Diễn từ Ðầu Tiên của

Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô XVI

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Diễn Từ Ðầu Tiên của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô XVI.

(Radio Veritas Asia 21/04/2005) - Diễn Từ Ðầu Tiên của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô XVI trong thánh lễ đầu tiên của ngài với các Vị Hồng Y, lúc 9 giờ sáng, thứ Tư, ngày 20 tháng 4 năm 2005, trong Nhà Nguyện Sistina. Ðây là Thánh Lễ kết thúc Mật Viện.

Trong tháng lễ, Ðức Tân Giáo Hoàng đã không giảng sau bài Phúc Âm, được trích từ Phúc âm theo thánh Mathêu, nơi đoạn Chúa Giêsu hỏi các tông đồ nơi miền Cesarê-Philipphê: "người ta bảo Con Người là ai? Và các con, các con bảo Thầy là ai?" Sau lời tuyên xưng của thánh Phêrô, Chúa Giêsu đáp lại với lời hứa: "Con là Ðá; và trên Ðá nầy Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy" (cf. Mt 16, 13-20). Chính biến cố và nhất là những lời hứa nầy của Chúa Giêsu đã được Ðức Tân Giáo Hoàng nhắc lại như là biến cố căn bản "gợi hứng" cho ngài trong thừa tác vụ mới, như chúng ta sẽ thấy trong diễn từ đầu tiên của Ðức tân Giáo Hoàng.

Cuối Thánh Lễ, trước khi ban phép lành kết thúc, ÐTC Bênêđíctô XVI đọc diễn từ bằng tiếng Latinh để trình bày những điểm chính yếu của chương trình hành động của ngài, như là chủ chăn tối cao của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu. Tuy diễn từ được đọc trước mặt quý vị Hồng Y cùng đồng tế Thánh Lễ, nhưng qua lời "Thưa gởi mở đầu", chúng ta hiểu được ý định của Ðức Tân Giáo Hoàng đã muốn ngỏ lời với tất cả mọi người, --- "thưa tất cả quý vị, những con người thiện chí nam nữ", --- vượt ra ngoài thời gian và không gian Nhà Nguyện Sistina lúc 9 giờ sáng thứ Tư, ngày 20 tháng 4 năm 2005.

Ðây, chúng ta hãy cùng lắng nghe và suy nghĩ về diễn từ đầu tiên của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI:

 

Chư Huynh Hồng Y đáng kính,

Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô,

Và tất cả quý vị, những con người thiện chí nam nữ,

1. Nguyện chúc tất cả được tràn đầy ân sủng và bình an! (x. Pet 1,2)! Trong tâm hồn tôi, trong những giờ phút nầy có hai tâm tình trái nghịch nhau. Một đàng, ý thức về sự không tương xứng và một sự lo lắng con người trước trách nhiệm mà ngày hôm qua đã được trao phó cho tôi, như là Người Kế Vị Thánh tông đồ Phêrô tại ngai tòa Roma nầy, đối với toàn thể Giáo Hội phổ quát. Ðàng khác, tôi cảm nghiệm mạnh mẽ nơi tôi một tâm tình cảm tạ sâu xa đối với Thiên Chúa, là Ðấng, - như chúng ta đã hát lên trong Phụng Vụ - không bỏ rơi đoàn chiên của Ngài, nhưng dẫn dắt đoàn chiên đó qua dòng thời gian, dưới sự hướng dẫn của những kẻ mà chính Ngài đã chọn làm đại diện cho Con Một Ngài và thiết lập họ làm những Chủ Chăn (x. Kinh tiền tụng lễ kính các Thánh Tông Ðồ I).

Thưa Chư Huynh, quý anh chị em và quý vị rất thân mến,

Tâm tình biết ơn sâu xa vì hồng ân Thiên Chúa nhân từ ban cho, (tâm tình đó) nổi bật trong tôi, mặc cho tất cả mọi sự khác. Và tôi xem sự kiện nầy như là một ân sủng đặc biệt được trao ban cho tôi qua Vị Tiền Nhiệm là Ðức Gioan Phaolô II. Tôi như cảm nghiệm được bàn tay mạnh mẽ của ngài nắm lấy tay tôi; tôi xem ra như nhìn thấy đôi mắt tươi cười của ngài và lắng nghe những lời ngài nói với tôi một cách đặc biệt trong giây phút nầy: "Ðừng Sợ".

Cái chết của Ðức Thánh Cha GioanPhaolô II và những ngày kế tiếp, là thời gian đặc biệt của ân sủng cho giáo hội và cho toàn thế giới. Nổi đau buồn to lớn của việc ngài từ trần và cảm thức trống vắng mà ngài để lại nơi tất cả mọi người, đã được làm vơi đi nhờ tác động của Chúa Kitô Phục Sinh, tác động được thể hiện trong nhiều ngày qua bởi từng đoàn lớp người nói lên Ðức Tin, tình thương mến, tình liên đới thiêng liêng, tác động đạt tới cao điểm của nó nơi Thánh Lễ an táng long trọng.

Chúng ta có thể nói: lễ an táng của Ðức Gioan Phaolô II đã là một kinh nghiệm thật sự ngoại thường, trong đó một cách nào đó, được ghi nhận quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng qua giáo hội muốn làm cho tất cả mọi dân nước trở nên một đại gia đình, nhờ sức mạnh hiệp nhất của Sự Thật và Tình Thương (x. Lumen gentium, số 1). Trong giây phút từ trần, đúng theo Thánh Ý của Ðấng là Thầy và là Chúa của ngài, Ðức Gioan Phaolô II đã làm rạng rỡ triều đại giáo hoàng dài lâu và phong phú của ngài, bằng việc củng cố dân kitô trong Ðức Tin, vừa quy tụ họ lại quanh mình  và làm cho toàn thể gia đình nhân loại cảm thấy hiệp nhất hơn. Thử hỏi làm sao chúng ta không cảm thấy mình được nâng đỡ bởi chứng tá như vậy? Thử hỏi làm sao không ý thức được sự khuyến khích đến từ biến cố ân sủng nầy?

 

Ðến đây, Ðức Tân Giáo Hoàng nhắc đến việc các Vị Hồng Y đã chọn ngài lên kế vị Thánh Phêrô nơi ngai tòa Roma, và suy nghĩ về thừa tác vụ Phêrô được trao phó cho ngài. ÐTC nói như sau:

 

2. Ngoài mọi dự kiến trước của tôi, Thiên Chúa Quan Phòng, qua lá phiếu của quý Ðức Hồng Y đáng kính, đã gọi tôi kế vị Ðức Giáo Hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II. Trong những giây phút nầy, Tôi suy nghĩ về những gì đã xảy ra tại Cesarê-Philipphê, cách đây 2,000 năm. Tôi xem ra như nghe được những lời của Thánh Phêrô, như sau: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", và nghe được lời quả quyết long trọng của Chúa rằng: "Con là Ðá, và trên đá nầy Thầy sẽ xây giáo hội của Thầy... Thầy trao cho con chìa khóa Nước trời" (Mt 16, 15-19).

Thầy là Ðấng Kitô! Con là Ðá! Tôi cảm thấy như mình sống lại chính biến cố Phúc âm; Tôi, người kế vị Thánh Phêrô, tôi xin lặp lại cách khẩn thiết những lời rung động của người đánh cá miền Galilêa và tôi nghe lại với tâm tình xúc động sâu xa lời hứa đầy bảo đảm của Ðấng là Thầy của tất cả chúng ta. Nếu gánh nặng to lớn biết chừng nào của trách nhiệm đè xuống xuống trên đôi vai  đơn hèn của tôi, thì chắc chắn rằng tôi có thể nương tựa vào quyền năng của Chúa còn tràn đầy hơn: "Con là Phêrô (Ðá Tảng) và trên Ðá nầy Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy (Mt 16, 18). Khi chọn tôi làm giám mục Roma, Chúa đã muốn cho tôi trở nên vị Ðại Diện của ngài, muốn cho tôi trở thành "Ðá", trên đó tất cả mọi người có thể nương tựa cách an toàn. Tôi khẩn xin Ngài hãy bổ túc cho sự nghèo cùng của những năng lực tôi, ngõ hầu tôi được trở nên vị Chủ Chăn can đảm và trung thành của đoàn chiên, luôn luôn tuân phục những soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Tôi muốn lãnh lấy thừa tác vụ đặc biệt nầy, thừa tác vụ của Phêrô, để phục vụ cho giáo hội phổ quát, với sự khiêm tốn phó thác vào đôi tay Quan Phòng của Thiên Chúa. Và trước hết tôi muốn nói lên một lần nữa sự gắn bó của tôi vào Chúa Kitô, một sự gắn bó đầy tin tưởng và trọn vẹn: Lạy Chúa, con trông cậy vào Chúa; và con sẽ không phải hổ thẹn muôn đời!"

Thưa quý Ðức Hồng Y, với tâm tình biết ơn vì sự tin tưởng của quý Ðức Hồng Y vào tôi, tôi xin quý đức hồng y hãy nâng đỡ tôi bằng lời cầu nguyện và bằng sự cộng tác liên lỉ, tích cực và đầy khôn ngoan. Tôi cũng xin tất cả những anh em trong hàng giám mục hãy hiện diện bên cạnh tôi bằng lời cầu nguyện và lời khuyên, ngõ hầu tôi được thật sự là người Tôi tớ của các tôi tớ của Thiên Chúa, servus servorum Dei. Như Thánh Phêrô và tất cả các tông đồ kết thành, do theo ý muốn của Chúa, một tông đồ đoàn duy nhất, thì cũng thế người kế vị Thánh Phêrô và các giám mục, những kẻ kế vị các tông đồ --- như Công Ðồng Vatican II đã xác nhận điều nầy cách mạnh mẽ (x. Lumen gentium số 22) --- phải hiệp nhất chặt chẽ với nhau. Sự hiệp thông tập đoàn nầy, dù trong sự đa biệt về vai trò và chức vụ của Vị Giáo Hoàng Roma và của các giám mục, đều phục vụ cho Giáo Hội và phục vụ cho sự hiệp nhất trong đức tin, mà từ đó tùy thuộc phần lớn sự hữu hiệu của hoạt động rao giảng phúc âm trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, trên con đường nầy, mà trên đó những vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã tiến bước, tôi cũng muốn tiến bước, với quan tâm duy nhất là rao giảng cho toàn thế giới biết sự hiện diện sống động của Chúa Kitô.

3. Một cách đặc biệt, chứng tá của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiện diện trước mắt tôi. Ngài để lại một giáo hội can đảm hơn, tự do hơn, trẻ trung hơn. Một giáo hội mà, theo giáo huấn và mẫu gương của ngài, biết nhìn cách thư thản về quá khứ và không lo sợ trước tương lai. Với Ðại Năm Thánh 2000, giáo hội được dẫn đưa vào ngàn năm mới, vừa nắm trong tay quyển Phúc Âm, được áp dụng cho thế giới hiện nay, qua việc đọc lại Công Ðồng Vaticanô II một cách có uy tín hơn. Ðúng vậy, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã nêu chỉ Công Ðồng như là "địa bàn" để định hướng mình trong đại dương bao la của ngàn năm thứ ba (x. Bước vào ngàn năm mới, các số 57-58). Cả trong di chúc thiêng liêng của ngài, Ðức Gioan Phaolô II đã ghi như sau: "Tôi xác tín rằng trong thời gian dài lâu nữa các thế hệ trẻ còn múc lấy những sự phong phú mà Công Ðồng của thế kỷ thứ 20 đã để lại cho chúng ta" (17.IV.2000).

Ngoài ra, tôi đây cũng vậy, trong dấn thân vào công việc phục vụ theo trách vụ riêng của người kế vị Thánh Phêrô, tôi muốn xác định cách mạnh mẽ nhất quyết tiếp tục trong dấn thân thực hiện Công Ðồng Vatican II, theo vết chân của những vị tiền nhiệm tôi và trong sự trung thành liên tục với truyền thống hai ngàn năm của Giáo Hội. Năm nay (2005) sẽ đến lễ kỷ niệm 40 năm bế mạc Công Ðồng Vatican II (8 tháng 12 năm 1965). Với thời gian qua đi, những Văn Kiện của Công Ðồng không mất đi tính cách thời sự của chúng; ngược lại, những giáo huấn nơi các Văn Kiện Công Ðồng cho thấy phù hợp cách đặc biệt với những đòi hỏi mới của Giáo Hội và của xã hội hiện nay đã bị toàn cầu hóa.

4. Một cách thật ý nghĩa như chưa từng thấy, triều giáo hoàng của tôi bắt đầu trong khi Giáo Hội sống Năm Ðặc Biệt được dành cho bí tích Thánh Thể. Làm sao không nhìn thấy trong sự trùng hợp quan phòng nầy, một yếu tố đáng ghi dấu thừa tác vụ mà tôi đã được mời gọi thi hành? Bí Tích Thánh Thể, con tim của đời sống kitô và nguồn mạch của sứ mạng rao giảng phúc âm của Giáo Hội, không thể nào không kết thành trung tâm thường hằng và nguồn mạch cho việc phục vụ của Phêrô, đã được trao phó cho tôi.

Bí Tích Thánh Thể làm cho Chúa Kitô Phục Sinh liên lỉ hiện diện; Ngài tiếp tục trao ban chính mình cho chúng ta, vừa mời gọi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Mình và Máu Thánh Ngài. Từ sự hiệp thông hoàn toàn với Ngài, phát sinh mọi yếu tố khác của đời sống Giáo Hội, trước hết là sự hiệp thông giữa tất cả mọi tín hữu, sự dấn thân rao gảng và làm chứng cho Tin Mừng, lòng hăng say thi hành tình thương bác ái đối với tất cả, nhất là đối với những người nghèo cùng và những kẻ bé nhỏ.

Trong Năm Thánh Thể nầy, cần phải cử hành một cách đặc biệt Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa, Corpus Domini. Vào tháng 8 tới đây (năm 2005), Bí Tích Thánh Thể sẽ là trung tâm của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Colonia, (bên Ðức) và vào tháng 10 (năm 2005), của Khóa Họp Thông Thường Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới theo chủ đề: "Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và là cao điểm của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội". Tôi yêu cầu tất cả hãy gia tăng trong những tháng tới đây tình thương và lòng sùng mộ đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và hãy tỏ ra cách can đảm và rõ ràng đức tin vào sự hiện diện thật của Chúa, nhất là qua những cử hành uy nghiêm và đúng quy luật.

Tôi đặc biệt yêu cầu điều nầy nơi các linh mục, mà trong giây phút nầy tôi nghĩ đến họ với hết lòng trìu mến. Chức linh mục thừa tác đã phát sinh từ Phòng Tiệc Ly, như vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Ðức Gioan Phaolô II, đã nhấn mạnh biết bao nhiêu lần. "Cuộc đời của linh mục phải đặc biệt mang lấy "chiều kích thánh thể", Ðức Gioan Phaolô II đã viết như thế trong bức thư cuối cùng gởi cho các Linh Mục nhân ngày Thứ Năm Tuần Thánh (số 1). Việc sốt sắng cử hành hằng ngày Thánh Lễ Misa, trung tâm của đời sống và sứ mạng của mọi linh mục, góp phần trước hết vào việc thực hiện điều nầy (tức chiều kích Thánh Thể của đời linh mục).

 

Từ Bí Tích Thánh Thể, Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI rút ra những điểm chính yếu cho chương trình hành động của triều giáo hoàng của ngài; đó là tiếp tục thực hiện sự hiệp nhất kitô, đối thoại thần học, đối thoại với các nền văn minh, phục vụ cho sự hiệp nhất gia đình nhân loại, làm chứng cho Sự Thật của Chúa. Ðức Tân Giáo Hòang Bênêđíctô XVI nói tiếp như sau:

 

5. Ðược nuôi dưỡng và nâng đỡ bởi bí tích Thánh Thể, những nguời công giáo không thể nào không cảm thấy được khuyến khích tiến đến sự hiệp nhất hoàn toàn mà Chúa Kitô đã hết sức mong muốn nơi Phòng Tiệc Ly. Người kế vị Thánh Phêrô biết rõ mình có bổn phận đặc trách một cách đặc biệt về ước muốn cuối cùng nầy của Thầy Chí Thánh. Thật vậy, trách vụ củng cố anh em (x. Lc 22,32) đã được trao phó cho người Kế vị nầy.

Với ý thức đầy đủ vào khởi đầu thừa tác vụ của mình tại Giáo Hội Roma mà thánh tông đồ Phêrô đã tưới dội bằng chính máu của ngài, người kế vị của thánh Phêrô hôm nay lãnh nhận như là trách vụ ưu tiên việc dấn thân hoạt động mà không ngại hao tốn năng lực cho công cuộc tái thiết lập sự hiệp nhất hoàn toàn và hữu hình của tất cả mọi đồ đệ của Chúa Kitô. Ðây là tham vọng của ngài, đây là bổn phận thôi thúc ngài. Người kế vị Thánh Phêrô hôm nay ý thức rằng để làm công việc hiệp nhất nầy, mà chỉ nói lên những tâm tình tốt đẹp mà thôi thì chưa đủ. Cần phải có những hành động cụ thể ăn sâu vào các tâm hồn và đánh động các lương tâm, vừa mời gọi mỗi người hãy hoán cải nội tâm mình; sự hoán cải nội tâm nầy là điều kiện cho mọi tiến bộ trên con đường đại kết.

Việc đối thoại thần học là điều cần thiết; việc đào sâu những lý do lịch sử của những chọn lựa đã xảy ra trong quá khứ cũng là điều hết sức cần thiết. Nhưng điều thôi thúc nhất là việc "thanh luyện ký ức", đã được Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến biết bao lần; chỉ việc thanh luyện ký ức nầy mới có thể chuẩn bị các tâm hồn đón nhận sự thật trọn vẹn của Chúa Kitô. Chính trước nhan Người, vị Quan Án Tối Cao của mọi nhân sinh, mà mỗi người chúng ta phải đặt mình,  ý thức rằng một ngày kia phải trả lẽ cho Người về những gì đã làm hay đã không làm, đối với điều thiện hảo to lớn là sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của tất cả mọi đồ đệ của Chúa.

Người kế vị thánh Phêrô nầy đích thân đặt ra cho mình câu hỏi nầy trước và sẵn sàng làm tất cả những gì trong quyền hạn để cổ võ công cuộc căn bản của phong trào đại kết. Theo con đường của những vị Tiền nhiệm, người kế vị Thánh Phêrô nầy hoàn toàn nhất quyết vun trồng mọi sáng kiến có thể xem ra hợp thời để cổ võ những tiếp xúc và sự thông hiểu với những vị đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng giáo hội khác. Nhân dịp hôm nay, tôi cũng gởi đến họ lời chào thân tình nhất trong Chúa Kitô, Chúa duy nhất của tất cả mọi người.

6. Trong giây phút nầy, tôi nhớ lại kinh nghiệm không thể nào quên được mà tất cả chúng ta đã trải qua nhân dịp cái chết và lễ an táng của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Quanh di hài của ngài, được đặt nằm đơn sơ trên mặt đất, người ta thấy được quy tụ lại những thủ lãnh các quốc gia, những con người thuộc đủ mọi thành phần xã hội, và nhất là những người trẻ, trong một cử chỉ không thể nào quên được để biểu lộ lòng mộ mến và khâm phục. Toàn thế giới đã tin tưởng hướng nhìn về ngài. Nhiều người dường như nghĩ rằng sự tham dự đông đảo như vậy, được trải rộng cho đến tận cùng trái đất bởi những phương tiện truyền thông xã hội, là như một lời yêu cầu đồng nhất hướng về Ðức Thánh Cha và xin ngài trợ giúp cho nhân loại đang bị xáo trộn bởi những điều không chắc chắn và những lo sợ và là một nhân loại đang tự vấn về tương lai của mình.

Giáo Hội ngày hôm nay phải làm sống lại nơi chính mình  ý thức về trách vụ phải đề nghị lại cho thế giới lời của Ðấng đã nói: "Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống" (Gn 8,12). Khi lãnh lấy thừa tác vụ của mình, vị Tân Giáo Hoàng nầy biết rằng trách vụ của mình là làm chiếu sáng trước mặt mọi người nam nữ ngày nay ánh sáng của Chúa Kitô: không phải là ánh sáng của riêng mình, nhưng là ánh sáng của Chúa Kitô.

Với ý thức nầy, tôi ngỏ lời với tất cả mọi người, cả những ai đang sống theo những tôn giáo khác hoặc những ai đang đơn sơ đi tìm câu trả lời cho những vấn nạn căn bản về cuộc sống mà chưa gặp được câu trả lời. Tôi ngỏ lời với tất cả mọi người trong sự đơn sơ và lòng mộ mến, để bảo đảm rằng Giáo Hội muốn tiếp tục dệt nên với họ một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành, để mưu tìm điều thiện hảo thật cho con người và cho xã hội.

Tôi khẩn cầu cùng Thiên Chúa xin ngài ban ơn hiệp nhất và bình an cho gia đình nhân loại và tôi nói lên sự sẵn sàng của tất cả mọi người công giáo để cộng tác vào việc phát triển đích thật xã hội, một công cuộc phát triển biết tôn trọng phẩm giá của mỗi một người.

Tôi sẽ không ngừng cố gắng và dấn thân để tiếp tục cuộc đối thoại đầy hứa hẹn mà những vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã mở ra với các nền văn minh khác, bởi vì từ sự hiểu nhau nầy mà phát sinh những điều kiện của một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người.

Tôi nghĩ đặc biết đến những người trẻ. Tôi mến hôn họ, những kẻ đối thoại ưu tiên của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong khi chờ đợi, --- nếu Chúa muốn, --- được gặp họ tại Colonia, nhân dịp ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp đến (8/2005). Các bạn trẻ thân mến, tương lai và niềm hy vọng của giáo hội và của nhân loại, cha tiếp tục đối thoại với chúng con, vừa lắng nghe những chờ đợi của chúng con trong ý định muốn giúp chúng con gặp được Chúa Kitô hằng sống, Ðấng muôn đời tươi trẻ, mỗi ngày một sâu xa hơn.

7. Mane nobiscum, Domine! Lạy Chúa, xin hãy ở lại với chúng con! Lời khẩn xin nầy, chủ đề chính của Tông thư của Ðức Gioan Phaolô II về Năm Thánh Thể, là lời cầu nguyện bộc phát từ tâm hồn tôi, trong khi tôi chuẩn bị bắt đầu thừa tác vụ mà Chúa Kitô đã kêu gọi tôi đến thực hiện. Như thánh tông đồ Phêrô, tôi lặp lại với Chúa lời hứa trung thành vô điều kiện. Tôi chỉ muốn phục vụ một mình Chúa mà thôi, vừa hiến dâng trọn cả con người tôi để phục vụ Giáo Hội của Chúa.

Ðể nâng đỡ cho lời hứa nầy, tôi xin Mẹ Maria rất thánh khẩn cầu cùng Chúa cho tôi; trong tay Mẹ, tôi xin phó thác hiện tại và tương lai đời tôi  cũng như phó thác hiện tại và tương lai của Giáo Hội. Nguyện xin hai thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô và tất cả các Thánh khẩn cầu cùng Chúa cho tôi.

Với những tâm tình nầy, thưa  quý chư huynh hồng y đáng kính, tôi xin gởi đến chư huynh, đến những ai tham dự vào lễ nầy và tất cả những ai lắng nghe qua Truyền thanh và Truyền Hình, một Phép Lành đặc biệt và đầy mộ mến.

 

(bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page