Ðức Tân Giáo Hoàng đã giải thích
lý do tại sao ngài chọn
danh hiệu Bênêdictô XVI
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Trong
buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư lần đầu tiên, Ðức Tân
Giáo Hoàng đã giải thích lý do tại sao ngài chọn danh hiệu Bênêdictô
XVI.
Tin
Vatican (VIS 27/04/2005) - Buổi tiếp kiến chung hằng tuần vào sáng thứ Tư,
ngày 27 tháng 4 năm 2005, là buổi tiếp kiến chung đầu
tiên của Ðức Tân Giáo Hoàng Benedictô XVI. Buổi tiếp kiến
đã diễn ra lúc 10.30 sáng, tại quảng trường thánh Phêrô,
và với sự tham dự của khoảng 15,000 tín hữu và khách hành
hương.
Sáng thứ Tư, 27/04/2005, Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô XVI tiếp kiến chung các tín hữu và các khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô, và với sự tham dự của khoảng 15,000 người. |
Trong bài huấn đức chính bằng tiếng Ý, ÐTC Benedictô
XVI, đã cho biết lý do tại sao ngài đã chọn danh hiệu Bênêdictô
XVI như sau:
Anh chị em rất thân mến,
Tôi vui mừng đón tiếp anh chị
em và ngỏ lời chào thân tình đến tất cả những ai hiện
diện nơi đây, cũng như đến tất cả những ai theo dõi chúng
ta qua các phương tiện truyền thanh và truyền hình. Như tôi đã
nói trong lần gặp gỡ đầu tiên với quý đức hồng y, vào
thứ Tư tuần trước (20/04/2005), trong nhà nguyện Sistina, tôi cảm
nghiệm trong tâm hồn những tâm tình trái nghịch nhau trong những
ngày bắt đầu thừa tác vụ phêrô của tôi: trước hết là
tâm tình kinh ngạc và biết ơn đối với Thiên Chúa, Ðấng đã
gây bất ngờ trước hết cho chính tôi, khi gọi tôi kế vị
thánh tông đồ Phêrô; tâm tình thứ hai là sự rung động
nội tâm trước sự cao cả của trách vụ và của những trách
nhiệm đã được trao phó cho tôi.
Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy an bình
và niềm vui, vì biết chắc chắn rằng Thiên Chúa, Ðức Nữ
Ðồng Trinh Maria, Mẹ rất thánh của Chúa và các thánh Bổn Mạng,
tất cả đều trợ giúp tôi. Sự gần gủi thiêng liêng của
tòan thể Dân Chúa cũng nâng đỡ tôi; như Chúa nhật vừa
qua (24/04/2005) tôi đã lặp lại nhiều lần, giờ đây tôi tiếp
tục xin hãy đồng hành với tôi vời lời cầu nguyện tha
thiết.
Sau cuộc ra đi
đầy nét thánh thiện của vị tiền nhiệm đáng kính Gioan
Pohaolô II, hôm nay bắt đầu lại những buổi tiếp kiến chung
ngày thứ Tư hằng tuần theo như truyền thống. Trong buổi gặp gỡ
đầu tiên hôm nay, tôi muốn dừng lại giải thích danh hiệu mà
tôi đã chọn khi trở thành giám mục Roma và Chủ Chăn toàn
thể giáo hội. Tôi đã muốn được gọi là Benedicto XVI, để
liên kết mình trong tinh thần
với Ðức Giáo Hoàng Benedictô XV đáng kính; Ngài đã hướng
dẫn giáo hội trong một thời kỳ bị dày vò do bởi cuộc thế
chiến thứ nhất. Ngài đã là vị tiên tri
can đảm và đích thực của hòa bình và ngài đã hết
sức can đảm hoạt động trước hết để tránh thảm kịch chiến
tranh, và sau đóù để giới hạn những hậu quả tiêu cực.
Theo bước chân ngài, tôi muốn đặt thừa tác vụ của tôi
phục vụ cho công cuộc hòa giải và sự hòa hợp giữa mọi
người và mọi dân tộc, với niềm xác tín sâu xa rằng điều
thiện hảo to lớn của hòa bình trước hết là món quà của
Thiên Chúa, món quà mỏng dòn và quý giá, mà ta cần khẩn
xin, bảo vệ và xây dựng ngày nầy qua ngày khác với sự
đóng góp của tất cả.
Sáng thứ Tư, 27/0 4/2005, Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô XVI tiếp kiến Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và phái đoàn Việt Nam. |
Ngoài ra, danh gọi "Benedictô"
còn gợi lên dung mạo phi thường của Ðấng là "Tổ Phụ của
tinh thần đan viện Tây Phương", Thánh Benedictô Da Norcia, đồng
bổn mạng của âu châu cùng với các thánh Cirillo và Metodio.
Việc lan rộng từ từ của Dòng Biển Ðức do ngài sáng lập
đã có ảnh hưởng to lớn trong việc phổ biến kitô giáo
trong toàn cỏi Ðại Lục. Thánh Benedicto, vì thế, rất được
tôn kính tại Ðức, nhất là tại vùng Baviera, quê hương của
tôi; thánh nhân là điểm quy chiếu nền tảng cho sự hiệp nhất
của âu châu và là lời mạnh mẽ nhắc lại những gốc rễ
kitô không thể chối bỏ được của nền văn hóa và văn
minh Âu Châu.
Từ người Cha nầy của tinh thần
đan viện Tây Phương,chúng ta biết được lời khuyên đã để
lại cho các đan sĩ trong Bộ Luật của ngài như sau: "Các đan
sĩ tuyệt đối không đặt diều gì trên Chúa Kitô" (quy luật
72, 11; x. 4, 21). Vào khởi đầu công việc phục vụ của tôi như
là người kế vị Thánh Phêrô, tôi khẩn xin thánh Benedictô
giúp chúng ta giữ vững tính cách trung tâm của Chúa Kitô
trong cuộc đời chúng ta. Ước chi Chúa Kitô luôn chiếm chỗ
nhất trong những tư tưởng chúng ta cũng như trong mọi hoạt động
của chúng ta.
Vời tâm tình mến thương, tâm tư
tôi trở về lại với vị tiền nhiệm
Gioan Phaolô II đáng kính, mà tất cả chúng ta đều mang
ơn vì phần gia tài thiêng liêng phi thường. Ngài đã viết
trong Tông thư "Bước vào
ngàn năm mới" như sau: "Những cộng đồng kitô chúng ta
phải trở thành những trường học đích thực dạy cầu nguyện,
trong đó cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô không chỉ được thể
hiện ra bằng lời cầu xin trợ giúp, mà còn được diễn tả
bằng lời cảm tạ, chúc tụng, tôn thờ, bằng việc chiêm ngắm,
lắng nghe, cảm mến nồng sốt, cho đến mức độ gắn bó chặt
chẽ của con tim." (số 33). Chính Ðức Gioan Phaolô II đã cố
gắng thực hiện điều nầy, bằng cách dùng bài giáo lý vào
mỗi thứ Tư của thời gian gần đây để giải thích những
thánh vịnh của Giờ Kinh Sáng và giờ kinh Chiều. Như chính
đức Gioan Phaolô II đã làm vào khởi đầu triều giáo hoàng
của ngài, khi ngài muốn tiếp tục những suy tư mà Ðức Gioan
Phaolô I, vị tiền nhiệm ngài, vừa
mở ra nói về những nhân đức kitô (x. Giáo huấn của
đức Gioan Phaolô II, I, 1978, trg 60-63), thì giờ đây tôi cũng
vậy, tôi muốn tiếp tục trong những lần gặp gỡ vào sáng
thứ Tư hằng tuần tiếp sau, những giải thích mà Ðức Gioan
Phaolô II đã chuẩn bị về các Thánh Vịnh và Thánh Thi của các
giờ Kinh Chiều. Vào buổi tiếp kiến chung thứ Tư tuần tới
(4/05/2005), tôi sẽ bắt đầu những bài giáo lý của ngài, từ
nơi đã bị gián đoạn, trong lần tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 26 tháng Giêng (năm 2005) vừa qua.
Các bạn thân mến, một lần nữa
tôi xin cám ơn vì đã đến đây, xin cám ơn vì lòng mộ mến
dành cho tôi. Ðó là những tâm tình tôi
muốn chân thành trao gởi cho anh chị em, cùng với phép
lành đặc biệt, mà tôi ban cho anh chị em hiện diện nơi đây,
và cho tất cả những gia đình và những người thân của anh
chị em.
Quý vị và các bạn thân mến,
đó là những giải thích và tâm
tình của ÐTC Benedictô XVI trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng
tuần, sáng thứ Tư, ngày 27 tháng 4 năm 2005.
(Ðặng Thế Dũng)