hẹn bên cửa sổ nầy, nay trở thành như thói quen đáng mến, để đọc kinh Trưa Chúa Nhật, đã đồng hành, trong thời gian hơn một phần tư thế kỷ, lịch sử của Giáo Hội và của thế giới; và chúng ta vẫn còn cảm thấy Ngài hiện diện gần bên cạnh hơn bao giờ hết. Tâm tình đầu tiên của tôi vẫn là tâm tình biết ơn đối với tất cả những ai đã nâng đỡ tôi trong những ngày nầy bằng lời cầu nguyện cũng như đối với tất cả những ai trên thế giới đã gởi lời chúc mừng tôi."

Hơn nữa Chúa Nhật, mùng 1 tháng 5 năm 2005, là Ngày Lễ Lao Ðộng. Phụng Vụ của Giáo Hội Công Giáo thường mừng lễ Thánh Giuse Thợ trong ngày nầy. Ðức Tân Giáo Hoàng cũng vui miệng nhắc rằng tên thánh của ngày là Thánh Giuse, Joseph  Ratzinger. ÐTC nói tiếp như sau:

"Hôm nay, chúng ta bắt đầu tháng Năm, với lễ mừng hết sức thân yêu đối với Dân Kitô, là Lễ Phụng Vụ Kính Thánh Giuse Thợ. Lễ nầy đã được Thánh Cha Piô XII thiết lập cách đây 50 năm, để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Lao Ðộng và của sự hiện diện của Chúa Kitô và của Giáo Hội trong thế giới lao động. Cả trong xã hội hôm nay, chúng ta cần làm chứng cho "Tin Mừng Lao Ðộng" mà Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến trong thông điệp "Nhờ Lao Ðộng". Tôi cầu chúc sao cho đừng thiếu công việc làm, nhất là đối với người trẻ, và sao cho những điều kiện làm việc luôn trở nên tôn trọng hơn đối với phẩm giá con người.

Sau Lời Kinh  Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng và Phép Lành Tòa Thánh, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc đặc biệt đến hoàn cảnh chiến tranh tại Togo bên Phi Châu với những lời như sau:

"Trong những ngày nầy, tôi thường nghĩ đến tất cả mọi dân tộc phải chịu đau khổ vì chiến tranh, bệnh tật và sự nghèo cùng. Một cách đặc biệt, tôi hiện diện gần bên Dân Chúng tại Togo, đang lâm cảnh khổ vì những cuộc nội chiến. Tôi khẩn xin Thiên Chúa ban ơn Hòa Giải và Hòa Bình xuống trên tất cả các quốc gia đang lâm cảnh chiến tranh."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page