Tường thuật Thánh lễ

Khai Mạc Thừa Tác Vụ Phêrô

của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô XVI

 

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật Thánh lễ Khai Mạc Thừa Tác Vụ Phêrô của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô XVI.

(Radio Veritas Asia 25/04/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Thánh lễ Khai Mạc Thừa Tác Vụ Phêrô của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô, lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 24 tháng 4 năm 2005, giờ Roma, tức là lúc 3 giờ chiều Chúa Nhật, ngày 24 tháng 4 năm 2005, giờ Việt Nam, với sự tham dự thật đông của khoảng 350 ngàn tín hữu đứng chật quảng trường và dọc suốt Ðại Lộ Hòa Giải tiếp liền đó. Ngoài ra, còn khoảng 50 ngàn tín hữu, tham dự Thánh lễ qua Màn Ảnh Truyền Hình đã được lắp sẵn, không phải tại quảng trường Thánh Phêrô, --- như chúng ta nhìn thấy qua đài truyền hình CNN, --- mà là những màn ảnh Truyền Hình Lớn đã được lắp trước đây tại một số địa điểm trong thành Phố Roma, cho dịp lễ An Táng Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ðó là chưa kể con số hằng triệu tín hữu khắp nơi trên thế giới theo dõi Thánh Lễ Khai Mạc nầy, qua các hệ thống Truyền Thanh và Truyền Hình, và cả hệ thống Internet nữa.


Linh mục Georg Ratzinger, người anh ruột của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô VI.


Tham dự thánh lễ, có những đại diện của 131 quốc gia. Nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng như  Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha, Tổng thống và Thủ Tướng Ðức, Thủ Tướng Pháp, Thống Ðốc Jeb Bush, người công giáo và là bào đệ của Tổng Thống Hoa Kỳ. Ðặc biệt người anh ruột của Ðức Tân Giáo Hoàng, linh mục Georg Ratzinger, thì được dành cho một ghế nơi gần bàn thờ.

Về phía Anh Giáo, người ta thấy có Ðức Tổng Giám Mục Anh Giáo Rowan Williams.

Từ Chính thống giáo, người ta thấy có Ðức Tổng Giám Mục Chrisostomos, đại diện cho Ðức Thượng Phụ Bartolomêô I, giáo chủ đại kết Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli; Ðức Tổng Giám Mục Kiril, đại diện cho Ðức Thượng Phụ Chính Thống giáo Moscowa, Liên Bang Nga.

Ngoài ra, còn có một số vị lãnh đạo cao cấp Hồi giáo.

Trong số các tín hữu từ nước ngoài đến, người ta lưu ý đến cộng đoàn các tín hữu từ Ðức đến, khoảng 100,000 ngàn người.

Vấn đề an ninh cũng rất chu đáo. Chính quyến Ý đã huy dộng một lực lượng cảnh sát an ninh khoảng 10 ngàn người. Vùng trời phía trên nơi cử hành Thánh Lễ, thì cấm mọi máy bay vào, trong một khu vực có đường kính rộng 8 cây số.

Trước khi đoàn đồng tế --- gồm ÐTC chủ tế và các vị Hồng Y đồng tế --- từ bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, hay đúng hơn từ Bàn Thờ Tuyên Xưng Ðức Tin, tức Bàn Thờ Chính của Ðền Thờ thánh Phêrô, tiến ra quảng trường mặt tiền Ðền Thờ thánh Phêrô, thì vào lúc khoảng 9 giờ 30 phút giờ Roma, ÐTC Benedictô XVI cùng với các Vị Giáo Chủ Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, tiến xuống hầm dưới Bàn Thờ Chính, để kính viếng phần mộ của Thánh Tông Ðồ Phêrô. Ðược biết Dây choàng Pallium bằng len trắng và chiếc nhẫn ngư phủ, --- hai biểu hiệu cho quyền của đức Giáo Hoàng, --- đã được đem đặt nơi Bàn Thờ Tuyên Xưng Ðức Tin trong Ðền Thờ Thánh Phêrô từ ngày hôm trước. Và khi đoàn rước bắt đầu tiến ra quảng trường, thì ca đoàn cất hát kinh cầu các thánh... Theo sau bên cạnh ÐTC người ta thấy còn có hai thầy phó tế mỗi người bưng một dĩa bạc, dĩa nầy đựng dây Pallium và dĩa kia đựng chiếc nhẫn ngư  phủ để trao cho ÐTC trong thánh lễ, tiếp liền sau khi đọc bài Phúc âm.

Có thể nói, nghi thức trao Dây Choàng Pallium và Nhẫn Ngư Phủ, tức nhẫn giáo hoàng, là điểm đặc biệt và cảm động nhất của Thánh lễ Khai Mạc ThừaTác Vụ Pherô của Ðức Tân Giáo Hoàng Benedictô XVI, trong y phục màu vàng thật trang trọng.

Trong bài giảng dài khoảng 30 phút và đã được dân chúng ngắt ngang hoan hô đến 28 lần, ÐTC đã không trình bày chương trình hành động cho triều giáo hoàng, nhưng nói đến sự hiệp nhất giáo hội, và xin mọi nguời cầu nguyện cho Ngài; Ngài ý thức rằng ngài không chu toàn thừa tác vụ một mình. Thật ra, --- theo ÐTC nói --- ngài không có khả năng để chu toàn thừa tác vụ một mình.

ÐTC đã nói như sau: "Trong giây phút nầy, là một con người già yếu phục vụ Chúa như tôi đây, tôi phải lãnh lấy trách vụ to lớn, một trách vụ thật sự vượt quá khả năng con người. Làm sao tôi có thể làm được? Làm sao tôi có khả năng để làm điều nầy? Thưa quý bạn thân mến của tôi, tất cả anh chị em vừa dâng lời khẩn cầu toàn thể các Thánh, được đại diện bởi vài vị nổi tiếng trong lịch sử Thiên Chúa tiếp xúc với con người. Như thế, tôi cũng có thể nói với niềm xác tín  mới rằng: Tôi không cô đơn một mình. Tôi không nên làm một mình điều mà thật ra tôi không bao giờ có thể làm một mình. Tất cả các Thánh của Chúa hiện diện để bảo vệ tôi, nâng đỡ tôi và đưa tôi đi. Và thưa anh chị em thân mến, những người bạn của tôi, những lời cầu nguyện của anh chị em, sự khoan dung của anh chị em, tình thương của anh chị em, đức tin và niềm hy vọng của anh chị em, luôn đồng hành với tôi".

Sau khi đã giải thích ý nghĩa của dây Pallium và chiếc nhẫn ngư phủ, ÐTC kết thúc bài giảng  nhắc lại những lời lêu gọi của đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II: Anh chị em đừng sợ, đừng sợ đón tiếp Chúa Kitô. Ðặc biệt, ÐTC đã ngỏ lời với những người trẻ như sau: "Các bạn trẻ thân mến, ngày hôm nay, với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín to lớn, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Cha nói với chúng con rằng: chúng con đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất điều gì cả, và Chúa ban cho chúng ta đủ mọi sự. Khi chúng ta hiến thân  cho Chúa, chúng ta  nhận lại gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật. Amen.

Hãng tin AFP đã trích thuật những phản ứng tích cực của nhiều người tham dự Thánh Lễ khai mạc nầy, nhất là khi Ðức Tân Giáo Hoàng Benedicto XVI nhắc lại lời mời gọi của Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô II: Xin Ðừng Sợ! ÐTC đã giải thích lời mời gọi nầy như sau:

"Ðến đây, tâm trí tôi trở lại với ngày 22 tháng 10 năm 1978, khi Ðức Gioan Phaolô II bắt đầu thừa tác vụ của ngài tại quảng trường thánh Phêrô nầy. Những lời của ngài trong dịp đó luôn vang lên bên tai tôi: "Xin đừng sợ! Hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô!" Ðức Gioan Phaolô II lúc đó đang ngỏ lời với người quyền thế, với kẻ có sức mạnh trên thế giới nầy, những kẻ lo sợ Chúa Kitô có thể đến lấy đi mất điều gì đó ra khỏi quyền lực của họ, nếu như họ để cho Chúa Kitô ngự vào, nếu như họ cho phép đức tin được tự do. Phải, chắc chắn ngài lấy điều gì đó khỏi họ: đó là sự thống trị của tham nhũng, đó là việc lèo lái luật pháp và sự tự do muốn làm gì tùy ý. Nhưng Chúa Kitô không lấy đi bất cứ điều gì có liên quan đến phẩm giá hay sự tự do của con người hoặc liên quan đến việc xây dựng một xã hội công bằng. Ðức Gioan Phaolô II lúc đó cũng ngỏ lòi với mọi người, nhất là những người trẻ. Thử hỏi chúng ta chẳng lẽ không lo sợ cách nầy hay cách khác hay sao? Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô bước vào cách trọn vẹn trong đời sống chúng ta, nếu chúng ta mở rộng hoàn toàn chính mình để tiếp rước ngài, thì thử hỏi chúng ta không sợ rằng Ngài sẽ lấy đi điều gì đó ra khỏi chúng ta hay sao? Cóù thể chúng ta đang lo sợ phải bỏ đi điều gì đó có ý nghĩa, điều gì đó duy nhất, điều gì đó làm cho cuộc sống nầy trở nên tươi đẹp, có phải vậy không? Liệu chúng ta không liều đi đến hậu quả nầy là sự tự do của chúng ta bị giảm xuống và bị thiếu đi hay không? Và đây, một lần nữa, Ðức Gioan Phaolô II nói với chúng ta rằng: Không phải vậy! Nếu chúng ta để Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời mình, chúng ta không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì  làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn với Chúa Kitô nầy mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bạn với Chúa nầy là khả năng to lớn của cuộc sống con người được thể hiện đích thực. Chỉ trong tình bạn với Chúa nầy mà chúng ta hy vọng cảm nghiệm được vẽ đẹp và sự giải phóng."

Và lời cuối cùng của bài giảng của ÐTC, --- như chúng tôi vừa nhắc đến trên đây --- là lời ngài mời gọi các bạn trẻ như sau: "Các bạn trẻ thân mến, ngày hôm nay, với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín to lớn, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Cha nói với chúng con rằng: chúng con đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, và Chúa ban cho chúng ta đủ mọi sự. Khi chúng ta hiến thân cho Chúa, chúng ta nhận lại gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật. Amen.

Trong phần rước lễ, theo nguồn tin của Vatican, thì có 320 linh mục phụ giúp trao Mình Chúa cho tín hữu.

Kết thúc Thánh Lễ, ÐTC ban phép lành long trọng cho tất cả mọi người. Cộng đồng hiện diện cất hát kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng. Và ÐTC bước lên Xe mui trần từ từ đưa ngài đi vòng quanh Quảng trường vẫy tay chào và ban phép lành cho mọi người.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page